Wednesday, September 29, 2010

TƯƠNG LAI TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HẬU TÂN TIẾN (Kỳ 3 & 4)

Nguyễn Hoài Vân
Tuesday, September 7, 2010

(Tiếp theo) - Kỳ 3

II) Tôn Giáo : nền tảng luân lý của một xã hội

Theo một lý thuyết xã hội học danh tiếng (Emile Durkheim: “Formes élémentaires de la vie religieuse”) thì mô hình tổ chức xã hội là một trong những nển tảng đưa đến sự hình thành của các tôn giáo. Để tồn tại và phát triển từ giai đoạn sơ khai, các xã hội con người phải đặt vấn đề tổ chức, với những quy luật và hệ thống giá trị. Các quy định « tốt, xấu » này, theo Durkheim, chỉ vững vàng khi mang ý nghĩa linh thiêng, tôn giáo. Tức là tôn giáo, hay một biến thái của tôn giáo, bắt buộc phải hiện hữu trong bất cứ xã hội nào.

Mặt khác, người ta cũng đặt vấn đề vai trò của những giá trị đề ra bởi một tôn giáo trên sự chuyển hóa của xã hội. Một thí dụ gần chúng ta là ảnh hưởng của Đạo Tin Lành trong cuộc “cách mạng kỹ nghệ” ở Âu và Mỹ Châu được nghiên cứu bởi Max Weber (L'Ethique Protestante et l'esprit du capitalisme). Các giá trị Tin Lành được Weber coi như phần nào đưa đến hình thái hiện tại của Tư Bản Chủ Nghĩa. Đạo Tin Lành quan niệm công việc làm chính là bổn phận của mỗi con người đối với Thiên Chúa và là tôn vinh Thiên Chúa. Để được cứu rỗi, con người phải « chăm chỉ làm công việc mà Đấng Tạo Hóa đã giao cho mình, suốt trong thời gian của một ngày » như lời Phúc Âm (Gioan 9 :4). Bên cạnh đó, hệ thống giá trị của Đạo Tin Lành lại hoàn toàn coi rẻ sự hưởng thụ các của cải vật chất. Tức là anh cật lực làm việc, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng lại không có khuynh hướng đem tiền của ấy ra tiêu sài hưởng thụ. Kết quả là tiền bạc anh làm ra sẽ kết tụ, chồng chất, trở thành... vốn tư bản, cho phép đầu tư vào các xí nghiệp ngày một to lớn hơn! Cách mạng kỹ nghệ được nâng đỡ bởi tinh thần ấy, đưa đến xã hội Tư Bản hiện đại.

Nếu nhìn sang các nước Đông Á, thì người ta có thể nhận thấy những quốc gia phát triển sớm và nhanh nhất là những quốc gia có truyền thống Khổng Giáo, đồng thời chịu ảnh hưởng của các nước Tây phương theo đạo Tin Lành. Ảnh hưởng Tin Lành có thể đến từ những trao đổi đa dạng, thông qua hay không thông qua chế độ thuộc địa. Thí dụ An Nam ta có truyền thống Khổng Giáo nhưng lại « lỡ » làm thuộc địa của một nước Công Giáo, nên sự phát triển có « hơi » chậm hơn Singapore, Đài Loan, Nhật, là những nước cũng có truyền thống Khổng Giáo nhưng có nhiều quan hệ với các nước Tây Phương theo đạo Tin Lành. Ngược lại, Phi Luật Tân, vừa không có truyền thống Khổng Giáo, vừa theo Công Giáo, Mã Lai, Indonesia, là thuộc địa Anh, Hòa Lan, nhưng lại theo Hồi Giáo, Lào, Cao Miên, vừa Phật Giáo, vừa là cựu thuộc địa của Pháp (Công Giáo), đều phải chịu trì trệ trong sự phát triển. Thái Lan có khá hơn một chút, nhưng đó là nhờ sự hiện diện của cộng đồng người Hoa. Sự phát triển vượt bực của Trung Quốc hiện nay cũng có thể được phân tích qua lăng kính « hệ thống giá trị ». Ngay khi truyền thống Khổng Giáo của Trung Quốc được phục hồi sau giai đoạn đen tối của cách mạng văn hóa, và ngay khi nước này nối kết những quan hệ với Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ (Tin Lành), thì kinh tế liền « nhảy vọt ». Thật vậy, lý thuyết « con mèo trắng, con mèo đen » của Đặng Tiểu Bình, cùng với khẩu hiệu « hãy làm giàu !» rất gần gũi với lý tưởng của người Tin Lành được nghiên cứu bởi Max Weber (Weber quan niệm bốn loại tác động xã hội, trong đó có « tác động theo chủ đích », tức là chỉ cần đạt được mục đích, không cần biết « mèo trắng, mèo đen » - con người Tư Bản, xuất phát từ đạo Tin Lành được thế tục hóa, hành động theo đường lối này).

Để cho chính xác, cần nói là Đạo Tin Lành chỉ ảnh hưởng trên sự hình thành của Tư Bản Chủ Nghĩa ở dạng kỹ nghệ hóa quy mô gần đây. Trước đó, có người cho là mô hình Tư Bản đã bắt đầu với các tu viện Công Giáo Âu Châu thời Trung Cổ, hay với các xí nghiệp dệt vùng Flandres, hay tại Ý trong thế kỷ 15, với sự phát triển của các đô thị giàu mạnh như Venise, Florence, Milan, tất cả đều theo Công Giáo.
Một động cơ tôn giáo khác của sự nảy sinh ra Tư Bản Chủ Nghĩa, chính là thủy tổ của Thiên Chúa Giáo, tức Đạo Do Thái:
Trong khi Công Giáo và Hồi Giáo thời xưa cấm cho vay lấy lời, thì Đạo Do Thái lại cho phép điều này. Thêm vào đó, người Do Thái bị cấm sở hữu ruộng đất và làm một số nghề tự do nên họ buộc phải sinh sống bằng một số ngành nghề hạn chế, như... cho vay lấy lãi! Sự tích lũy tư bản ở mức độ quy mô bắt đầu với sinh hoạt này. Đến khi các nước Âu Châu (và Ả Rập) đều đặn thay phiên nhau chìm trong khói lửa chiến tranh, rồi trong cách mạng, thì các vua chúa quý tộc có nhiều nhu cầu cất giữ tiền để phòng thân, hay đi vay tiền để trang trải cho các cuộc chinh chiến. Khi ấy, họ đều phải nhờ đến hệ thống ngân hàng Do Thái. Hệ thống này trải rộng khắp Âu Châu, hễ nơi này loạn lạc thì có nơi khác yểm trợ, nên an toàn và hiệu quả hơn bất cứ cơ quan tài chính nào khác. Hoàng Đế Charles Quint từng thừa nhận ông đã trở thành Hoàng Đế nhờ mua chuộc các ông Hoàng của Thánh Đế Quốc, bằng tiền vay của… ngân hàng Do Thái!

Tôn giáo cũng có thể có khả năng kềm hãm một mô hình tổ chức xã hội. Max Weber từng tìm cách cắt nghĩa các hình thái tổ chức kinh tế của một số xã hội cổ xưa dưới ảnh hưởng của Khổng Giáo, Ấn Giáo, hay Phật Giáo. Tác động của các giá trị Công Giáo trên Tư Bản Chủ Nghĩa cũng được quan tâm. Khi Giáo Phụ Jean Chrisostome (thế kỷ 4) tuyên bố: « Không có phương cách làm giàu nào mà không bất công », thì người ta thấy ngay là Tư Bản Chủ Nghĩa có chút khó khăn với các giá trị Công Giáo. Rồi khi Giáo phụ Basile cho là những người giàu có đã chiếm đoạt những điều trong bản chất phải thuộc về mọi người, thì chúng ta có thể hình dung một Karl Marx vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt! Thật ra, những quan điểm tương tự đã được ghi nhận từ thời Đức Ky Tô (« người giàu vào nước Trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim », và « hãy từ bỏ hết của cải và theo ta »), cho đến Thánh Augustin (coi rẻ cuộc sống trần thế, đặt mọi quan tâm vào sự sống « đời sau »), và Pascal (thế kỷ 17). Chúng được xây dựng trên niềm tin vào sự sụp đổ trong ngắn hạn của cái thế giới trong đó người ta đang sống. Sau khi Đức Ky Tô lên trời, người ta tin là tận thế sẽ đến chỉ trong vài năm. Rồi dần dần người ta buộc phải kéo dài thời hạn ấy ra đến một tương lai mỗi lúc mỗi xa hơn, nhưng, trong bản chất, vẫn coi đời sống trần thế như tạm bợ. Thánh Thomas d’Aquin là một trong những nhà thần học đã đảo ngược lại quan điểm này. Ông biện minh cho quyền tư hữu và sinh hoạt thương mại trong một số điều kiện và giới hạn. Giáo Hội Công Giáo hiện theo con đường này.

Thật vậy, từ sứ điệp Rerum Novarum (Giáo Hoàng Leo XIII - 1891) cho đến Centesimus Annus (Gioan Phao Lồ II - 1991) Giáo Hội Công Giáo lập lại sự gắn bó của mình với quyền tư hữu, chống lại Xã Hội Chủ Nghĩa cực đoan, và mâu thuẫn với những Giáo Phụ thời xa xưa (kể cả Đức Ky Tô ?), nhưng đồng thời đề ra một "lý thuyết xã hội" nhằm giảm bớt bất công, bóc lột. Centesimus Annus còn thêm những quan tâm về giáo dục, về bảo vệ môi trường thiên nhiên, chủ trương phát triển con người toàn diện, chống lại sự toàn trị của Tư Bản Chủ Nghĩa. Tựu trung, Giáo Hội Công Giáo hiện tại tìm cách nêu lên một số giá trị, phần nhiều không thực sự là những giá trị đặc thù của Công Giáo (thí dụ Đức Leo XIII viện dẫn các giá trị gia đình, quốc gia...), để đứng trên một lập trường "trung phái", giữa các quan điểm Xã Hội chủ nghĩa và Thị Trường Tự Do, giữa Lao Động và Tư Bản, giữa Tự Do và Bình Đẳng.

Bên cạnh lập trường chính thức của Giáo Hội, nặng tính thực tế, nhiều nhà tư tưởng Công Giáo quay về với những giá trị được cảm nhận từ sự giảng dạy của "con người vô sản" Giê Su (le « sans culotte » Jésus - chữ của Camille Desmoulins), để đề ra một "thần học" rất gần với Xã Hội Chủ Nghĩa. Dòng tư tưởng này không những đã hiện diện trong các cộng đồng Ky Tô Giáo nguyên thủy, mà còn được thấy suốt trong lịch sử Ky Tô Giáo (bao gồm đạo Tin Lành), như với Joachim de Flore vào thế kỷ 12, với Jan Hus vào thế kỷ 15, Thomas Munzer vào thế kỷ 16 (được Enghels gọi là nhà Tiên Tri Cách Mạng - le prophète révolutionnaire), và ngày nay, với các nhà "thần học giải phóng" (Tổng giám mục Helder Camara, Oscar Romero, nhà thần học Leonardo Bof v.v...). Ảnh hưởng của trào lưu này chỉ có thể trở thành quan trọng trong một bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng và lâu dài, đủ để đảo ngược niềm tin của người nghèo vào Thị Trường Tự Do như phương tiện cải tiến đời sống cơ cực của họ. Một điều không mấy gì ảo tưởng cho lắm...

Thật ra, nếu nhìn sâu vào bản chất của Xã Hội Chủ Nghĩa "khoa học" hay Cộng Sản chủ nghĩa, thì người ta không khỏi nhận thấy các mô hình ấy cũng rập khuôn theo một hệ thống giá trị có tính cách tôn giáo. Như đã nói ở trên, ý tưởng Cách Mạng đến từ quan niệm thời gian tiến theo đường thẳng của người du mục, cộng với niềm tin vào một lời hứa của Thiên Chúa, sẽ cho những người tin theo Ngài một tương lai huy hoàng, một Đất Hứa, được hiểu như một xã hội hoàn hảo. Lịch sử trở thành một con đường dẫn đến xã hội lý tưởng ấy, tức một thực tại hoàn toàn khác biệt với cái thực tại mà người ta đang sống. Đó là định nghĩa của Cách Mạng. Các xã hội đã từng thí nghiệm con đường được tin là đưa đến một xã hội Cộng Sản "văn minh", trong bản chất, chính là đi tìm một Đất Hứa. Họ trông cậy vào một tiến trình được coi là tất yếu, như trông cậy vào lời hứa của Thiên Chúa, cho dù Thiên Chúa trong hệ thống này đã bị biến dạng thành một chủ thuyết toàn năng, "bách chiến bách thắng", kết tinh của mọi chân lý. Thuyết Duy Vật giáo điều hay "hạ cấp" (matérialisme vulgaire), từng bị Marx chỉ trích, trong thực chất đã hoán chuyển vị trí của một Thiên Chúa "duy tâm" với cái gọi là « Vật Chất », biểu trưng bằng một tập hợp quy luật được nâng lên vị trí thần thánh, vạn năng.

Nói chung, trong mọi xã hội rập khuôn theo mô hình Tây Phương, dù cho tôn giáo có bị đặt ra ngoài những cấu trúc chính thức, dù cho người ta có tuyên dương tính cách thế tục của mọi cơ chế và giá trị điều hành xã hội, thì một hình bóng tôn giáo nào đó vẫn ẩn tàng sau những giá trị gọi là thế tục ấy. Như đã nói ở trên, các tư tưởng Tân Tiến hay Nhân Quyền... đều có nguồn gốc tôn giáo. Chúng ta có thể đề ra hai thí dụ :

- Khi một nền cộng hòa chọn đề cao tôn chỉ « Tình Huynh Đệ » để dung hòa hai tôn chỉ khác hoàn toàn chống chọi nhau là « Tự Do » và « Bình Đẳng » thì người ta không khỏi nhận thấy dấu ấn của Ky Tô Giáo trên sự chọn lựa ấy. Thật vậy, trong một xã hội đa dạng, quy tụ nhiều sắc dân, nhiều giai cấp, nhiều vùng miền lắm lúc mâu thuẫn, đối nghịch nhau, thì tôn chỉ « Tình Huynh Đệ » vô cùng cần thiết, và, trong các xã hội ấy, không gì biện minh cho nó một cách gọn gàng hơn sự giảng dạy của Ky Tô Giáo.

- Trong một sinh hoạt có thể nói là hoàn toàn thế tục, như tiền tệ, người ta cũng lôi Thiên Chúa ra làm « chứng nhân ». Khi in trên tờ giấy bạc “in God we trust”, người ta tìm cách thay thế niềm tin chủ quan vào Thiên Chúa bằng một sự tín nhiệm có tính toán vào đồng tiền và thị trường trong đó đồng tiền vận hành, dưới sự « bảo đảm » của Thiên Chúa. Người ta không « TIN » vào Thiên Chúa theo nghĩa chữ « believe », mà người ta tín nhiệm một cách có tính toán vào Thiên Chúa, theo nghĩa chữ « trust ». Cần hiểu là thị trường đặt nền tảng trên tính toán nên cần sự tín nhiệm có tính toán, chứ không cần một Niềm Tin trừu tượng. Sự tín nhiệm có tính toán tự gán cho mình một nhãn hiệu khoa học, nên mang tham vọng phổ quát và khả năng đồng loạt hóa. Thí dụ như cần làm cho thật nhiều người tiêu thụ nhất loạt tín nhiệm và trung thành với một nhãn hiệu hàng hóa… Nhìn từ một góc độ khác, có thể nói: Thần Đô La đã thay thế Thiên Chúa! Cấu trúc tư bản chỉ đứng vững nếu người ta đặt mọi sự tín nhiệm vào vị Chúa mới ấy. Chỉ cần xét qua nguyên do của cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu vào tháng 9 năm 2009, thì sẽ thấy ngay là: trước những món nợ dây chuyền, ngày nào mọi người còn Tín Nhiệm, thì hệ thống tài chính vẫn vững mạnh, vẫn có thể tự cho phép mình cho vay những món tiền mà mình không có, đồng thời đi vay tiền của những kẻ không có tiền! Cho đến khi sự tín nhiệm tan biến. Khi ấy, hệ thống sụp đổ.

Công bằng mà nói, ý tưởng cho rằng một hình thái tôn giáo nào đó luôn hiện diện trong hệ thống giá trị của mọi xã hội, kể cả trong những trường hợp tôn giáo có vẻ như bị đặt ra ngoài sự vận hành của các xã hội ấy, đã từng bị loại bỏ bởi Auguste Comte, người được coi như đã sáng lập ra môn Xã Hội Học. Comte cho rằng tôn giáo chỉ thể hiện một trạng thái ấu trĩ của xã hội, trước khi nhường chỗ cho giai đoạn siêu hình, rồi đến giai đoạn khoa học. Với những tiến triển của khoa học gần đây, tìm ra được những quy luật và cấu trúc giải thích được cho những hiện tượng tâm lý, xã hội và cả... tôn giáo, thì không chừng quan điểm của Auguste Comte có thể không xa lắm đối với sự thật?

Theo thiển ý, có thể nói là đến một trình độ nhận thức nào đó, thì một xã hội cần có tôn giáo để biện minh cho các giá trị mà xã hội ấy cần đề cao. Sự chọn lựa các giá trị cần được đề cao đến từ nhu cầu thích nghi với một thực tại nhất định, để cho một xã hội có thể tiếp tục tồn tại. Có những giá trị phổ quát thuộc về luân lý thông thường. Nguồn gốc của các giá trị luân lý ấy là nhu cầu nâng cao sự hợp tác, tương trợ, giao dịch tốt đẹp giữa các thành viên của một cộng đồng. Cộng đồng người nguyên thủy nào thiếu « thảo trình hợp tác » này trong cấu trúc tâm lý thì sẽ tàn lụi và biến mất một cách nhanh chóng. Các thành viên của cộng đồng ấy cư xử ích kỷ, lừa đảo, dối trá, khinh bạc, lạnh lẽo, thậm chí ác độc đối với nhau, chưa kể đối với người ngoài, và phủ lên môi trường sống của họ một không khí đối kháng, bạo lực, chia rẽ, đưa đến tàn phá, hủy diệt. Ngược lại, các cộng đồng hiện hữu và phát triển được trong dòng thời gian chính là những cộng đồng với nhiều thành viên mang « thảo trình hợp tác ». Họ truyền cho hậu duệ của họ, là chúng ta, thảo trình ấy. Vì thế đa số chúng ta đều có ý thức về cái tốt, về sự thiện, trong cấu trúc tâm lý của mình. Ý thức ấy thường được kết tụ trong tôn giáo. Và tôn giáo trở thành biện minh cho những giá trị của xã hội, với lợi điểm to lớn là được gắn liền với một thế lực Tối Cao, Toàn Năng, không thể bàn cãi, bắt buộc phải tuân phục. Khi xã hội có nhu cầu chuyển hóa, thì ngoài các giá trị phổ quát thuộc về luân lý ấy, còn cần thêm một số giá trị đặc thù khác. Đó là lúc tôn giáo này hay tôn giáo khác nhập cuộc để đem những giáo điều của mình giúp cho sự phát triển của một hình thái đặc biệt nào đó của xã hội, như trường hợp Đạo Tin Lành với xã hội Tư Bản hiện đại. Nói cách khác, tôi không nghĩ tôn giáo có khả năng tạo nên một mô hình xã hội. Nhưng vì áp lực của thực tại, một xã hội có thể biến thái từ mô hình này sang một mô hình khác, với sự trợ giúp của một tôn giáo. Điều này có giá trị cho đến một tương lai nào đó, khi con người quan niệm được một nền tảng phi tôn giáo cho luân lý, và cho những giá trị khác cần được đề cao. Triết học của thế kỷ 20 đã có nhều cố gắng trong lãnh vực này, với một số thành quả đáng kể. Vấn đề là những tư tưởng ấy có hy vọng gì được phổ biến rộng rãi trong quần chúng hay không?

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoài Vân
Friday, September 10, 2010

Kỳ 4 (Tiếp theo và hết)

III) Tôn Giáo nhìn như một món hàng

Trong các siêu thị, đền thờ của Thần Tiêu Thụ, bên cạnh những bó rau, tảng thịt, khứa cá, ống kem đánh răng, những quần lót, hay lon bia đủ loại, người ta có thể nhìn thấy đó đây những sách, báo, đĩa, phim, về Đạt Lai Lạt Ma, Gioan Phao Lồ II, “mẹ” Theresa, “chị” Emmanuelle, hay “cha” Pio... Các tín đồ của “đạo thị trường” có thể vừa thờ cúng Thần Tiêu Thụ, vừa chạy theo sự giảng dạy của đủ thứ thần thánh khác. Trong một giây phút, họ có thể chuyển từ Đạt Lai Lạt Ma sang “mẹ” Theresa, với cùng một sự ngưỡng mộ, thờ kính, trước khi chọn một miếng phó mát cho bữa ăn chiều... Tôn giáo đã trở thành một món hàng!

Như một món hàng, mỗi tôn giáo sẽ có một trị giá sản xuất, một giá trị trao đổi và một giá trị thực dụng riêng. Thị trường của tôn giáo ấy cũng có thể được ước lượng, trong không gian, và trong thời gian. Rồi nếu một ngày kia xã hội hàng hóa biến thái thành một mô hình khác, thì người ta cũng có thể dựa trên những yếu tố vừa kể, để thử dự phóng xem loại tôn giáo nào sẽ tiếp tục hiện hữu. Hoặc sẽ không còn có tôn giáo nào hiện hữu?

A) Trị giá sản xuất của một tôn giáo

Chúng ta có thể phân ra hai loại trị giá sản xuất.

Thứ nhất, là những chi phí dành cho việc xây dựng và điều hành các cấu trúc dùng để quảng bá, phân phối tất cả những gì thuộc về một tôn giáo, như nhà thờ, chùa chiền, tu viện, chủng viện, trường học, nhà xuất bản, cơ sở từ thiện v.v... Có thể nghĩ là trong những xã hội có cùng mức độ phát triển, chi phí dành cho các cơ cấu này tương đối giống nhau cho cùng một số lượng cảm tình viên, và cùng một địa bàn hoạt động. Tức là sự khác biệt trên lãnh vực này giữa các tôn giáo chỉ tùy thuộc sự rộng hẹp của địa bàn hoạt động cũng như số lượng cảm tình viên, cùng với viễn tượng tăng giảm của các con số này.

Khía cạnh thứ hai của trị giá sản xuất của một tôn giáo tùy thuộc thời gian “lao động” trí óc hay thể chất để xây dựng ra tôn giáo ấy trong chiều dài lịch sử. Sự kiện một tôn giáo hiện hữu lâu đời hơn một tôn giáo khác có thể được quan tâm. Phải chăng Hồi Giáo có trị giá sản xuất thấp hơn Ky Tô Giáo, Ky Tô Giáo có trị giá sản xuất thấp hơn Do Thái Giáo và Phật Giáo? Vấn đề có phần phức tạp hơn thế một chút. Thời gian được huy động để sản xuất ra một tôn giáo không chỉ tùy thuộc vào yếu tố xưa cũ của tôn giáo ấy, mà còn tùy thuộc số người tham gia vào sự sản xuất ấy. Có những tôn giáo rất lâu đời nhưng chỉ được sản xuất (và tiêu thụ) trong khu vực rất hạn chế của vài sắc dân, vài bộ lạc... Những tôn giáo này không thể có trị giá sản xuất cao. Để chính xác hơn, người ta còn phải để ý đến sự kiện một tôn giáo có thể kế thừa một truyền thống đã từng hiện hữu trước tôn giáo ấy. Trị giá sản xuất của tôn giáo này phải được cộng vào với trị giá sản xuất của truyền thống mà nó kế thừa. Mặt khác, trong tiến trình phát triển của một tôn giáo, nó có thể hội nhập một số lý thuyết, triết học, thậm chí “nuốt” hẳn một tôn giáo khắc. Trị giá sản xuất của những tôn giáo đã bị “nuốt” sẽ phải được cộng vào với trị giá sản xuất của tôn giáo đã nuốt nó. Thêm vào đó, cần hiểu một tôn giáo không phải là một thực thể cố định. Nó có thể thu nạp những cái mới, nhưng cũng có thể loại trừ một số thành tố vốn thuộc về nó. Tức là phải quan niệm mỗi tôn giáo trong một thời điểm chính xác, ở một địa phương chính xác, với một tập hợp giáo điều chính xác, trước khi tìm cách ước lượng trị giá sản xuất của nó. Để cho đỡ phức tạp, người ta có thể chỉ chú ý đến trị giá sản xuất của mỗi giáo điều. Tuy nhiên, một khó khăn khác lại xuất hiện: nhiều tôn giáo có thể chia sẻ cùng một giáo điều, nhưng không thể quả quyết giáo điều ấy có cùng trị giá sản xuất trong mọi trường hợp...

Trị giá sản xuất của một tôn giáo đòi hỏi những tính toán quá phức tạp để có thể thực sự giúp ích cho việc lượng định sự kiên cố của tôn giáo ấy trong thời gian. Tuy nhiên, người ta có thể nghĩ đến một giá trị chủ quan gần với trị giá sản xuất. Đó có thể là “giá trị văn hóa”, hay “giá trị xã hội”, tức sự gắn bó của một xã hội cụ thể với tôn giáo ấy. Người dân của một xã hội có thể gắn bó với một tôn giáo, khi nghĩ tôn giáo ấy được truyền lại từ tổ tiên lâu đời của họ, qua nhiều đấu tranh gian khổ, hay thuộc về đặc tính văn hóa cố hữu của họ, thành quả của những tìm tòi công phu, và kết tinh trí tuệ của giống nòi họ. Ngược lại, “giá trị văn hóa, xã hội” của một tôn giáo có thể sẽ không được cao lắm, nếu người dân của một xã hội không cảm thấy gần gũi với những truyền thống đã làm ra tôn giáo ấy. Khi ấy, cần phải chú tâm đến một giá trị khác, đó là Giá Trị Thực Dụng của một tôn giáo.

B) Giá trị thực dụng của một tôn giáo

Giá trị thực dụng của một món hàng tùy thuộc những gì nó đem lại cho người tiêu thụ. Một món hàng có thể đáp ứng cho một số nhu cầu hay thỏa mãn một số ham muốn.
Chúng ta thử phân tích xem đâu là những nhu cầu và ham muốn của con người hiện đại mà tôn giáo có thể đáp ứng được?
Có thể nói con người hiện đại có một số vấn đề cần được giải quyết như :
- Cảm giác bị cô lập đối với người khác, do khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa nằm trong bản chất của xã hội tư bản. Tôn giáo cho người ta một cảm giác liên hệ với những người khác, ít ra là với những người đồng đạo với mình, và một đôi khi lan rộng đến toàn nhân loại. Người ta hình dung rằng « mọi người đều là con Thiên Chúa », « mang hình ảnh Chúa », hay « đều có Phật Tính », « cùng bản thể », v.v... để suy ra một sự ràng buộc tình cảm, một tình huynh đệ, như đã được đề cập đến ở trên.

- Cảm giác thường trực ưu tư, lo lắng:
Sự biến hóa rất nhanh của xã hội, khiến mọi người luôn hụt hơi chạy theo những trào lưu, những thời trang, những sự đổi thay trong đời sống, nào máy móc, kỹ thuật, cho đến luật lệ, quy ước xã hội, v.v... Muốn ở yên một chỗ con người hiện đại phải chạy mỗi lúc một nhanh, cho đến khi không còn sức chạy nữa, và bị bỏ rơi bởi dòng tiến hóa của xã hội. Các chính sách kinh tế, tiền tệ, an sinh xã hội, năng lượng v.v... đa số đều rất phức tạp, khiến người dân thường khó mà hiểu nổi, mặc dù những chính sách ấy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ. Cảm giác bất lực này làm cho sự hoang mang lo sợ trước những bất trắc của cuộc sống bị nhân lên gấp bội phần. Trước kia, con người có thể cầu cho mưa thuận gió hòa, và lỡ có lụt lội, hạn hán, cũng có phương pháp cúng kiếng cầu đảo. Ngày nay, ông Thần nào ảnh hưởng được trên trị giá của đồng Đô La, trên lãi suất của Federal Reserve Bank?
Bên cạnh đó, họ ưu tư, lo lắng vì nỗi ám ảnh rằng giá trị của con người họ phần lớn tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ. Vì bị đánh giá theo khả năng tiêu thụ, nên con người thời đại luôn lo lắng bám víu vào khả năng ấy để duy trì giá trị của mình. Kết quả là một tâm trạng ích kỷ, và luôn ưu tư, lo lắng, nhất là đối với nạn thất nghiệp, được coi như một “định chế” trong xã hội tư bản.
Một vài tôn giáo, như Phật Giáo, dạy quay về với chính nội tâm mình để tìm nguyên do của ưu tư lo lắng, thay vì chạy theo các nguyên do bên ngoài mình, mà mình không thể hiểu được, hay không thể ảnh hưởng tới được. Quan niệm được rằng vui, khổ, chỉ là một vấn đề nội tâm, cho thấy mọi người đều có khả năng giải quyết vấn đề ấy, một cách bình đẳng, chính là một đóng góp lớn của Phật Giáo, đặc biệt trong thời hiện đại. Ngoài ra, Phật Giáo cũng như các tôn giáo trong hệ thống Thiên Chúa giáo (bao gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Do Thái và Hồi Giáo), đều khuyến khích làm việc thiện, giúp đỡ người khác, như một phương tiện để gieo « nhân lành », biết nghĩ đến những khổ đau của tha nhân để đỡ bị ám ảnh bởi những ưu tư lo lắng của chính mình. Các tôn giáo nói chung, cũng đem tầm nhìn của con người đến một chân trời vượt xa hơn những vấn đề thực tế trước mặt như thuế má, nợ nần, công ăn việc làm v.v... hay những ham muốn phù phiếm, vô ích, để giúp họ chú ý hơn đến sự những giá trị tâm linh, phi vật chất, và dần dần tìm được một niềm vui trong đó.
Giảm bớt những ham muốn phi lý được tạo ra bởi guồng máy quảng cáo cũng giúp người ta tiết kiệm nhiều hơn, và nhiều tiền để dành, sẽ đỡ lo sợ thiếu thốn trước những bất trắc của cuộc sống.
- Cảm giác đánh mất ý nghĩa của cuộc sống
Như đã nói ở trên, khi tuyên dương « in God we trust », thay vì «we believe », xã hội Tư Bản tìm cách thay thế Niềm Tin chủ quan của con người bằng một sự tín nhiệm có tính toán và có tính cách đồng loạt, phổ quát. Có thể nói Thiên Chúa, theo nghĩa Đấng được TIN bằng một Niềm Tin chủ quan, không tính toán, đã chết, như Nietzsche từng khẳng định. Kết quả là, với sự chết của Thiên Chúa, xã hội tân tiến bước vào chủ nghĩa HƯ VÔ. Khi tiêu diệt Niềm Tin chủ quan, người ta cũng tiêu diệt ý niệm tương lai. Tương lai không nhất thiết tương đồng với những dự phóng được tính toán. Tương lai chủ quan là ước vọng, là giấc mơ, là cảm hứng của nhạc, của thơ, là tia sáng trong ánh mắt trẻ thơ. « Tương lai » ấy hoàn toàn không trùng hợp với những dự phóng được lạnh lùng tính toán từ hiện tại.
Cũng đừng quên : tương lai tuyệt đối không gì khác hơn là Sự Chết và những gì xảy ra sau đó. Tức là những chuyện không thể tính toán, không thể dự phóng. Một hố thẳm! Vực thẳm của Hiện Hữu! Vượt qua được vực thẳm ấy, cần có Niềm Tin. Thiếu Niềm Tin này, thì hiện hữu chỉ là một con dốc trơn trượt đưa thẳng xuống một vực sâu không đáy, hố thẳm của Hư Vô. Thiếu Niềm Tin này thì cuộc sống chỉ là trống vắng ý nghĩa, là suy sụp tinh thần, là tuyệt vọng, buồn chán, là Hư Vô chủ nghĩa… Đâu là ý nghĩa của cuộc sống khi nó chỉ đưa đến một hố đen thăm thẳm? Sống để làm gì? Chỉ để tiêu thụ? Khổ nỗi: vì không có câu trả lời nào khác, con người hiện đại chẳng có thể làm gì hơn là tiếp tục... lao vào tiêu thụ! Vấn đề là để được tiêu thụ, người ta phải cật lực làm việc. Việc làm bị coi như một gánh nặng, một sự trừng phạt, một khổ đau. Nếu nhìn cuộc sống như một thời gian hưởng thụ sẽ chấm dứt trong bùn đất của nghĩa trang thì anh làm việc cho nhiều để làm gì, và dù cho có bị bắt buộc phải làm việc, thì cần chi cố hết sức làm cho hay, cho tốt? Anh phải dành thật nhiều thời giờ, thật nhiều tâm trí, để hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời chứ! Sự ray rứt của câu hỏi « để làm gì ? » sẽ trở nên ngày một gay gắt, đưa đến cám giỗ buông bỏ tất cả, với những phản ứng trốn chạy vào thế giới của rượu chè, ma túy... Đạo Phật lật ngược cái logique này lại, và đề ra những phương pháp quán tưởng để ý thức rằng mục đích của công việc làm là chính nó. Không còn vấn đề làm việc để đạt đến một mục đích (hưởng thụ), mà chính sự làm việc đã là mục đích, là niềm vui của người làm việc. Thiên Chúa Giáo, đặc biệt là Đạo Tin Lành, như đã nói ở trên, cũng tôn vinh công việc làm như sự thăng hoa của con người, đem con người kết hợp với Thiên Chúa qua công trình tạo tác của Ngài.
- Kinh sợ trước sự chết
Như đã bàn thoáng qua, nghịch cảnh quan trọng nhất của đa số con người có lẽ là cái chết, thường bị cảm nhận như một tai họa tuyệt đối. Các tôn giáo đem lại một ý niệm về một sự sống khác, sau khi chết, giúp con người bớt được phần nào nỗi kinh sợ Thần Chết. Trong lãnh vực này, Đạo Phật có một chỗ đứng riêng biệt, khi nhấn mạnh đến lẽ Vô Thường của mọi sự vật, khiến cái chết chỉ là một thay đổi trong chuỗi thay đổi triền miên mà ta vẫn phải chịu từ khi hiện hữu. Quan niệm như thế, cái chết nhiều khi đỡ đi được phần nào sự rùng rợn. Cũng có thể nói, theo Phật Giáo: nguyên do quan trọng khiến con người sợ chết là tính “chấp ngã”, cho rằng có một “cái tôi” trường cửu. Đạo Phật cho là không có gì có tự tánh, tức là sự vật chỉ hiện hữu do một tập hợp nhân duyên. "Cái tôi” cũng vậy, cũng sanh, diệt, như sự hợp tan của mọi tập hợp “duyên khởi”, và đương nhiên là không có tự tánh trường cửu. Từ đó, đưa đến phá bỏ sự chấp ngã, khiến sống chết không còn đối tượng. Khi bàn đến sự tái sanh, Phật Giáo cho là chỉ có ảo tưởng “cái tôi” là tái sanh mà thôi, chứ một khi đã đạt đến ý thức “vô ngã”, thì chỉ còn có cuộc sống vĩnh cửu. Có thể nói Phật Giáo đã giải quyết vấn đề sanh tử bằng sự sống thường tại của Ý Thức Nguyên Thủy, nguồn của mọi hiện tượng, vượt ngoài thời gian và không gian. Điều này có dễ dàng được thực sự chứng nghiệm bởi những con người bình thường như bạn đọc và tôi hay không? Có lẽ là không. Trong trường hợp ấy, Phật Giáo, đặc biệt là Thiền Tông, dạy một điều rất giản dị và thực tế: hãy tập trung vào hiện tại, sống từng giây lát, từng hơi thở, đừng thèm quan tâm đến những chuyện rắc rối, sanh tử luân hồi làm chi cho phiền phức. Lúc này và bây giờ bao hàm cả thiên thu. Nói cách khác, trong lý giải này, Phật Giáo đưa con người vào thiên thu bằng cách tập trung tinh thần nơi mỗi giây lát của hiện tại, loại bỏ sự lo sợ trước cái lẽ vô thường của vấn đề sanh tử.
- Nhu cầu « quản lý » những tranh chấp, đối kháng
Con người hiện đại thường xuyên phải can dự vào những cuộc tranh chấp có thể gây nhiều tai hại.
Sự giảng dạy của Phật Giáo giúp giữ được một thái độ bình thản ngay cả trong những lúc tranh chấp. Quan niệm “nhân duyên” khiến người học Phật luôn tìm hiểu những nguyên do đưa đến một tình trạng hay một hành động nào đó. Người ta tự đặt mình vào chỗ của người khác, để tìm hiểu, và hướng đến một giải pháp. Thái độ ấy vừa vận dụng lý nhân-duyên, mà cũng thể hiện tâm từ bi, và “bình đẳng quan”. Thật vậy, với bình đẳng quan, bản chất của người chẳng khác gì bản chất của mình, dù cho người đó có độc ác cách mấy đi chăng nữa. Như thế, vấn đề chỉ còn là: “tại sao người ấy cũng như tôi, cũng mang Phật tính như tôi, mà lại như thế ?” Với cách xử sự này, người ta tìm hiểu hơn là lên án, và thù hận, bực tức, nóng nảy, bớt sanh ra, sự thông cảm dễ tìm được, giải pháp tốt đẹp nhất cho cả đôi bên cũng dễ đạt đến hơn.
Người ta cũng tránh được những phê phán tuyệt đối nhờ ý thức, theo Phật Giáo, là mọi việc mà mình nhìn thấy, cảm thấy, hay suy tưởng ra, đều có thể không thật. Không thật, không có nghĩa là không có. Không thật chỉ có nghĩa là không đúng như mình nhận định. Vì thế, mình luôn cần phải nhận định lại, luôn luôn chấp nhận thay đổi nhận định của mình. Bản thân mình cũng “không thật” (cái ngã không tự tánh), cho nên, không những các nhận định của mình thay đổi, mà bản thân mình cũng thay đổi, tùy nhân duyên. Thế thì còn gì để mà phê phán một cách tuyệt đối, khi mà sự phê phán, đối tượng bị phê phán cũng như chủ thể phê phán đều hư huyễn? Hành động quá khích, bạo lực, thường do phê phán một cách tuyệt đối. Vì thế, cách nhìn mọi sự kiện theo lý nhân-duyên, cộng với ý thức về “giả tướng” của sự vật, như vừa nói, giúp đi đến một thái độ hòa nhã, khoan dung, quý trọng sự tìm hiểu, và nhất là tránh được bạo lực, khiến cuộc sống bình thản hơn, đỡ căng thẳng khó chịu hơn.
Sự đóng góp của các tôn giáo khác trong lãnh vực này, đặc biệt là các tôn giáo trong hệ thống Thiên Chúa Giáo, thường thông qua ý niệm Tình Huynh Đệ, và sự Tha Thứ. Trở ngại của sự giảng dạy loại này là nó nặng về « phán bảo », khiến cho người được « giảng đạo » tuy hoàn toàn bái phục, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình quá kém cỏi, không thể thực hành những điều hay đẹp này. Đành rằng phải thương yêu người khác như chính mình, nhưng trong thâm tâm có những kẻ tôi vẫn thù, vẫn ghét, thì làm sao? Vấn đề không phải là BIẾT điều gì hay, tốt, mà là PHƯƠNG PHÁP để tự đặt mình trên một con đường dần dần đưa đến cái hay, cái tốt ấy. Trên lãnh vực phương pháp, phải công nhận là Phật Giáo vượt trội hơn hệ thống Thiên Chúa Giáo. Những phương pháp phân tích, quán tưởng, điều thân, điều khí, rồi mới điều tâm của Phật Giáo bao trùm và dẫn dắt các kỹ thuật tân tiến nhất của các trường phái tâm lý trị liệu.
- Gia tăng hiệu năng trong công việc
Thị trường công việc làm càng lúc càng nhiều cạnh tranh, khiến mọi người đều có nhu cầu phát triển khả năng của mình một cách tối đa, để tìm được việc làm, hay để khỏi mất việc. Trong lãnh vực này Phật Giáo cũng đề ra những phương pháp đặc biệt hữu ích.
Trước hết là vì Phật Giáo có những phương pháp giúp tập trung tinh thần, và tăng cường trực giác. Đó là những yếu tố rất quan trọng cho hiệu năng của mọi công việc. Tập trung tinh thần, cũng như óc “nhân duyên” của nhà Phật, rất lợi cho việc phân tích. Trong khi đó, trực giác mạnh giúp ích nhiều cho việc nắm vấn đề một cách bao quát, tổng hợp. Kế đến, Đạo Phật đề cao tinh thần thực nghiệm, đi sát thực tế, hợp nhất lý thuyết với thực hành, óc “tinh tấn”, không ngừng cố gắng, và tinh thần tự lực, không ỷ lại nơi người khác. Tất cả đều thuận lợi cho sự tăng cường hiệu năng của mọi công việc. Sau hết, Phật Giáo, như đã nói, đem lại một giá trị tự thân cho công việc làm (bao gồm cả sự học hỏi), dạy tìm niềm vui trong sự hoàn hảo của mỗi việc mình đang làm. Tập trung vào hiện tại như thế sẽ giúp người ta bớt lo lắng cho kết quả của việc mình hiện làm, khiến tinh thần đỡ bị chi phối, và hiệu năng khỏi bị giảm sút.
- Phương tiện đấu tranh
Một sắc thái rất “thực dụng” của tôn giáo là nó có thể được dùng như một công cụ đấu tranh. “Thần Học Giải Phóng”, có thể đóng góp cho một cuộc đấu tranh giai cấp, như chủ thuyết Mác Lê Nin nhìn như một biến dạng của tôn giáo. Khi người lính SS của Đức Quốc Xã mang trên khóa thắt lưng của họ hàng chữ “Gott Mit Uns” thì Thiên Chúa của Đạo Ky Tô được mời tham gia vào một cuộc đấu tranh dân tộc. Các người Hồi Giáo cực đoan cũng dùng Thiên Chúa như công cụ của một cuộc đấu tranh chủng tộc, văn hóa, tuy vẫn đặt nền tảng trên kinh tế. Ngay cả khi đã tàn lụi, một tôn giáo vẫn có thể được “hồi sinh” để phục vụ cho một cuộc đấu tranh...

C) Giá trị trao đổi của một tôn giáo

Nếu giá trị thực dụng quy định sự rộng lớn của “thị trường" của một tôn giáo, tức số người có nhiều hy vọng sẽ “tiêu thụ” nó, thì giá trị trao đổi cho biết những người “sản xuất” ra tôn giáo ấy sẽ thu về được bao nhiêu lợi nhuận? Giá trị trao đổi quy định nỗ lực quảng bá một tôn giáo. Mặt khác, giá trị trao đổi của một tôn giáo lên xuống đồng nhịp với sự sẵn sàng đón nhận nó bởi những cảm tình viên, được quy định bởi giá trị thực dụng. Một tôn giáo có giá trị trao đổi cao, tức đem lại nhiều lợi nhuận, sẽ thôi thúc những người “sản xuất” và “phân phối” nó hăng hái làm việc để duy trì và phát triển nó. Tương lai của nó sẽ vững chắc hơn.
Thông thường thì một tôn giáo có giá trị thực dụng cao, thì cũng có nhiều hy vọng có được một giá trị trao đổi cao. Tuy nhiên, điều này có thể bị sai lệch trong một thị trường không hoàn toàn tự do. Trong những xã hội dành ưu đãi đặc biệt cho một tôn giáo, có khi ngăn trở hay cấm đoán các tôn giáo khác, thì sự cạnh tranh sẽ không công bằng, sẽ có nạn độc chiếm thị trường của một “món hàng”. Chi phí sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng, cũng như giá trị trao đổi của các tôn giáo. Trong trường hợp ấy, một tôn giáo bị chèn ép sẽ chỉ có thể tồn tại nếu sự sản xuất ra nó trong chiều dài lịch sử có một trị giá thật cao, hay nói cách khác nếu nó được in sâu trong một truyền thống được coi trọng. Trong trường hợp này giá trị văn hóa, xã hội trở thành quan trọng nhất.

KẾT LUẬN
Vấn đề không phải là suy nghĩ về tương lai của KHÁI NIỆM tôn giáo, mà là tương lai của những tôn giáo chính xác, tôn giáo nào sẽ có nhiều hy vọng tồn tại hay phát triển trong một tương lai có thể tưởng tượng được? Hồi Giáo? Công Giáo? Tin Lành? Phật Giáo? Chính Thống Giáo? Do Thái Giáo?
Nhìn dưới khía cạnh ý thức hệ, những tôn giáo quá đặt nặng giáo điều, có kỷ luật khắt khe, thiên về bạo lực, sẽ không thích nghi được với trào lưu Dân Chủ hiện có ưu thế trong tư tưởng loài người. Những tôn giáo ấy cũng không phù hợp với Tư Bản Chủ Nghĩa, vì có khuynh hướng loại trừ những người hay những xã hội không đồng ý với niềm tin của mình, với hệ quả là thu hẹp thị trường, hạn chế khu vực cung cấp tài nguyên, khu vực trao đổi tài chính, khoa học kỹ thuật v.v... Những tôn giáo này chỉ tồn tại được nhờ 3 yếu tố :
- như một tập hợp giá trị biện minh cho một truyền thống, chống lại hình thái xã hội hiện hành,
- như công cụ đấu tranh trong một bối cảnh bất công nào đó,
- hay nhờ vào giá trị văn hóa xã hội của chúng.
Những tôn giáo bám víu vào những tin tưởng siêu hình quá chính xác về Con Người, về Thiên Chúa, Cứu Độ v.v... sẽ khó chống trả được với những khai triển hiện đại về các đề tài này. Một tôn giáo rộng rãi đối với các niềm tin siêu hình, sẽ chung sống dễ dàng hơn với các trào lưu tư tưởng nhiều hoài nghi của ngày hôm nay. Tương tự như thế một tôn giáo sẵn sàng thích ứng với những quan điểm mới của khoa học sẽ dễ tìm được sự cảm thông nơi con người thời đại vốn được giáo dục để xem óc khoa học như chuẩn mực của suy tư.
Trên phương diện hệ thống giá trị, chúng ta đã nêu lên một số dấu hiệu biện minh cho một ưu thế nào đó của Đạo Tin Lành trên các tôn giáo khác, trong bối cảnh Tư Bản Chủ Nghĩa, ít ra là trong giai đoạn hình thành của nó. Ưu thế này có thể bị đảo ngược trong trường hợp xã hội Tư Bản bị khủng hoảng. Khi ấy, các giá trị ngược lại, phát xuất từ “tả phái” của Công Giáo, thậm chí của toàn bộ Ky Tô Giáo, có thể trở thành những giá trị hỗ trợ cho một tiến trình cải tổ, hay cách mạng...
Nếu nhìn tôn giáo như một món hàng tiêu thụ thì phải công nhận giá trị thực dụng của những tôn giáo đặt trọng tâm trên PHƯƠNG PHÁP hơn là trên nội dung của những giảng dạy mà ai cũng biết (làm lành lánh dữ, thương yêu tha nhân v.v...). Vạch ra một con đường dễ đi để tiến lại gần một mục đích sẽ giúp ích được nhiều hơn là lặp đi lặp lại mục đích ấy. Trên quan điểm này Phật Giáo có nhiều ưu thế, cũng như một vài bộ phận của Ấn Giáo, thường được tập trung trong tên gọi Yoga. Các trào lưu này không chỉ quan tâm đến những vấn đề đạo đức thuần túy như các tôn giáo thuộc hệ thống Thiên Chúa Giáo, mà cũng coi trọng những nhu cầu hàng ngày rất thực tế của con người hiện đại, như tăng hiệu năng trong công việc, giảm bớt lo lắng, căng thẳng, tránh suy nhược tâm thần, giữ bình tĩnh trong các tình thế khó khăn, tranh chấp, v.v... Các phương pháp được truyền giảng bởi các truyền thống Phật và Ấn Giáo là nguồn gốc của đa số các phương pháp tâm lý trị liệu hiện hành, hay ít ra cũng hoàn toàn phù hợp, và thường là vượt trội hơn các phương pháp ấy.
Tuy nhiên, trước các trào lưu Đông Phương có giá trị thực dụng cao này, Thiên Chúa Giáo (các Đạo Ky Tô cộng với Do Thái và Hồi Giáo) vẫn có thể cầm cự được, với ba điều kiện
- biết cởi mở để hội nhập những phương pháp của các trào lưu này
- khai thác giá trị văn hóa xã hội của tôn giáo mình
- trong một vài trường hợp, biến tôn giáo của mình thành vũ khí đấu tranh, như đã nói.
Thật ra, giữa ba cách nhìn tôn giáo như vừa nói, có lẽ cách nhìn tôn giáo như một món hàng là nền tảng nhất. Trong cách nhìn ấy, có lẽ sự đánh giá một “món hàng tôn giáo” qua giá trị thực dụng của nó là chính xác nhất. Giá trị văn hóa, xã hội (thuộc phạm trù “giá trị sản xuất”), chỉ là một giá trị chống đỡ. Còn giá trị “công cụ đấu tranh” thì chỉ có hiệu lực trong một giai đoạn.
Tựu trung, người ta dễ dàng nhìn thấy sự lớn mạnh của các trào lưu tâm linh đến từ phương Đông, sự chống cự của các truyền thống Thiên Chúa Giáo, bạo lực hé lộ trong các phong trào đấu tranh đến từ Hồi Giáo, và biết đâu, một ngày nào đó, từ “Thần Học Giải Phóng” của Đạo Ky Tô?
Nguyễn Hoài Vân
22 tháng 6 năm 2010
.

No comments: