Sunday, September 26, 2010

CHUYỆN ÔNG SAM RAINSY (Lê Phan)

Lê Phan
Saturday, September 25, 2010
Hôm Thứ Năm vừa qua, một tòa án ở Phnom Penh đã tuyên án vắng mặt ông Sam Rainsy 10 năm tù về tội phổ biến tin tức thất thiệt là chính quyền Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam.
Ðiều ông Rainsy tố cáo là trong cuộc phân định biên giới, Cambodia đã mất đi một số lãnh thổ. Ông có bằng cớ là nhiều làng dân chúng bị đuổi ra khỏi làng trả đất cho Việt Nam và ông đứng lên bênh vực họ. Những người ủng hộ ông và các quan sát viên độc lập thì bảo đây chỉ là cái cớ để cho ông không được tham dự cuộc bầu cử vào năm 2013.

Lần cuối cùng tôi phỏng vấn ông Sam Rainsy, lãnh tụ đối lập của Cambodia, là vào tháng 7 năm 1998 khi Cambodia có một cuộc bầu cử cuối cùng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và năm năm sau khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu một sứ vụ bảo vệ hòa bình lớn nhất ở Ðông Á.
Năm đó, hàng trăm nhà báo ngoại quốc đổ về thủ đô Phnom Penh vì cuộc bầu cử xảy ra chỉ một năm sau điều mà người ta vẫn gọi là cuộc đảo chánh Hun Sen. Tháng 7 năm trước, ông Hun Sen đã tổ chức một cuộc đảo chánh đẫm máu tàn bạo lật đổ Ðồng Thủ Tướng Norodom Ranariddh. Hai ngày chiến đấu đã làm cho 58 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, và phe bảo hoàng do Hoàng Tử Ranariddh cầm đầu đã tiêu tan hết lực lượng. Trong những ngày sau đó, đàn em của ông Hun Sen truy lùng những ủng hộ viên của đảng Bảo Hoàng Funcinpec. Cuộc đàn áp, nếu tin lời của những người Khmer, cũng tàn bạo không kém gì cuộc đàn áp của Khmer Ðỏ. Một nhân vật trong đảng Funcinpec bảo với tôi là chính ông đã tìm thấy thi thể của bốn cận vệ của ông Nhiek Bun Chhay, tư lệnh quân sự của Funcinpec, người nào cũng bị móc mắt. Tình hình tệ quá đến nỗi Ân Xá Quốc Tế gửi điện văn khẩn khoản yêu cầu các tòa đại sứ Tây phương ở Phnom Penh hãy cho phép thành viên của đảng Funcinpec tá túc. Khi đại diện của Cao Ủy Nhân Quyền phản đối, ông Hun Sen đòi trục xuất những nhân viên này của Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xin lỗi.

Tưởng cũng xin nhắc lại là sau khi lực lượng Liên Hiệp Quốc đến, ông Hun Sen, một cựu thành viên Khmer Ðỏ đã bỏ chạy sang Việt Nam khi sắp bị Pol Pot thanh trừng, đã thất bại trong cuộc bầu cử duy nhất thực sự tự do tại Cambodia, cuộc bầu cử năm 1973 dưới sự cai trị của Liên Hiệp Quốc. Ðể khỏi mất vị thế, ông Hun Sen đã đồng ý làm đồng thủ tướng. Năm 1997, khi Liên Hiệp Quốc chuẩn bị rút lui, ông Hun Sen lợi dụng thời cơ dẹp đảng Bảo Hoàng, thế lực duy nhất có khả năng chống lại ông.

Sở dĩ phải xin nhắc lại những điều mà ít người nhớ đến là vì chính trong hoàn cảnh đó ông Sam Rainsy xuất hiện. Với đảng đối lập mạnh nhất, đảng Funcinpec tiêu tan, lãnh tụ đảng, Hoàng Tử Ranariddh đang lưu vong ở Thái Lan, ông Sam Rainsy đứng lên lập đảng Sam Rainsy và một mình chống cự lại với chính quyền Hun Sen. Ông dùng luận điệu bài Việt Nam, một luận điệu có tính mỵ dân nhưng được dân chúng tán thưởng. Trong một cuộc họp báo, ông lên án sự giúp đỡ của Việt Nam cho chính quyền Hun Sen.

Sau đó, ông cho tôi được phỏng vấn với tư cách là một phóng viên của Ban Việt Ngữ đài BBC. Khác với người đã vừa tuyên bố những lời nảy lửa trước một đám đông khiêu khích hận thù giữa hai dân tộc láng giềng, ông là một người dáng dấp thư sinh, nói tiếng Anh rất giỏi, lịch lãm, bặt thiệp. Câu đầu tiên tôi hỏi ông là thái độ bài Việt Nam của ông phải chăng là một thái độ mỵ dân không đúng chỗ vì dầu sao ông cũng phải sống cạnh Việt Nam. Ông cười nhắc lại với tôi câu nói của cựu Thủ Tướng Canada Pierre Trudeau về vị thế của Canada đối với Hoa Kỳ, “Nằm ngủ cạnh con voi, nó cựa mình là đủ mệt rồi”. Ông thẳng thắn công nhận lập trường bài Việt của mình là mỵ dân nhưng bảo ông cần phải lôi cuốn dân chúng để có thể thắng được ông Hun Sen. Khi chào chia tay, ông nói “Nếu Hun Sen thắng lần này thì Cambodia sẽ không có dân chủ ngày nào còn ông Hun Sen.”

Năm 1998, khi cuộc bầu cử xảy ra, Liên Hiệp Quốc đã rút nhiều nhân sự nhưng vẫn còn đủ để đóng vai quan sát viên thực sự cho cuộc bầu cử. Và tham gia quan sát là đông đảo các đại diện của Liên Hiệp Âu Châu, của một phái đoàn dân biểu Úc, và của rất nhiều tổ chức dân sự Thái Lan và Philippines. Cũng xin nhắc lại đây là giai đoạn “hoàng kim” của nền dân chủ Thái. Và dân chúng Cambodia đã tin tưởng là nhờ vậy sẽ có được một cuộc bầu cử tự do. Từ tờ mờ sáng, họ đã tụ tập ở các phòng đầu phiếu, kể cả phòng phiếu ở nhà tù Tung Sleng cũ.

Nhưng ngay ở Phnom Penh, đại diện của Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nói là có nhiều bằng cớ cưỡng bách đe dọa và gian lận. Mà quả thật vậy. Tôi đi theo một phái đoàn quan sát của Quốc Hội Úc. Ông dân biểu Úc rất tận tâm, ông ngồi chờ suốt ngày cho đến khi phòng phiếu đóng cửa. Nhưng khi tôi xin phép đi ra khỏi khu có tai mắt quốc tế, đến một phòng phiếu ở một xóm nghèo không có đại diện quốc tế, một sinh viên, thấy tôi đeo thẻ nhà báo, chạy tới núm áo tôi và nói bằng tiếng Anh bặp bẹ “Help, they are cheating”. Anh giắt tôi đi ra ngả sau và quả nhiên, chúng tôi chứng kiến cảnh người của đảng Nhân Dân Cambodia của ông Hun Sen đang tráo thùng phiếu. Tôi quay lén một đoan video, về gặp đại diện của EU và Ủy Ban Nhân Quyền, đưa cho họ xem. Họ lắc đầu nhưng không bình luận gì cả.

Cuộc kiểm phiếu kết thúc, ủy ban bầu cử tuyên bố ông Hun Sen đắc cử. Anh tài xế người Khmer lái xe cho tôi khóc ròng. Ðại diện của các quan sát viên quốc tế nhóm họp để đưa ra tuyên bố về cuộc bầu cử. Bên ngoài, đám phóng viên ngồi chờ. Ðến quá nửa đêm, phòng họp mở cửa, các phóng viên được mời vào. Ðại diện của Liên Hiệp Quốc, thay mặt cho toàn thể các chính phủ và tổ chức quốc tế, tuyên bố cuộc bầu cử là “công bằng và tự do”. Toàn thể đám phóng viên ồ lên phản đối. Anh bạn to con của AFP từ Hà Nội bay sang la lớn “Quí vị dựa trên bằng cớ nào mà công bố như vậy?” Ðại diện của Liên Hiệp Âu Châu đỡ lời “Chúng tôi dựa trên bằng cớ của các quan sát viên của chúng tôi.” Anh bạn của Far Eastern Economic Review từ Bangkok sang tức tối “Bộ các ông mù sao?” Sau vài câu hỏi nữa, buổi họp báo kết thúc.

Một số nhà báo chúng tôi tìm đến trụ sở của đảng Sam Rainsy. Tin đã tới sớm hơn chúng tôi. Các ủng hộ viên ngồi ủ rũ. Cờ quạt, biểu ngữ ngổn ngang. Chúng tôi bước vào văn phòng của ông Rainsy không thấy ai ngăn cản. Bên trong, ông đang ngồi bình tĩnh nói chuyện với một nhóm đảng viên. Khi thấy chúng tôi bước vào, ông lắc đầu “Thế giới đã bỏ rơi dân tộc Cambodia một lần nữa. Nhưng tôi sẽ không bỏ rơi dân tộc tôi.”

Hơn một thập niên sau ông cũng vẫn còn giữ lời hứa. Tôi có thể không bằng lòng với lập trường bài Việt của ông, những tôi mừng cho dân tộc Khmer vẫn còn một lãnh tụ như ông. Họ còn may mắn hơn dân tộc Việt.
.
.
.

No comments: