Thursday, September 30, 2010

SứC MạNH QUÂN Sự GIA TĂNG CủA TRUNG QUốC VÀ TƯƠNG LAI CủA ĐÔNG Á

Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
26.09.2010

Khi sức mạnh kinh tế của chúng ta suy giảm, cách thức của Hoa Kỳ đối phó với sự trổi lên của vị thế Trung Quốc có thể định đoạt tương lai hòa bình hay chiến tranh của Đông Á.
Hiện nay Trung Quốc đã trở thành một sức mạnh kinh tế toàn cầu, họ cũng bắt đầu tung ảnh hưởng của họ trong khắp Á Châu như là một sức mạnh quân sự. Điều này làm cho các quốc gia láng giềng của Trung Quốc - và Hoa Kỳ lo âu. Và với lý do chính đáng.
Trung Quốc và các quốc gia láng giềng bất đồng về chủ quyền trên hàng trăm hòn đảo trong vùng biển Đông Á - và, quan trọng hơn hết, khu vực ngoài khơi bao la chung quanh những hòn đảo này mà người ta có thể tìm thấy dầu, khí đốt hay khoáng sản.

Ở Nam Hải (Biển Đông), phần của vùng biển mà nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền, một tàu lặn được chế tạo tại Trung Quốc đã tạo nên một kỷ lục lặn hơn năm cây số vào mùa hè vừa qua để khảo sát và cắm một lá cờ Trung Quốc ở đáy biển. Trung Quốc đang xây một căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam, và tàu tuần tra Trung Quốc đã chặn bắt các tàu đánh cá Việt Nam, giam giữ thủy thủ đoàn của họ vì đánh cá trong vùng biển tranh chấp.

Trong vùng Đông Hải, Trung Quốc và Nhật Bản giằng co với nhau về quần đảo Senkaku không người ở do Nhật Bản chiếm đóng (Trung Quốc gọi là các đảo Diaoyu) và về những hải hành giữa hai quốc gia qua eo biển Miyako.

Và ở phía bắc Hoàng Hải, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối cuộc thao diễn hải quân giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn đã được dự định trước, điều này làm Hoa Kỳ hoãn thao diễn trong khi họ nhấn mạnh rằng nó sẽ xảy ra vào một ngày gần đó.

Toàn bộ tình hình đã làm Washington báo động. Đô đốc Robert F. Willard, chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã tuyên bố trước Quốc hội vào đầu năm nay rằng "khả năng quân sự [của Trung Quốc] đã được phát triển toàn diện không giới hạn", và ông thêm rằng một số hành động "dường như có mục đích thách thức quyền tự do hành động của chúng ta trong khu vực."

Người Trung Quốc nói rằng họ hành động như vậy để giành lại chủ quyền trên các hòn đảo và vùng biển mà họ cho là đã từng thuộc về họ, bị đánh cắp bởi các thế lực ngoại quốc khi đất nước họ yếu đuối. (Các quốc gia láng giềng của họ chối bỏ những lời tuyên bố này.) Trung Quốc muốn Hoa Kỳ, một cường quốc xa xôi đã kiểm soát cân bằng quyền lực ở Á Châu từ Thế Chiến Thứ II hãy chấm dứt can thiệp.

Trong một chuyến đi 10 ngày vừa hoàn tất ở Trung Quốc và Thái Bình Dương, tôi nghe các quan chức và học giả Trung Quốc tố cáo sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Á Châu với ngôn ngữ dường như được đầu thai lại từ Chiến Tranh Lạnh.
Tôi nghe những điều như thế này từ ông Liu Guijin, một cố vấn cho Bộ Ngoại Thương của Trung Quốc: "Chúng tôi thấy chính quyền Obama đang tạo nên mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia khác chống lại Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng nó sẽ gây bất ổn."
Hoặc lời phàn nàn như thế này từ ông Fan Gang, nhà kinh tế Bắc Kinh hàng đầu và một cựu quan chức chính phủ: "Đột nhiên, Hoa Kỳ hành xử có tính cách gây hấn với Trung Quốc."
Rồi thì, nằm giữa những gì mà ngày càng có vẻ nghe như là tiếng dọa dẫm đánh nhau như trong thời Chiến Tranh Lạnh - hoặc, tệ hơn thế, như là cuộc tranh hùng quân sự vào cuối thế kỷ thứ 19 – các quốc gia nhỏ ở Đông Á đang cố gắng tìm hiểu điều đó có nghĩa gì cho tương lai của họ.

Một số quốc gia, như Việt Nam và Tân Gia Ba, đã yêu cầu Hoa Kỳ giữ một lực lượng quân sự quan trọng ở Á Châu để cho cân đối với lực lượng của Trung Quốc. Thủ tướng Tân Gia Ba Lý Hiển Long tuyên bố với tờ Wall Street Journal tuần trước rằng "Hoa Kỳ đóng một vai trò ở Á Châu mà Trung Quốc không thể thay thế."
Ngày thứ sáu 17/9/2010, Tổng thống Obama đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Liên Hợp Quốc, và các phụ tá của ông nói rằng ông sẽ tái khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ chống lại việc sử dụng sức mạnh trong vùng biển Đông.

Một số các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sự hung hăng gần đây của Bắc Kinh trong khu vực là bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc, với xu hướng hiếu chiến, đã giành được ảnh hưởng mới đây trên chính sách đối ngoại. Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với tôi một cách thẳng thừng "Quân đội có lợi ích riêng tư của họ. Căng thẳng càng cao thì ngân sách nhận được càng lớn."

Hiện nay, Trung Quốc có vẻ chỉ đơn thuần thử nghiệm các quốc gia láng giềng - và Hoa Kỳ - để xem có thể làm được những trò gì trong lúc chính quyền Obama đang bận bịu ở A Phú Hãn. Nhưng làm như thế có thể trở thành một chính sách ngoại giao phản tác dụng. Vì tính tình hung dữ của Trung Quốc, quan hệ của Hoa Kỳ với Nhật Bản, Nam Hàn và Việt Nam đã hầu như chưa bao giờ được tốt hơn thế.

Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang làm dịu lập trường của mình, ít nhất là trong thời điểm này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố tình nói với các phóng viên trước cuộc họp của ông với Obama vào Thứ Tư: "Lợi ích chung của chúng ta vượt xa các khác biệt giữa hai bên." Và Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về bắt đầu lại liên lạc quân sự song phương với Hoa Kỳ, bị đình hoãn sau khi Hoa Kỳ công bố bán vũ khí trị giá 6.4 tỷ đô la cho Đài Loan vào tháng Giêng.

Tuy thế, về lâu về dài, sự ngáo ngổ mới đây của Trung Quốc có thể tiếp diễn. Những nguyên nhân cơ bản của họ vẫn còn đó - như kinh tế năng lượng đang phát triển, nhu cầu cần kíp đối với tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản, một lịch sử đầy căm hận đế quốc ngoại bang, và một liều thuốc chủ nghĩa ái quốc thông thường theo lối cũ.

Khi người Trung Quốc nhìn vào chúng ta (như họ đang làm) và nhìn thấy một sức mạnh kinh tế suy giảm với một chính phủ trên đường vỡ nợ, họ tự hỏi trong bao lâu chúng ta sẽ trang trải nổi cho một hải đội lớn và tốn kém để tuần tiễu ngoài khơi bờ biển của họ.
Lần cuối cùng mà một sức mạnh kinh tế mới nổi lên ở Á Châu và có ảnh hưởng quân sự của một cường quốc là vào thế kỷ thứ 19 và sức mạnh mới đó là Nhật Bản. Câu chuyện đó trở thành một câu chuyện xấu xa - cho Nhật Bản, Trung Quốc và tất cả mọi người khác.

Sự quản lý ảnh hưởng của Trung Quốc đang trồi lên đến cương vị cường quốc - và cùng với nó, sự mất mát của hầu như độc quyền về sức mạnh quân sự của riêng chúng ta trong Thái Bình Dương - là một trong những thách thức lớn cho vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong thời gian này. Hậu quả ra sao của quá trình này có thể quyết định liệu xem thế kỷ thứ 21 của Đông Á sẽ được đánh dấu bằng hòa bình hay chiến tranh.
.
.
.

No comments: