Sài Gòn ngày phong tỏa thứ bốn
mươi lăm
22/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/22/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-bon-muoi-lam/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42 — phần 43 — phần 44
Mở đầu một ngày với tin thật là buồn, ca sĩ
Quang Vĩnh, một ca sĩ hát nhạc Pháp hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn, một tay trống
lâu năm, anh ruột của Hiếu Piano vừa qua đời lúc 3:30 sáng nay. Buồn ơi là buồn.
Thời đại dịch, trên facebook toàn là những khung tang đen thế ảnh avatar, nhìn
thê lương quá. Mong bạn Quang Vĩnh ra đi thanh thản, về với thế giới không còn
âu lo.
Ngày hôm qua cũng là một ngày nhiều biến động ở
Sài Gòn. Người tuôn ra đường như ngày hội. Những cửa hàng, siêu thị, nhà bán
thuốc đông nghẹt người. Tất cả đều do những văn bản thay đổi xoành xoạch, mỗi
ông nói mỗi kiểu, tiền hậu bất nhất của lãnh đạo thành phố khiến dân chẳng biết
đâu mà lần. Thành phố như nhà vắng chủ, mỗi người nói mỗi cách. Ghế chủ tịch Uỷ
ban, cũng giống như là ông Thị trưởng của một thành phố để trống chờ người.
Lãnh đạo chống dịch chuyền qua Ban Tuyên giáo.
Ông Trưởng ban Phan Nguyễn Như Khuê hôm trước
nói đến 23.8 sẽ cho ra những biện pháp mới siết chặt hơn, không cho ai ra khỏi
nhà, mỗi nhà, mỗi tổ, mỗi khu phố là mỗi pháo đài với 5 giải pháp sắp đến nâng
cao, tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện các văn bản, chỉ
thị của trung ương, thành phố tập trung hơn chống dịch. Mọi người cứ ở yên
trong nhà, sẽ có quân đội mua hàng đem đến tận nhà, dân khỏi phải mất công đi
đâu.
Đến chiều hôm qua sau cuộc họp lúc 15:00, ông
Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố lại cho biết việc áp dụng
các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường sau ngày 23.8 không phải là phong tỏa
hay đặt TP.HCM trong tình trạng khẩn cấp. Và cũng không có chuyện quân đội cung
cấp, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho dân.
Cùng lúc đó, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch
UBND TP.HCM ký văn bản liên quan đến tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được
phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm thực hiện mục
tiêu ‘ai ở đâu ở yên đó’. Từ ngày 23.8 – 6.9), từ 0 giờ ngày 23.8 – 6.9, tất cả
các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, của T.Ư đóng trên địa bàn TP triển
khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4
tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt
tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23.8.
Rồi Shipper công nghệ tạm ngưng hoạt động tại
TP.Thủ Đức, các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh,
Hóc Môn.
Người dân toàn nghe đùng đùng, không biết đâu
mà lần nên đành rầm rộ phi ra đường kiếm thực phẩm, tìm mua thuốc dự trữ cho chắc
ăn. Lãnh đạo cứ mãi trách dân không tuân thủ chỉ thị 16, không chấp hành giãn
cách. Báo chí thì cứ lên án những người ra đường là vô ý thức, cảnh sát thì
liên tục ghi biên bản, làm giấy phạt, thu tiền mà không chịu suy nghĩ nguyên
nhân tại sao người ta tuôn ra đường như đi sắm Tết thế? Một chuyện rất hệ trọng
đến sinh mạng và cuộc sống của dân mà lãnh đạo mỗi ông nói một kiểu, thay đổi
như lật bánh tráng thế thì bảo dân không xôn xao sao được?
Làm ơn thống nhất, bàn bạc cho kỹ đi rồi ra một
văn bản với nội dung cụ thể, ngắn gọn để dân có thể hiểu và làm theo. Chỉ có vậy
thôi mà cứ lùng bùng mãi thì làm sao mà dập được dịch. Chống dịch mà giao cho
tuyên giáo là thấy lo rồi. Rồi sẽ giãn cách dài dài, giới nghiêm đều đều cho mà
xem. Mọi việc ‘vũ như cẩn’!
Thành phố và các tỉnh vẫn còn đó những chốt chận,
những cuộn dây kẽm gai, những dây giăng, những chướng ngại vật. Tất cả án binh
tại chỗ. Trên clip của Lê Thân Thiện, một người lâu nay thường nhận sứ mệnh hỗ
trợ, giúp đỡ những số phận gặp khó khăn có kể lại một trường hợp đắng lòng về một
cặp vợ chồng và đứa con trai. Họ là công nhân, thất nghiệp mấy tháng nay, vợ
mang bầu chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày sinh.
Không có cách nào khác là phải tìm về quê để
có thể có gia đình, cha mẹ giúp đỡ trong cơn vượt cạn. Gom góp số tiền có trong
tay, đi xét nghiệm để có giấy chứng minh âm tính. Đường về quê hơn hai trăm cây
số của một gia đình ba người chỉ còn trong túi 165.000 đồng, một gói bánh và một
chai xăng dự trữ. Nhưng chốt ở Long An không cho đi tiếp, đành phải quay đầu.
Người đàn ông chẳng biết phải làm gì để tiếp tục sống và nuôi vợ đẻ trong những
ngày sắp tới đành gạt nước mắt đã rớt trên khuôn mặt buồn hiu. Người vợ với cái
bụng to sấp mặt cũng lặng lẽ chẳng biết nói gì trước cảnh trái ngang này. Chị
đang lo âu ngày sinh nở đã tới mà tiền chẳng còn, miếng ăn hàng ngày cũng không
có, biết làm sao đây?
Anh Thiện thay mặt những mạnh tường quân gởi
cho gia đình 5 triệu đồng gắng qua cơn khốn khó. Hỏi anh ta làm gì khi có số tiền
này, anh bảo sẽ mua gạo, mua thức ăn cho vợ có sức mà đi sinh. Rồi những ngày
sinh nở của vợ, không biết lấy đâu để trả tiền bệnh viện, lấy đâu mà mua thức
ăn, mua thuốc cho vợ, lấy đâu mà hai cha con sinh sống đây? Nhìn cả gia đình ngồi
bên vệ đường với chiếc xe gắn máy lỉnh kỉnh túi xách, ba lô và cái bụng bầu của
người sản phụ sắp sanh mà muốn rớt nước mắt. Không biết mai đây, đời sống của
cái gia đình nhỏ ấy sẽ như thế nào trong cơn đại dịch này?
Thành phố đã bất lực sau quá nhiều biện pháp
không hiệu quả. Và đành phải để trung ương vào cuộc. 1.000 quân nhân là các giảng
viên và học viên của Học viện Quân y quân đội vào tăng cường chống dịch hỗ trợ
cho thành phố. Được biết đoàn công tác có 300 thành viên, tổ chức thành 60 tổ
quân y lưu động do đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hệ trưởng hệ sau đại học của Học viện
Quân y, làm trưởng đoàn. Lực lượng quân y từ Hà Nội vào sẽ triển khai đến các bệnh
viện dã chiến, 400 trạm xá lưu động ở 22 quận, huyện để đến từng nhà chăm sóc,
điều trị các F0. Chuyến bay VJ121 đầu tiên đã hạ cánh vào lúc 14h35 chiều qua
21-8.
Như thế, tin quân đội tăng cường sẽ mua hàng
cho dân là phát biểu tào lao, họ là những nhân viên y tế và chỉ đảm nhận những
công việc dính dáng đến y tế. Tấm hình xuất hiện trên mạng mà rất nhiều người
chia sẻ ghi mấy người trong bộ đồ bảo hộ trắng mang súng trường cá nhân được
cho là của viện binh Hà Nội vào Sài Gòn cũng là hình dỏm lấy ở đâu đó.
Ngày 21.8, TP.HCM đề xuất Quân khu 7 chi viện
hơn 6.000 quân nhân chống dịch. Số nhân lực được đề xuất tăng cường từ Quân khu
7, nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM theo chỉ đạo của Chính
phủ. Lực lượng chi viện cho TP.HCM theo đề xuất của Tổ điều phối bao gồm 4.000
cán bộ chiến sĩ chủ lực của Quân khu 7, 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác,
30 xe cứu thương kèm 30 tài xế và 30 nhân viên y tế theo xe cứu thương, cấp cứu…
Hi vọng với sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp
từ trung ương cùng sự có mặt của lực lượng quân đội, những biện pháp và cách xử
lý mới, người dân thành phố hi vọng sẽ có những biến chuyển để chấm dứt cách tù
hãm kéo dài như hiện nay.
Đã có những lúng túng, đã có lắm sai lầm. Mong
những bước tiếp theo sẽ khá hơn. Trước hết là chấm dứt ngay tư tưởng xét nghiệm
toàn thành, một việc làm tốn kém và vô ích, chỉ làm giàu cho nhóm lợi ích của
các công ty dược cung cấp thiết bị. Cũng nên chấm dứt ngay việc phun thuốc bừa
bãi khắp nơi như đã làm, chẳng hiệu quả mà còn gây nhiễm độc không khí. Tiến
hành nhanh nhất việc hỗ trợ, trợ cấp cho người nghèo và người lao động thất
nghiệp. Nhiều địa phương rất chậm chạp và thiếu trách nhiệm, thiếu công bằng
trong việc này. Cần cách chức ngay các chủ tịch phường, các tổ trưởng dân phố
hành dân, vô trách nhiệm với dân. Hiện nay có rất nhiều tiếng dân kêu về chuyện
trợ cấp này. Nếu không xử lý kịp thời và đúng người sẽ sinh ra những oán trách,
bức bối không cần thiết trong dân.
Thành phố đã có một thời gian dài chủ động
trong phòng chống dịch nhưng không thành công. Các chủ trương, chính sách, biện
pháp và cách tiến hành của thành phố đã không đạt yêu cầu. Thành phố vẫn lúng
túng trong việc đối phó với dịch bệnh, do vậy phải giao lại cho trung ương cũng
là điều hợp lý. Bí thư của thành phố cũng cho thấy sự năng nổ của ông trong
công việc, biết lắng nghe, chịu sửa đổi, sâu sát với tình hình. Tuy vậy vẫn
không đạt được những mục tiêu thành phố đưa ra.
Cả bộ sậu lãnh đạo thành phố loay hoay không
đường thoát. Tạm thời giao cho tuyên giáo lại càng khiến tình hình rối rắm hơn.
Giao chính phủ điều khiển là đúng lúc. Và mong mỏi của nhân dân thành phố là hi
vọng chính phủ sẽ phân bổ thêm vaccine để thành phố sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng
cho dân. Đó là con đường tốt nhất, giải pháp hợp lý nhất để Sài Gòn thoát khỏi
vũng lầy của cơn dịch này. Không thể cứ rào chắn, giăng dây, giam nhốt người
dân mãi ở trong nhà mà có thể thắng được con virus . Phải thay đổi tích cực các
biện pháp mới hợp lòng dân và khoa học hơn, đó là mong ước của dân để dân còn
tin vào chính phủ.
Trong những lần thiên tai, bão lũ cũng như
trong mùa dịch thế này, mì gói là món ăn được sử dụng nhiều nhất và tiện lợi nhất.
Thiên tai mấy năm liền rồi đại dịch, Việt Nam trở thành nước đứng thứ ba tiêu
thụ mì gói nhiều nhất thế giới. Số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới
cho biết, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu,
tăng 10 tỉ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.
Những nước đứng đầu trong danh sách tiêu thụ
mì gói lần lượt là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ
gói), Việt Nam (7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói),…Việt Nam
đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp
xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới, xếp
sau là Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8%.
Càng lắm thiên tai, dịch hoạ thì các công ty sản
xuất mì gói càng thu nhiều lợi nhuận. Dữ liệu thống kê của Retail Data cho biết,
ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam có hơn 50 nhà sản xuất nhưng đang được chiếm
lĩnh bởi 4 cái tên, theo thứ tự về độ lớn lần lượt là: Acecook Việt Nam, Masan
Consumer, Uniben, Asia Foods. Ngành hàng mì ăn liền bao gồm mì ly và mì gói,
đạt doanh thu 28.000 tỷ đồng trong năm 2020, với 85% từ mì gói và phần
còn lại từ mì ly, các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh, v.v.
Riêng Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, chủ sở
hữu thương hiệu “Mì Hảo Hảo”, được xem là “vua mì ăn liền” tại Việt Nam. Trong
suốt giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn, đạt tới
hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng. Ngành sản xuất
mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về
phòng dịch toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội và thói quen dự trữ
thực phẩm cũng khiến tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng.
Trong các thùng quà từ thiện, trong những gói
quà hỗ trợ người nghèo của bất cứ cá nhân, hội đoàn hay của cả nhà nước, lúc
nào người ta cũng thấy xuất hiện những gói mì hay những thùng mì. Nó giúp cho
người nghèo qua bữa một cách tiện nhất và nhanh nhất. Tuy vậy nhiều quá, ai
cũng cho sinh ra thừa. Nhiều đến độ nhiều người đói ăn nhưng chẳng còn dám ăn
mì vì đã ngán đến tận cổ. Do đó, đề nghị trong gói hỗ trợ của chính phủ cho người
lao động nghèo thiếu ăn, thất nghiệp nên giao cho dân tiền mặt, không nên trừ
tiền để mua quà tặng. Làm như thế tránh được việc ăn bớt, ăn xén và nâng khống
giá mua gây thiệt thòi cho dân. Mà còn giúp dân được tiện lợi trong việc tự chủ
mua sắm những thứ cần thiết hơn là chất cho lắm mì gói mà vẫn đói.
Hôm nay đúng ngày rằm tháng bảy, đại lễ Vu Lan
của Phật giáo Đại thừa. Năm nay sẽ không có những mâm cúng cô hồn như thông lệ,
không có vàng mã đốt cho người cõi âm, không có tiếng kinh cầu râm ran đều
trong mỗi ngôi chùa, mỗi căn nhà. Nhưng trong thâm tâm, mỗi người đều bái vọng
và tưởng nhớ đến những người đã mất, nhất là những người vừa qua đời trong mùa
đại dịch. Nó đã cướp đi bao sinh mạng trong đó có ông bà, cha mẹ, anh em, bạn
bè thân thiết. Họ mất đi nhưng chưa có được một lễ nghi đúng nghĩa. Họ ra đi âm
thầm, lặng lẽ nhiều khi không có được giọt nước mắt của người thân.
Nhân mùa xá tội vong nhân, mùa báo hiếu, chúng
ta xin chắp tay, đốt một nén nhang từ trong lòng mỗi người tưởng nhớ đến những
người đã đi về cõi khác. Tự mỗi người gắn cho mình một đoá hoa trắng, đoá hoa
tiễn biệt và thương nhớ về người quá cố. Hàng ngàn người đã ra đi trong mùa dịch,
cũng hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh sinh biệt tử ly. Biết bao trẻ mồ côi
trong thoáng chốc. Thành phố trong mùa Vu Lan này ảm đạm và nhiều nước mắt. Xin
vái lạy.
.
.
.
No comments:
Post a Comment