Saturday, September 4, 2010

TRÁNH MỘT CƠN BÃO Ở BIỂN ĐÔNG

Tránh một cơn bão ở biển Đông

Nguồn: Joshua Kurlantzick, Council on Foreign Relations

neofob, X-Cafe chuyển ngữ

02.09.2010

http://www.x-cafevn.org/node/909

Trong suốt thập niên vừa qua, kể từ lúc kết thúc cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á, Trung Quốc đã bành trướng quyết liệt sự hiện diện quốc tế của họ bao gồm ở Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, và Trung Á. Thế nhưng sức mạnh toàn cầu đi lên của Trung Quốc -- kể cả nhu lẫn cương -- bị cảm nhận trước tiên ở Đông Nam Á, một khu vực được những chiến lược gia của Trung Quốc xem là tương đương như Châu Mỹ La Tinh trong học thuyết Monroe của Hoa Kỳ.

Hậu quả là khu vực có khả năng sẽ là phép thử đầu tiên cho hay liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể xoay sở được sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không. Có thể hai cường quốc làm việc cẩn thận hơn ở Đông Nam Á, cho phép những xung đột được xoa dịu qua trao đổi tin tức, cho phép những quốc gia trong vùng không phải ngả theo bên nào, và thúc giục Trung Quốc nắm lấy những gánh nặng của cộng đồng quốc tế?

Nhận xét từ những căng thẳng dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh -- cũng như giữa Bắc Kinh và những nước trong Đông Nam Á -- về biển Nam Trung Hoa, câu trả lời cho câu hỏi đó, cho đến nay, có vẻ là không.

.

Những tranh chấp xác nhận chủ quyền biển

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong nhiều năm về một vệt rộng lớn của biển Nam Trung Hoa. Nó nằm chắn ngang những hải trình quan trọng về chiến lược và thương mại và có những khoáng sản dầu và khí đốt quan trọng. Những lời xác nhận đó bị kháng cự mãnh liệt bởi những quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei. Nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, đã gắng sức củng cố chủ quyền của họ bằng cách tạo những sự đã rồi (1) và xây cất những công trình trên những hòn đảo ở vùng biển Nam Trung Hoa. Cho dù nhiều quốc gia dính líu đến tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa không phải là dân chủ, kể cả Trung Quốc, họ vẫn phải tính đến dư luận quần chúng mà thường rất quốc gia chủ nghĩa về biển, đặc biệt là là những người Trung Quốc trẻ, thạo Internet, thành thị, trung lưu dùng Web và diễn đàn để khuyếch đại chủ nghĩa quốc gia.

Trong suốt thập niên vừa rồi, Trung Quốc về mặt chính thức ít đả động đến những tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa trong khi họ bắt tay vào việc sử dụng nhu lực để dựng nên những mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, và kể cả an ninh đối với những quốc gia Đông Nam Á. Họ đã ký một quy tắc ứng xử đa phương về biển Nam Trung Hoa vào năm 2002. Thế nhưng trong năm vừa qua, đặc biệt là vài tháng vừa rồi, cách tiếp cận nhẹ nhàng đó dường như đã bị bỏ qua phần lớn.

Hiện nay Trung Quốc tuyên bố rằng biển Nam Trung Hoa là lợi ích cốt lõi, một thuật ngữ mà nó được dùng trong quá khứ để đề cập đến Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương. Và thường có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không cho phép thảo luận hay đặt vấn đề đối với những chính sách của họ và có lẽ sẽ đẩy lùi sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở ngoài khơi mạnh hơn bao giờ hết. Trong những năm vừa qua, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo những công tydầu hỏa Hoa Kỳ không được tham gia những thỏa thuận thăm dò hỗn hợp ở biển Nam Trung Hoa với Việt Nam. Và cũng có tin là họ đã bảo những quốc gia Đông Nam Á không thảo luận những vấn đề liên quan đến biển Nam Trung Hoa với nhau.

Các quan chức quân đội Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc cũng đã gia tăng ngăn chặn các tàu dân sự của các nước khác hoạt động trong vùng biển Nam Trung Hoa và bắt giữ các thuyền viên. Năm ngoái, một tàu thăm dò Hoa Kỳ ở biển Nam Trung Hoa cách những tàu Trung Quốc hai mươi lăm bộ Anh (khoảng 7.6 mét -- ND), một khoảng cách cực kì nguy hiểm bởi vì những góc hẹp như vậy có thể dẫn đến tai nạn; tàu Hoa Kỳ lúc đó cách một khu phức hợp tàu ngầm của Trung Quốc khoảng bảy mươi lăm dặm (120km -- ND).

.

Một 'Lợi Ích Quốc Gia' Của Hoa Kỳ

Nói một cách nào đó, quan điểm của Trung Quốc có lý. Nếu một cường quốc xa lạ sắp triển khai sức mạnh hải quân một cách đáng kể ở Vịnh Mexico, Washington có lẽ sẽ phản đối. Dẫu vậy thực tế là, sức mạnh Hoa Kỳ đã hiện diện ở Đông Nam Á những sáu thập niên. Nhiều quốc gia trong khu vực muốn Hoa Kỳ giữ vai trò là trọng tài và tin tưởng Hoa Kỳ là một người môi giới trung thực trong các vấn đề liên quan đến biển Nam Trung Hoa hơn là họ tin tưởng Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có sự hiện diện quân sự đáng kể ở biển Nam Trung Hoa trong tương lai trước mắt Hạm Đội 7, có căn cứ tại Nhật Bản, thường xuyên tuần tra ở đây]. Ở diễn đàn khu vực ASEAN mới đây, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng Washington quan tâm về những xác nhận chủ quyền chồng lấn về vùng biển và nói rằng việc giải quyết các tuyên bố một cách hòa bình là "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ.

Bà ủng hộ một quá trình cộng tác ngoại giao có tính quốc tế -- một lời khiển trách đến Bắc Kinh mà đã gọi những lời của bà là một "tấn công vào Trung Quốc" -- để giải quyết với những xác nhận chủ quyền. Những quan chức Hoa Kỳ cho phóng viên hay rằng ít nhất mười hai quốc gia Á Đông đã vận động cho cơ chế tranh luận kiểu này. Quả thực là, đã có lúc những quốc gia Đông Nam Á đã tỏ ý bằng lòng đàm phán những tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa song phương với Trung Quốc trong quá khứ. Còn bây giờ những quốc gia này, kể cả Philippines, mong muốn một quá trình đa phương hơn.

Ở chốn riêng tư, các quan chức của Philippines, Malaysia, và Việt Nam, và những nước khác, tất cả đã hối thúc Hoa Kỳ tham gia mạnh hơn nữa đối với những tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa. Đặc biệt là Việt Nam đã tìm kiếm một quan hệ an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ như một đối trọng với Trung Quốc. Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động một cuộc đối thoại quốc phòng thường niên giữa Ngũ Giác Đài và bộ quốc phòng của Hà Nội. Và Hoa Kỳ có thể sẽ bắt tay vào một thỏa thuận để chia sẻ năng lượng và kỹ thuật hạch tâm với Hà Nội. Thực tế là trong lúc chính quyền Obama nhậm sở lên kế hoạch để nâng cấp mối quan hệ với Indonesia một cách mạnh mẽ là tâm điểm của kế hoạch Đông Nam Á, kết cục có thể là di sản lớn nhất của nó trong vùng là một mối quan hệ an ninh mới mẻ với Việt Nam. Mối quan hệ này có thể kết cục sẽ ở mức độ quan hệ của Hoa Kỳ với Singapore -- không là đồng minh ký kết nhưng gần như vậy.

Đông Nam Á e sợ Trung Quốc chỉ sẽ bành trướng. Một khi khu vực trở nên phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc về kinh tế, kết quả của một thỏa thuận tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc, và do đó phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có lẽ sẽ trở nên lo âu hơn về độc lập và chủ quyền của họ. Quả vậy, trong vòng năm năm vừa qua khu vực dấn thân vào một sự tăng cường vũ trang đáng kể với Việt Nam và Malaysia mua tàu ngầm mới. Thái Lan và Indonesia đang xem xét làm việc tương tự.

.

Một Vùng Biển Quốc Tế

Những gì cần thiết là vừa khoảng thời gian hòa dịu ngắn hạn từ những căng thẳng của mùa hè này và vừa một chiến lược lâu dài. Về trước mắt, Hoa Kỳ, Trung Quốc, và những nước Đông Nam Á trọng yếu có thể lẳng lặng đồng ý kìm nén lại lời lẽ hùng biện về biển Nam Trung Hoa, tránh biển Nam Trung Hoa khỏi những nghị trình khu vực trong thời gian gần, và sử dụng ngoại giao bên lề để khảo sát những giải pháp bền vững.

Một chiến lược dài hạn cho Washington và những người bạn của họ ở Đông Nam Á là nên đoàn kết quanh một lập trường chung về biển rằng hãy giữ nó khai thông và là một vùng biển quốc tế và không dùng vũ lực các quốc gia phải chọn bên Washington hay Bắc Kinh. Có điều cũng nên làm rõ là Washington sẽ không rời bỏ khu vực ngay -- đúng là vì các quốc gia Đông Nam Á muốn sự hiện diện của Hoa Kỳ ở đó. Đứng về quan điểm của Hoa Kỳ mà luận, chiến lược này sẽ bao gồm thúc đẩy việc kết hợp giữa Hải Quân Hoa Kỳ và hải quân các nước bạn khu vực như Việt Nam và Malaysia. Chiến lược này đặc biệt cũng bao gồm khả năng tăng cường bán vũ khí để nâng cấp hải quân của Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ nên dùng những quan hệ quân sự với Trung Quốc (giả sử là Bắc Kinh muốn có những mối quan hệ đó) để thảo luận về biển Nam Trung Hoa, tìm kiếm với Trung Quốc khả năng một thủ tục quốc tế để phân xử những xác nhận chủ quyền và xem xét các phương cách để tránh xung đột trực tiếp trong vùng biển.

Tuy nhiên, ngay cả Washington thảo luận về biển trong những gặp gỡ song phương với Trung Quốc, áp lực hiệu quả nhất lên Bắc Kinh sẽ đến từ các quốc gia Đông Nam Á. Họ có thể làm nổi bật một cách có hiệu quả rằng họ tiếp tục ủng hộ sự có mặt của Hoa Kỳ và rằng họ, chứ không phải Hoa Kỳ, đứng đằng sau ước muốn giải quyết những xác nhận chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa một cách đa phương. Trung Quốc đã đầu tư dữ dội trong thập niên vừa qua trong việc xây đắp những quan hệ thương mại với Đông Nam Á và cố thuyết phục những nhà lãnh đạo khu vực, và nhân dân của họ, rằng Trung Quốc không phải là đe dọa. Kết quả là, các quốc gia ASEAN hẳn là có lợi thế trong quan hệ với Trung Quốc.

Năm nay các quốc gia ASEAN đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Trung Quốc, đem lại những nước Đông Nam Á một chỉ dấu cho thế giới thấy sức mạnh của Trung Quốc sẽ trở nên như thế nào. Nếu ASEAN, mà đã có những quan hệ kinh tế và văn hóa trọng yếu với Trung Quốc, không thể giải quyết những vấn đề nguy kịch với Trung Quốc theo lề lối hợp lý và hợp tác, làm thế nào những quốc gia ở Châu Phi hay Châu Mỹ La Tinh, mà họ có ít lợi thế hơn Bắc Kinh, có thể mong đợi làm theo? Một giải pháp thực sự cho tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa sẽ là một bước dài giúp đỡ trường hợp của Trung Quốc.

(1): nguyên văn "making facts on the ground": đây là một lối chơi chữ thú vị vì câu chuyện đang đề cập đến biển; "making facts on the ground" tương đương với "fait accompli", sự đã rồi. Trong quân sự, lịch sử, được dùng để chỉ vụ việc khi quân đội đã hiện diện ở vùng đất tranh chấp hay chưa tuyên bố chủ quyền làm cho việc thảo luận chỉ là hình thức

.

.

.

No comments: