Nguyễn Huệ Chi
28/10/2010 | 4:53 sáng
Chị T. ơi,
Phải nói một lời chia tay với talawas, nhưng ba câu hỏi Hoài đặt ra đánh đố người ta thì người khác đã trả lời nhiều quá và trả lời nào cũng thâm thúy cả, nên tôi đành thay vào đó bằng lá thư phúc đáp chị mà tôi biết dầu có mượn đăng công khai chị cũng không nỡ giận tôi và chắc bà chủ talawas cũng vui lòng dành cho một chỗ để tôi thổ lộ tâm tình với chị và cả với người tình talawas của không phải chỉ riêng tôi trong suốt chín năm qua.
Những lời chị viết cho tôi ngắn gọn mà sao xúc ₫ộng thế. Chị là một phụ nữ đẹp và vị tha. Đó là điều quý giá nhất ở phái đẹp trong quan niệm cố hữu của tôi. Vì thế, tôi quý chị ngay trong những ngày mới đến San Jose đầu tháng tháng 9 năm 2001, và cảm xúc này ở lại trong tôi suốt 10 năm nay mỗi khi nghĩ về chị. Gặp lại nhau cũng tại San Jose trong những ngày giữa tháng 10 này tôi càng thấy rõ điều mình đinh ninh đã không lầm. Chị viết trong thư: “Mấy hôm nay nhìn lại mình trong gương tôi chợt nhận ra, tôi đã không yêu tôi tí nào, tôi đã phí phạm thì giờ… Hy vọng sẽ gặp lại anh tại Hà Nội, lúc ấy tôi đã đòi lại được nụ cười rạng rỡ ngày xưa“.
Những gì chị nói không sai bởi với một con người vị tha thì sống cho người khác và cả cho những giấc mộng không tưởng rằng mình có thể xây dựng một sự nghiệp làm đẹp cuộc đời bằng trái tim nhiệt huyết, đó là bản năng tự nhiên mà chị. Chị đừng vận vào mình về những thất bại mà mình đã vấp. Cứ nhìn cho khắp mà xem trong cả một thế hệ chúng ta ai là người không thất bại đâu, chỉ có người dạng này người kiểu khác mà thôi. Nói gì lớp chúng ta, trẻ trung, xinh đẹp và giọng hát quyến rũ đến như TM mà chẳng mang một khuôn mặt rười rượi về sự tan vỡ mơ hồ đang không tránh khỏi đấy sao? Chị cầu mong cho tôi: “Thân chúc anh thành công trên đường tranh đấu đầy cam go này, Tôi tin anh sẽ thành công“. Lời chúc ấy đối với tôi cao quá. Thú thật, về một phương diện nào đó mà ví von, chúng tôi cũng đang làm những việc cầm chắc thất bại trong tay như chị đấy. Chúng tôi cũng chỉ muốn đòi lại nụ cười rạng rỡ cho một đất nước vốn rất hiền hòa chứ có làm gì bạo liệt đâu. Vậy mà khi cái ác đã công nhiên được chính danh trong bấy nhiêu năm bằng một triết lý ngó như cao thâm “ác cho mục tiêu thiện” thì thực hành điều thiện thiên tính là đối đầu với cái ác-thiện nhân tạo này mất rồi. Một giấc mơ không tưởng như thế mà chúng tôi vẫn cứ lao đầu vào mà không hề nghĩ đến thất bại, bởi lẽ sống của đám người có chút lương thức làm sao mà làm khác được hở chị, nếu không thì mình đâu còn là mình nữa. Có điều trong tình thế hôm nay, khi chúng tôi trước sau chỉ là những ông K đơn độc đứng trước LÂU ĐÀI như F. Kafka từng thủ thỉ kể cho mình từ nhiều thập niên trước, và đi quanh ngả nào thì trước mắt cái lâu đài vẫn cứ hiện ra sừng sững, một kiểu lâu đài ma mà mình tưởng đã nhìn thấu mọi ngóc ngách ma quỷ của nó song rốt cục nó vẫn cứ là một thực thể bất khả giải, chị thử nghĩ, để vững tâm cho được mà không hốt hoảng, phải biết tự chủ đến như thế nào. Trong tôi bao giờ cũng có một lời nhắc thầm lặng: mi hãy nhớ cái limite mà mi phải dừng và cứ giẫm chân qua lại trên đó đủ để gây một áp lực thức tỉnh cho ma nó sợ chứ đừng có hùng hổ và bồng bột khoa đuốc lên làm một ngọn đuốc sống tự đốt cháy mình trong phút chốc. Ai chê ai khen tôi vẫn cứ phải nghiêm túc nhắc nhủ mình như vậy tuy không dám nói là bỏ ngoài tai mọi sự phẩm bình.
Nhớ lại những ngày được cơ quan chức năng thăm hỏi, tối đến, trở về nhà, anh Phạm Toàn hầu như hôm nào cũng đến, tôi tìm một chai vang cất trên tủ tường, lôi xuống mở ra, vợ tôi thấy thế lặng lẽ đi rang một mớ lạc để vào trong cái khăn mặt để giữ nóng rồi lui ra, mặc cho hai anh em ngồi trầm ngâm nhìn vào bóng tối và cứ ngồi như thế cho tới quá nửa đêm lúc nào không biết nữa. Những thời khắc không bao giờ quên được đó câu thơ của Trần Tử Ngang sao mà cứ chập chờn như một ám ảnh: “Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Độc sảng nhiên nhi lệ hạ” (Trước, không thấy người xưa / Sau, người sau đâu thấy / Nghĩ trời đất thật vô cùng / Riêng mình đau mà lệ chảy). Quả thật, cả tôi và Toàn không ai nói với ai nhưng đều mường tượng trước mặt mình đoạn đường còn đi được quá ngắn mà bầu trời thì tối đen. Tuy nhiên, sau mấy tiếng đồng hồ nằm thiếp đi, sáng mai thức dậy ánh mặt trời rọi vào mắt lại có sức cứu rỗi mình. Ý thức mất đi và vô thức sống lại. Lại bình thản lên xe đi đến một nơi nào đấy để tiếp tục trả lời những câu hỏi như đã được lập trình sẵn và bỗng nhiên lại cảm thấy phấn chấn vì đã quên hết cái giới hạn sinh học ngắn ngủi của đời người thân phận trong hai thằng tôi cụ thể mà suốt đêm hôm qua cùng ngồi thao thức. Thì ra mới biết, mỗi chúng ta sống và hoạt động được là nhờ QUÊN. Nghĩ về Hoài – một người bạn quen biết từ đầu những năm 80 thế kỷ trước đến nay – hình như Hoài cũng đã dấn thân trong triết lý “quên” suốt từ khi đứng ra chủ trương talawas, để rồi sau 9 năm thì bỗng như có một tia sáng rọi vào đầu làm cho nàng chuyển “quên” thành “nhớ” và đấy chính là lúc sinh mệnh talawas chợt điểm. Hoài chấm dứt talawas để lại một sự đơn độc không thể bù lấp cho nhiều người bạn đã từng nhìn Hoài mà dấn bước, đã quen có trong tâm lý cái cảm giác phải có bạn bầu trong cuộc đi vô định, cuộc hành xác vất vả cực nhọc này mà đằng chân trời đã lấp ló một tia sáng nào chưa hay vẫn là một ảo ảnh trên sa mạc? Hình như vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi ấy kể cả những người bặm trợn nhất.
Về chị, một trái tim phụ nữ dịu dàng và nồng thắm, những vấp váp trong tình cảm và đời sống là chuyện thường. Như đã nói với nhau tối hôm chia tay, chị hãy làm lại, trở lại với MÌNH. Chắc chắn ngày gặp lại nhau, tôi lại tìm thấy ở chị một khuôn mặt trẻ trung như trước hay hơn trước. Hy vọng chị cũng nghĩ về tôi như vậy.
Hai đêm ở nhà vợ chồng bạn NHL chúng ta hát và ngâm thơ đến 2 giờ sáng là hai đêm tuyệt diệu không một ai thờ ơ không thấy lòng trẻ lại, nó khiến tôi cứ bồi hồi nghĩ đến cái đêm cuối tháng 9 năm 2001 chúng ta hát thâu đêm trước lúc tôi về lại Boston. Tôi lại có thêm nhiều bạn mới TT, M, TM, TA… cũng là nòi tình vì yêu nhạc tiền chiến, say thơ tiền chiến. Đó là một hạnh phúc đối với tôi.
Chị hãy giữ lấy chiếc khăn lụa 10 năm trước như hôm gặp nhau chị đã quàng nó mặc dù nó đã sờn, và đừng bao giờ quên người bạn của chị ở tận bên kia bán cầu lúc nào cũng cầu mong cho chị hạnh phúc.
© 2010 Nguyễn Huệ Chi
© 2010 talawas
.
.
.
Nguyễn Lệ Uyên
28/10/2010 | 3:14 sáng
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
_________
Nguyễn Lệ Uyên
Nhận điện thư của BBT talawas với mấy dòng ngắn: “talawas sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 03.11.2010 sắp tới. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ ra thông cáo về quyết định này” khiến chúng tôi (và có lẽ cả độc giả của talawas) ngạc nhiên không cùng. Đã từ lâu, talawas là một trong số ít trang mạng mang sứ mệnh tự do ngôn luận theo đúng nghĩa của nó đến với độc giả khắp bốn phương, có đến hàng trăm ngàn lượt độc giả truy cập mỗi ngày.
Trên diễn đàn này, các tác giả đã tự do bày tỏ quan điểm, thái độ cùng những phản hồi rất có trách nhiệm, về những bài viết của mình trước những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật… Cũng như các trang mạng đứng đắn khác, talawas là ngôi nhà chung cho tất cả mọi công dân thiết tha đến tiền đồ dân tộc, vận mệnh chính trị, văn hóa của một quốc gia có nguy cơ “biến mất”.
Vậy nhưng giờ đây, hết Damau kêu cứu, lại tiếp đến talawas tuyên bố sắp sửa đóng cửa… Sắp tới sẽ còn những trang mạng có tinh thần dân tộc nào nữa sẽ có tuyên bố tiếp theo? Điều gì đã xảy ra? Tài chánh, nhân lực, sự coi thường tự do ngôn luận dưới hình thức núp bóng tin tặc, xổ toẹt tính nhân văn của ngàn năm văn hiến của một dân tộc luôn ngời sáng trước những mối hiểm nguy… là những áp lực nặng nề đối với các trang này?
Tôi nghĩ, các vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là:
Nguy cơ bị Bắc phương đô hộ, đồng hóa;
Nền giáo dục không giống ai, dạy trẻ con nói dối, làm suy đồi ý chí của dân tộc;
Nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” là loại hình kinh tế chụp giựt chỉ làm giàu cho cá nhân (và môn đệ) có quyền, sẽ dẫn tới hậu quả nợ nần ngập đầu, các thế hệ con cháu sau này phải è lưng ra trả;
Loạn sứ quân đã hình thành và lớn dần lên, không phải 12 như lịch sử trước đây mà có tới 64 sứ quân, chưa kể sứ quân dùi cui ma trắc tạo thành đám mafia đang bóp hầu bóp họng nhân dân…
Để xóa hết các quốc nạn trên, nếu được phép, đầu tiên là bỏ hẳn điều 2 và điều 4 của Hiến pháp (1992) để mọi người dân từ ải Nam Quan (mà ải Nam Quan còn đâu nữa?) tới mũi Cà Mau qui về một mối trên tinh thần “hào khí Đông A”. Thứ đến, các quan chức từ cơ sở đến tít tận trời cao, bắt nằm sấp, bẻ roi mót quất vào mông vì tội xúm nhau đục ruỗng mục quốc khố, cho về nông thôn tự lập hợp tác xã sản xuất để làm tùy sức hưởng tùy nhu cầu theo cái tem phiếu chủ nghĩa Mác-LêNin, Mao-ít và tư tưởng Hồ Chí Minh cũ rích, lạc hậu ấy… để làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, mà sống với nhau để thấu nỗi khổ đau của hàng triệu nhân dân đã từng đau khổ do họ gây ra.
22/10/2010
© 2010 Nguyễn Lệ Uyên
© 2010 talawas
----------------------------------------------
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12) - Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) - Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) - Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9) - Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8) - Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7) - Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6) - Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3) - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2) - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
.
.
.
No comments:
Post a Comment