Wednesday, September 29, 2010

NỀN GIÁO DỤC BỊ CHÍNH TRỊ CƯỠNG BỨC

17/09/10 1:53 AM

VRNs (17.09.2010) - Xuân Lộc - Khi mẹ tôi được nghe kể về vụ Cồn Dầu tới chi tiết đám tang, xác của cụ Phạm Thị Nhu bị cướp, bà nói “Đúng là lũ ngợm. Gặp đám tang phải biết đứng lại, bỏ mũ ra, tỏ lòng tôn trọng với người đã khuất và đoàn tang. Sách Đức Dục, ở bậc tiểu học ngày xưa có dạy đấy..”. Bà chỉ nghĩ đơn giản như vậy.

Hiện nay trong xã hội chúng ta phức tạp, có nhiều chuyện quái gở như công an là công cụ của nhà nước thì lại có nét du côn như cướp xác người chết, sách nhiễu người dân, đòi tiền mãi lộ, đánh chết người với những lý do rất nhỏ. Có những cảnh xua chó bẹc giê cắn đến chết người mót cà phê. Có cả làng như phát rồ đánh chết và đốt xác một thanh niên nghi nghờ trộm chó. Cũng có tài xế gây tai nạn, thấy người bị nạn chưa chết, quay lại cán cho chết.

Cụm từ ‘kế hoạch hóa gia đình’ được chính quyền áp đặt qua pháp lệnh Dân số, nên ở Hà Nội có cả một phố đông đặc những lò giết thai nhi.

Ngay cả trong môi trường học đường, là nơi giúp hình thành nhân cách cho thanh thiếu niên, lại có trò tạt axít hoặc hăm dọa thầy cô vì thi hỏng, có thầy làm cò chạy điểm, và cũng có thầy hiệu trưởng làm ma cô, mua dâm nữ sinh….

Có những vị quan được nhân dân nuôi thay vì phải có trách nhiệm với đất nước thì chỉ nghĩ tới tư lợi. Xã hội đầy dẫy những cảnh khốn đốn như ngư dân bị cướp, bị bắt và bị tống tiền, hoặc đất rừng, biển khơi, khoáng sản cứ teo tóp, cạn kiệt dần, nợ nước ngoài tăng không làm họ bận tâm. Nhưng họ lại dị ứng đến mức thù nghịch với sự thật, nhân quyền, công lý, dân chủ, và ngay cả internet.

Trước tháng 04 - 1975, trong Miền Nam ở chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng có tệ nạn xã hội nhưng không ở mức độ trầm trọng như hiện nay. Ở chế độ này những hành vi quái đản, trái luân thường đạo lý, là những mầm bệnh đã được nuôi cấy, chúng hình thành và đang lây lan với mức độ đáng lo ngại.

Đây là thời bấn loạn, có một tác giả cho là như vậy. Nhưng tất cả đều có mối quan hệ nhân quả.

Chương trình giáo dục, đặc biệt là môn văn, là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới nhận thức và hình thành nhân cách của thanh thiếu niên. Nhìn vào chương trình văn học ở cấp 3, chúng ta được dạy rằng phải đứng trên lập trường giai cấp công nông – kiểu xã hội chủ nghĩa hay chuyên chính vô sản để xem xét mọi vấn đề. Tự do đã bị đánh cắp, nó đã bị chính trị hóa, chính trị gần gũi với những thủ đoạn, những giá trị về nhân bản, nhân vị không còn cơ may xuất hiện trong chương trình.

Có những bài viết trong chương trình văn học cổ súy cho lối sống thực dụng, dã man. Một chuyện chép ở bệnh viện là một ví dụ, có một chị vì để bảo đảm cho sự an toàn của băng đảng mình, dù địch có bắt hai đứa con của chị để gây sức ép, nhưng chị ta viết thư trả lời: "... Hai đứa đó chính là con tôi, mấy người có tha thì tha, giết nó thì giết đi, chớ đừng đánh đập nó tội nghiệp. Còn tôi, tôi không ra hàng đâu...". Thoạt nghe thấy có vẻ bi hùng, nhưng ngẫm lại thấy trục trặc về nhân bản. Chị đã ruồng bỏ hai đứa con của mình, nơi chúng đang bị bỏ đói, đánh đập trong đồn địch. Tình mẫu tử không đủ thiêng liêng và mạnh mẽ để thắng nỗi sợ, những toan tính nhất thời của một băng đảng mà để hai đứa con vô tội bị hành hạ thay cho mình sao? Hai cháu bé kia chỉ có giá trị như những món đồ để chị ta đổi chác. Khi tình cảm thiêng liêng của con người không còn là điều đáng trân trọng so với những toan tính thuần vật chất thì những điều quái gở trên chẳng phải là điều khác thường.

Bão biển là một ví dụ khác, có nội dung bôi nhọ, bài tôn giáo, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc. Khi gạt bỏ và không còn tin vào Đấng tạo hóa trao ban phẩm giá và tâm linh cho con người, chỉ tin rằng con người thuần túy là những nguyên tố hữu cơ C, H, O, N tạo thành, thì con người có khác chi con chó, con gà. Thay vì giáo dục hướng con người tới giá trị chân thiện mỹ thì lối sống tham lam, vô cảm, ích kỷ, hận thù lại được gợi ý và chứng minh bằng thứ khoa học không hoàn chỉnh.

Có nhiều bài viết đắm trong mê muội ngợi ca sự giết chóc, sự chia rẽ, sự căm thù. Nhưng hiếm có bài có tính giáo dục về nhân bản. Nội dung của chúng có khi thô thiển lộ liễu, có khi ma mãnh ẩn giấu. Nhưng hầu hết đều nhằm che giấu sự thật, hạ thấp phẩm giá con người, khêu gợi bản năng cấp thấp. Tất cả nhằm phục vụ cho thủ đoạn chính trị nào đó.

Nền giáo dục bị chính trị cưỡng bức. Tuổi trẻ của chúng ta bị gieo rắc mầm ác và dẫn dắt tới con đường tội ác, tới văn hóa của sự chết. Tất cả chúng ta bị đầu độc, chất độc này đã phát tác tạo những khối u ác tính và di căn trong thân thể xã hội của chúng ta.

Có thể là tùy theo cơ địa của mỗi người, nhưng chắc chắn rằng nếu sống hời hợt, vô cảm, buông thả thì sức đề kháng của chúng ta suy giảm tới một thời điểm nào đó chất ngợm sẽ phủ lấp chất người.

Trong thế chiến thứ II, các “bác sĩ” Đức Quốc Xã tiến hành những cuộc thí nghiệm y khoa trên tù nhân. Bác sĩ Joseph Mengele, sĩ quan quân y tại trại Auschwitz, được biết tiếng là “Sứ giả Thần Chết” hay Aribert Heim, một bác sĩ khác làm việc tại trại Mauthausen có biệt danh “Bác sĩ Thần Chết”.

Hai ông này tiến hành các thí nghiệm trên cơ thể người sống, họ thử các loại dược phẩm khác nhau, đổi màu mắt bằng cách chích thuốc nhuộm vào mắt người tù, đóng đinh vào đầu tù nhân để tìm hiểu các vùng chức năng của não bộ, hoặc nhốt tù nhân vào phòng áp suất rút hết không khí để xem họ có thể kéo dài sự sống bao lâu, để nghiên cứu về sức chịu đựng họ bắt các tù nhân chịu rét cóng đến chết, cũng như tiến hành một số tổn thương chết người khác trên người tù. Mengele đặc biệt ưa thích làm thí nghiệm với người sinh đôi, dân du mục Di-gan, người lùn và trẻ nhỏ.

Những con người đang sống bị sử dụng như những con chuột bạch trong thí nghiệm, tội ác chống loài người của hai bác sĩ kia thật ghê tởm.

Đất nước chúng ta nay như một phòng thí nghiệm khổng lồ của một nhóm bác sĩ tâm thần thực hiện những thí nghiệm, qua hệ thống giáo dục họ tiêm chích vào cả một thế hệ những mầm bệnh như suy nghĩ lệch lạc, sự dối trá, sự suy đồi đạo đức, và khi đủ thời gian ủ bệnh, bắt đầu truyền nhiễm, một đại dịch bùng phát khó kiểm soát, mọi người nhiễm bệnh, trở thành những con bệnh hành xử với nhau như điên, như dại.

Đất mẹ Việt Nam sao mãi bị vật vã đau đớn? Phác đồ điều trị nào hữu hiệu cho căn bệnh xã hội này?
.
.
.

No comments: