Wednesday, September 29, 2010

TRUNG QUỐC "DẠY ĐỜI" NA UY CẦN LÀM GÌ

John BerthelsenDCVOnline tóm tắt
29-09-2010 

Người cầm đầu Viện Cấp giải Nobel hôm thứ Hai đã công bố Trung Quốc đang cảnh cáo viện này không được cấp giải Nobel Hoà bình cho một nhà bất đồng chính kiến người Trung Hoa, đây là một sự thị uy mới nhất của chủ nghĩa dân tộc về phía Trung Quốc và một niềm tin hiển nhiên là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có lẽ cho họ cái quyền bảo cả thế giới phải làm gì.

Chẳng có nước nào muốn bị xấu hổ khi giải thưởng cao quý này được trao tặng cho một người đang còn bị nằm trong nhà tù của nước đó, nhưng hoạ ra chỉ có một vài nước - nếu có – có khuynh hướng dùng đến sự hăm doạ kinh tế đối với nước khác, đặc biệt là khi giải thưởng này được xét và trao tặng bởi một ủy ban độc lập, chẳng có liên quan gì đến chính phủ nước đó.

Giám đốc Viện cấp giải Nobel ông Geir Lundestad nói với thông tấn xã Na Uy Norsk Telegrambyra (NTB) rằng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying đã gặp ông ở Oslo trong mùa hè này để chuyển thông điệp của Bắc Kinh. Trong một trường hợp riêng lẽ, một du khách người Hồng Kông đã gặp các viên chức Na Uy hôm đầu năm nói với báo Asia Sentinel rằng “viên chức chính phủ Na Uy cho hay là họ bị áp lực dữ dội từ phiá (nhà nước Trung Quốc) cộng sản không được cấp giải Nobel Hoà Bình ngay trước đó kể từ hôm tháng Mười Một lận. Đó là một tỉ dụ cho thấy sự can thiệp quá đáng của Bắc Kinh đối với nội tình những nước nhỏ.”
Ông Lundestad trình bày chuyện hăm dọa Na Uy của Trung Quốc sau khi cựu tổng thống Cộng hoà Czech ông Vaclav Havel và hai nhà bất đồng chính kiến người Czech, Dana Nemcova và Vaclav Maly, cùng viết một bài báo đăng trên New York Times kêu gọi ủy ban cấp giải Nobel Hoà bình hãy tặng giải thưởng này cho ông Liu Xiaobo, là một người đóng vai chính trong việc soạn thảo bản Hiến chương Linh Tám (Charter 08), nhằm kêu gọi cho một nhà nước hiến định ở Trung Quốc cũng như kêu gọi sự tôn trọng nhân quyền và những cải cách dân chủ khác. Bản Hiến chương này được công bố để đánh dấu lần thứ 60 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời. Và đã được hơn 10.000 người ký vào bản hiến chương này.

Như ba người Czech đã chỉ rõ, “đáp ứng của nhà nước Trung Hoa đối với bản hiến chương này nhanh và thô bạo. Hằng chục nếu không muốn nói là hằng trăm người ký tên ủng hộ đã bị gọi đi thẩm vấn. Một nhóm người được xem là lãnh đạo thì bị giam giữ. Không lên chức cho giới chuyên gia, quỹ nghiên cứu bị từ chối và đơn xin xuất ngoại bị bác bỏ. Các tổ chức báo chí và xuất bản được lệnh lên sổ đen những ai ký vào bản Hiến chương Linh Tám này.”

Ông Liu Xiaobo bị bắt giam hơn một năm trước khi bị đưa ra toà vì tội âm mưu lật đổ nhà nước và, hôm tháng Mười Hai năm 2009, bị kết án 11 năm tù ở. Ông cũng đã từng bị năm năm tù vì tội ủng hộ cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, vốn bị chấm dứt một cách tàn bạo bởi xe tăng của nhà nước.

Ông Havel là cựu tổng thống nước Cộng hoà Czech. Dana Nemcova đương là người chủ trương và thúc đẩy nhân quyền hàng đầu. Vaclav Maly là giám mục giáo phận thành phố Prague. Cả ba người này đã từng ký bản Hiến chương 77 đòi hỏi Đảng Cộng sản Tiệp phải tôn trọng nhân quyền, được xem như là đòn chí tử đánh vào sự thống trị của cộng sản Đông Âu và, mặc dầu họ bị tù, cuối cùng rồi là một làn sóng cải cách dân chủ tương tự quét ngang Đông Âu năm 1989.

Đây không phải là lần đầu tiên người Trung Hoa cảnh cáo người Na Uy, mặc dù ủy ban cấp giải Nobel là một tổ chức độc lập và không liên quan gì đến chính phủ Na Uy. Hôm tháng Sáu, theo báo chí tường thuật, ông He Guoqiang, một ủy viên ban thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã lên tiếng với Ủy Ban cấp giải Nobel trong một cuộc viếng thăm Na Uy, báo chí tường thuật lại lời của Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Jonas Gahr Store.

Ông Lundestad nói người ta cho ông hay nếu chọn ông Liu Xioabo “sẽ làm trật chìa mối quan hệ giữa Na Uy và Trung Quốc, và điều này sẽ được xem như là một hành động không thân thiện,” Trung Quốc đã “cảnh cáo trước đây, nhưng họ không có ảnh hưởng gì đối với công việc của ủy ban.” Tối thiểu có hai nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động ngăn ngừa bệnh AIDS Hu Jia và luật sư tranh đấu cho nhân quyền Gao Zhiaheng, được tin là nằm trong danh sách những người được đề cử nhận giải. Giải Nobel Hoà bình dự trù sẽ được trao vào ngày 8 tháng Mười này.

© DCVOnline

Nguồn:(1) China Tells Norway What to Do. Asia Sentinel, 28 September 2010
(2) Tựa đề do DCVOnline đặt, và chỉ lược dịch, trình bày phần đầu của nguyên bản.

-----------------------------------

.
.
.

No comments: