Friday, November 12, 2021

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19: ĐỘT PHÁ GÌ? XÂY DỰNG NHƯ THẾ NÀO? (Trần Tuấn)

 


CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19: ĐỘT PHÁ GÌ? XÂY DỰNG NHƯ THẾ NÀO? 

Trần Tuấn

11/11/2021  20:18   

https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10221224476776486

 

Sáng nay, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong đó, sẽ nhắc đến việc chính phủ đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là bản chiến lược tổng thể) song hành với phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong tình hình sống chung với vi rút SARS-COV-2.

 

Tiếp nối thành công trong chuyến đi Âu châu, đặc biệt với những cam kết loại bỏ nhiệt điện than, đưa Việt nam đồng hành cùng các quốc gia tiến bộ trên thế giới tiên phong thực hiện mục tiêu “zero-net” 2050 khí thải các bon, tôi tin Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để công tác xây dựng “chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19” đáp ứng yêu cầu đại biểu Quốc hội đặt ra: Phải có đột phá”!

 

ĐỘT PHÁ GÌ?

 

Công tác xây dựng bản chiến lược tổng thể đã đi vào giai đoạn cuối, lấy ý kiến phản biện từ các bộ ngành, các chuyên gia cả trong nước và tổ chức quốc tế. Chiến lược tổng thể sẽ tạo khung hành động cho các kế hoạch, chính sách cụ thể của từng bộ ngành đưa ra trong thời gian tới liên quan tới phòng chống dịch và ổn định phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, chắc chắn sẽ có không ít các ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Đảm bảo bản chiến lược tổng thể hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, là một yêu cầu khó, tới mức “nghệ thuật”, kết hợp giữa khoa học phòng chống dịch bệnh và quản trị điều hành xã hội, chắc chắn mang dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo hệ thống cùng đội ngũ trợ lý!

 

Là người được tham gia tiến trình xây dựng bản chiến lược tổng thể này, tôi mường tượng Thủ tướng sẽ chọn ra từ nội dung bản chiến lược tổng thể cập nhật tới hôm nay, 5 “đột phá” chính, Đó là:

 

- (1) Nâng cấp chuyên môn y tế trên toàn hệ thống dự phòng và điều trị;

 

- (2) Giải pháp quản lý hệ thống đảm bảo vai trò chủ lực của giám sát phát hiện dịch bệnh sớm và bao phủ vắc xin bảo vệ 100% các nhóm nguy cơ cao;

 

- (3) giải pháp quản lý nguy cơ dịch bệnh và thảm họa xây dựng theo khoa học dịch tễ học và y tế công cộng;

 

- (4) giải pháp tài chính ổn định và bền vững cho công tác phòng chống dịch bệnh; và

- (5) thực hiện đồng bộ, linh hoạt và thống nhất chỉ đạo từ trung ương tới địa phương, cả trong và ngoài hệ thống nhà nước.

 

 

NHỮNG ĐIỂM MỚI MONG MỎI CÓ ĐƯỢC TRONG PHIÊN BẢN CUỐI CÙNG

 

Xây dựng chính sách thực chất là một "cuộc đấu cam go” đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan! Từ góc độ lãnh đạo tổ chức xã hội điều phối ba liên minh tranh đấu bảo vệ lợi ích của người dân trực tiếp liên quan tới y tế và biến đổi khí hậu (liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học EBHPD, liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt nam NCDs-VN, và nhóm hợp tác Một Sức khỏe & Biến đổi Khí hậu CSOs-OHCCP), tôi mong mỏi cuối cùng, bản chiến lược tổng thể sẽ có được tối thiểu những nội dung “đột phá” chính sau:

 

- (1) Về chuyên môn y tế: Củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, trong đó sẽ đưa vào thêm hệ thống giám sát trọng điểm, bao gồm cả giám sát phát hiện biến chủng mới và giám sát để can thiệp sớm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, phát triển; Củng cố chất lượng khám điều trị đi từ tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu tới hồi sức cấp cứu bệnh viện.

 

- (2) Về tài chính và quản lý tài chính: Duy trì quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 và tạo thêm quỹ phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học quản lý quỹ để đảm bảo minh bạch và giải trình trách nhiệm trên toàn hệ thống.

 

- (3) Về gắn nối giữa phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế:

 

- Hình thành hệ thống, thiết lập cơ chế điều hành hiệu quả để đáp ứng với an ninh phi truyền thống về dịch bệnh và thảm họa.

 

- Phân định quy định cụ thể vai trò đi kèm trách nhiệm rõ ràng của từng chủ thể tham gia ở từng giai đoạn phòng dịch, chống dịch, bao gồm (i) người dân, (ii) doanh nghiệp, tổ chức xã hội, (iii) cơ quan nghiên cứu khoa học, (iv) chính quyền các cấp, và (v) các bộ, ngành.

 

- (4) về quản lý hệ thống:

 

- Có giải pháp đảm bảo thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội theo dõi giám sát và phản biện độc lập cả tiến trình từ xây dựng hình thành chính sách tới triển khai thực hiện chính sách phòng chống dịch.

 

Được như thế, tôi tin Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra những "đột phá" ngoạn mục trong thời gian tới! Dịch bệnh sẽ được khống chế hiệu quả, và đới sống kinh tế xã hội ổn định một cách vững chắc trước mọi thách thức dịch bệnh như gây ra bởi SARS-COV-2 còn nhiều ở phía trước!

 

Trần Tuấn

08h15, 12.11.2021

 

.

 13 BÌNH LUẬN 

 




No comments: