Tuesday, May 26, 2015

Vì sao tôi bỏ “biên chế nhà nước”? (Lê Minh - Người Lao Động)





Lê Minh     
Người Lao Động   -   2:43 PM, 25/05/2015

Mơ ước được làm người có ích, nỗi khát khao được vươn lên, phát triển bản thân mình đã thôi thúc tôi từ bỏ vị trí đã được “biên chế” ấy. Dù sau này cuộc sống của tôi trở nên vất vả hơn trước thì tôi cũng không bao giờ hối hận, bạn ạ!

Bạn vẫn mắng tôi là “không thể hiểu nổi”, là “gàn dở” khi tôi nộp đơn thôi việc lúc đang là phó phòng ở một cơ quan nhà nước, một công việc ổn định, nhàn nhã, dù lương không cao nhưng bổng lộc tương đối dư dả. Nói ra nguyên do, thật khó, bởi với số đông mọi người, với thang giá trị được công nhận phổ biến ngày nay, họ sẽ không hiểu điều tôi nói.

Tôi nghỉ việc, cả cơ quan ai cũng ngạc nhiên. Chỉ nay mai là tôi lên chức trưởng phòng, con đường sự nghiệp rộng mở… Mẹ tôi, một giáo viên cấp hai đã nghỉ hưu, suốt đời “ăn lương nhà nước”, gần như bị sốc khi tôi thông báo sắp bỏ việc. Lo lắng đến mất ngủ nhiều đêm liền, bà gọi hết anh em, bạn bè, họ hàng nhờ họ can ngăn, khuyên nhủ tôi qua điện thoại không xong, bà cất công đi xe khách hơn 200km đến thành phố nơi tôi sống, chỉ để ngồi giảng giải. Rằng, công việc nào cũng có lúc khó khăn, cũng có những điều không vừa ý, cần phải kiên cường vượt qua. Rằng, người ta mất hàng mấy trăm triệu để có được một chỗ làm trong cơ quan nhà nước, giờ đang yên đang lành lại bỏ!

Chồng tôi không nói gì, vì biết tính tôi đã quyết thì không ai lay chuyển được, nhưng anh hậm hực ra mặt. Chúng tôi mới cưới nhau, có một con nhỏ, nhà vẫn phải đi thuê. Nếu tôi bỏ việc lúc này, nghĩa là đổ tất cả gánh nặng lên vai anh. Tôi rất hiểu điều đó, và chính điều đó khiến tôi dùng dằng mãi chưa quyết định nghỉ việc. Có nhiều lúc buông xuôi, thôi coi như có một công việc để sinh nhai là tốt rồi. Nhưng càng ngày tôi càng không thể tiếp tục công việc ở nơi đó. Nó cứ mài mòn tôi về mọi phương diện: chuyên môn, óc sáng tạo, và nhân cách…
Công việc cũng không khó nhọc gì. Tôi làm công tác thông tin – truyền thông ở một đơn vị sự nghiệp công lập. Hằng ngày làm việc với văn bản, giấy tờ, website cơ quan, hoặc dự họp… Nhưng tôi thấy những việc mà tôi mất thời gian và lãng phí sức trẻ để làm, nó không có ích cho ai cả. Thậm chí còn có hại.

Những tin tức hoạt động mà tôi đưa lên bản tin/website, hầu hết là viết cho có, tô hồng thực tế, lờ đi hầu như tất cả khuyết điểm… Một dự án mà tôi và tất cả những người liên quan đều biết thừa là được vẽ ra để moi tiền Nhà nước, không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cuộc sống người dân, nhưng khi đưa tin, thế nào tôi cũng phải viết là “Dự án đã mang lại những kết quả khả quan, nâng cao nhận thức người dân, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Lãnh đạo và người dân địa phương mong muốn nhân rộng…”.

Nhiều khi tôi phải vẽ ra kế hoạch một hạng mục công việc, vẽ ra báo cáo kết quả, rồi hoàn thiện các giấy tờ để thanh toán hợp lý. Tiền “giải ngân” được thì tôi được sếp “duyệt” cho hưởng một tí, còn lại thì nộp cho thủ quỹ cơ quan – số tiền này tôi không thể biết nó sẽ đi đâu…

Trong suốt những năm làm việc ở cơ quan ấy, tôi tin rằng tôi đã mất không dưới 70% năng lượng của mình để lo giấy tờ, hóa đơn thanh toán cho những công việc mà mình đã làm (viết tin bài, làm bản tin, cập nhật website…). Những yêu cầu của kế toán, của cấp trên, của cơ quan chức năng liên quan đến việc thanh toán này thực sự là một “mê hồn trận” đánh gục tất cả những người thực hiện như tôi. Tôi thường phải chạy đôn chạy đáo, ăn không ngon, ngủ không yên vì lo hợp lý hóa các loại chứng từ, hóa đơn, chữ ký…

Lắm khi tôi muốn phát điên vì những thủ tục thanh toán vô cùng máy móc và ấu trĩ – mà kế toán cơ quan luôn nói đó là “yêu cầu của Kho bạc Nhà nước” hay “yêu cầu của kế toán cấp trên”… Nhiều khi, những quy định của cơ quan chức năng khi về đến cơ sở, được “diễn dịch” như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, thái độ của người có quyền hành.

Cho nên, tôi lắm phen khốn đốn. Thanh toán một chuyên đề thì sửa đi sửa lại chứng từ đến hàng trăm lần – thực sự không đếm nổi, cái máy in của phòng tôi nhiều ngày in đi in lại giấy tờ thanh toán đến "cháy" cả máy. Chị kế toán bị sức ép từ cấp trên và từ cái “mê cung” giấy tờ ấy mà thành ra khó kiềm chế nổi, liên tục quát tháo, chửi bới người nào không làm đúng thủ tục như yêu cầu.

Những chứng từ làm khống, chữ ký giả… tất cả mọi người đều biết với nhau, vì nếu không có những thứ đó thì không thể nào hoàn thiện đủ giấy tờ để thanh toán theo quy định. Khi làm những thứ đó, tôi luôn có cảm giác mình là đứa ăn cắp - ăn cắp tiền thuế của nhân dân…

Rồi chuyện đồng nghiệp. Tôi chán chường vô cùng cái cảnh cứ sáng đến cơ quan là thấy mọi người túm tụm quanh bàn nước chè, buôn đủ mọi chuyện trên trời dưới bể, nói xấu người này người nọ… Buôn thế chưa đủ, cuối giờ trưa, rồi đầu giờ chiều, hoặc bất cứ lúc nào trong “8 giờ vàng ngọc”, cứ người nọ chạy sang phòng người kia, tiếp tục “họp nhóm” ngồi buôn dưa lê. Ai không tham dự vào những cuộc ấy thì bị cô lập, bị cho là “không hòa đồng”. Nghĩa là đến lúc xét thi đua hay bổ nhiệm chức nọ chức kia, hay xét kết nạp đảng… thì sẽ bị đánh rớt từ vòng gửi xe!

Phải nói là tôi chán ngấy các đồng nghiệp trong cơ quan tôi. Bao năm họ chẳng nói được cái gì mới. Họ hầu như không cố gắng để học hỏi và vươn lên mỗi ngày. Ở đây, cứ “sống lâu lên lão làng”, chẳng cần phấn đấu làm gì cho mệt. Họ an phận, hài lòng với công việc nhàn nhã này.

Quanh năm cứ quanh đi quẩn lại bấy nhiêu việc – những việc vô thưởng vô phạt và không có ích lợi gì cho ai, ngoài việc mang lại cho tôi tiền lương và chút ít tiền thanh toán cho cơ quan – mà tôi mãi mãi không biết nó vào túi ai…







No comments: