Monday, September 27, 2010

DÂN BIỂU CAO QUANG ÁNH NÓI VỀ VỤ CỒN DẦU

Người Việt
Saturday, September 25, 2010
WESTMINSTER (NV) - Bộ Ngoại Giao Mỹ nhận phúc trình từ Việt Nam nói cái chết của ông Tôma Nguyễn Thành Năm ở giáo xứ Cồn Dầu là do bệnh tật, không phải chết vì các thương tích do công an đánh đập. Do vậy, một vị phụ tá ngoại trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã từ chối không gặp một số Dân Biểu về nội vụ.
Ông Cao Quang Ánh, dân biểu đơn vị New Orleans, Louisiana, cho hay như vậy khi có mặt ở tòa soạn nhật báo Người Việt hôm Thứ Bảy. Ðồng thời ông nói các giáo dân Cồn Dầu đang trốn tránh ở Thái Lan hiện đang sống trong tình trạng hết sức nguy hiểm.

“Sau buổi điều trần ở Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện hôm 18 tháng 8, đại diện của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Sài Gòn cùng với một thông dịch viên có tới giáo xứ Cồn Dầu ở Ðà Nẵng thăm và phỏng vấn bà Ðoàn Thị Hồng Anh, vợ giáo dân Tôma Nguyễn Thành Năm đã chết.” Dân Biểu Cao Quang Ánh nói tại tòa báo Người Việt. “Tôi không rõ họ hỏi gì và người thông dịch viên dịch ra sao, nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến tài liệu nói theo lời vợ anh Năm nói lại thì chồng của bà chết bệnh chứ không phải vì các thương tích”.
Ông Ánh cho biết, khi hay như vậy, ông đã gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện trực tiếp với bà Ðoàn Thị Hồng Anh.
“Tôi hỏi có phải chị nói như vậy không (chồng chết bệnh) thì chị nói rằng chị không nói như thế với phái đoàn tổng lãnh sự Mỹ. Tôi hỏi chị rõ ràng trước khi bị bắt anh Năm ra sao. Chị trả lời là anh Năm khỏe mạnh, không uống thuốc gì. Sau khi về nhà thấy lỗ tai chảy máu, lưng chảy máu, tay bầm giập rồi mấy ngày sau chết.”

Ông kể tiếp: “Tôi hỏi chị có biết nguyên nhân nào anh Năm chết không thì chị nói chị không biết.”
Ông nhận xét: “Dù người không phải là bác sĩ, không có kiến thức y khoa sâu rộng, một người khỏe mạnh bình thường trước khi bị bắt mà khi về nhà với thương tích trầm trọng đầy người rồi chết thì phải hiểu là chết vì thương tích do công an gây ra khi bắt giữ”.
Qua lời bà Ðoàn Thị Hồng Anh thuật lại, tháp tùng viên chức tổng lãnh sự quán Mỹ đến gặp bà, còn có sự hiện diện của 3 người công an.
“Tôi đoán trong lúc có mặt cả 3 công an CSVN ở đó, chị đã không dám trả lời tự nhiên như chị muốn”.
Ông Cao Quang Ánh cho biết sau khi có phúc trình của Bộ Ngoại Giao, ông và hai dân biểu Chris Smith và Frank Wolf đã yêu cầu gặp phụ tá ngoại trưởng Kurt Campbell đặc trách Ðông Á Thái Bình Dương về vụ Cồn Dầu thì bị từ chối.

Ông Nguyễn Thành Năm chết ngày 3 tháng 7 năm 2010 sau mấy ngày trong tay công an Ðà Nẵng. Ông là một trong một số giáo dân bị bắt điều tra liên quan đến đám ma của cụ bà Hồ Nhu hồi đầu tháng 5.

Gia đình thân nhân nhất định chôn cụ tại nghĩa trang của giáo xứ Cồn Dầu nhưng nhà cầm quyền thành phố lấy cớ đất đã “qui hoạch” để xây dựng phát triển đô thị mới trong khi giáo dân nhất quyết không nhượng bộ. Sáng sớm ngày 4 tháng 5 năm 2010, một rừng công an, cảnh sát cơ động chia nhau cướp quan tài của cụ bà Hồ Nhu ở cổng nghĩa trang giáo xứ, đem đi chôn nơi khác, đồng thời đánh các giáo dân đi đưa ma và bắt giữ 5 người, sau đó bắt thêm một người. Ông Nguyễn Thành Năm đi trốn ở làng khác thì bị dân phòng và công an lùng bắt. Ông bị đánh đập tàn nhẫn từ khi bị bắt rồi về chết ở nhà trong một thân thể bầm giập tan nát.
Trong một cuộc phỏng vấn sau khi chôn chồng với ông Nguyễn Hữu Vinh gồm cả quay video phổ biến trên youtube, bà Ðoàn Thị Hồng Anh cũng tường thuật những gì bà thấy trên thân thể chồng khi từ cơ quan công an về tới nhà rồi chết.
Bà cũng kết lời ông Năm thuật lại là bị đánh như thế nào.
Lời tường thuật của bà khác biệt giữa những lần gặp những người khác nhau từ Giám Mục Châu Ngọc Tri (nói chồng chết bệnh) giống như phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến trả lời phỏng vấn của Dân Biểu Cao Quang Ánh, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, có thể không thống nhất nên các sự can thiệp đã không đạt kết quả.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, ông Cao Quang Ánh bày tỏ sự lo âu cho hơn 40 giáo dân Cồn Dầu đang tạm trú ở trên đất Thái Lan với mong mỏi được đi tị nạn ở một nước thứ ba. Những người này đã bí mật chạy trốn sang Thái Lan làm nhiều đợt khác nhau vì sợ bị trả thù và có thể chết như Nguyễn Năm.
“Họ sống trong sợ hãi, phải thay đổi chỗ ở thường xuyên”. Ông nói. “Ðến nay họ vẫn chưa có cơ hội nộp đơn xin tị nạn với cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.”
Công an đặc tình Việt Nam đã nhiều lần bắt người Việt Nam đi tị nạn ở Cambodia và Thái Lan mang về Việt Nam bỏ tù.
----------------------


.
.
.
.
.
.

No comments: