Bàn với TBT Nguyễn Phú
Trọng về hai chữ Danh Dự
Nguyễn
Khắc Mai
22/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/22/ban-voi-tbt-nguyen-phu-trong-ve-hai-chu-danh-du/
Gần đây, trong cuộc họp Chính phủ, TBT Nguyễn
Phú Trọng đã có bài phát biểu dài và có những ý quan trọng. Vì tôi cho là quan
trọng nên muốn góp với anh vài ý mọn.
Vấn đề Danh Dự như anh nói, theo tôi đúng là
quan trọng rồi, vì nó cần thiết cho mỗi người Việt và cố nhiên cả nhân loại để
biết sống trên/ trong cõi đời này. Hơn nữa lại rất cần (như mong ước của Dân tộc,
nhưng không chắc có là mong ước của những người cầm quyền lớn bé hay không). Vì có những người cộng sản hiện
nay không cần danh dự vì thế vấn đề càng trở nên cấp thiết.
Tôi nhớ, anh đã từng mời tôi hợp tác trong đề
tài: Luận cứ khoa học để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong thời kỳ mới. Bấy
giờ tôi đã góp với anh nhiều ý gay gắt mà anh cũng đồng tình. Ví như tôi đã
trình bày rằng, chính sách tiền lương không những lạc hậu mà còn là tội ác. Tuy
nhiên khi về đánh máy bản tham luận để nộp, tôi nghĩ không nên ác khẩu, nên đã
sửa lại là “tội lỗi”. Có vẻ như anh cũng đồng tình nên đã ghi lại ý này trong
sách của anh xuất bản.
Bây giờ xin đi vào mấy ý. Câu nói của anh mà
tôi chú ý: “Những ai có tư tưởng này thì dẹp sang một bên, cho người khác làm.
Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng
liêng cao quý nhất”.
Cái gọi là “tư tưởng này” là tư tưởng sống,
làm việc, lãnh đạo chẳng cần chú ý đến danh dự làm gì, mà bây giờ anh hốt hoảng
la trời lên, thôi rồi, nó đâu rồi, sao lại để trở nên thảm hại như vậy!
Bây giờ thấy mà kêu lên cũng tốt nhưng vô
nghĩa. Cái chính là phải hiểu nó là gì, không phải chỉ hiểu cảm tính, mơ hồ đại
khái mà phải nghĩ được như đức vua Trần Nhân Tông trong bài “Cư trần lạc Đạo
phú”, khẳng định rằng: “Cùng nơi ngôn cú”, nghĩa là trong
câu chuyện của tư duy khoa học, tư tưởng, triết lý (ngôn cú) thì phải đi cho đến
tận cùng của cả hai chiều, đầu ngọn nguồn và cuối cùng của cứu cánh, kết quả, kết
thúc…
Như vậy, danh dự nghĩa là gì, danh dự của ai? Ở
đây anh muốn nói đến danh dự của người cộng sản, hơn nữa là của đội ngũ công chức,
công bộc trong chính phủ, từ anh trưởng phường cho đến anh Thủ tướng.
Làm gì để hình thành danh dự, để nuôi dưỡng
danh dự, để không đánh mất danh dự. Lại còn là vấn đề danh dự của một người,
danh dự của một cộng đồng, như của một chính đảng chẳng hạn, một dòng họ, một
doanh nghiệp… một dân tộc. Danh dự của một người là quan trọng mà của một chính
đảng như đảng Cộng sản VN, hơn nữa của cả Dân tộc lại còn quan trọng gấp bội.
Làm sao mà lãnh đạo ngót cả trăm năm lại để
cho đảng cộng sản rớt giá thảm thương như vậy, để cho dân tộc này phải cắp rá
ăn xin thời Việt Nam DCCH, phải đi làm ô-sin khắp chốn như hiện nay. Đâu rồi
danh dự của dân tộc? Đâu rồi danh dự của Đảng? Ai làm mất, ai đánh mất, ai
không biết giữ gìn? Tội lỗi đầy mình. Tôi có cảm giác như anh chưa đủ một sự sám
hối. (Nam mô cầu Sám hối Bồ Tát).
Bàn về danh dự của Đảng, của Dân tộc xin để
sau. Bây giờ nói tới danh dự của một con người đã. Danh dự là gì? Trong những từ
và tự điển mà tôi biết thì dự, trong danh dự có nghĩa là tiếng khen. Nó là sự
thẩm định của xã hội đối với một người. Danh dự không có cao thấp, mà chỉ có sắc
thái khác nhau.
Như danh của anh là Trọng lại là TBT, còn tôi
là Mai, là ông già về hưu nơi Ô Đồng Lầm, Hà Nội. Chỗ khác nhau là anh có chức
tước, tôi thì không. Không có cao thấp, nhưng có khác. Vì anh phải mang thêm
cái danh dự của Tổng bí thư. Nếu cứ để đảng suy đồi như hiện nay, để xã hội suy
thoái, để hệ thống công quyền cả gan biến thành tư quyền mà dân không làm gì được
thì danh dự TBT “đã” mất (không phải “sẽ”).
Đúng như anh nói, danh dự là cao quý là thiêng
liêng. Nó là cái phẩm giá của một con người. Ông cụ Hồ thế mà dí dỏm từng nói
“đừng tưởng cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà khiến người ta sợ”. Bây giờ
thì người ta vừa sợ vừa khinh.
Hệ thống xã hội mới của ta quá nhấn cái danh
mà thường bỏ quên các thực. Nào là nhân dân, nào ưu tú, nào anh hùng, nào chiến
sĩ, loạn cào cào. Danh dự là cái chiều sâu lặn bên trong như cái gen của văn
hóa, nó như cái cốt sắt của bê tông. (Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lấy tre làm
cốt).
Có lần tôi phê bình Trường Nguyễn Ái Quốc, ở
đây không dạy đạo đức. Họ cãi, họ đã dạy trong hình thái ý thức xã hội. Tôi bảo
không đúng và không đủ. Phải dạy đạo đức công vụ, nghề nghiệp, đạo đức lãnh đạo,
đạo đức kinh tế… Người xưa rất coi trọng cái thực chất.
Khi tôi về làng Tó Tả, Thanh Oai, vào thắp
hương nhà thờ cụ Ngô Thì Trí, em ruột cụ Ngô Thì Nhiệm, thấy câu đối: “Hương
lý xưng thiện nhân tư vinh túc hỹ/ Gia trung hữu hòa hiếu hà lạc như chi”.
Nghĩa là: Làng xóm khen là người tử tế, vinh dự ấy đủ rồi. Trong gia đình hòa
hiếu thì có niềm vui nào hơn.
Nó là cái gen lặn của văn hóa. Anh nói đúng, đừng
thấy đỏ mà tưởng chín. Xã hội ta hiện nay rất đỏ, đỏ lòm mà văn hóa, đạo đức nhất
là văn hóa đạo đức của giới lãnh đạo lại rất sống sượng! Làm sao nó có thể là
rường cột của nước nhà được đây! Phải tìm danh dự trong văn hóa. Mà xây dựng
văn hóa không thể một sớm một chiều, nhất là muốn hô khẩu hiệu, nói đạo đức
suông mà được.
Bây giờ phải lần tìm những cái duyên, tìm cho
ra cái nhân mới biết cái quả đắng mất danh dự từ đâu. Người Nga quả không đến nỗi
lú. Họ từng chủ trương Perestroika, làm lại. Nhưng hóa ra không đơn giản như vậy.
Ta hô hào Đổi Mới, nhưng trống xuôi kèn ngược, nửa vời, tiếng kèn ngập ngừng.
Ví dụ nhãn tiền là sự cố ở Đại học Duy Tân.
Nói là duy tân nhưng hành xử rất hủ lậu. Duy tân hành xử, nhưng bàn tay thọc
vào chỉ đạo là ở nơi khác. Ông Thủ tướng mới thì hô hào ở Chính phủ phải tôn trọng
phản biện, lắng nghe ý kiến nhân dân, mà một cô giáo chỉ nói đôi điều cảm khái
về chính sách an sinh, liền bị đuổi dạy. Đáng trách là các anh không có ai lên
tiếng điều chỉnh, cái thói xấu bảo hoàng hơn nhà vua ấy. Cũng là chuyện danh dự
cả thôi.
Trong trường hợp này ít ra là các anh đã lạc hậu
đến ba ngàn năm. Nhân vì cái Cô Vy chết dẫm mà tôi phải trói chân ở nhà, bèn nhớ
lời Nguyễn Trãi, Cấp giản, phanh trà và độc cựu thư.
Tôi không kín nước suối để pha trà, mà hứng nước mưa ở đợt sau để có nước không
bị axit phanh trà và đọc sách xưa.
Sách Đông Chu liệt quốc có
chuyện Thương Ưởng giúp Tần Thủy Hoàng dùng luật pháp để trị dân. Để cho dân
tin là ổng làm thật, ổng bèn lập mẹo cho để cây gỗ lớn ở cửa bắc và yết, hể ai
vác nó sang cửa phía nam sẽ được thưởng lớn. Một người thử vác xem sao. Quả
nhiên ông thưởng cả chục lượng vàng. Dân tin ông nói được làm được, biến pháp
được thi hành. Nếu các anh không có ý kiến lại, không ai tin những gì các anh
nói.
Những thế hệ đảng viên làm cán bộ, làm công chức
lớp sau này, họ lại tham lam tàn nhẫn như vậy, trở thành cả một bầy sâu, cái gì
cũng ăn. Mà cái ăn bẩn thỉu nhất, đồi bại nhất, thất đức nhất, là ăn chính trị,
ăn thể chế, ăn ghế, ăn quyền lực.
Ngày xưa vua Việt vương Câu Tiển phải ăn cứt của
Ngô Phù Sai là để trả thù, tìm cách giành lại nước, nay tuy ăn những thứ sang
như chức tước bí thư, chủ tịch, viện trưởng, nghị sĩ… nhưng lại là giúp Tàu Cộng,
làm suy đồi đất nước ta để chúng dễ bề thao túng.
Anh nêu hai ý mà tôi thấy đúng và tâm đắc. Một
là phải chăm lo cho cái danh dự của đám quan chức to nhỏ khác nhau của đảng. Có
làm được hay không là chuyện khác. Nhưng nói như Lỗ Tấn, hy vọng giống như con
đường, cứ đi khắc thành đường. Nếu anh không vãn hồi được, cứ giao cho Dân, vì
“khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây là ý trong một câu vè của Thanh Tịnh, làm
ở Quảng Bình, cụ Hồ dùng lấy, thành ra của cụ.
Phải thay đổi thể chế. Phải có một thể chế Dân
chủ để Dân được là chủ, họ sẽ biết cách buộc đám quan lại mất tư cách phải đi
tìm danh dự để làm việc, nếu không tôi sẽ đuổi anh ra một bên, để người khác
làm. Đây là điều thứ hai mà tôi khen anh, anh đáng được như vậy. Trong tiếng
Pháp, chữ danh dự có nguồn ý nghĩa tữ chữ digne, đáng giá, đáng được, (khen ngợi,
xưng tụng).
Cái câu anh nói “Dẹp sang một bên cho người
khác làm” tôi cho là một thông điệp, một tuyên bố, phải biến nó thành một chủ
trương, thành đường lối chính trị, chớ để nó chỉ như là một khẩu hiệu dân túy mỵ
dân!
Đánh động vấn đề danh dự, lo cho cái danh dự,
bồi dưỡng, giữ gìn cái thiêng liêng quý báu nhất. Đúng rồi. Anh không tìm được
danh dự để làm việc, anh tự gạt mình ra, mà thể chế mới của Dân, sẽ sẵn sàng dẹp
anh sang một bên cho người khác, là những người biết quý trọng danh dự của
mình, còn biết trọng cái danh dự của đảng, của nhà nước của Nhân dân. Hay lắm,
thật digne để bàn, để khen ngợi.
Như ông Liệt ninh (Lenin) nói, Que Faire (*),
làm gì ?
Ở tầm xa, chiến lược phải sửa sang cái Văn
hóa, coi trọng nó, nuôi dưỡng nó, chấn chỉnh nó. Phải thay đổi cái tư duy cái
não trạng sai lầm méo mó về văn hóa. Cái tinh túy, cái chất tủy của văn hóa phải
nằm trong phương châm bốn chữ: Chân, Thành, Tín, Mỹ. Cả bốn yếu tố này trong mọi
bình diện văn hóa hiện nay đều bị vi phạm. Trong chính trị, trong kinh tế, khoa
học giáo dục, đạo đức lối sống xã hội, gia đình, cả trong tôn giáo, nhiều điều
của chân, thành, tín mỹ đều bị xáo trộn. Không phải ngẫu nhiên mà cả dân gian,
cả trí thức đều lo phiền. Dân gian thì u mua (chúng ta đang ở vào thời kỳ văn
minh đồ đểu…), còn nhà thơ thì “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”.
Trong tầm gần, mà cũng có ý nghĩa chiến lược
là phải gấp gáp sửa đổi thể chế. Các anh đang bàn để sửa đổi một số luật, như sửa
luật đất đai, một hệ thống những văn bản luật pháp về một lĩnh vực thiết cốt của
dân mà thất đức, vô đạo, kéo dài, gây biết bao tội lỗi, oan khiên chết chóc,
thiệt hại cho dân, cho nước vô kể. Liệu nay có dám làm cho tử tế hay không. Chớ
để bị chê là hời hợt, như nhận xét của những giáo sĩ phương Tây vào TK IXVII
ghi chép rằng: “Người Đàng ngoài (Bắc Việt) vốn có tính hời hợt” (**).
Hãy xác định cho rõ, sửa luật đất đai để làm
gi? Phải nhận thức cho rõ: Để Lập Quyền Dân trên lĩnh vực này! Chính ông Mác
cũng nói: luật pháp để cho có luật pháp là vô nghĩa. Còn Hồ chí Minh, khi còn
trên Việt Bắc từng nói “Ngày nay tư pháp là chuyện làm người và ở đời! Tư
pháp của mình có quá nhiều những chuyện áp bức con người và chà đạp cuộc đời”.
Còn “Dẹp sang một bên cho người khác làm”,
không chỉ kêu gọi họ, mà là một đạo luật mới chấn chỉnh hệ thống tổ chức công
quyền và đội ngũ quan lại công chức. Hãy rút từ quỹ dự trữ một số ngân sách,
thiếu thì đi vay thêm để thực hiện chương trình cải tạo lại hệ thống công quyền
và đội ngũ công chức. Theo đánh giá của giới nghiên cứu và của xã hội, thì có
30% công chức vô tích sự, họ gọi là ngồi chơi xơi nước, có 30% nói là có việc
cũng được, mà không cũng được. Như thế, 30% này chỉ tính ½ là có làm việc. Tống
lại chỉ có khoảng 50% được gọi là hữu hiệu.
Trong những cái hư hỏng cũ kỹ mà
Hồ Chí Minh nói trong Di chúc, thì hư hỏng cũ kỹ về sự lãnh đạo của đảng là phải
đáng quan tâm hàng đầu. Các anh cũng mường tượng ra rằng “kinh tế là trọng
tâm. Xây dựng đảng là then chốt”. Nhận thức thế, mà làm thì chớt chát, hình
thức, đặc biệt là cái tâm thức về mục đích là không chính xác. Dường như chỉ
nhăm nhăm củng cố quyền lực, địa vị của mình cho lâu dài (vạn tuế, muôn năm),
mà quên đi cái lý do tồn tại của một chính đảng, của dân tộc là ở chỗ, như ông
cụ Hồ nói là để phụng sự dân tộc. (Lại nói), lý do tồn tại của một chính đảng
cách mạng là ở chỗ Lập Quyền Dân. Nhân tiện nói luôn về A Phú Hãn. Một chính
quyền thối nát, tham nhũng lý do tồn tại là chỉ vì mình, thì quân đông, vũ khí
hiện đại, cũng sập tiệm.
Hai bậc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Châu
Trinh từng nói với nhau: “Giành được Độc lập rồi mà Dân không có quyền cũng
vô nghĩa”. Sau này Hồ Chí Minh cũng mượn ý ấy để nói: “Có độc lập, thống
nhất mà dân không được hưởng Tự Do Hạnh phúc thì cũng vô nghĩa!” Một chính
đảng lãnh đạo ngót trăm năm, mà không xây dựng nổi một chính quyền thật sự của
dân, do dân, vì dân, một chính quyền dân chủ, văn minh văn hóa, tinh gọn và hữu
hiệu, digne là rường cột của nước nhà, là nhạc trưởng, chứ không phải kẻ cầm gậy
chỉ huy, công cuộc Phục hưng Dân tộc, là có công hay có tội, chắc anh cũng đồng
tình với tôi.
Vì thế tôi hoan nghênh anh đặt vấn đề khôi phục
cái Danh dự của đảng cầm quyền, của hệ thống công quyền, trước mắt là của đội
ngũ những nhà lãnh đạo cao thấp, là đảng viên đang giữ những chức vụ lớn nhỏ.
Hãy làm như khi anh chưa ngồi vào bất cứ ghế
quyền lực nào, đi kiếm một kinh phí rồi hợp đồng với chúng tôi xây dựng một Đề
án: “Đi tìm Danh Dự bị đánh mất cho Đảng cầm quyền, cho hệ thống công quyền
và công bộc của Nước”. Chúng tôi sẽ mời các anh cùng tham gia, mời cả anh
chị em ở nước ngoài. Sẽ lập một Hội đồng đủ tư cách để thẩm định, và nhất định
có mời nhân dân tham gia trưng cầu ý kiến.
Vấn đề “Saisire le Pouvoir”, Karl Marx có câu
nói rất hay, không biết anh đã đọc chưa, tôi xin thưa với anh, Mác đã trao đổi
với Bakounine: “Một khi giai cấp vô sản nắm đươc chính quyền, họ sẽ
thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người tự ứng cử và tự bầu cử, nhằm
đại diện và cai trị họ (Giai cấp vô sản). Ngay lập tức, họ (giai cấp vô sản)
sẽ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một
kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, con rối và là con mồi
cho những tham vọng mới”. Tôi đọc câu này trong quyển Marx sa
vie et son oeuvre của Jean Eleinstein, nhà Fayard Paris xuất bản.
Ông Các Mác đã tiên đoán, cái chính quyền vô sản
sẽ đánh mất danh dự như thế nào, từ cuối thế kỷXIX, trước khi chính quyền Xô Viết
được thiết lập, rồi chính quyền các nước XHCN Đông Âu, chính quyền cộng sản
Trung Hoa, Việt Nam, Cu Ba v.v… ra đời!
Danh dự không dễ bồi dưỡng, nhưng không phải
khó tìm. Phật dạy “quăng bỏ dao thì thành Phật”. Bỏ ngay cái hư hỏng, cũ kỹ nhất,
thì có thể tức khắc khôi phục được danh dự.
Trong bài Kê Minh Thập Sách của
bà Phi hậu của vua Trần Duệ Tông, mà tôi cho là minh triết Trị nước An dân (anh
cũng nên tìm đọc, đây là lời dạy của tiền nhân để làm vua, làm chính khách), có
sách thứ sáu: “Nguyện cầu trực gián, lệnh thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai”.
(Xin cầu lời nói thẳng, khiến cho cửa thành và đường ngôn luận đều rộng mở). Kỳ
lạ, người xưa đã nói ngôn lộ (con đường ngôn luận!). Ở lời kết luận Bà viết: “Phục
ký sô nghiêu chi quảng nạp. Thiện tất hành, tệ tất khử. Đế niệm kỳ tai. Quốc dĩ
trị, dân dĩ an, thiếp chi nguyện dã”. Mong những lời quê mùa (sô nghiêu, là
lời kẻ cắt cỏ chăn trâu) được rộng lượng dung nạp. Điều tốt thì giữ lấy để thi
hành, điều dở thì bỏ đi. Chỉ cốt là nước được thịnh trị dân được an vui, đó là
ý nguyện của thiếp.
Tôi cũng mong mấy lời “sô nghiêu” của kẻ già sắp
tới ngả rẽ vô Văn Điển, sẽ ngồi trên nóc tủ nhìn “gà khỏa thân” cũng sẽ được quảng
nạp.
Kính chúc anh đặng bình an trong mùa Cô Vy.
-----
3 COMMENTS
Bài viết qua hay! Hết sức ngưỡng mộ bác Nguyễn
Khắc Mai!
.
Bài viết hay, nhưng có đến được người cần đọc
không? Đến được người cần đọc, nhưng có tác dụng gì không? Có tác dụng đi, thì
có làm thay đổi được bản chất suy đồi mất danh dự không? Lãnh đạo quốc gia phải
dựa vào luật, hành xử theo luật chứ không phải bằng mấy lời đạo đức suông. Ở thời
đạo trị, vua là bậc hiền minh làm gương cho thiên hạ noi theo,chừ là kẻ tham
quyền cố vị chỉ nói đạo đức suông mà mong lay chuyển bộ máy tham lam, a dua, dốt
nát, kết bè, kết cánh!
.
Chổ này tác giả bị nhầm: "Sách Đông Chu
liệt quốc có chuyện Thương Ưởng giúp Tần Thủy Hoàng dùng luật pháp để trị
dân..."
Thương Ưởng (khoảng 390 TCN-338 TCN), Ông vốn gốc mang họ Cơ (姬姓) là con cháu công thất
Chu Văn vương trú tại đất Vệ (衛氏) nên còn gọi là Vệ Ưởng (衛鞅) hoặc Công Tôn Ưởng (公孫鞅), là nhà chính trị gia,
pháp gia nổi tiếng, thừa tướng nước Tần của thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung
Quốc. Với những đóng góp của bản thân với nước Tần, Vệ Ưởng được phong tước
Thương quân (商君), đất phong ở ấp Thương. Vua tần thời này là Tần Hiếu Công.
(Wikipedia)
No comments:
Post a Comment