Thursday, July 23, 2009

VỀ NỀN VĂN CHƯƠNG VIỆT "DẦM DỀ SƯỚT MƯỚT" HÔM NAY


Về cái sự “rất dầm dề” của văn chương Việt hôm nay
Lê Công Thân
23-7-2009
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=D0808875CBE5B9D2748216A514ABEC36?action=viewArtwork&artworkId=8975
Nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt viết bài “Một nền văn chương giàu cảm xúc” theo lối phóng đại châm biếm hài hước, đọc rất vui, nhưng lại bắt đúng mạch chứ không phải đùa chơi. Cách đây mười mấy năm, trong bài 'Thơ Con Cóc': Một bài thơ hay”, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cũng đã nói về cái “rất dầm dề” của văn chương Việt:
Các nhà phê bình văn học hay đả kích trường-phái-thơ-thị-nở vụng về, ngọng nghịu hoặc trường-phái-thơ-đồ-chiểu khệnh khạng, lúc nào cũng lên gân, làm thơ cứ như giảng bài hoặc như bắn súng mà thường quên đi hoặc có khi đồng tình với trường-phái-thơ-thuý-kiều đến nay vẫn là dòng chủ đạo trong nền thơ Việt Nam, đẹp thì cũng có thể gọi là đẹp, nhưng là một cái đẹp rất sáo, rất cũ, đặc biệt, rất ru em và rất dầm dề. Ru em ở nhạc điệu: lúc nào cũng du dương, cũng nhè nhẹ, cũng à ơi. Dầm dề ở cảm xúc: động một chút là thở than, là rơi nước mắt, là ‘Ôi Kim lang, hỡi Kim lang’.

Ông còn giảng rõ vấn đề hơn nữa:
Việt Nam không phải là dân tộc duy nhất theo ‘đạo’ thuý kiều. Đó là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới ở thế kỷ trước, gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, xuất phát từ cái nhìn duy cảm, thói quen thi vị hoá và niềm say mê gãi những vết mụn âu sầu trong hồn mình. Thoạt đầu, nó là một cuộc cách mạng, chống lại tính chất duy lý, tính chất quy phạm, sự sùng bái cái đẹp vĩnh cửu và bất biến của chủ nghĩa cổ điển, mở ra con đường mới cho văn học bằng cách đưa ra một cái nhìn mới đối với vai trò của trí tưởng tượng, một thái độ mới đối với thiên nhiên, nhưng càng về sau tính chất sáng tạo càng phôi pha dần, các nhà thơ biến thành những chuyên viên đi sụt sùi trước những nấm mồ vô chủ, khóc lặng lẽ dưới mưa, ngẩn ngơ khi hoàng hôn xuống, lâu lâu lại gào lên não nuột: ‘Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm / Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em...’

Chủ nghĩa lãng mạn là nguyên nhân của cái sự “rất dầm dề” trong văn chương Việt. Điều lạ là phương Tây xài chủ nghĩa lãng mạn một thời rồi từ bỏ nó để mở ra những con đường khác, nhưng người Việt ta lại cứ ôm nó khư khư cho đến bây giờ. Vì sao? Nguyễn Hưng Quốc giải thích:
Ở Tây phương, người ta từ bỏ thói quen sướt mướt này khá sớm. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, các nhà thơ trong nhóm Thi Sơn (Parnassians) của Pháp đã chủ trương đè nén cảm xúc và đề cao cái nhìn khách quan trong thơ; từ đầu thế kỷ 20, các nhà thơ thuộc phái Duy hình tượng (Imagism) của Anh và Mỹ đề ra một số nguyên tắc làm thơ, trong đó, về phương diện ngôn ngữ, nguyên tắc đầu tiên là không dùng tính từ, những từ, theo họ, chỉ làm nhão cảm xúc chứ không gợi ra điều gì cả; T.S. Eliot đưa ra quan niệm phi ngã trong thơ: nhà thơ không phải là người có một cá tính để thể hiện mà là người có một phương tiện đặc biệt để dùng: ngôn ngữ. Riêng ở Việt Nam, chủ nghĩa lãng mạn được du nhập khá muộn màng, từ đầu thập niên 30, từ đó, nó cứ mãi mãi giữ địa vị thống trị trong thơ. Những thành tựu huy hoàng của Thơ Mới đã điều kiện hoá cách cảm thụ văn học của chúng ta. Ý thức thẩm mỹ của chúng ta trở thành hẹp hòi, phiến diện và cứng nhắc. Trong khi nhiều nhà thơ vẫn còn loay hoay dưới bóng của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... phần đông độc giả của thơ vẫn mang nguyên tâm trạng và tâm thế của thời 32-45.

Đồng ý với Nguyễn Hưng Quốc, nhưng tôi thiển nghĩ những năm gần đây cái sự “rất dầm dề” trong văn chương Việt còn có một ý nghĩa chính trị nữa.

Sau Cách mạng tháng 8, văn chương lãng mạn ướt át bị Đảng cấm đoán, bị kết tội cá nhân chủ nghĩa, uỷ mị, yếu đuối. Lãng mạn bị tô đỏ thành “lãng mạn cách mạng” theo kiểu “rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí”. Thơ văn cách mạng thì phải viết sao cho “có thép”, có cờ đỏ và có cả gà, lợn, để vừa phục vụ chiến tranh, vừa ca tụng Đảng và giới lãnh đạo, vừa tăng gia sản xuất để nuôi cho guồng máy được mạnh mẽ. Sau 1975, cái nguyên tắc đó vẫn kéo dài cho đến khi “đổi mới”.

Cái gọi là “đổi mới” thì chủ yếu là cái “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Trong cơ chế đó, giới lãnh đạo có vô số cơ hội vơ vét của công làm của riêng. Để có thể an tâm mà vơ vét, giới lãnh đạo duy trì một bộ máy sắt thép tinh vi, thẳng tay triệt hạ những thành phần bất đồng chính kiến.

Mặc dù nguy cơ Trung Quốc xâm lăng ngày càng khẩn thiết, thơ văn bây giờ không cần “có thép”, vì giới lãnh đạo sẵn sàng cấu kết với Trung Quốc, tình nguyện cúi đầu để hưởng lợi cho cá nhân. Nói cho đúng, lúc này mà ai dám viết thơ văn “có thép” để lên án mưu đồ xâm lăng của Trung Quốc thì nhất định sẽ bị ăn đòn. Thơ văn bây giờ cũng không giương cao cờ đỏ, vì các nhà văn, nhà thơ cần viết để kiếm ăn, mà tuyệt đại đa số quần chúng lại chán ngấy loại văn thơ tuyên truyền lộ liễu. Thơ văn bây giờ cũng không cần có gà, lợn, vì không còn hệ thống nông trường quốc doanh hay hợp tác xã nông nghiệp như trước nữa, mà người dân tự mình làm lụng, kiếm ăn bằng đủ mọi cách khác nhau, và Nhà nước chỉ ra sức thu thuế.

Thơ văn bây giờ trở nên cực kỳ “dầm dề” vì:
1. Đảng cho phép nhà văn, nhà thơ mặc tình mà than mây, khóc gió, miễn là đừng đụng đến những vấn đề “nhạy cảm” chính trị.
2. Người dân sau giờ làm việc mệt nhoài thì cần giải trí. Văn chương giải trí phải là thứ văn chương dễ nuốt, không nhức đầu, không khiến bận tâm. Những đề tài tình ái lăng nhăng, ngồi lê đôi mách, than mây, khóc gió vớ vẩn là những đề tài dễ nuốt nhất. Những thứ văn phong sướt mướt, dầm dề, nhẹ dạ... là những thứ văn phong dễ tiêu hoá nhất.
3. Nhà văn, nhà thơ thì cần làm vừa lòng độc giả, để kiếm ăn, nên sẵn sàng làm những tay đầu bếp dễ tính, xào đi xào lại những món dễ làm mà lại được nhiều khách hàng ưa thích.
4. Giới phê bình thì nếu không phải là tay sai của Đảng, thì cũng là những tay chuyên lăng-xê sách để lãnh tiền từ các nhà xuất bản. Nếu là tay sai của Đảng, thì họ phải phục vụ cho ông chủ, bằng cách vừa cổ vũ thứ văn chương “dầm dề” vô hại, vừa rình rập bắt lỗi, ngăn chặn những tác phẩm có dấu vết “bất đồng chính kiến”. Nếu là là những tay chuyên lăng-xê sách, thì họ sẵn sàng bơm phồng bất kỳ tác phẩm nào do các nhà xuất bản tung ra, tuỳ theo giá cả mà bơm nhiều hay ít.
5. Các nhà xuất bản thì hầu hết là những con buôn thứ thiệt. Đã bỏ vốn ra để in sách, thì chẳng ngu gì mà chịu lỗ, vì thế họ phải triệt để khai thác thị hiếu của khách hàng. Văn chương chỉ là những món hàng. Món nào bán chạy thì ra sức mà đầu tư vào để kiếm tiền.
Thế thôi.
Văn chương Việt Nam sẽ còn “rất dầm dề” cho đến khi nào thì chưa thể đoán được.


Một nền văn chương giàu cảm xúc
Nguyễn Tôn Hiệt
22-7-2009
http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=8971

1. Từ trước đến nay, đa số nhà thơ/văn Việt Nam cho rằng họ sáng tác bằng cảm xúc.
2. Từ trước đến nay, đa số độc giả Việt Nam nói rằng họ đọc văn chương bằng cảm xúc.
3. Từ trước đến nay, đa số nhà phê bình và độc giả Việt Nam cho rằng tác phẩm văn chương hay thì phải giàu cảm xúc và phải gây nhiều cảm xúc nơi người đọc.
4. Từ trước đến nay, đa số nhà thơ/văn, nhà phê bình và độc giả Việt Nam cho rằng cảm xúc là điều chính yếu của tác phẩm, là tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm, nghĩa là: nhiều cảm xúc chừng nào thì tốt chừng ấy.
5. Tác phẩm nào bị xem là thiếu cảm xúc thì kể như thất bại.
6. Những tác phẩm bị xem là thiếu cảm xúc thì thường được dán nhãn hiệu “khô” (“khô khan”, “khô như ngói”, “bị vắt kiệt cảm xúc”, vân vân).
7. Những tác phẩm có nhiều cảm xúc thì được xem là “ướt” (“ướt át”, “ràn rụa”, “lênh láng”, vân vân).
9. “Ướt” chừng nào thì hay chừng ấy.
10. “Khô” chừng nào thì dở chừng ấy.
11. Những tác phẩm và tác giả được nhiều nhà phê bình Việt Nam đánh giá cao và được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích thì tất nhiên rất là “ướt”.
12. Những tác phẩm được xem là “lớn” trong văn chương Việt Nam thì tất nhiên là “ướt” tối đa.
13. Truyện Kiều là tác phẩm “ướt” nhất ở Việt Nam, vì nó được xem là tác phẩm “lớn” nhất.
14. Để có thể sáng tác những tác phẩm “lớn”, nhà thơ/văn Việt Nam phải dầm mình trong nước, uống nước liên tục, khóc sướt mướt suốt ngày suốt đêm, để cho tâm hồn và thể xác tiết ra tất cả những chất ướt át (nước mắt, nước mũi, đờm, dãi, vân vân).
15. Để cho tác phẩm khỏi bị “khô”, các nhà thơ/văn Việt Nam phải triệt để gạt bỏ phần trí tuệ, tuyệt đối chấm dứt tư duy, chấm dứt lý luận, xoá sạch mọi thứ lý thuyết.
16. Tốt nhất, các nhà thơ/văn Việt Nam nên bơm nước vào trái tim cho nó phình ra thật to, và đồng thời cắt bỏ hẳn bộ óc.
17. Để đón nhận trọn vẹn cảm xúc tràn trề từ tác giả và tác phẩm, thì các nhà phê bình và độc giả Việt Nam không nên đội nón và mặc áo mưa trong khi đọc văn chương.
18. Để chuẩn bị cho sự ra đời của những tác phẩm “lớn” của văn chương Việt Nam, các nhà xuất bản nên đầu tư vào việc sử dụng các loại nhựa để in sách thay vì sử dụng giấy, vì những tác phẩm “lớn” sẽ rất “ướt” và làm rã giấy nhanh chóng.
19. Tất cả những tác phẩm “lớn” của văn chương Việt Nam, trước khi xuất khẩu ra nước ngoài, phải được đóng gói cẩn thận và dán nhãn “coi chừng bị ướt hay chết đuối” (bằng tất cả ngoại ngữ) để tránh tình trạng bị độc giả nước ngoài kiện cáo.
20. Toàn dân Việt Nam phải tập bơi lội cho giỏi để khỏi bị chết đuối trong một nền văn chương giàu cảm xúc nhất, “ướt” nhất thế giới.

No comments: