Tuesday, August 24, 2021

BÀ KAMALA HARRIS THĂM VIỆT NAM, NHẤN MẠNH ƯU TIÊN GÌ VỀ NGOẠI GIAO CỦA HOA KỲ? (Bùi Thư - BBC Tiếng Việt)

 


Bà Kamala Harris thăm Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên gì về ngoại giao của Mỹ?

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

24/08/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58314500

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12870/production/_120088857_gettyimages-1333450751.jpg

Kamala Harris hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đối tác trong khu vực, Singapore và Việt Nam

 

Chuyến thăm của bà Harris cho thấy những ưu tiên chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam, nhưng vẫn còn những khác biệt mà hai bên cần đối thoại.

 

Việc các quan chức cấp cao của chính quyền mới tại Mỹ thực hiện các chuyến thăm liên tiếp tới Việt Nam được coi là biểu hiện của một mối quan tâm đặc biệt.

 

Nhân dịp Phó Tổng thống Kamala Harris tới thăm Việt Nam vào ngày 24/8, BBC News Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và trưởng Bộ môn Chính trị Quốc tế của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Ông Trung hiện cũng là giảng viên thỉnh giảng Đại học Fulbright Việt Nam.

 

 

Thông điệp của bà Kamala Harris

 

BBC: Thưa ông, tiếp sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc Lloyd Austin là chuyến thăm của Phó Tổng thống, đây có phải là dấu hiệu của một sự ưu tiên mới từ Washington?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Nếu chúng ta nhìn về sự chuyển dịch của chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian gần đây thì có thể thấy Mỹ đã hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn. Có nhiều người gọi đây là sự xoay trục mới của Mỹ. Điều này cũng trùng hợp với những hành động gần đây của chính quyền Biden khi mà chúng ta thấy, như việc rút quân khỏi Afghanistan.

Chúng ta có thể hy vọng Mỹ sẽ tái phân phối nguồn lực của họ mạnh hơn vào khu vực Thái Bình Dương, nơi có quốc gia mà Mỹ gọi là đối thủ lớn nhất trong thế kỷ 21 - Trung Quốc.

 

*

BBC: Ông kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Tôi không đặt nặng vào những kết quả cụ thể, nhưng có thể thấy chuyến thăm này biểu hiện rằng đôi bên thấy rõ sự quan trọng của nhau trong chính sách của mình. Bà Kamala Harris tới Việt Nam với nhiều thông điệp: giúp Việt Nam chống dịch Covid-19, sự giúp đỡ của Mỹ trong mảng y tế dự phòng, y tế công cộng cho Việt Nam cũng như nâng cấp CDC của Mỹ tại Hà Nội thành văn phòng CDC cho khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện họ muốn biến Việt Nam thành trung tâm của CDC Mỹ trong khu vực.

 

Ngoài ra, có một số cam kết của Mỹ về chuỗi cung ứng. Tôi nghĩ bà Kamala Harris muốn Việt Nam trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, tránh lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Đây là điều tốt đẹp hơn cho Việt Nam trong thời gian tới khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và các nhà đầu tư của Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, hiện đang đổ vào Việt Nam rất nhiều. Vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ trong dịch Covid-19 càng đặt ra vấn đề cấp thiết không chỉ trong cơn đại dịch sắp tới mà trong tương lai. Đó có thể là yếu tố khác, xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng này và đây là tin tốt cho nền kinh tế Việt Nam cũng như cho các nhà đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

 

Về vấn đề an ninh, đây cũng là sự cam kết của Mỹ trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á. Mỹ sẽ không bỏ rơi khu vực này như đã từng xảy ra dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ông hiếm khi tham dự các cuộc họp khu vực, cũng như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

 

 

Ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

 

BBC: Vì sao Việt Nam được coi trọng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Việt Nam có rất nhiều vai trò trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ nhất, về địa chính trị, Việt Nam nằm sát Trung Quốc. So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam là nước thường xuyên lên tiếng phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của Mỹ là trật tự quốc tế phải dựa trên luật lệ do Mỹ đề ra từ sau Thế chiến II, chứ không phải là một trật tự quốc tế dựa trên sức mạnh như những gì Trung Quốc thể hiện trong thời gian gần đây.

 

Việt Nam cũng là quốc gia có kinh nghiệm trong mối quan hệ với Trung Quốc suốt hơn 2000 năm qua, đây là kinh nghiệm đáng giá để Việt Nam biết cách phản ứng đối với các hành vi của Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia luôn lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc tại khu vực biển Đông, và e ngại trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

 

Thêm nữa, Việt Nam là một trong số các quốc gia có dân số đông và trẻ, có hiểu biết về công nghệ, là thị trường lớn đang lên khi giai cấp trung lưu ngày càng tăng và cũng là quốc gia có nhiều lợi ích chung với Mỹ trong việc nhìn nhận về vai trò của Trung Quốc.

Chính vì vậy, tất cả những điều này làm cho Việt Nam trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như biến Mỹ thành một phần trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

 

*

BBC: Mỹ gia tăng quan hệ với Đông Nam Á để ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Liệu có thể hiểu rằng với Mỹ, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc được ưu tiên hơn bản thân việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và Việt Nam?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Việc Mỹ đẩy mạnh mối quan hệ với khu vực ĐNA hay việc nối lại quan hệ đồng minh ở châu Âu cũng như Úc, New Zealand, Canada đều là cách thức để Mỹ đạt được mục tiêu là ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc theo quan điểm phía Mỹ. Vì Mỹ e ngại Trung Quốc sẽ tái thiết lập một trật tự thế giới mới không dựa trên luật lệ và cách họ làm hiện nay là thúc đẩy các mối quan hệ đồng minh. Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, một bên là mục tiêu của phía Mỹ, một bên là cách thức họ làm để đạt được mục tiêu đó.

