Friday, May 29, 2015

Hoa Kỳ phát hiện Trung cộng đặt vũ khí trên vùng đảo tranh chấp (Matthew Rosenberg - The New York Times)





5/30/2015             3 Comments 

Các quan chức Hoà Kỳ cho biết đã phát hiện ra một cặp xe pháo di động trên một hòn đảo nhân tạo mà Trung cộng đang xây dựng ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên với các tuyến đường biển quan trọng.

Chương trình xây dựng của Trung cộng trên các đảo san hô không người ở và các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa gia tăng những báo động và phản đối từ các nước khác đang tranh chấp những phần chủ quyền trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter trong tuần qua đã yêu cầu Trung cộng phải ngừng việc xây dựng, ông cho rằng luật pháp quốc tế không thừa nhận tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Trung cộng trên các vùng lãnh thổ mới và các tàu chiến cũng như máy bay quân sự của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực.

Theo một quan chức Hoa Kỳ được dấu tên thì các cỗ xe pháo di động đã được phát hiện bởi các vệ tinh và máy bay giám sát từ tháng trước và bây giờ có lẽ đã được dấu kín hay tháo gỡ. "Chưa rõ liệu chúng đã được gỡ bỏ" một trong những quan chức cho biết.

Một người khác nói rằng ngay cả khi các vũ khí vẫn còn trên hòn đảo này, nó không đe dọa được lực lượng hải quân Mỹ hoặc máy bay trong khu vực, mặc dù chúng có thể đạt bắn tới một số đảo gần đó  thuộc chủ quyền của các nước khác.

Với việc ông Carter có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La, một cuộc họp cấp cao an ninh châu Á hàng năm mà các quan chức Trung cộng cũng tham dự, Hoa Kỳ đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc thảo luận công khai các thông tin tình báo mà họ đã thu thập về pháo binh của Trung cộng.

Brent Colburn, một phát ngôn viên tháp tùng chuyến đi với ông Carter chỉ nói rằng Hoa Kỳ là biết được sự hiện diện của các vũ khí mà đã được thông tin lần đầu tiên bởi tờ báo The Wall Street Journal.

Thượng nghị sĩ Cộng Hoà - ông John McCain của tiểu bang Arizona, người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã chỉ trích việc đặt vũ khí pháo binh của Trung cộng trên đảo là "một sự leo thang đang đáng lo ngại."

"Hành động của họ là vi phạm luật pháp quốc tế và hành động này  sẽ bị lên án bởi tất cả mọi người trên thế giới," ông McCain phát biểu tại Sài Gòn, nơi ông dừng lại hôm thứ sáu trên đường đến Singapore tham dự hội nghị an ninh và được trích dẫn bởi Reuters.

"Chúng ta sẽ không có một cuộc xung đột với Trung cộng" ông nói, "nhưng chúng ta có thể có những biện pháp để ngăn chận Trung cộng tiếp tục các hoạt động này."

Không có bình luận gì từ các quan chức Trung cộng về các loại vũ khí.

Một quan chức quân sự hàng đầu Trung cộng là Đô đốc Sun Jianguo, dự kiến ​​sẽ phát biểu tại hội nghị ở Singapore về chính sách quân sự của Trung cộng. Đô đốc Sun, Thứ trưởng Bộ quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân, trong đó bao gồm các lực lượng hải quân, sẽ dẫn đầu phái đoàn mạnh nhất của các quan chức quân sự Trung cộng đến tham dự hội nghị thường niên.

Vào tuần này, lần đầu tiên Trung cộng cho phát hành một tài liệu chiến lược quân sự nói về sức mạnh của hải quân Trung cộng ở ngoài khơi, vượt qua khu vực của vùng biển ven đất liền. Quan chức phương Tây cho biết vì yếu tố thời gian phát hành, tài liệu này có vẻ như là một thách thức đối với các thành phần tham dự khác trong hội nghị.

Các mối căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trên Biển Đông đã được trông thấy vào tuần trước, khi Hoa Kỳ gửi một máy bay giám sát gần Fiery Cross Reef, nơi mà Trung cộng đã xây dựng thành một hòn đảo với một đường bay dành cho máy bay quân sự có thể sử dụng. Theo một phóng viên của CNN có mặt trên chuyến bay theo lời mời của Ngũ Giác Đài, thì Trung cộng đã yêu cầu máy bay Mỹ phải rời khỏi khu vực này.

Khi Fort Worth, một chiếc tàu chiến đấu duyên hải của Mỹ tiến hành một cuộc tuần tra kéo dài một tuần của vùng biển gần quần đảo Trường Sa, bao gồm Fiery Cross Reef, theo thông báo của Ngũ Giác Đài thì một tàu khu trục có tên lửa của Trung cộng là Yancheng đã bám sát chiến hạm này của Hoa Kỳ. Theo Ngũ Giác Đài, những chiến hạm khác của Mỹ sẽ tiến hành tuần tra tương tự, và đó sẽ là những hoạt động "bình thường mới" của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Trung cộng tuyên bố việc đã xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên biển chủ yếu cho mục đích dân sự, nhưng họ đã không phủ nhận rằng nó cũng mang mục tiêu và vai trò quân sự tương lai.

Vào tháng Tư, Hua Chunying, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng nói với các phóng viên rằng hòn đảo này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quốc phòng. "Công trình xây dựng này nằm trong chủ quyền của Trung cộng và là công bằng, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng cũng không nhắm mục tiêu bất kỳ nước nào..."

Hoa Kỳ đã không đồng ý với phát biểu trên và các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh trong những ngày gần đây rằng trật tự an ninh của Mỹ trong khu vực cần được tôn trọng bởi vì nó đã mang lại ổn định và thịnh vượng.

Với hàm ý là Trung cộng đang đe dọa, nhưng các quan chức Mỹ đã do dự để tuyên bố trực tiếp, chỉ tuyên bố chung chung rằng tất cả các nước cần phải tìm các giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã không ngần ngại chỉ ra rằng Trung cộng đã tạo ra khoảng 2.000 mẫu đất mới ở Biển Đông, trong đó có ba phần tư diện tích được xây dựng trong năm nay. Hoa Kỳ cũng đã công bố hình ảnh video chụp bằng máy bay do thám cho thấy tàu Trung cộng và tàu nạo vét xây dựng đường băng và bến cảng trên trong khu vực.

Ông Carter đã tuyên bố tại diễn đàn an ninh khu vực là việc xây dựng các đảo nhân tạo bởi Trung cộng đã trở thành mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á trong hơn một năm qua, và ông Carter không phải là quan chức đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên bố về chuyện này.

Tại Hội nghị Shangri-La Đối thoại năm ngoái, Chuck Hagel, nguyên là bộ trưởng quốc phòng, nói rằng Trung cộng đã tham gia vào việc "gây bất ổn, hành động đơn phương khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông." Philippines đã phản đối Trung cộng xây dựng đảo nhân tạo từ mùa xuân năm ngoái, và vào tháng Sáu năm 2014, Tổng thống Benigno S. Aquino III đã nói công khai về sự chuyển động của tàu Trung cộng mà ông nói có thể được tham gia vào công việc tương tự tại hai địa điểm khác.

Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, và đã từ lầu hai quốc già nàyđã xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo hay đảo san hô ở đó. Trung cộng đã trích dẫn rằng lịch sử để bảo vệ việc xây dựng riêng của mình.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng hai nước đã không xây dựng các hòn đảo nhân tạo, và các hạ tầng cơ sở chỉ đã được xây dựng trước năm 2002, khi Trung cộng  và chín quốc gia Đông Nam Á đã ký một thỏa thuận không ràng buộc kêu gọi tất cả phải "kiềm chế trong việc tiến hành hoạt động" và kiềm chế việc định cư nhân sự ở những vùng vốn không có cư dân trước đó.

Vùng đảo nhân tạo phát triển nhất được mở rộng bởi Trung cộng một năm trước đây là Gạc Ma, nơi mà Trung cộng đã cướp chiếm vào năm 1988 sau khi giết chết khoảng 70 binh lính và thủy thủ Việt Nam.

Các quan chức Mỹ và Đông Nam Á đang lo lắng rằng Trung cộng có thể tuyên bố chủ quyền cho một vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển với phạm vi 200 hải lý đo đạt từ các vùng đảo nhân tạo mới và các quan chức này cho rằng các đảo nhân tạo này không có đủ điều kiện cho những đo đạt về chủ quyền.


Nguồn:

Lược dịch:






No comments: