Wednesday, September 29, 2010

TƯƠNG LAI TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HẬU TÂN TIẾN (Kỳ 1 & 2)

Nguyễn Hoài Vân
Sunday, September 5, 2010

Tôn giáo có vẻ là một vấn đề gây nhiều quan tâm trong cái xã hội « hậu tân tiến » mà chúng ta đang sống. Mặc dù nhiều thành phần ưu tú của xã hội ấy không ngừng tuyên dương sự chết của Thiên Chúa. Mặc dù đa số các trường phái tư tưởng hiện đại xem mọi niềm tin tôn giáo như thuộc về một thời kỳ ấu trĩ, phải bỏ lại sau lưng. Và mặc dù phần lớn các nhà chính trị nỗ lực bảo vệ tính chất thế tục của quốc gia, từ chối mọi liên hệ với những giá trị tôn giáo, thậm chí còn coi tôn giáo như độc

Nếu tôn giáo tổng hợp tất cả những tai ác vừa kể thì tại sao tôn giáo đã không bị đào thải một cách tự nhiên, tại sao tôn giáo vẫn luôn tồn tại để tiếp tục gây tranh cãi, tiếp tục làm nhức óc những người làm chính sách, gây nhiều khó khăn cho giới cầm quyền? Xa hơn một chút, người ta có thể tự hỏi tôn giáo sẽ còn có thể tồn tại được hay không trong chiều dài của thời gian, và giả sử nếu có phải biến hóa thì sẽ trở thành như thế nào?

Muốn trả lời các câu hỏi ấy cần nhìn tôn giáo dưới nhiều khía cạnh.

Trước hết, tôn giáo có thể được nhìn dưới khía cạnh ý thức hệ. Với tính cách ấy, tôn giáo sẽ chỉ hiện hữu như giải đáp cho những vấn đề được đặt ra bởi một xã hội vào một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Tôn giáo cũng có thể được coi như nền tảng luân lý của một xã hội. Có tư tưởng cho rằng mọi hệ thống giá trị đều phải được biện minh bởi niềm tin tôn giáo. Đâu sẽ là những giới hạn của quan điểm này ?

Thật ra, có lẽ phương pháp suy luận thích hợp nhất là đặt tôn giáo trong bối cảnh thực tế của xã hội hiện đại. Xã hội hiện đại là một xã hội hàng hóa. Vì thế, cần nhìn tôn giáo như cái nó bắt buộc phải là, tức như một món hàng.

Tuy nhiên, qua màn sương mờ ảo của tương lai, nhiều người có thể nhìn thấy sự thoái trào của xã hội hàng hóa. Khi ấy sự hiện hữu và vai trò của tôn giáo sẽ ra sao, giữa tiến trình chuyển biến và trong bối cảnh của mô hình xã hội mới?

I. Tôn Giáo dưới khía cạnh ý thức hệ

Nếu nhìn tôn giáo qua lăng kính ý thức hệ thì vấn đề đặt ra sẽ là: tôn giáo có đem lại được những giải đáp thỏa đáng cho các vấn đề đặt ra cho xã hội hiện đại hay không? Trước hết chúng ta thử phác họa các vấn đề ấy qua vài suy nghĩ về thời hiện đại.

Thời đại trong đó chúng ta đang sống bao gồm một số tiêu chuẩn được đề ra một cách quy ước. Có nhiều quy ước, và nhiều tiêu chuẩn. Chúng tôi xin chỉ bàn đến ba tiêu chuẩn chính. Đó là :

- sự thống trị của tư tưởng Dân Chủ
- sự phát triển của khoa học
- sự lãnh đạo của một số mô hình kinh tế gắn liền với Tư Bản Chủ Nghĩa.

A) Dân Chủ và Tôn Giáo :
Các tư tưởng gia về dân chủ, từ Hobbes, Locke đến Montesquieu và Rousseau, đều coi tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, như trở lực chính yếu của dân chủ. Đặt sang một bên những vấn đề quyền lợi thế tục, khiến cho một số giáo quyền trước đây đã không muốn ủng hộ Dân Chủ, chúng ta có thể nghĩ được rằng trở ngại chính cho Dân Chủ nơi các Tôn Giáo Độc Thần nằm ở chỗ các Tôn Giáo này, trong bản chất, là những lý thuyết mặc khải. Tức là có người nào đó đã đón nhận Sự Thật từ chính Thiên Chúa giao truyền cho, và kể lại cho mọi người khác, nhân danh Thiên Chúa. Như thế tức là: một người nói, mọi người khác chỉ có quyền nghe và tuân phục. Làm sao cãi lại được một Chân Lý đến trực tiếp từ Thiên Chúa? Chẳng cần lý luận sâu xa, cũng thấy được rằng cây Dân Chủ rất khó mà bén rễ được trên nền tảng này. Với thời gian, vì tương quan lực lượng ngày càng bất lợi cho Công Giáo, người ta tách rời thế quyền khỏi thần quyền, và đẩy Giáo Hội Công Giáo xa dần ra khỏi sự quản trị xã hội. Ngày nay, từ xa, Giáo Hội Công Giáo có thể ủng hộ Dân Chủ một cách quả quyết, như chúng ta thường thấy...

Thật ra, trong hệ thống Ky Tô Giáo, các giáo phái Tin Lành có thể được coi như những trường hợp riêng biệt. Lý do vì tư tưởng Tin Lành đã biến đổi khái niệm mặc khải để cho phép mỗi người tự tìm hiểu và giải đoán Thánh Kinh theo lương tâm của riêng mình. Vì thế mới nảy sinh ra hàng trăm Giáo Hội Tin Lành khác nhau. Có nhà thần học đã ví các giáo phái Tin Lành như một bầy con ngồi trong một bàn tiệc vắng bóng người cha. Tức là các anh em khi tụ họp lại thì ai cũng như ai, không có người "phán bảo" và những kẻ khác phải tuân phục. Tinh thần này rất thuận lợi cho sự nảy sinh của Dân Chủ. Có thể không lầm lẫn bao nhiêu khi cho rằng mô hình Dân Chủ hiện đại đã phát xuất từ tầng lớp trung lưu Tin Lành.

Đối với người Việt Nam chúng ta thì cũng cần khảo sát tương quan giữa Dân Chủ và Phật Giáo. Trong bản chất thì Phật Giáo là một Đạo thực nghiệm, chứ không đặt nặng sự mặc khải từ bên ngoài. Phật "nói" qua kinh điển, nhưng anh không bắt buộc phải tin, mà chỉ được mời gọi thực nghiệm qua công phu tu tập của chính anh. Đây cũng là một nền móng tốt cho sự xây dựng Dân Chủ. Vả lại, một số sử gia đã cho rằng Đức Thích Ca sanh trong một đô thị được quyền tự trị giữa các vương quốc lớn chung quanh, và sinh hoạt theo thể chế… dân chủ! (Louis Frédéric - Bouddha en son temps - Ed Félin)

Mặc dù Ky Tô Giáo đã có lúc là một trở lực đối với Dân Chủ, tôi vẫn nghĩ quan niệm hiện đại về Dân Chủ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự giảng dạy của Đức Ky Tô và những nhà tư tưởng kế thừa Ngài. Khi cho rằng mọi người đều làm một với Ngài, và Ngài làm một với Thiên Chúa, Đức Ky Tô đã cho thấy nơi mọi con người một Thiên Tính. Và mọi con người đều phải được quý trọng vì Thiên Tính ấy. Quyền Con Người hiển lộ, một cách phổ quát, một cách linh thiêng, vì gắn liền với Thiên Chúa. Và vì gắn liền với Thiên Chúa, quyền ấy thoát khỏi sự phán xét của những người khác ("các anh đừng phán xét", Phúc Âm Luca 6 :37), đồng thời vượt khỏi sự phân biệt "tốt - xấu" (Khi Phao Lồ nói: các anh là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, ngài không hề bảo: các anh hãy cố gắng ăn hiền ở lành, trở nên những con người tốt, để trở thành đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mà hàm ý các anh vốn đã là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mặc dù các anh tốt hay là xấu).
Quan điểm "Phật tính trong mọi người", hay "Phật là chúng sinh, chúng sinh là Phật" cũng rất gần với tư tưởng trên, tuy cần nhận xét là « chúng sinh » trong tư tưởng Phật Giáo vượt ngoài phạm vi của Con Người rất nhiều.

Như thế, quan niệm Con Người của ít ra là Ky Tô Giáo có thể giúp biện minh cho tính phổ quát của Nhân Quyền và của Dân Chủ. Tuy nhiên, « ý thức hệ » này cần được cập nhật trước những công kích nhằm vào khái niệm « Con Người » trên trường tư tưởng hiện đại.

Thật vậy, khái niệm « Con Người nói chung » lệ thuộc vào sự hiện hữu của ba yếu tố: một bản chất con người cách biệt với thiên nhiên một cách rõ rệt, một giá trị hiển nhiên của con người vượt hẳn mọi giá trị khác, và sự cảm thông rộng rãi giữa mọi con người với nhau. Chúng ta có thể nhận xét là trong thời hiện đại, cả ba yếu tố kể trên đều rất lung lay, chao đảo.

- Bản chất con người cách biệt với thiên nhiên? Không gì mơ hồ hơn, khi những chứng minh về liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên trên tiến trình tiến hóa càng ngày càng rõ nét, trên mặt vật lý cũng như tâm lý. Thậm chí văn hóa của con người cũng phải tuân theo những quy luật cấu trúc khách quan (Claude Levy Strauss). Quan niệm chỗ đứng của con người như một chủ thể độc lập, tự do, vượt trên các thành tố khác của thiên nhiên, hiện phải bị xét lại.

- Giá trị hiển nhiên của con người? Sau những tội ác mà con người đã làm cho đồng loại của mình suốt thế kỷ 20, từ chế độ Gulag, Auschwitz, đến Srebenisca, qua sự tiêu diệt một phần ba của chính dân tộc mình tại Campuchia rồi cuộc thảm sát ở Rwanda, người ta có quyền có đôi chút nghi ngờ về « giá trị » nhân bản ấy.

- Sự cảm thông rộng rãi giữa con người với nhau? Với phản ứng co cụm của từng cộng đồng trong phạm vi văn hóa của riêng mình, để bài bác, thậm chí tấn công bằng bạo lực các cộng đồng khác, chiều hướng thông cảm giữa người với người cũng đang trên đà sút giảm… Thật ra, đã bao giờ người ta coi những con người thuộc văn hóa hay tôn giáo khác như mang cùng bản chất với mình hay chưa? Chỉ cần nghĩ đến việc đa số tôn giáo thường hứa hẹn cho đồng loại không cùng niềm tin với mình một sự đày đọa muôn đời trong địa ngục…

Kết quả của sự khó khăn trong ý thức Nhân Quyền/b>, là tại nhiều nơi người ta buộc phải áp đặt nó, có khi bằng bom đạn, có khi bằng áp lực kinh tế hay chính trị, khiến Nhân Quyền rất dễ bị coi như một phương tiện thống trị của chủ nghĩa thực dân mới.
(Còn tiếp)


Nguyễn Hoài Vân
Monday, September 6, 2010

(Tiếp theo) - Kỳ 2

Làm thế nào để Tôn Giáo có thể tiếp tục giúp ích được cho vấn đề « Con Người » trước làn sóng công kích mãnh liệt vừa nói?

Có lẽ phương cách hay nhất là giảm bớt gò bó, trói buộc trong những quan niệm siêu hình về Chúa, về Phật, về bản chất Con Người, và lún chìm trong những hệ luận, nào lành nào dữ, rồi tốt xấu, đúng sai, giải thoát, đọa đày v.v..., dựa trên những quan niệm siêu hình ấy.

Cần định nghĩa mỗi con người như sự gặp gỡ với một con người khác, không phải một con người « nói chung », siêu hình, không có thật, nhưng một con người cụ thể, mang một nụ cười đặc biệt, một giọng nói, một quá khứ, một quê hương, một nghề nghiệp, một địa chỉ... Sự gặp gỡ ấy lập tức đưa đến một trách nhiệm, dù chỉ là trách nhiệm nói năng, cư xử lịch sự, tử tế. Trách nhiệm này hiện hữu trước khi một người tự định nghĩa mình là ai, và biết được người kia là ai. Trách nhiệm kia có thể tăng thêm gấp bội phần, trước cảnh bất công và sự đau khổ của đối tượng. Và cái trách nhiệm trước đau khổ và bất công này lại càng không tùy thuộc định nghĩa mình là ai, đối tượng của mình là ai? Mọi người đều tự cảm thấy có trách nhiệm trước đau khổ và bất công của bất cứ ai. Như thế, người ta tìm ngay ra được một con đường hành xử, một lẽ sống, mà không cần quan tâm đến những lý thuyết về bản chất của con người mình hay của con người đang hiện diện trước mặt mình. Đó là sự định nghĩa con người qua hành động, trong trách nhiệm đối với tha nhân. Còn định nghĩa của Thiên Chúa trong điều kiện ấy, là sự định hướng của trách nhiệm này. Thật vậy, đứng trước một người khác, anh có hai chọn lựa: hoặc thân thiện, giúp đỡ, hợp tác, hoặc ngược lại. Thiên Chúa là kết tinh của chọn lựa thứ nhất. Con người trở nên hợp nhất với Thiên Chúa qua sự chọn lựa cụ thể này. Những quan niệm lý thuyết siêu hình không còn cần thiết. Mọi con người đều có thể gặp nhau trên nền tảng này, một nền tảng Nhân Bản thực tế, bổ túc cho những lý thuyết siêu hình, trong đó có khái niệm « Con Người nói chung » và tư tưởng Nhân Quyền.

Đó là phương cách để một Tôn Giáo có thể tiếp tục đóng góp cho sự hài hòa, hợp tác, trong một xã hội đa dạng, đa nguyên, dân chủ.

B) Tôn Giáo và Khoa Học

Thời hiện đại coi Khoa Học như đối trọng của Tôn Giáo. Người ta hình dung tiến trình phát triển của khoa học đồng nhịp với sự lùi bước của tôn giáo. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng bề mặt. Trong bản chất, thuyết độc thần, nền tảng của các tôn giáo lớn, chính là khởi điểm của quan điểm duy vật cũng như óc khoa học và thuyết Tân Tiến (modernisme).

Thật vậy, thuyết Độc Thần với Thượng Đế duy nhất, được phát minh bởi những người du mục, đã tống cổ mọi thần thánh ra khỏi các sự vật, khiến cho thiên nhiên không còn chút thần thánh nào trong đó, và không còn có thể được giải thích bởi hành vi của các thần linh nữa. Mặt trời không còn là cỗ xe ngựa, mỗi sáng phải chờ Thần Apollon trèo lên lái chạy một vòng trên vòm trời. Sấm chớp, mưa gió, bệnh tật không còn lệ thuộc vào sự vui buồn của các ông tiên, bà thánh nữa, cũng như cây cỏ, sông, biển, mùa màng, v.v... Tất cả đều sẽ chỉ còn tuân theo những định luật vật chất. Thậm chí các hiện tượng tâm thần, xã hội, văn minh, văn hóa ... cũng dần dần được giải thích bởi những quy luật vật chất. Thuyết Duy Vật ngự trị trên toàn sự hiện hữu. Cùng với óc khoa học.

Theo chân thuyết duy vật, thuyết tân tiến cũng ra đời. Trong khi người dân định cư quan niệm thời gian như những chu kỳ xoay chuyển, hết gieo đến cấy, cấy xong đến gặt, gặt xong lại gieo… thì người du mục luôn mỗi ngày thức giấc trước một chân trời mới, luôn luôn đổi khác, trong dòng thời gian được nhìn như một đường thẳng. Thêm vào đó, Thiên Chúa, vị Thần duy nhất mà họ tôn thờ, lại có một giao ước với họ. Ngài hứa cho họ một tương lai tốt đẹp, một vùng “đất hứa”. Đó chính là định nghĩa của thuyết tân tiến: ngày mai không những sẽ là một ngày hoàn toàn mới, khác hẳn ngày hôm nay, mà ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Đường thẳng Thời Gian có một định hướng. Gián đoạn triệt để giữa tương lai và hiện tại cũng chính là cội rễ của ý tưởng… Cách Mạng!

Dần dần chính Thiên Chúa cũng bị loại ra khỏi lý trí của con người. Người ta cho rằng Thiên Chúa « không thể nghĩ bàn ». Không một đầu óc nào có thể quan niệm được Thiên Chúa. Ngay khi chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa, thì cái Thiên Chúa mà chúng ta nghĩ đến ấy không còn là Thiên Chúa nữa, vì Thiên Chúa thật vượt trội hơn, khác biệt hơn cái Thiên Chúa mà chúng ta có thể quan niệm được gấp bội phần. Nói cách khác, Thiên Chúa vô hạn, không thể bị giam hãm trong đầu óc hạn hẹp của con người.

Thuyết tân tiến, cộng với óc khoa học, cộng với việc không thể nghĩ, không thể bàn đến Thiên Chúa, bắt buộc con người phải tin vào chính mình, vào trí thông minh, khả năng tìm tòi, suy luận của mình, để không ngừng tiến bộ trong niềm tin vào « con đường đi lên tất yếu » của lịch sử.

Mặc dù có những lúc ngờ vực, đa số nhân loại hiện vẫn đang dấn bước trên con đường này.

Nếu khoa học nảy sinh từ thuyết Độc Thần, thì tại sao trong thực tế luôn có sự đối kháng giữa khoa học và các tôn giáo độc thần? Có phương cách nào để hòa giải hai « ý thức hệ » ấy hay không? Việc đầu tiên là làm thế nào để đem được Thượng Đế trở lại với thiên nhiên? Đó là một quan tâm của nhiều trào lưu tư tưởng, đặc biệt là Ky Tô Giáo.

Thần học Ky Tô Giáo quan niệm một Thượng Đế « nhập thế », hiện diện ở khắp mọi nơi, đồng thời « nhập thể », làm một với con người, qua con người tiêu biểu là Đức Ky Tô, vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Tư tưởng này mang một ưu điểm lớn là không còn cần « nghĩ bàn » về Thiên Chúa như một thực thể biệt lập nữa, mà có thể cảm nghiệm Thiên Chúa như cảm nghiệm chính mình, vì Ngài ở trong mỗi người. Trở ngại được nói đến ở trên, rằng không thể nào quan niệm được Thượng Đế với tâm trí hạn hẹp của mình, tự nhiên bị dẹp tan. Người ta chỉ cần ý thức mình làm một với Chúa, qua « bí tích » nền tảng của Ky Tô Giáo là nghi thức « rước lễ », « communion » (comme un nghĩa là « như một »). Spinoza cũng quan niệm Thiên Chúa ở trong mỗi sự vật (panthéisme). Ấn Giáo thì quan niệm không có gì hiện hữu ngoài Thiên Chúa, mọi sự hiện hữu đều là những thể hiện của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, tất cả các quan niệm này đều khởi đi từ một lập trường duy tâm thuần túy, không bắt rễ từ một thực tại cụ thể. Chúng ta thử quay về phía khoa học vật chất xem có cách nào quan niệm được Thượng Đế hay không?

Nếu chấp nhận giả thuyết « Big Bang » thì khởi đầu của vật chất trong vũ trụ là một « điểm vật chất ». Mặt khác, có thể giả sử mỗi trình độ vật chất đều có một cái « Thức » riêng. Trình độ khởi đầu của vật chất, cũng có cái « Thức » của nó. Từ điểm khởi đầy ấy, vật chất tiến hóa, cho ra các ngôi sao, vi khuẩn, súc vật, rồi con người, với những trình độ « Thức » đặc biệt cho mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn tiến hóa, sự vật đều giữ lại những cái « Thức » của các giai đoạn trước, được lắng đọng trong một Siêu Thức, Vô Thức hay Tiềm Thức nào đó. Điều này có thể được chứng minh nơi các loài động vật. Thí dụ những cái thức của các giai đoạn trước con người như loài cá, loài có vú bốn chân… không còn được « ý thức » một cách rõ rệt nơi con người nữa, nhưng không bị xóa đi mà vẫn còn hiện diện trong Vô thức, Tiềm thức hay Bản năng của con người. Cái « Thức » của giai đoạn khởi đầu của vật chất (khi chỉ có một điểm vật chất trong vũ trụ) có thể cũng vẫn còn hiện diện nơi con người và nơi tất cả sự vật trong vũ trụ. Vì thế, đi vào đến một độ sâu nào đó của Tâm Thức, người ta sẽ tìm thấy một Siêu Thức chung cho toàn thể loài người, và đi vào sâu hơn nữa, người ta sẽ tìm thấy Siêu Thức chung cho con người và các động vật, rồi chung cho con người, động và thực vật, cứ như thế, càng đi vào sâu thêm, thì cái Siêu Thức ấy càng mở rộng để trở thành Siêu Thức chung của toàn thể vạn vật.

Thế nhưng, cái Thức của giai đoạn trước « Big Bang », trước khi có điểm vật chất nguyên thủy, thì là gì? Trước khi có điểm vật chất nguyên thủy thì chưa có vật chất. Cái Thức của giai đoạn đó là « Thức » của một cái gì « phi vật chất ». Nói cách khác, đó là Ý Thức Thuần Túy, hoàn toàn tách khỏi vật chất và không lệ thuộc vật chất. Đó phải chăng chính là định nghĩa của Thiên Chúa: một Ý Thức thuần túy, phi vật chất, quy định vật chất, quy định sự tiến hóa của vật chất, quy định toàn thể vũ trụ này và tiềm tàng nơi mọi sự vật?

Thế nhưng nếu con người và phần còn lại của thiên nhiên đều cùng chung một căn bản vật chất và cùng được quy định bởi một Ý Thức Thuần Túy, thì tại sao lại có sự khác biệt nền tảng giữa thiên nhiên và con người, ở chỗ sự hiện hữu, qua hành động, của con người, tùy thuộc vào Chủ Ý (intentionalité) của mình, trong khi thiên nhiên chỉ biết phục tùng quan hệ Nhân Quả (causalité) ? Thật vậy, khi nhìn chính mình và đồng loại của mình, con người đặt ngay câu hỏi: tại sao người ấy lại có thái độ, có hành vi như thế? Anh ta muốn gì? Có ý định gì? Ngược lại, đối với thiên nhiên, người ta không đặt câu hỏi muốn gì, có ý định gì, mà câu hỏi thông thường lại là: nó từ đâu ra, cái gì đã làm cho nó như thế? Sự hiện hữu, qua hành động, của con người, lệ thuộc vào Chủ Ý của mình, trong khi sự hiện hữu của thiên nhiên lệ thuộc Nguyên Do đã làm ra nó.

Nhà toán học Whitehead tìm cách giải thích sự cách biệt nền tảng ấy giữa thiên nhiên và con người bằng cách quan niệm rằng trong mọi trình độ của vật chất, từ hạt điện tử đến con người, đều có một « thần khí sáng tạo» thúc đẩy và chủ trì những chọn lựa biến hóa và « hành động » của nó. Thật vậy, nếu ta lấy thí dụ một hạt điện tử, thì ở mỗi thời điểm nó có một số chọn lựa, để vào thời điểm kế tiếp nó sẽ không còn là nó nữa, vì đã thay đổi vị trí, tốc độ, năng lượng v.v… Người ta có thể tính được xác suất của mỗi thay đổi, bằng phương trình Schrödinger chẳng hạn. Trong trường hợp con người, thì số lượng chọn lựa biến hóa và hành động trở nên nhiều vô số, không thể tiên liệu được qua một phương trình toán học. Tuy nhiên, đàng sau những hành động và thay đổi của con người vẫn có một « thần khí sáng tạo » thúc đẩy và chủ trì. Vì thế, việc con người có vẻ như thoát khỏi các quy luật nhân quả vật lý, trong khi các trình độ thấp của vật chất lại hoàn toàn lệ thuộc vào những quy luật ấy, chỉ là một vấn đề số lượng chọn lựa. Một thành tố của thiên nhiên càng phức tạp thì sự thay đổi của nó càng ít bị quy định bởi các định luật vật lý, và càng khó tiên liệu. Ngược lại, một thành tố của thiên nhiên càng đơn giản thì càng lệ thuộc các quy định của vật lý và các sự chuyển hóa của nó càng dễ tiên liệu. Nói cách khác, sự « sáng tạo » của con người không khác biệt trong bản chất với những « chọn lựa » của hạt điện tử, mà chỉ là hệ quả của sự phức tạp của con người. Trong mọi trường hợp, theo Whitehead, thì đàng sau những « hành vi » ấy luôn hiện diện một « thần khí sáng tạo » thúc đẩy con người cũng như toàn thể sự vật trở thành một cái gì mới, nhưng không phải bất cứ cái mới nào, mà một cái mới được sắp đặt theo một chủ đích, một sơ đồ, một chương trình Sáng Tạo chung. « Thần Khí Sáng Tạo » ấy được Whitehead gọi là: Thượng Đế!

Tóm lại : Tôn Giáo (độc thần) đã đẻ ra khoa học, và trên một quan điểm nào đó có thể tiếp tục hiện hữu bên cạnh khoa học. Vấn đề nằm ở khả năng cởi mở, thích nghi, của tôn giáo ấy.

Trường hợp Phật Giáo không cần đặt ra ở đây vì đạo này vốn được coi như rất gần gũi với khoa học.

C) Tôn Giáo và Tư Bản Chủ Nghĩa

Tư bản chủ nghĩa có thể được định nghĩa như một mô hình tổ chức xã hội trong đó phương tiện sản xuất và phương tiện trao đổi nằm trong tay tư nhân. Tư nhân có khuynh hướng đặt tư lợi lên trên hết. Vì thế, một trong những động cơ chính yếu của xã hội tư bản là HIẾU LỢI. Để được lợi, tư bản chủ nghĩa đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ.

Vì cần đẩy mạnh tiêu thụ, nên trong xã hội tư bản có khuynh hướng ôn hòa rộng rãi, và khuynh hướng CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA. Thật vậy, nếu hẹp hòi, quá khích, thì phải loại bỏ một phần xã hội, tức bớt số người tiêu thụ. Mặt khác, cá nhân cần dược đề cao, cần có tự do, tự do mưu cầu tư lợi, tự do chạy theo những mặt hàng, những ham muốn đa dạng, để có thể tiêu thụ ngày một thêm lên.

Ngược lại vì nhu cầu sản suất hàng loạt nên trong xã hội tư bản cũng có một khuynh hướng điều kiện hóa con người để đưa họ vào một số khung suy nghĩ và phản ứng được quy định sẵn. Ý kiến cá nhân ở đây bị lu mờ trước ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, hiện hữu chỉ để phục vụ cho thị trường. Đây chỉ là một trong nhiều mâu thuẫn của Tư Bản Chủ Nghĩa.

Về chính trị, xã hội tư bản thường thiên về một thể chế ĐA NGUYÊN. Lý do vì phương tiện trao đổi và sản xuất là thực chất của quyền hành, mà những phương tiện ấy lại nằm trong tay tư nhân, nên thực chất quyền hành trong xã hội dễ bị phân tán, trở thành “đa nguyên”. Tuy nhiên, dù bị phân tán, quyền hành vẫn nằm trong tay những người có phương tiện sản xuất và trao đổi, khiến cho các xã hội tư bản thường đi vào con đường DÂN CHỦ HÌNH THỨC (xem Những Nghịch Lý của Dân Chủ - Nguyễn Hoài Vân : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=214&kind=3 ). Người dân được quyền phát biểu, bằng nhiều phương tiện kể cả lá phiếu, nhưng sự quản lý xã hội luôn nằm trong tay một tầng lớp thượng lưu, đưa đến một thể chế « thượng chủ » (oligarchie).

Vì được điều hành bởi tư lợi, kiểu dân chủ hình thức, nên các xã hội tư bản rất hay được quản lý một cách THIỂN CẬN và PHI NHÂN. Khi có khủng hoảng thì các thành phần nghèo nhất, yếu kém nhất, luôn phải chịu những hậu quả nặng nề nhất, đưa đến bất công xã hội. Nhu cầu gia tăng sản xuất khiến môi trường thiên nhiên bị tàn phá và dự trữ tài nguyên thiên nhiên của địa cầu bị lãng phí một cách trầm trọng. Đến một lúc nào đó, sự gia tăng sản xuất không còn có thể tiếp tục được, vì tài nguyên thiên nhiên khánh tận, vì ô nhiễm quá nặng nề, vì người dân nghèo đi, giảm bớt tiêu thụ. Lúc ấy Tư Bản Chủ Nghĩa đi vào suy thoái, và có thể sụp đổ.

Trong xã hội tư bản, tôn giáo có thể có những đóng góp quan trọng.

Tôn giáo có thể là một phương tiện để duy trì sự ổn định xã hội. Có thể nói, trong một xã hội bất công, nhiều chênh lệch, tôn giáo cho con người một cảm tưởng bình đẳng. Lý tưởng bác ái, từ bi, tình huynh đệ (một trong ba tôn chỉ của Cộng Hòa Pháp), cũng giúp giảm bớt bất công trong bối cảnh Duy Lợi, cạnh tranh triệt để của xã hội tư bản.

Nền tảng Nhân Bản của các tôn giáolớn có thể làm nhẹ đi tính Phi Nhân của tư bản chủ nghĩa. Đừng quên một trong những nguồn gốc của chữ « Religion », Tôn Giáo, chính là « Relier », Liên Kết. Những giảng dạy của Tôn giáo đều có thể giúp liên kết người với người, nhận và cho, thụ hưởng và phân phát, quyền lợi và trách nhiệm. Vai trò của con người như hình ảnh của Thiên Chúa đối với gia tài thiên nhiên được Thiên Chúa tạo nên cũng được nhấn mạnh. Địa bàn hoạt động chủ yếu của tôn giáo đương nhiên là xã hội công dân, tức tất cả những tổ chức do người dân làm ra mà không lệ thuộc cấu trúc quyền hành. Vai trò của các tổ chức thiện nguyện mang màu sắc tôn giáo trong xã hội công dân vô cùng to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng, khi sự thiếu thốn làm cho xã hội trở thành phân hóa, mỗi người, mỗi thành phần xã hội, chỉ biết xoay sở cho riêng mình, chống lại mọi người, mọi thành phần khác.

Tuy nhiên, người ta phải tự hỏi: làm sao tôn giáo có thể tồn tại được trong xã hội Tư Bản khi sự giảng dạy của Tôn Giáo đi ngược lại những mục tiêu của Tư Bản Chủ Nghĩa? Có lẽ câu trả lời nằm ở tính thực tế của xã hội Tư Bản. Thật vậy, Tư Bản Chủ Nghĩa sử dụng tôn giáo như một phương tiện trị liệu ít tốn kém đối với những căn bệnh hay những vết thương mà nó tạo nên trong xã hội. Ít tốn kém, vì, như chúng ta vừa thấy, các tổ chức thiện ích của tôn giáo thường hoạt động trong phạm vi tư nhân, với phương tiện do tư nhân đóng góp, không tốn kém gì cho nhà nước tư bản và các xí nghiệp tư bản, tức không ảnh hưởng trên giá thành và thặng dư giá trị của hàng hóa.

Tóm lại, sự giảng dạy của tôn giáo duy trì một ý thức tốt đẹp, tinh thần hợp tác, trách nhiệm, trong xã hội, đồng thời bơm tiền của một số người dân đến những người dân khác, giúp những người dân này tiêu thụ sản phẩm làm ra bởi các xí nghiệp, nâng cao lợi nhuận cho nhà tư bản. Tôn giáo giúp giải quyết các vấn đề xã hội mà không cần tăng thuế, không cần tăng tiền an sinh xã hội, nhà tư bản không mất đồng nào, chỉ thêm lợi! Đó là chưa kể việc các nhà tư bản không ngần ngại đầu tư vào các tôn giáo như những món hàng, hay những dịch vụ... Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

Đặt giả thuyết Tư Bản Chủ Nghĩa có thể sẽ phải nhường chỗ cho một mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa nào đó, thì lý thuyết Xã Hội của một số tôn giáo sẽ có thể được vận dụng để phụ trợ cho tiến trình này. Điều này cũng sẽ được bàn đến trong phần kế tiếp.

(Còn tiếp)
.
.
.

No comments: