Tuesday, August 24, 2021

DIỄN ĐÀN CRIMEA : NGA BỊ COI LÀ NHÀ NƯỚC CHIẾM ĐÓNG (Thụy My - RFI)

 


Diễn đàn Crimée: Nga bị coi là Nhà nước chiếm đóng

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 24/08/2021 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210824-di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-crim%C3%A9e-nga-b%E1%BB%8B-coi-l%C3%A0-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%B3ng

 

Ukraina và 46 quốc gia tham dự « Diễn đàn Crimée » hôm 23/08/2021 đã ra thông cáo chung lên án việc Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimée cách đây bảy năm, vi phạm nhân quyền và quân sự hóa vùng đất bị xâm chiếm. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Kiev, với mục tiêu vận động chấm dứt việc Nga chiếm đóng Crimée. Sáng kiến này tất nhiên khiến Matxcơva tức giận.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f00c0d8c-04c7-11ec-a347-005056a90284/w:900/p:16x9/AP21235390742892.webp

Diễn đàn Crimée khai mạc tại Kiev, Ukraina, ngày 23/08/2021. AP

 

Khoảng 15 tổng thống, thủ tướng các nước châu Âu (như Ba Lan, Thụy Điển…) đã tham dự Diễn đàn. Các nước khác như Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ gởi các bộ trưởng hay chủ tịch Quốc Hội đến tham gia. Sự kiện này diễn ra sau nhiều tháng Kiev không ngừng phàn nàn các đối tác do dự về việc Ukraina gia nhập NATO, duy trì thỏa thuận khí đốt với Nga hay từ chối bán vũ khí cho Ukraina.

 

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :

 

« Từ năm 2014, việc Crimée bị sáp nhập bị lu mờ phía sau cuộc chiến ở Donbass, cứ như cộng đồng quốc tế coi việc chiếm đóng bán đảo này là chuyện đã rồi. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm độc lập, Kiev muốn thúc đẩy một cơ chế ngoại giao để giúp Crimée trở lại với Ukraina.

 

Khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đối tác giúp làm thay đổi tình hình.

 

Ông Zelensky nói : « Lần đầu tiên ở tầm quốc tế, Nga bị coi là một nhà nước chiếm đóng, và theo luật nhân đạo quốc tế, Matxcơva phải chấm dứt vi phạm nhân quyền tại Crimée, cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế được vào không giới hạn ».

 

Vấn đề Crimée vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên điện Kremlin tố cáo Diễn đàn Crimée là một sáng kiến thù địch, chống Nga, trong khi từ ba năm qua, Nga tăng cường quân sự và kinh tế trên bán đảo bị sáp nhập. Trong bối cảnh đó, viễn cảnh có tiến bộ ngoại giao về hồ sơ Crimée chừng như hết sức bất định. »

 

Tuy nhấn mạnh đang chờ đợi việc bán đảo Crimée được trao trả cho Ukraina, các quốc gia ký tên trong thông cáo vẫn không loan báo những biện pháp cụ thể.

 

AFP cho biết, trước khi Diễn đàn khai mạc, chính quyền và báo chí Ukraina đã tố cáo Nga gây áp lực để các nước khác không tham gia. Thứ Sáu tuần trước, Matxcơva ban hành trừng phạt đối với ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba, một biện pháp được cho là để trả đũa việc tổ chức « Diễn đàn Crimée ».

.

=============================================

.

.

“Giải phóng” Crimée khỏi Nga : Cuộc chiến gần như “bất khả thi” của Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 24/08/2021 - 13:23

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210824-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%B3ng-crim%C3%A9e-kh%E1%BB%...BA%A3-thi-c%E1%BB%A7a-ukraina

 

 “Crimée là của Ukraina” (Crimea is Ukraine). Chính quyền Kiev muốn đưa vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào tháng 03/2014 trở lại chương trình nghị sự quốc tế khi mời hơn 40 nước tham gia hội nghị về vấn đề này ngày 23/08/2021. Tổng thống Volodimir Zelensky khẳng định “một mình Ukraina sẽ không bao giờ có thể lấy lại bán đảo Crimée” và trông cậy vào sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/22752c00-04cc-11ec-83df-005056a90284/w:900/p:16x9/AP21235375644311.webp

Khách mời dự "Diễn đàn Crimée" chụp ảnh kỷ niệm với chủ nhà ngày 23/08/2021 tại Kiev, Ukraina. AP

 

Nhưng các bên tham gia hội nghị chỉ ra tuyên bố chung lên án việc sáp nhập bán đảo Crimée và những vi phạm nhân quyền trên bán đảo này, cũng như việc Nga “quân sự hóa” bán đảo, mà không đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào.  

 

 

Bán đảo Crimée : Hồ sơ bị lãng quên từ 2014 

 

Trong khi cả thế giới chú ý đến tình hình ở Afghanistan, phương Tây bận tâm đến những căng thẳng với Nga và Trung Quốc, thì việc tổ chức một hội nghị quốc tế quy mô lớn ở Kiev có lẽ là cách duy nhất để Ukraina “khơi lại sự chú ý về bán đảo Crimée”, theo giải thích của chuyên gia về Ukraina, bà Alexandra Goujon, giảng viên trường đại học Bourgogne, Pháp với báo Les Echos. 

 

Thay vì chỉ nhấn mạnh đến chủ quyền của Ukraina, chính quyền Kiev đã khéo léo “lồng” thêm nhiều trở ngại khác kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, như vấn đề tự do lưu thông hàng hải. Ukraina khẳng định hoạt động của tầu thuyền nước này bị ảnh hưởng, trong đó có eo biển Kertch ngăn biển Azov và Biển Đen. 

 

 

Mang tính hình thức, khó thực hiện 

 

Hội nghị ngày 23/08 tại Kiev là bước tiếp theo trong chiến lược “giải phóng” bán đảo Crimée được Ukraina thông qua tháng 02/2021. Ngoài vận động ngoại giao, chính quyền Kiev còn mở thêm mặt trận tư pháp ở cấp châu Âu khi kiện lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. 

 

Tuy nhiên, cuộc chiến ngoại giao của Kiev được báo trước là sẽ rất khó khăn, lâu dài, nếu không muốn nói gần như “bất khả thi”. Ngoài tuyên bố chung lên án Nga, tình hình thực tế sẽ rất khó khăn và “có rất ít tiển triển cụ thể”, theo nhận định của chuyên gia Pháp Alexandra Goujon. 

 

Trước tiên là do Matxcơva sẽ không từ bỏ một phần lãnh thổ "không thể tách rời" của Nga. Đối với tổng thống Vladimir Putin, sáp nhập bán đảo Crimée là chiến thắng tuyệt đối. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu cũng không làm Matxcơva chùn bước.  

 

Ngoài ra, tổng thống Putin từng cho thấy quyết tâm bảo vệ Crimée bằng vũ lực. Vào mùa Xuân 2021, gần 100.000 quân Nga được điều đến biên giới với Ukraina và bán đảo Crimée. Tuy nhiên, lực lượng hùng hậu này chủ yếu là để “phô trương sức răn đe”, theo phân tích của ông Igor Delanoe, trợ lý giám đốc Đài Quan sát Pháp-Nga, vì “cả Matxcơva lẫn Kiev có lẽ chưa sẵn sàng mở các cuộc tấn công khiến tình hình bán đảo thêm phức tạp hơn”. 

 

Còn ông Oleh Jdanov, chuyên gia quân sự của Ukraina, so sánh : Nhắc đến cụm từ “Crimée Ukraina” như là “vẫy khăn đỏ trước con bò tót”. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi Điện Kremlin coi Hội nghị tại Kiev là “thù nghịch”, “chống Nga”. 

 

Thứ hai là Ukraina vẫn thiếu sự ủng hộ của những tiếng nói có trọng lượng. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại chỗ, khẳng định : “Ukraina sẽ không bao giờ đơn độc và Crimée là của Ukraina”. Rất nhiều quan chức các cấp của nhiều nước và thể chế tham gia Hội nghị, trong đó có 15 tổng thống và thủ tướng châu Âu, nhưng lại vắng nguyên thủ quốc gia Pháp và Mỹ, cũng như thủ tướng Đức, dù bà Angela Merkel công du Kiev một ngày trước đó. 

 

Theo trang Ouest-France ngày 23/08, việc thiếu những tiếng nói trọng lượng này cho thấy Crimée không phải là một hồ sơ ưu tiên của những nước trên. Nhưng dù sao, đối với tổng thống Zelensky, điều quan trọng là tổ chức thành công một hội nghị lớn về Crimée “để thu hút sự chú ý trên quy mô quốc tế, cũng như trong nước”. Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông hy vọng rằng “sức mạnh tổng hợp của chúng ta sẽ buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán về việc trả lại bán đảo” Crimée. 

 

                                                      ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị triển hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng

.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đen : Mỹ và Ukraina tập trận bất chấp phản đối của Nga

.

Mỹ muốn đưa Nga trở lại G7, Pháp đặt điều kiện về Ukraina

.

Ukraina: Hội nghị quốc tế bàn cách thu hồi bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập

.

Nga kiện Ukraina vi phạm nhân quyền

.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đen : Mỹ và Ukraina tập trận bất chấp phản đối của Nga

 

 

 

 

No comments: