“CÔNG BẰNG
TRONG TIẾP CẬN VACCINE”
https://www.facebook.com/le.quang.714/posts/10225982406004599
Đối với tâm lý kén chọn vắc-xin, thật ra ở đâu
cũng có nhưng cá nhân tôi thấy rằng ở Việt Nam tâm lý này nặng nề. Sự nặng nề ấy,
không nằm ở việc người dân kén cá chọn canh mà có lẽ nó nằm sâu xa trong nhận
thức và nỗi ám ảnh về sự “phân biệt đối xử” hay là tình trạng “ưu tiên ngầm” vốn
đã diễn ra ở khắp nơi, từ văn phòng công sở nhà nước cho tới các hội đoàn. Nó tạo
ra tâm lý lợi ích, bè phái mà người thấp cổ bé họng không tránh khỏi mặc cảm, tự
ti.
Tâm lý ấy bị kích hoạt khi mọi người nhìn nhận
vắc-xin là yếu tố sống còn, là biểu hiện cho giá trị của anh, thứ bậc của anh
trong xã hội và không có ai dễ chấp nhận rằng mình ở dưới đáy cả. Vâng, nghe có
vẻ rất tiêu cực nhưng hãy nói rằng tôi sai nếu như rất nhiều các lãnh đạo cao cấp
không tiêm Pfizer - như thừa nhận của giám đốc một bệnh viện lớn mà báo chí có
đưa tin.
Ở Đức, tâm lý kén chọn ít hơn. Dù chính là nước
sở hữu BnT Pfizer nhưng thú thực là vào khoảng 2 tháng trước Pfizer vẫn chưa áp
đảo tại các trung tâm tiêm chủng. Trước đó hồi tháng 3, rất nhiều người có bệnh
nền vẫn được chỉ định tiêm AZ (AstraZeneca) cho tới khi xuất hiện một vài ca biến
chứng thì một loạt người có tiền sử tiểu đường phải hoãn lại để tiêm Pfizer. Mặc
dù vậy, tâm lý chờ đến đúng loại vắc-xin mình muốn là biểu hiện thưa thớt.
Để có được tâm lý thoải mái này, tôi phải thừa
nhận rằng cần đạt được sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận vắc-xin. Ví dụ
như vào tháng 2-3, thanh niên không ai đả động gì tới vắc-xin bởi đều biết rằng
các nhóm ưu tiên đang được tiêm trước (bao gồm người già, y bác sĩ, điều dưỡng
viên và những người có bệnh nền). Đó chính là khái niệm “công bằng” thực sự.
Công bằng không phải là cào bằng hay ưu tiên một ai đó vì đã đóng nhiều tiền.
“Công bằng” là đảm bảo nguồn vắc-xin tới đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng
đang chịu nguy cơ cao.
Đảm bảo được điều đó thì người dân vui lòng ngồi
vào chỗ của mình trên hàng ghế đợi, ngay cả khi vào quãng thời gian ấy số ca mới
tại Đức có lúc đạt hơn 45.000 ca/ngày. Thật ra người ta có ý thức về việc hệ thống
của mình là một hệ thống sạch sẽ, minh bạch chứ họ không quan tâm lắm tới việc
mình sẽ thực sự dùng vắc-xin gì.
Đến khi các trung tâm tiêm chủng bắt đầu thực
hiện đăng kí tự do (sau khi đã hoàn thành xong các đợt tiêm cho đối tượng ưu
tiên) thì nó dẫn tới quá tải ngay lập tức. Thanh niên ở các thành phố lớn đổ đi
tiêm rất đông, cho đến giữa tháng 5, phần lớn vẫn tiêm AZ. Đồng nghiệp, bạn bè
tôi 70% tiêm mũi đầu loại vắc-xin này, cả trung tâm tiêm chủng lẫn các phòng
khám tư đều kín lịch. Thậm chí cá biệt chú bé Canada bạn tôi khi xếp hàng chờ
khám đau cơ vai, bỗng có bà bác sĩ ra vận động hỏi ai có muốn tiêm không thì
vào tiêm luôn, khỏi cần đặt hẹn do lượng huỷ hẹn nhiều và vắc-xin thì “sắp hết
hạn sd”. Thế là chú bé vào tiêm luôn, về VP còn đi khoe khắp nơi vì pha vắc-xin
nhặt được giữa đường như vậy.
Tất nhiên tâm lý chung của cả thế giới là
thích Pfizer hơn nhưng thật ra nó không tới mức độc đoán, đặc biệt ở Đức, bởi
vì chính Thủ tướng Đức cũng tiêm AZ cơ mà. Đó là một hành động có chủ đích để
trấn an người dân về độ minh bạch của chính sách. Người ta nghĩ bụng rằng, à,
bây giờ người già họ cần Pfizer thì mình dùng AZ cũng được, đó mới thực là sự
“công bằng” trong lòng người. Người ta dành cái nhìn trìu mến tới những nhóm đối
tượng nguy cơ cao: người già, người có bệnh nền, y bác sĩ, chứ không phải là một
ai đó đã chi tiền để đạt được sự “công bằng”. Khái niệm này chỉ tồn tại trong
nhận thức của con người mà thôi, họ thấy hợp tình hợp lý thì đó là “công bằng”.
Cá nhân tôi khi đăng kí tiêm chủng, cũng chọn
AZ vì lúc đó Pfizer chưa nhiều, (tôi không biết các bang khác ra sao chứ ở
Berlin, giữa tháng 5, mũi đầu tiên vẫn phần lớn là AZ tồn lại) Sau đó ông bác
sĩ riêng của VP thông báo rằng những ai chưa đến lịch tiêm với trung tâm thì ra
ông ý tiêm cho. Vậy là tôi huỷ hẹn chỗ trung tâm để tiêm ở chỗ này vì sẽ được
làm sớm hơn 1 tháng. Lúc ấy cá nhân tôi nghĩ rằng sớm hơn thì tốt hơn chứ không
đặt nặng loại vắc-xin nào. Cuối cùng bác sĩ hợp đồng với VP nhận được lô Pfizer
và cả Vp tiêm theo (trừ những ai đã tiêm trước đó qua trung tâm tiêm chủng của
bang). Có nghĩa là trong VP, có sếp thì tiêm AZ, có sếp tiêm Pfizer, có nhân
viên tiêm AZ, có nhân viên tiêm Pfizer, có nhân viên bị bệnh nền thì tiêm xong
từ hồi tháng 3 mà có sếp do ham đi du lịch nên giờ mới tiêm mũi đầu. Không có đặc
quyền hay phân biệt đối xử. Lúc này ta gọi đó là “công bằng”.
Cho tới tháng 8 này, Berlin cho phép đi tiêm
mà không cần đặt hẹn qua mạng (vì đã qua giai đoạn quá tải), người đi tiêm cũng
thoải mái chọn loại vắc-xin hơn; và người ta cũng bắt đầu tiêm cho người lưu
trú không có giấy tờ (bao gồm người sống vô gia cư và cả lưu trú bất hợp pháp)
mà tôi đồ rằng họ sẽ không bị bê lên phường sau khi tiêm. Đó cũng là “công bằng
trong tiếp cận vắc-xin” mà ta đang nhắc tới.
“Công bằng trong tiếp cận vắc-xin” là một chủ
đề rộng, nhạy cảm. Tuy thế cá nhân tôi cho rằng để tạo ra được tâm lý xã hội
này, rất cần tính minh bạch, rõ ràng trong phân phối. Người dân họ sẽ không bao
giờ tị nạnh với người cao tuổi, họ sẽ không tị nạnh với y bác sĩ hay điều dưỡng
viên, họ sẽ rất mực vui lòng ngồi vào hàng ghế đợi khi biết rằng chính sách
đang thực thi hợp tình hợp lý. Người dân sẽ ít kén chọn khi họ biết rằng ai ai
cũng được quan tâm như nhau, biết rằng không có phân biệt đối xử giàu nghèo hay
vị trí vai trò mà người ấy nắm giữ trong xã hội. Nghe có vẻ rất dễ nhưng chỉ cần
xuất hiện một số điểm đen về triển khai chính sách, ưu tiên, nâng đỡ, phân biệt
đối xử, chúng sẽ làm lung lay niềm tin vào sự “công bằng” vốn rất mong manh.
Merkel - thủ tướng của một đất nước cha đẻ của
Pfizer - đã chọn tiêm AZ và sau khi tiêm xong bà ấy muốn nói gì người khác cũng
nghe. Đó là lá bài chính trị (mũi thứ hai bà ấy tiêm Moderna). Ở những nơi
khác, lãnh đạo cấp thứ trưởng ngấm ngầm tiêm Pfizer và khi họ nói về “công bằng
vắc xin” thì không ai thèm nghe nữa. Đó cũng là chính trị, thật sòng phẳng.
Rút cục, “công bằng vắc xin” được tạo ra nhờ sự
rõ ràng và minh bạch trong điều phối, nó có ưu tiên và thứ bậc (hiển nhiên),
tuy vậy thứ bậc mà đúng khoa học, mà nhân văn thì chính “hệ thống ưu tiên” ấy lại
tạo ra sự “công bằng”.
Tất nhiên, cá nhân tôi không nghĩ rằng Việt
Nam cần áp dụng chính sách y hệt Đức vì điều đó là không thể do bối cảnh về nguồn
cung có khác biệt rất lớn. Mặc dù vậy để tạo thuận lợi cho phân phối, hậu cần
thì yếu tố minh bạch, công bằng đều quan trọng như nhau khi nhìn vào từng quốc
gia.
Ở góc độ dân vận, “tiêm vắc xin là yêu nước”?
Chớ dại mà hô hào như thế, bởi vì sau đó anh không thể trả lời được câu hỏi “vắc
xin nào mới là yêu nước?” Cá nhân anh có khi đã là sự phủ nhận lớn nhất cho câu
hỏi ấy bởi các chính sách mà anh cố ý tạo ra cho riêng mình. Người ta sẽ hỏi
anh rằng: thế anh đã dùng loại vắc xin nào cho lòng “yêu nước” của anh?
Đó là một câu hỏi không thể trả lời nổi (ở một
số nơi). Người làm chính sách phân phối mà không tự làm gương thì có nói thánh
nói tướng cũng là vô nghĩa.
PS: cho đến cuối cùng, chỉ
có Khoa học mới cứu được chúng ta.
No comments:
Post a Comment