Saturday, May 30, 2015

Mỹ - Nhật lên án Trung Quốc làm tổn hại an ninh Châu Á -Thái Bình Dương (Tú Anh - RFI)





Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 30-05-2015 

Tại diễn đàn « Đối thoại Sangri-La » được tổ chức hàng năm ở Singapore, Trung Quốc bị hai nước Mỹ và Nhật Bản gọi đích danh là thủ phạm đe dọa an ninh khu vực qua các hành vi xây dựng, lấn chiếm ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đưa thêm tàu chiến và máy bay vào vùng tranh chấp và yêu cầu Bắc Kinh ngưng « tức khắc » các công trình củng cố đảo nhân tạo.

Trong cuộc hội thảo tại Singapore quy tụ các lãnh đạo quốc phòng thế giới, trong đó có Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố « Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế » khi xây dựng các đảo nhân tạo, phi trường, trại lính trong quần đảo Trường Sa. " Chỉ trong vòng 18 tháng, Trung Quốc đã xây thêm 800 hecta nhiều hơn tổng cộng diện tích bồi đấp của tất cả các nước khác có tranh chấp và nhiều hơn cả suốt chiều dài lịch sử của khu vực ".

Nhìn nhận là các nước khác từ Việt Nam, Philippines, Malaysia cho đến Đài Loan đều có hành động xây dựng tiền đồn nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định " chỉ có Trung Quốc là nước xây dựng nhiều nhất và trong thời gian ngắn nhất ". Sau khi đặt câu hỏi « Ai biết được Trung Quốc muốn đi về đâu ? » Bộ trưởng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh « tất cả các bên phải tìm một giải pháp ôn hòa và ngưng ngay hành động xây dựng » tại Trường Sa.
Trong bối cảnh này Hoa Kỳ sẽ làm gì ? Bộ trưởng Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc " đừng coi thường vì tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông, bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như quân lực Mỹ đang làm ở khắp nơi trên thế giới ".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakataki cũng tố cáo hành động Trung Quốc lấn chiếm tại Biển Đông có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn. Lãnh đạo quốc phòng Nhật kêu gọi các bên, nhất là Trung Quốc, phải có tinh thần trách nhiệm. Bộ trưởng Gen Nakataki e rằng nếu không có biện pháp đối phó với tình trạng mà ông gọi là vô luật pháp thì « trật tự sẽ biến thành rối loạn và hòa bình ổn định sẽ sụp đổ ».

-------------------------------

Hồng Nga  -  BBC
tường thuật từ Đối thoại Shangri-La, Singapore
30 tháng 5 2015

Ông Ash Carter có bài phát biểu mở đầu diễn đàn an ninh

Diễn đàn An ninh khu vực Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 vừa chính thức bắt đầu tại Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông khẳng định Hoa Kỳ và các nước trong khu vực hết sức quan ngại về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực bảo đảm hoà bình và tự do hàng hải trong khu vực.
Đặc biệt Bộ trưởng Carter cho hay sau Đối thoại Shangri-La ông sẽ đi Việt Nam, nơi ông cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ ký một thoả thuận đầu tiên về thúc đẩy hợp tác quốc phòng một cách thực chất.

Thỏa thuận có tên “Thông cáo chung về viễn cảnh” hợp tác quốc phòng sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác trong tương lai gần.

Pháo trên Đá Gạc Ma?

Lần đầu tiên người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc rất nặng nề, rằng nước này đã vượt quá khuôn khổ luật lệ quốc tế.

Ông gọi các hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ”.

Ông nói trước cử tọa của diễn đàn an ninh lớn thuộc loại hàng đầu thế giới: “Với hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã vượt khỏi khuôn khổ luật lệ quốc tế vốn làm nền cho kiến trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng như quan điểm đồng thuận trong khu vực là nghiêng về ngoại giao mà chống ép buộc bằng sức mạnh”.

Tờ Wall Street Journal hôm 29/5 cho hay máy bay do thám của quân đội Hoa Kỳ phát hiện ra Trung Quốc đã đặt pháo trên một hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông mà nước này đang tiến hành cơi nới cải tạo.

Nguồn tin của BBC nói rằng đây chính là đảo Gạc Ma, mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1988 sau trận hải chiến đẫm máu làm hơn 60 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.

Đảo này nằm ngay cạnh các đảo mà Việt Nam hiện đang kiểm soát, có nghĩa là đảo của Việt Nam nằm trong tầm đạn pháo của Trung Quốc.

Tuy khả năng tấn công bằng hỏa lực theo các đánh giá là chưa lớn, việc mang pháo binh đặt tại đây mang ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ gây quan ngại cho giới chức Hà Nội.

Bộ trưởng Ash Carter cho hay Hạ viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận cấp tới 425 triệu đôla (trong 5 năm) cho Sáng kiến an ninh hàng hải mà nước này vừa đưa ra nhằm giúp các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nâng cao năng lực tự vệ trên biển.

Ông cũng nhận định “không thể có giải pháp quân sự cho Biển Đông” và kêu gọi các nước đoàn kết để giải quyết căng thẳng một cách hòa bình.

Bộ trưởng Carter tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “bay, đi biển và hoạt động” ở Biển Đông.

Nới lỏng cấm vận vũ khí

Quan điểm này của ông Ash Carter được Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sỹ John McCain, đồng thuận.

Ông McCain nói tuy đối đầu bao giờ cũng là một khả năng, Trung Quốc “không có lợi ích gì trong việc đối đầu bằng quân sự”.

Ông nói lịch sử cho thấy Trung Quốc luôn kiếm lợi trong các hoàn cảnh căng thẳng nhưng lại khôn khéo tránh đối đầu.

“Có thể sẽ có những tình huống căng thẳng, nhưng nếu các nước trong khu vực đoàn kết với nhau, điều đó sẽ khiến Trung Quốc chùn bước.”

Tình hình cấp bách trên khiến Hoa Kỳ sẽ cần “nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam sớm nhất có thể được”, theo ông thượng nghị sỹ.

Thượng nghị sỹ John McCain nói với các nhà báo tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore rằng đề xuất về nới lỏng cấm vận sẽ được mang ra Thượng viện vào tuần tới và một số loại vũ khí phải được bỏ cấm vận ‘càng sớm càng tốt’.

Tuy nhiên, ông McCain cho biết Hoa Kỳ sẽ không bỏ cấm vận đối với các loại vũ khí có thể gây hại cho các cá nhân và bị sử dụng để lạm dụng nhân quyền ở Việt Nam.

“Các vũ khí có thể được cung cấp sẽ chủ yếu mang tính phòng vệ, nâng cao năng lực bảo vệ biển cho Việt Nam trước các thách thức của Trung Quốc.”

Diễn đàn Đối thoại Shangri-La sẽ tiếp tục hai ngày và kết thúc vào Chủ nhật 31/5 với sự tham gia của hơn 450 đại biểu.

Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu.







No comments: