Tuesday, September 28, 2010

BÀI HỌC CHÍNH TRỊ TỪ NƯỚC ÚC


Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 28 tháng 9 2010

Có lẽ tôi sẽ không có ý định viết về chính trị Úc nếu sáng Chủ nhật (26/9) vừa rồi không tình cờ gặp Thủ tướng Úc Julia Gillard trong một quán cà phê nhỏ ở Altona. Bà đi với người bạn trai, và, theo sau một khoảng cách vừa phải, độ vài ba mét, có hai cận vệ mặc áo vét đen như hai doanh nhân. Hầu như mọi người trong quán đều biết bà là Thủ tướng nhưng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra cả. Bà cũng rất tự nhiên, đứng sắp hàng để chờ mua cà phê và thức ăn sáng; xong, móc ví trả tiền, như mọi người khác.

Thật ra, đây không phải lần đầu tôi gặp bà. Cùng ở Altona, nhà cách nhau chỉ mấy trăm mét, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp bà đi bộ dọc theo bờ biển. Lúc ấy bà chỉ là Bộ trưởng Đối Lập, không có cận vệ, thường đi một mình, hiền lành và lặng lẽ, sẵn sàng gật đầu chào bất cứ ai đi ngược chiều.

Ở Việt Nam, tôi chưa từng gặp người nào trong giới lãnh đạo chóp bu cả. Tôi không biết những người như Chủ tịch nước, Thủ tướng hay Tổng bí thư hoặc bất cứ ông bà nào trong Bộ chính trị có tác phong bình dân như vậy hay không. Mà có lẽ là không. Chợt nhớ đến chuyện, vào giữa tháng 6 năm 2008, ông ngoại trưởng Bỉ, Karel de Gucht và đoàn tuỳ tùng, dù đã mua vé hạng nhất trên chuyến bay từ Hà Nội và Sài Gòn, vẫn bị đuổi xuống hàng ghế bình dân để nhường chỗ cho một số uỷ viên Bộ chính trị đảng Cộng sản vào Sài Gòn dự một đám tang nào đó. Họ đuổi một ngoại trưởng mà không có một lời giải thích. Đuổi là đuổi, vậy thôi. Với ngoại trưởng một quốc gia từng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều như Bỉ mà còn thế. Với dân chúng thì đừng hòng.

Tuy nhiên, ở đây, tôi không bàn đến chuyện tác phong. Tôi chỉ muốn tập trung vào một khía cạnh khác: bài học về dân chủ tại Úc.

Xin nói thêm, bà Julia Gillard chỉ lên làm Thủ tướng Úc từ cuối tháng 6 năm nay. Trước đó bà là Phó thủ tướng trong chính phủ Lao Động do ông Kevin Rudd cầm đầu. Sau hơn hai năm cầm quyền, từ một trong những Thủ tướng được ái mộ nhất trong lịch sử nước Úc, chỉ vì một số thay đổi trong chính sách và một số thất bại trong kế hoạch kích cầu kinh tế, ông bị chỉ trích dữ dội. Mức độ dân chúng ủng hộ ông càng ngày càng xuống thấp. Để cứu vãn tình hình, nhiều dân biểu trong đảng Lao Động, dưới sự lãnh đạo của bà Gillard, quyết định thách thức chức thủ lĩnh của ông Rudd. Biết mình không còn được đảng ủng hộ, ông Rudd buộc phải từ chức và bà Gillard lên làm Thủ tướng.

Làm Thủ tướng chưa được bao lâu, bà Gillard cho tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 21 tháng 8. Kết quả bất ngờ: đảng Lao Động mất rất nhiều phiếu. Trước, trong cuộc bầu cử vào năm 2007, đảng Lao Động chiếm 83 ghế trên tổng số 150 ghế Dân biểu. Lần này, Lao Động mất 11 ghế; chỉ còn giữ được 72 ghế. Phe Đối lập (gọi là Liên Đảng, gồm đảng Tự Do và đảng Quốc Gia) cũng chiếm 72 ghế. Không có phe nào đạt số ghế quá bán (trên 75) để thành lập chính phủ cả. Thế là, trong ba tuần sau ngày tổng tuyển cử, cả hai phe đều tận lực thuyết phục các dân biểu độc lập về phe mình. Cuối cùng, hai dân biểu độc lập ngả về Liên Đảng, trong khi ba người khác, cùng một dân biểu thuộc đảng Xanh, một đảng nhỏ tại Úc, ngả theo Lao Động. Nhờ đó, Lao Động được 76 ghế, cao hơn Liên Đảng 2 ghế; họ được thành lập chính phủ và bà Gillard chính thức trở thành Thủ tướng.

Các nhà bình luận chính trị tại Úc đều cho các biến động bất ngờ và dồn dập trong mấy tháng vừa qua rất hiếm khi xảy ra trong lịch sử Úc.

Chưa bao giờ Úc lại có một cuộc đảo chính nhẹ nhàng và nhanh chóng đến vậy. Tất cả chỉ diễn ra trong một đêm. Tối ngày 24/6, bà Gillard đến văn phòng Thủ tướng Kevin Rudd thách thức chức vụ thủ lĩnh đảng Lao Động của ông.

Xin lưu ý là, khác với các nước theo Tổng thống chế, chính trị Úc mô phỏng theo hệ thống công quyền ở Anh: dân chúng bầu cho đảng hơn là cho người lãnh đạo. Đảng nào được nhiều ghế trong Quốc Hội nhất, đảng đó được quyền thành lập chính phủ và thủ lĩnh của đảng ấy trở thành Thủ tướng. Bởi vậy, không hiếm trường hợp người ta thay đổi Thủ tướng giữa nhiệm kỳ.

Trường hợp này từng xảy ở Anh với việc chuyển giao chức Thủ tướng giữa Tony Blair và Gordon Brown vào tháng 6 năm 2007 và ngay tại Úc vào tháng 6 năm 1991 giữa Bob Hawke và Paul Keating. Ông Rudd từ chối thoái nhiệm và, ngay trong đêm ấy, kêu gọi một cuộc họp khoáng đại giữa các vị dân cử đảng Lao Động vào sáng ngày hôm sau. Suốt cả đêm ấy, cả hai phe đều ráo riết vận động. Đến sáng sớm, trước khi phiên họp khai mạc, người ta đã biết kết quả: số Dân biểu và Nghị sĩ ủng hộ bà Gillard cao hơn hẳn ông Rudd. Ông Rudd đồng ý từ chức Thủ tướng và bà Gillard lên thay thế. Quyền lực được chuyển giao một cách yên ả. Không có máu đổ, đã đành. Cũng không có những chiến dịch bôi nhọ nhau. Guồng máy chính phủ vẫn chạy như bình thường. Dân chúng Úc, nếu không theo dõi truyền thông thường xuyên, có lẽ không thể nhận ra bất cứ sự thay đổi nào cả.

Sau ngày bầu cử, trong suốt ba tuần, trong thế bất phân thắng bại giữa Lao Động và Liên Đảng, nước Úc hầu như không có chính phủ. Chính phủ Lao Động do bà Gillard lãnh đạo chỉ đóng vai trò chuyển tiếp tạm thời (caretaker), không có quyền đưa ra một chính sách nào mới hay bất cứ một quyết định gì quan trọng. Vậy mà guồng máy vẫn chạy đều. Dân chúng không gặp bất cứ một rắc rối nào. Công chức các cấp vẫn ngày ngày đến sở. Mọi nhu cầu căn bản của dân chúng liên hệ đến công quyền đều được đáp ứng. Kinh tế vẫn hoạt động tốt.

Qua những sự việc vừa kể, người ta thấy rõ một điều: sự thay đổi lãnh đạo hay thậm chí thay đổi chính phủ không gây bất cứ một biến động trầm trọng nào trong xã hội Úc.

Điều đó chứng tỏ điều gì?

Nó chứng tỏ tầm quan trọng của cơ chế. Một quốc gia đã xây dựng được một cơ chế dân chủ và hiệu quả có thể đứng vững bất kể những thay đổi về quyền lực trong hệ thống công quyền.

Bởi vậy, những lo sợ về những rối loạn xã hội tiếp theo các thay đổi về chính trị mà giới cầm quyền Việt Nam thường sử dụng để hù doạ dân chúng đều không có thật. Mà nếu thật thì đó cũng là lỗi của nhà cầm quyền: trong suốt cả hơn nửa thế kỷ, họ không xây dựng được một cơ chế hiệu quả và vững mạnh đủ đề guồng máy nhà nước vẫn chạy đều trước mọi biến động, kể cả biến động về quyền lực.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: