Saturday, August 21, 2021

CHÚNG TA ĐỀU CÓ LỖI VỚI AFGHANISTAN (Michael McKinley  -  Foreign Affairs)

 


Chúng ta đều có lỗi với Afghanistan

Michael McKinley  -  Foreign Affairs

Chuyển ngữ: Sinh Saigon

20/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/20/chung-ta-deu-co-loi-voi-afghanistan/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-109.jpg

Nhìn Mỹ đánh bom Taliban tại dãy núi Tora Bora, Afghanistan, tháng 12/2001. Ảnh: Erik de Castro/ Reuters

 

Lời người dịch: Tác giả bài này, Michael McKinley, là đại sứ Mỹ ở Afghanistan từ năm 2014 đến 2016. Ông đưa ra góc nhìn nhiều chiều, dựa trên nhiều thông tin và số liệu cụ thể, về sai lầm của Mỹ, yếu kém của chính quyền Afghanistan, phức tạp địa phương và địa chính trị, thế mạnh của Taliban…

 

Với ông, đó là “20 năm làm sai, nhìn lầm, và thất bại tập thể”. Bạn đọc có thể đồng ý hoặc không với một số kết luận của tác giả, nhưng đây là một bài viết đáng tham khảo, nhất là với những ai quan tâm đến sự thành bại trong việc Mỹ can thiệp vào nước khác.

 

                                                           ***

 

Khi Afghanistan rơi vào tay Taliban, đã có dồn dập những lời đổ tội, lên án chính quyền Biden rút quân. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, tướng HR McMaster phản ánh bức xúc này khi nói, Afghanistan “không phải là vấn đề của Afghanistan, mà là vấn đề của nhân loại, ở ngay lằn ranh phân định giữa man rợ và văn minh”, và rằng, Mỹ đã thiếu ý chí để “tiếp tục hành động vì lợi ích của loài người”[*].

 

Điều đang xảy ra đúng là một bi kịch tệ hại, nhưng không nên đổ lỗi cho chỉ một bên. Lịch triệt thoái ngắn ngủi của chính quyền Biden, cho khớp với kỷ niệm 20 năm ngày 9/11, và ngay giữa mùa trận mạc, là một sai lầm. Nhưng tình hình tại chỗ hiện giờ chính là kết quả của 20 năm tính toán sai, chính sách sai, trải ba nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, và cũng là thất bại của lãnh đạo Afghanistan trong việc cai quản đất nước vì lợi ích người dân. Lạ thay, nhiều người đang lớn tiếng chỉ trích hiện giờ cũng lại là những người đã kiến tạo các chính sách sai lầm trước đây.

 

Câu hỏi, tại sao Afghanistan ra nông nỗi này đã khiến 20 năm “chiến tranh chống khủng bố” trở nên khó biện minh hơn. Trong hơn ba năm tôi làm việc tại Kabul, từ năm 2013 – 2016 (gồm cả thời gian tôi làm đại sứ Mỹ, từ 2014 – 2016), tôi thấy rõ chiến lược của Mỹ tại Afghanistan gặp thử thách gay go đến mức nào. Mặc dù chúng ta phần lớn đã thành công trong việc loại trừ al Qaeda ra khỏi đất nước này và giảm thiểu nguy cơ tấn công khủng bố vào Mỹ, nhưng chúng ta đã thất bại trong cách giải quyết cuộc chiến, cách điều hướng sinh hoạt chính trị Afghanistan, và cách “xây dựng quốc gia”. Đồng thời, chúng ta đánh giá không đúng khả năng biến hoá của Taliban. Và, chúng ta cũng phán đoán sai về thực tế địa chính trị vùng này.

 

Nhưng, đây là lúc cần nhìn thẳng vào thực tế: Nếu trì hoãn rút quân Mỹ khoảng một hay hai năm nữa, thì kết cuộc có lẽ vẫn không đổi, vẫn sẽ là một thực tế rất buồn. Để tránh thực tế đáng buồn đó, người Mỹ sẽ phải dấn sâu vào Afghanistan không biết đến bao giờ, với cái giá là hàng chục tỉ USD mỗi năm, với chẳng mấy hy vọng có thể xây thêm được gì trên những thành tựu mong manh cũ, tại một đất nước được quản trị tồi, với chiến sự ngày càng tệ, và với điều chắc chắn duy nhất là sẽ có thêm nhiều người Mỹ thiệt mạng – vì Taliban sẽ tiếp tục nhắm vào mục tiêu là các lực lượng quân sự và ngoại giao Mỹ.

 

Vì vậy, khi bắt đầu đổ lỗi và rút kinh nghiệm cũng nên là khi những ai phê phán cuộc triệt thoái cần đánh giá khách quan những phán đoán sai và thất bại trong việc can thiệp vào Afghanistan, dẫn đến tình trạng bây giờ, cũng nên là khi họ nhận ra rằng trách nhiệm về những sai lầm đó cần được chia cho đều.

 

 

THẤT BẠI QUÂN SỰ

 

Cuộc tiến công vũ bão của Taliban, chiếm nhanh gọn hết thành phố này đến thành phố khác trong những ngày qua, cho thấy, dường như phán đoán sai lầm xót xa nhất chính là: Chúng ta đã đánh giá quá cao khả năng của Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (ANDSF) [gọi tắt là “quân đội”, hoặc “lực lượng chính phủ”]. Ngay cả khi không được Mỹ hỗ trợ chiến thuật, ANDSF đáng lẽ vẫn ở vị trí có thể bảo vệ các thành phố và căn cứ quân sự chủ chốt.

 

Như nhiều nhà quan sát cho thấy, quân đội trên giấy tờ rõ ràng là đông quân hơn, được trang bị và tổ chức tốt hơn lực lượng Taliban rất nhiều. Lực lượng Đặc biệt Afghanistan còn được so sánh với những lực lượng đặc biệt tốt nhất khu vực. Hồi tháng 3/2021, thông tin tình báo Mỹ dành cho quan chức chính quyền Biden còn dự báo rằng để chiếm phần lớn lãnh thổ, Taliban sẽ phải mất đến hai hoặc ba năm, chứ không phải vài tuần.

 

Cơn lạc quan tếu về năng lực quân đội Afghanistan là một hằng số, sau “đỉnh điểm” của việc điều quân Mỹ đến đây vào các năm 2009-2011. Các báo cáo mỗi nửa năm của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội luôn nhấn mạnh đến mức độ chuyên nghiệp hoá và khả năng chiến đấu ngày càng tăng của quân đội Afghanistan.

 

Báo cáo về Tiến bộ An ninh và Ổn định tại Afghanistan tháng 12/2012 là một ví dụ tiêu biểu. Báo cáo nhấn mạnh rằng, lực lượng chính phủ đang thực hiện 80% các cuộc hành quân và đã thành công trong việc tuyển đủ quân số, đạt mức trần được phép là 352.000 binh sĩ và cảnh sát. Đến tháng 11/2013, Báo cáo còn đi xa hơn khi viết: “Các lực lượng Afghanistan hiện đang thành công trong việc bảo vệ an ninh cho dân chúng, họ tự chiến đấu trong các trận giao tranh”, và có thể giữ vững thành quả “đã được tạo ra bởi liên minh 50 quốc gia với các lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt nhất thế giới”.

 

Đến năm 2014, các lực lượng Afghanistan được báo cáo rằng, đã “đích thân chỉ huy đến 99% các cuộc hành quân quy ước, và 99% các cuộc hành quân đặc biệt” và duy trì quân số “ngay dưới mức được phép là 352.000 quân”. Ngay cả khi tình hình xấu đi, Báo cáo năm 2017 vẫn mô tả quân đội Afghanistan là “nhìn chung có khả năng bảo vệ những trung tâm dân cư chính … và có thể đáp trả khi Taliban tấn công”.

 

Chỉ vài năm qua, các báo cáo mới nói về một thực trạng đáng ngại hơn. Năm 2017 và một lần nữa năm 2019, các bản báo cáo cho biết, hàng chục ngàn lính “ma” đã bị xoá tên khỏi danh sách lãnh lương – điều này cho thấy quân số thực chưa bao giờ ở mức gần 330.000 người, nói chi đến 352.000 người. Báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi Quốc hội vào tháng 12/2020 ghi nhận, chỉ có “khoảng 298.000 nhân sự ANDSF đủ điều kiện lãnh lương”, ám chỉ vấn đề lính “ma” và bỏ ngũ thường xuyên diễn ra.

 

Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) khi theo dõi dòng lương bổng và trang thiết bị cho quân đội cũng phát hiện nhiều vấn đề, như phí phạm, gian lận, và quản lý tồi nguồn lực để cải tổ quân đội, khiến năng lực chiến đấu của lực lượng càng sa sút. Mức độ phí phạm và gian lận lên đến hàng tỉ USD với nạn tham nhũng, thường liên quan đến các quan chức cao cấp trong chính quyền Afghanistan. SIGAR đã đưa nhiều vụ ra ánh sáng, nhưng vẫn còn nhiều việc đáng lẽ phải làm để chấm dứt tình trạng này.

 

 

BẾ TẮC XÓI MÒN

 

Ngoài tiền tuyến, từ năm 2013 về sau, quân Taliban hầu như mỗi năm mỗi lấn tới, tạo ra tình trạng mà ngôn ngữ tại Washington gọi là tình trạng “Bế tắc xói mòn” – bất chấp người sáng lập Taliban là Mullah Omar đã chết năm 2013, bất chấp vụ ám sát người kế vị ông năm 2016, và bất chấp các cuộc oanh kích dữ dội nhất cuộc chiến của liên quân vào năm 2018-2019.

 

Hạt giống cho tình trạng bế tắc xói mòn đó được gieo sớm hơn nhiều. Thất bại trong việc đầu tư xây dựng lực lượng cảnh sát và quân đội, trong những năm ngay sau 2001, có nghĩa chính quyền đã đánh mất thời gian vàng để xây dựng lực lượng chiến đấu, ngay khi Taliban đang yếu thế, chỉ có thể phòng ngự. Xây dựng lực lượng không quân đã không được xem là ưu tiên trong hơn 10 năm; việc đào tạo thế hệ phi công mới cho Afghanistan chỉ bắt đầu năm 2009, chậm hơn so với nhu cầu – cũng vì quyết định chuyển đổi loại máy bay cho phi đội Afghanistan, từ máy bay Nga qua Black Hawk của Mỹ. Nhưng gần đây, vào lúc không quân Afghanistan chứng tỏ mình khá hiệu quả, thì thành công lại bị thu hẹp, vì quyết định năm 2021 rút đi hàng ngàn nhà thầu phụ trách bảo trì và hỗ trợ hành quân, sau khi các cố vấn Mỹ bắt đầu rút từ 2019.

 

Thật vậy, thất bại trong việc chuyển giao dịch vụ của 18.000 nhà thầu từng làm việc với quân đội Afghanistan – hoặc cung cấp bảo đảm tài chính cho việc thanh toán – đã gây thiệt hại cho chính quyền Kabul, cho dù đến nay cũng chưa rõ là nếu có được những dịch vụ hỗ trợ như vậy, thì lực lượng chính phủ sẽ có chiến đấu tiếp tục hay không.

 

Cũng nên biết là những dịch vụ này có thể duy trì hỗ trợ hậu cần cho quân chính phủ tại tuyến đầu và bảo trì cho không quân Afghanistan, kể cả khi các lực lượng Mỹ rút lui. Thay vào đó, cuộc triệt thoái ban đêm của lực lượng Mỹ khỏi Căn cứ Không quân Bagram, một điểm tựa hậu cần chủ chốt, sẽ trở thành biểu tượng khó quên cho thất bại quân sự ở Afghanistan. (Không duy trì năng lực hậu cần, còn gây ra một hậu quả khác, đó là cản trở việc di tản nhân viên sứ quán, và hàng chục ngàn người khác – ngoài các thông dịch viên – làm việc cho quân đội Mỹ, cho các phái đoàn ngoại giao, và các chương trình cứu trợ).

 

Trong khi đó, chiến lược chống Taliban mà Mỹ áp dụng chưa bao giờ đạt được những thành quả bền vững. Như Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói với người phỏng vấn tuần này, rằng ông phản đối việc tăng quân sau năm 2011, vì “nếu chúng ta không có tiến bộ quan trọng, hoặc cho thấy tiến bộ quan trọng trong hơn 18 tháng qua, thì điều đó có nghĩa chiến lược của chúng ta đã sai, và phải có điều chỉnh”. Tuy nhiên, cho đến khi có lệnh rút quân, việc điều chỉnh chưa bao giờ diễn ra.

 

Hết năm này qua năm khác, binh lính Afghanistan có nhiều tháng đã không được lãnh lương, cũng không nhận đủ tiếp liệu cần thiết để tự vệ. Gần đây hơn, thủ phủ các tỉnh hầu như không được tăng viện đầy đủ, dù 18 tháng trước Mỹ đã làm rõ dự định sẽ rút quân trong vòng một năm, sau khi chính quyền Trump đạt được thoả thuận với Taliban, và ký hiệp định Doha vào tháng 2/2020. Binh lính Afghanistan còn bị cấp chỉ huy và các lãnh tụ chính trị bỏ rơi trong những tuần qua, trong khi Taliban tiến quân ngày càng mạnh. Giới lãnh đạo đó của họ cũng đã thảm bại suốt 20 năm trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết quốc gia. Thật kinh ngạc, chính quyền Afghanistan đã không đưa ra được một lời kêu gọi cứu nguy nào, khi những tuyến phòng vệ lần lượt sụp đổ. Điều này giải thích tại sao lực lượng chính phủ đã không chiến đấu.

 

Một phán đoán sai lầm nữa liên quan đến yếu kém của các lãnh chúa địa phương. Từ 2001, nhiều người tin rằng các lãnh chúa này chỉ huy hàng ngàn tay súng và có thể điều động nhanh để chống Taliban. Cả Mỹ lẫn chính quyền Afghanistan đều tin điều này là thật, và hậu quả là họ đã thoả hiệp với các lãnh chúa, thường là những kẻ tàn bạo. Chuỗi sụp đổ của các cứ điểm – như Sheberghan, căn cứ địa của Abdul Rashid Dostum, cựu phó tổng thống (cũng là kẻ nhiều lần vi phạm nhân quyền); như Herat, trước nằm dưới quyền chi phối của cựu lãnh tụ mujahideen Ismail Khan; và như Mazar-e Sharif, trước do Atta Nur cai quản – cho thấy niềm tin nói trên là quá sai lầm. Tổng thống Afghanistan từng kêu gọi các lãnh chúa giúp đỡ, để chỉ thấy rằng họ không tụ tập được lực lượng vũ trang nào. Nói chung, đó là biểu tượng bi đát của chính quyền quốc gia Afghanistan, của quân đội, của khả năng nắm bắt tình hình, tại một quốc gia có thực tế chính trị manh múm.

 

Mỹ cũng đã quá tự tin với khả năng của mình trong một vấn đề khác, có ảnh hưởng xấu đến chiến cuộc sau này, đó là khả năng xử lý nơi trú ẩn của Taliban tại Pakistan. Trong nhiều năm, giới lãnh đạo Mỹ muốn chính quyền Pakistan ủng hộ để đạt đến một giải pháp hoà bình cho cuộc chiến Afghanistan. Nhưng họ thất bại, vì Islamabad muốn có nhiều chọn lựa hơn cho vấn đề Afghanistan. Tuy vậy, ngay cả sau khi đầu não vụ khủng bố 11/9 là Osama bin Laden, ông trùm al Qaeda, bị bắt khi đang sống lẩn trốn tại Abbottabad, thuộc Pakistan, thì Mỹ vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Pakistan, vì vị trí chiến lược quan trọng của nước này trong khu vực.

 

Quả thật, sẽ vô cùng khó khăn để đánh bại một lực lượng phiến quân có chỗ dung thân ngay bên kia biên giới. Giới lãnh đạo Taliban ở các thành phố Quetta và Peshawar, thuộc Pakistan, đã có thể gây quỹ, lên kế hoạch tấn công, và tuyển quân mà không gặp trở ngại nào. Chính quyền Afghanistan đã liên tục yêu cầu Pakistan giúp đóng cửa các căn cứ Taliban tại xứ này. Nhưng bộ trưởng nội vụ Pakistan, vào tháng 7/2021, công nhận rằng các gia đình quân Taliban không ở đâu xa, mà đang sống ngay tại các khu ngoại ô thủ đô Islamabad.

 

 

NHÌN SAI THỰC TẾ AFGHANISTAN

 

Tại sao sau 20 năm, đã không có một chính quyền hữu hiệu xuất hiện ở Afghanistan? Mỹ chắc chắn đã bỏ nhiều công của để có một chính quyền như thế. Nỗ lực đặt để một nền dân chủ kiểu phương Tây tại Afghanistan, bắt đầu bằng hội nghị Bonn năm 2001, đến việc viết bản hiến pháp mới, đã liên tục diễn ra trong hơn 20 năm.

 

Cựu tổng thống Afghanistan, ông Hamid Karzai, thường phàn nàn về sự can thiệp quá đáng của Mỹ. Những “can thiệp” ấy có vẻ đã giữ cho sinh hoạt chính trị Afghanistan đi đúng hướng, nhưng lại mang đến những hậu quả khó lường. Khi ông Richard Holbrooke, đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan và Pakistan, tìm cách tạo ảnh hưởng trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2009, ông đã không thể chặn đứng chiến thắng của ứng cử viên thổng thống Karzai như dự tính, mà chỉ biến vị tổng thống này trở thành thù địch.

 

Năm 2014, khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry đứng ra làm trung gian để thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, thì kết quả đạt được chỉ là một thoả hiệp chính trị bấp bênh, không hiệu quả, giữa tổng thống Ghani và đối thủ chính là ông Abdullah Abdullah. Trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó, năm 2019, chỉ có chưa tới 2.000.000 cử tri Afghanistan đi bỏ phiếu, trong khi trước đó năm năm, con số này là 8.000.000 cử tri. Kết quả bầu cử gặp nhiều tranh cãi cũng cho thấy nền dân chủ tại Afghanistan chưa hề vững vàng, trong khi đe doạ từ Taliban ngày càng tăng.

 

Vào tháng 6/2021, khi lãnh đạo chính quyền đoàn kết quốc gia Afghanistan đến Washington gặp tổng thống Mỹ Joe Biden, sự đoàn kết nội bộ đã tiêu tan, chỉ còn trên danh nghĩa, và tổng thống Ghani ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, Washington có lẽ cứ tiếp tục tin vào vẻ đồng lòng cho mục tiêu chung, vì các phe đang cùng đối diện với đe doạ ngày càng lớn từ Taliban.

 

Giới lãnh đạo chính trị quốc gia Afghanistan chưa bao giờ thoả thuận với nhau về cách tốt nhất để chiến đấu chống Taliban. Có nhiều căng thẳng giữa các trung tâm quyền lực địa phương và trung ương Kabul, và giữa các sắc dân Pastun với các sắc dân thiểu số Tajik, Hazara và Uzbek. Thêm vào đó, cả Karzai lẫn Ghani đều chọn giải quyết vấn đề đại diện sắc tộc bằng cách ban phát địa vị và bổng lộc, thay vì làm điều đáng làm là thúc đẩy một tầm nhìn quốc gia chung. Ngoài ra, việc Mỹ tìm cách phát hiện, kể cả chọn lọc lãnh đạo cho các bộ ngành cũng góp phần làm mất sự độc lập và tính chính danh của chính quyền Afghanistan.

 

Về phần Taliban, ngược lại, họ cho thấy khả năng biến hoá cao, không chỉ như một tổ chức quân sự và khủng bố, mà còn như một phong trào chính trị. Sau 2001, Taliban tiếp tục được ủng hộ rộng rãi ở nhiều vùng tại Afghanistan, và có khả năng lôi kéo hàng chục ngàn người trẻ thuộc thế hệ mới tại Afghanistan đi theo mình. Ngay trong thời kỳ gia tăng quân số Mỹ những năm 2009-2011, Taliban cho thấy họ vẫn có thể hoạt động. Nỗ lực hoà giải của chính quyền Afghanistan với Taliban từ năm 2010 về sau càng cho thấy họ ngầm chấp nhận thế mạnh về chính trị và quân sự của Taliban. Mỹ quyết định đàm phán chính thức với Taliban năm 2018, và các chính phủ ngoại quốc chào đón phái đoàn Taliban, sau thoả thuận Doha vào tháng 2/2020, cũng cho thấy thực tế này.

 

Chúng ta đã nhận định sai về Taliban khi chiến đấu chống họ; chúng ta cũng nhận định sai về cam kết gần đây khi họ đàm phán hoà bình, trong khi họ chỉ đánh đòn gió ở Doha với chính quyền Ghani, sau khi đạt thoả thuận với Mỹ về lịch trình rút quân. Họ chưa bao giờ thực tâm muốn thỏa thuận. (Ý tưởng cho rằng Taliban đã thay đổi có vẻ là ý tưởng khá ngây thơ, ở thời điểm hiện tại, với những hình ảnh khiến ai nấy lo âu từ cuộc tiếp quản đang diễn ra). Tuy nhiên, ý định của họ, ở khía cạnh nào đó, cũng phản chiếu dự định của Mỹ: Mục tiêu tối hậu của các nhà đàm phán Mỹ chỉ là tạo điều kiện cho một cuộc rút quân Mỹ có trật tự. Và Taliban luôn biết rõ điều này.

 

Giờ đây, lời đe doạ quốc tế sẽ không công nhận Taliban vì họ chiếm Kabul bằng vũ lực không còn ý nghĩa nhiều nữa. Các lãnh tụ Taliban không quan tâm liệu Mỹ có công nhận chính quyền của họ hay không, vì các chính quyền khác trong cộng đồng quốc tế có lẽ rồi sẽ công nhận họ, bất kể Mỹ làm gì.

 

Cũng cần kể đến một loạt những phán đoán sai và lỗi lầm khác liên quan đến tham vọng của Mỹ trong nỗ lực “xây dựng quốc gia” tại Afghanistan. Đối với giới chức Mỹ, nhiều điều họ thực hiện có vẻ có hiệu quả: Mỹ đã ra tay hậu thuẫn một chính quyền đại diện, củng cố cơ quan lập pháp, mang lại một mức độ an ninh nhất định, và thiết lập các dịch vụ xã hội. Nỗ lực của Mỹ đã thay hình đổi dạng nền giáo dục Afghanistan, với mức tăng trưởng cấp số nhân trong số nữ sinh đến trường, số nữ sinh viên đại học, và số nữ nhân viên đi làm các ngành nghề. Các quyền dân sự được luật hoá, một nền báo chí và tư pháp tự do hình thành. Hàng triệu người tị nạn cũng đã trở về Afghanistan trong những năm sau 2001.

 

Nhưng, ngay trong các lĩnh vực trên, chúng ta đã thổi phồng quá đáng các ưu điểm. Chúng ta đã làm ít hơn những gì có thể làm để chống tham nhũng, đã công khai làm việc với các quan chức cao cấp trong chính quyền và quân đội mà người dân Afghanistan đều biết là phải chịu trách nhiệm vì hối lộ, lạm dụng quyền thế và xúc phạm nhân quyền.

 

Chương trình chống ma tuý của chúng ta cũng thất bại thảm hại: Việc sản xuất thuốc phiện tiếp tục gia tăng trong hầu hết 10 năm qua, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma tuý và Tội phạm ước tính, diện tích trồng thuốc phiện gia tăng khoảng 37% trong năm 2020. Mức tăng trưởng kinh tế của Afghanistan, được hy vọng sẽ từng bước cho phép chính quyền trang trải chi phí, là điều được nhấn mạnh năm này qua năm khác tại hội nghị các nước tài trợ, mặc dù đó là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Những dự án hoành tráng chỉ dậm chân tại chỗ, chẳng hạn đã phải mất 15 năm để lấp đặt tua-bin mới tại Đập thuỷ điện Kajaki – biểu tượng của sự hào phóng Mỹ dành cho Afghanistan từ thập niên 1950.

 

 

AI ĐÃ ĐỂ MẤT AFGHANISTAN?

 

Vào tháng 2/2021, Nhóm Nghiên cứu Afghanistan do quốc hội Mỹ chỉ định đã đưa ra các đề xuất về lộ trình sắp tới. Nhóm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nhà nước và người dân Afghanistan; tiếp tục ngoại giao để ủng hộ quá trình hoà bình; tiếp tục làm việc với các lực lượng thân cận tại địa phương; tiếp tục kéo dài hiện diện của quân Mỹ để giúp các cuộc đàm phán hoà bình Doha hoàn thành. Tiếc là chỉ có một trong những đề xuất này được thực hiện, trước và sau khi phổ biến lộ trình, nhưng điều đó cũng không thể ngăn chặn sự sụp đổ chúng ta đang thấy lúc này. Xét cho cùng, sự sống còn của đất nước Afghanistan không nên hoàn toàn lệ thuộc vào việc lính Mỹ sẽ tiếp tục có mặt hay không.

 

Có một lập luận nghe bùi tai, do những người chỉ trích việc rút quân đưa ra, đó là: Đất nước Afghanistan dưới quyền Taliban sẽ lại trở thành nơi dung túng các nhóm khủng bố đe doạ an ninh Mỹ. Thực ra, lập luận này là lời khen ngược, rằng chúng ta đã thành công trong việc giảm mối đe doạ từ Afghanistan xuống mức tối thiểu – đây chính là mục tiêu ban đầu khiến Mỹ can thiệp. Tuy nhiên, cái giá phải trả rất đáng kể: Hơn 1.000 tỉ USD, 2.400 binh sĩ thiệt mạng (cùng hàng ngàn nhân viên các nhà thầu dân sự), và hơn 20.000 người Mỹ bị thương.

 

Có lẽ, mối đe doạ khủng bố sẽ trỗi dậy nhanh hơn dưới chính quyền Taliban tương lai. Nhưng, kết luận rằng hậu quả này đòi hỏi Mỹ phải hiện diện dài lâu, chẳng khác gì cho rằng quân đội Mỹ phải có mặt thường trực tại nhiều nơi trên thế giới – những nơi mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (còn gọi là ISIS), và các chân rết của Al-Qaeda, đang hoạt động với lực lượng lớn hơn lực lượng ở Afghanistan và đặt ra mối đe doạ lớn hơn cho Mỹ. Chưa kể lập luận này cũng quên rằng năng lực của Mỹ trong việc giám sát và tập kích các nhóm khủng bố đã gia tăng rất lớn kể từ năm 2001.

 

Nói cho cùng, quyết định của Washington rút quân Mỹ không phải là lý do duy nhất, hoặc lý do quan trọng nhất, khiến tình hình diễn ra như hiện nay ở Afghanistan. Lý do nằm ở những chính sách thất bại trong 20 năm qua, và nằm ở yếu kém của giới lãnh đạo chính trị Afghanistan. Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng Mỹ sẽ không kẹt vào cuộc tranh cãi độc hại quanh câu hỏi “Ai đã để mất Afghanistan?” Nhưng, nếu phải hỏi câu này, hãy nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có lỗi.

 

____

 

Tác giả: P. Michael Mckinley là đại sứ Mỹ tại Afghanistan từ năm 2014 đến 2016. Ông cũng là đại sứ Mỹ tại Brazil, Colombia và Peru, và là Cố vấn Cấp cao của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

 

*

Ghi chú của người dịch:

 

[*] Xem thêm tại đây: “Not an Afghanistan problem but a humanity problem” – Gen McMaster.

 

Các nội dung trong ngoặc vuông là của người dịch.

 

 

 

No comments: