Không
có dân cứu nhau thì sẽ ra sao?
Mạc Văn
Trang
22/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/22/khong-co-dan-cuu-nhau-thi-se-ra-sao/
Tìm hiểu về câu lạc bộ “TÂM VUI”, do cô Đặng
Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm mới càng thấy người dân thương nhau, giúp nhau
trong đại dịch quan trọng biết chừng nào.
1. Chủ nhà trọ
nuôi người trọ
Cô Huyền có 28 cái nhà trọ cho hơn 80 công
nhân trọ, trong đó có 20 công nhân vẫn còn việc làm, còn hơn sáu mươi công nhân
mất việc đã 2 tháng. 20 công nhân có việc làm thì “3 tại chỗ” ở xí nghiệp, còn
hơn 60 công nhân “ở yên trong nhà là yêu nước”! Hơn 60 công nhân này từ ngày mất
việc nằm nhà, mỗi người được hỗ trợ 10 kg gạo, mấy gói mì, mấy quả dứa.
Khu nhà trọ của cô Huyền có một cô quản lý, cô
này cứ báo cáo với “sếp Huyền” về tình trạng thiếu đói của các công nhân ở trọ
và cô Huyền với cái tâm của nhà thiện nguyện, cứ xuất tiền ra mua gạo, rau quả
cung cấp đủ nuôi những người này.
Lúc đầu tưởng cứu giúp một hai tuần rồi chính
quyền sẽ hỗ trợ qua 1 tháng “giãn cách”, không ngờ kêu lên Phường thì Phường bảo
lý do này nọ, đổ tại chỗ nọ, chỗ kia… Sau đó thì không nghe điện thoại, né
không gặp nữa…
Khi nghe lệnh “giãn cách” tiếp từ 15/8 đến
15/9 thì các công nhân này mới hoảng lên, làm đơn ký tên gửi lên Phường xin trợ
cấp… Nhưng cho đến nay thì vẫn chủ nhà phải cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi
hơn 60 người trọ!
2. Cung cấp bữa ăn
theo yêu cầu của bác sĩ
Nhóm “Tâm Vui” gồm gần một chục chị em, đều là
các Phật tử, với tâm nguyện “cứu giúp được người là VUI; “đối với người bi
quan, khi gặp khó thường nản, nhưng nhóm Tâm Vui chúng em thì vượt qua khó khăn
lại càng vui“… Cô Huyền nói.
Bếp của nhóm “Tâm Vui” ở số 117 Hoàng Hà, Phường
2, quận Tân Bình lúc đầu dự định phục vụ các nhà sư và Phật tử ăn chay bị F0 tập
trung điều trị ở bệnh viện. Nhưng sau đó việc này được giao cho bếp của chùa
Vĩnh Nghiêm.
Bếp “Tâm Vui” chuyển sang nấu các bữa ăn bổ
sung theo yêu cầu của các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện dã chiến số 10,
TP Thủ Đức. Các bác sĩ, nhân viên y tế được cung cấp các bữa ăn của bệnh viện,
nhưng do các bữa ăn đơn điệu và các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc quá mệt mỏi,
nên họ lại mong muốn có những bữa ăn thực dưỡng, mới lạ nhẹ nhàng, dễ ăn, ngon
miệng…
Hàng ngày người quản lý của bệnh viện đặt hàng
cho bếp “Tâm Vui”, khi thì cung cấp 200 suất cháo dinh dưỡng cho bữa sáng; khi
thì thì 150 suất cho bữa ăn trưa; khi thì 170 suất chè sen cho ăn chiều; khi
thì 150 suất súp nấm cho ăn tối…
Mỗi ngày bếp cung cấp một bữa chính hoặc phụ,
gồm nấu ăn, đóng gói, đưa đến nơi. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cho biết, họ mệt
quá, cơm không ăn nổi, được bát cháo dinh dưỡng, cốc chè sen, bát súp nấm … ăn
nhẹ nhàng mà tỉnh người… Còn dịch, còn các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc thì
Bếp còn phục vụ; hết dịch rồi thì Bếp lại quay về phục vụ các bệnh nhân nghèo ở
Bệnh viện Ung bứu.
3. Bốn chùa làm đầu
mối cứu trợ
Cô Huyền cho biết CLB “Tâm Vui” từ hơn một
tháng “giãn cách xã hội”, đã mua 4 tấn gạo và mỗi tuần nhập 2 tấn rau củ của một
HTX rau sạch (GAP) từ Đà Lạt về để cung cấp cho bốn điểm làm từ thiện ở 4 chùa
trong thành phố. Hàng về thì CLB lại cho xe chở hàng đến 4 địa điểm đầu mối để
phân phát. Bốn chùa này vừa là bốn bếp nấu ăn, cung cấp bữa ăn “0 đồng” cho những
người cơ nhỡ, vừa cung cấp rau, gạo cho người nghèo. Các điểm này hàng tuần lại
báo nhu cầu lên cho “Sếp” Huyền. “Sếp” tưởng “giãn cách” ít ngày, cứu trợ ít
ngày, ai ngờ cứ “giãn cách” tiếp mãi!
Vì thế hôm qua CLB “Tâm Vui” nhận được 30 triệu
đồng hỗ trợ từ Quỹ “chống covid -19” của CLB Lê Hiếu Đằng thì “sếp” Huyền vui mừng
cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã chung tay góp với Bếp “Tâm Vui”…
4. Mặt trái của
“Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
– Về phía người dân: Có lẽ dân ta nặng về duy
tình lại quen truyền thống “tình làng nghĩa xóm”, “một con ngựa đau, cả tàu
không ăn cỏ”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” … nên
thấy người hoạn nạn thì xúm vào cứu giúp vô tư, người khác thấy vậy cũng chung
tay góp sức, nên tình thương lan tỏa, hình thành nên tâm lý cộng đồng. Nhờ đó
dân ta đã cưu mang nhau sống qua biết bao nhiêu khổ nạn của thiên tai, nhân họa
đời này qua đời khác.
Nay trước đại dịch covid-19 cũng vậy, có biết
bao nhiêu người, bao nhiêu nhóm thiện nguyện đã có những hành động cứu trợ rất
kịp thời, thiết thực ở khắp các cộng đồng dân cư, nhất là những xóm nghèo, những
khu “ổ chuột”, những bệnh viện đông bệnh nhân nghèo, những nơi tá túc của những
người vô gia cư… UBND TP HCM nêu ra có đến 4,7 triệu người thiếu đói cần cứu trợ
chứ có ít đâu.
Cô Huyền cũng cho biết, nhóm “Tâm Vui” của
chúng em “cũng chưa là gì”! Nhiều nhóm lắm, hàng triệu người dân đói ăn, không
có cứu trợ hàng ngày thì dân nghèo sống làm sao!
Có bao nhiêu bếp ăn “0 đồng”, bao nhiêu người
giúp tiền dọc đường cho dân về quê; bao nhiêu nhóm cứu chữa bệnh miễn phí; rồi
cấp cứu đến “mai táng không đồng” mà riêng ông Đoàn Ngọc Hải đã hiến tặng nhóm
này gần 100 quan tài … Người dân giúp nhau bằng “tiền tươi, thóc thật”, “ngay
và luôn”, chứ không mấy hy vọng chờ đợi sự hứa hẹn, xem xét, phê duyệt của
chính quyền.
– Về phía chính quyền: Từ thời phong kiến, thực
dân đến nay Việt Nam chưa bao giờ có được một chính quyền lo an sinh xã hội tốt
cho dân. Người dân vẫn tự cứu mình, cứu nhau là chính.
Dịch bùng phát từ tháng 6, mà ngày 17/8 “Chính
quyền TP HCM mới kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo
giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng Covid-19”. Dềnh dàng như vậy thì
biết bao nhiêu người chết đói, nếu không có dân cứu giúp nhau.
Ỷ vào sức dân nên chính quyền càng quan liêu,
không quan tâm xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tân tiến mà chỉ nghĩ mẹo
moi sức dân!
Đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp gặp nhiều
khó khăn, người lao động mất việc, bao nhiêu gia đình khốn đốn… Các nước trên
thế giới đều chi ngân sách ra hỗ trợ các doanh nghiệp, trợ cấp cho dân, mua
vaccine về tiêm miễn phí cho dân, thì ngược lại Chính phủ Việt Nam với thói
quen tư duy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”,
lại phát động các doanh nghiệp và người dân thi đua góp tiền vào “Quỹ vaccine
quốc gia”, thu được chừng 10 ngàn tỷ đồng. Số tiền không phải là nhiều, nhưng
có điều nó đi ngược với tư duy, cách làm của thế giới.
Cũng theo thói quen đó, lãnh đạo TP HCM cứ
phát động, tuyên dương, tuyên truyền “LẤY SỨC DÂN LO CHO DÂN” còn bản thân
chính quyền, nhất là ở cơ sở thì quan liêu, hời hợt, có nhiều hành vi ứng xử mất
lòng dân.
Qua đại dịch lần này, người dân đã thấy rõ,
các lãnh đạo “tứ trụ” luôn tuyên bố những điều hay, đẹp nhất thế giới: “Không để
người dân nào tụt lại phía sau”, “Không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc”…
nhưng chính quyền cơ sở thì lại hành xử như không nghe thấy gì! …
TÓM LẠI, người dân chỉ biết cứu giúp nhau là rất
tốt, nhưng chưa đủ. Dân phải biết đòi hỏi chính quyền có trách nhiệm chính
trong cứu nạn, đảm bảo an sinh xã hội.
Chính quyền phải thay đổi tư duy, nhận rõ
trách nhiệm, xây dựng bộ máy, sàng lọc con người để hệ thống an sinh xã hội vận
hành thông suốt từ trên xuống dưới, rộng khắp, đáp ứng mong đợi thiết thực của
người dân, chứ không thể để lặp lại mãi tình trạng như hiện tại ở TP HCM.
.
.
.
No comments:
Post a Comment