 

*

BBC: Hiện nay, việc hàn gắn mối quan hệ Mỹ - châu Âu vốn đã bị sứt mẻ nhiều do chính sách thời Donald Trump là ưu tiên của Tổng thống Joe Biden. Điều này ảnh hưởng gì tới chiến lược hiện diện mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ hơn với châu Á - Thái Bình Dương?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Việc cùng lúc thực hiện hai mục tiêu ưu tiên với châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương thực ra không khó với một siêu cường như Mỹ. Trong quá khứ, Mỹ cũng từng ở trong hoàn cảnh này.

 

Một siêu cường luôn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, đối diện với nhiều thách thức trên toàn cầu. Việc Mỹ làm ấm lại mối quan hệ với các quốc gia châu Âu không quá khó khăn vì Mỹ và các quốc gia này đã chia sẻ nhiều giá trị và có các thể chế được coi là khá tương đồng. Họ đều hiểu có một số trục trặc trong một số thời kỳ do các nhà lãnh đạo khác nhau nhưng họ vẫn có giá trị chung và mang tính lâu dài hơn là một nhiệm kỳ tổng thống.

 

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôi nghĩ đây là vấn đề khó khăn hơn đối với Mỹ. Khu vực này bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ và các quốc gia trong khu vực này được coi là nhỏ, họ luôn cảm thấy bị buộc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc và rơi vào thế khó xử. Chính vì vậy, tôi nghĩ việc Mỹ tìm cách trấn an các quốc gia này cũng như tái cam kết của mình đối với khu vực là vấn đề trọng tâm.

 

 

Triển vọng nâng tầm quan hệ

 

BBC: Đánh giá của ông về triển vọng nâng tầm quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Tôi nghĩ các quốc gia nhỏ trong khu vực cũng ý thức được sự chọn lựa khó khăn khi mà họ vừa phải giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa muốn thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ. Chính quyền Biden hiện đã đưa ra những sáng kiến mới nhằm khôi phục vai trò dẫn dắt mới về mặt kinh tế, thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng các khái niệm như Digital Trade Agreement - Thỏa thuận về thương mại số. Tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp phản ứng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đã đưa ra.

 

Tôi không nghĩ Mỹ sẽ sớm quay lại CPTPP nhưng những sáng kiến mới này sẽ được coi là cơ chế đa phương hấp dẫn đối với các nền kinh tế nhỏ trong khu vực. Trung Quốc được coi là đối tác thương mại lớn nhất đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia này cần Mỹ về mặt công nghệ cũng như là các tiêu chuẩn mới cho thương mại thế giới trong thời gian tới.

 

Theo tôi, Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có những động thái thực sự để chuẩn bị nâng tầm mối quan hệ thành đối tác chiến lược trong chuyến thăm của bà Kamala Harris. Nhưng tôi nghĩ trong thời gian sắp tới, hai nước sẽ phấn đấu cho mục tiêu này. Dù sao chúng ta cũng thấy việc Mỹ cam kết rõ ràng hơn đối với các quốc gia đồng minh và đối tác sẽ góp phần phục hồi uy tín của Mỹ đang bị sứt mẻ sau cuộc rút quân ở Afghanistan.

 

Tôi cho rằng phía Mỹ không cố gắng xem rằng việc họ nâng tầm quan hệ với quốc gia nào đó chỉ để nhằm phục hồi danh dự của họ ở một nơi khác. Mà điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa hai bên nhiều hơn là từ yếu tố bên ngoài. Để nâng tầm quan hệ thì hai quốc gia cần phải làm việc nhiều hơn để họ có niềm tin chiến lược đối với nhau, tôi nghĩ đây là điều quan trọng đối với mối quan hệ của hai nước.

 

Việc rút quân khỏi Afghanistan, tôi nghĩ, không làm bận lòng quá nhiều người làm chính sách ở Mỹ dù người chỉ trích coi việc Mỹ rút quân trong hỗn độn là điều đáng xấu hổ của chính quyền Biden.

 

*

BBC: Tổng thống Donald Trump không đặt nặng vấn đề nhân quyền. Theo ông, nhân quyền có là trở ngại trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Biden?

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, đây là vấn đề sẽ vẫn được coi là nhạy cảm trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian sắp tới dưới thời ông Biden, một tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ hai nước đều nhận thức rằng họ phải vượt qua điều này và không để nó ảnh hưởng tới mối quan hệ chung.

 

Chúng ta biết Việt Nam có chính sách đối ngoại, theo đó một quốc gia có thể vừa được coi là đối tác, vừa là đối tượng. Đối tượng tức là đụng đến vấn đề đó, hai bên cần phải ngồi xuống giải quyết những khác biệt. Tôi nghĩ nhân quyền là một vấn đề như vậy, nhưng nó sẽ không là vấn đề gây trở ngại chính cho mối quan hệ song phương.

 

 

 

 

No comments: