Saturday, July 25, 2009

BÁO CHÍ VÀ DÂN TRÍ


Báo chí và dân trí
Bảo Trung
25/07/2009 1:30 sáng
http://www.talawas.org/?p=7996
Dân trí từng là khái niệm được đề cao hàng đầu trên con đường tìm kiếm tự do cho đất nước của cụ Phan Châu Trinh vào thế kỷ trước. Với cụ Phan, dân trí không chỉ là trình độ học vấn mà còn là khả năng tư duy độc lập như tinh thần của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mà ông và các đồng chí của mình chủ trương. “Khai dân trí”, không chỉ cần cải tiến giáo dục mà tự do báo chí cũng đóng một phần chủ chốt.

Cùng thời với ông Phan Châu Trinh, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng từng nói: “Nếu không được quyền nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói ra những điều người ta buộc nói”. Câu nói này có thể được xem như một tuyên ngôn sớm sủa về nghề báo ở Việt Nam và vẫn được nhiều nhà báo hôm nay thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, không phải nhà báo nào cũng làm theo lời dạy này của cụ Huỳnh.

Diễn biến trên báo sau những vụ bắt bớ gần đây tại Việt Nam cho thấy nghề báo hôm nay và thời của cụ Huỳnh có vẻ không có cùng một lối tư duy hành nghề. Ít ra, báo Tiếng Dân của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã dám “giữ cái quyền không nói ra những điều người ta buộc nói”. Còn trên hàng trăm tờ báo lớn nhỏ hôm nay, người đọc hầu như không tìm ra sự khác biệt giữa các bản tin về những vụ bắt người. Tại buổi họp báo sau khi bắt luật sư Lê Công Định, thiếu tướng an ninh Hoàng Công Tư đã “đề xuất” giới báo chí phải nêu lên được những “vi phạm” của luật sư này để “quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác và thấy được các hoạt động của cơ quan điều tra”.

Báo giới Việt Nam vốn không lạ với những buổi họp giao ban, chỉ thị, tin nhắn từ Ban Tuyên giáo, Vụ Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) với những người người chịu trách nhiệm nội dung về những vấn đề nào được đăng hoặc không. Thế nhưng, một tướng an ninh “đề xuất” công khai với báo chí về vấn đề nội dung không phải là điều thường xuyên diễn ra. Chịu áp lực từ quá nhiều cơ quan, làm báo thời nay có lẽ khó hơn thời cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trì báo Tiếng Dân.

Những ai từng đọc các bài báo trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm với những từ ngữ kết tội đanh thép đối với những văn nghệ sĩ hồi giữa thế kỷ trước sẽ nhận ra sự quen thuộc trong những bài viết hôm nay sau những vụ bắt bớ vừa qua. Tính phản biện và sự trung dung trong việc đưa tin hầu như không hiện diện trên mặt báo trong những vấn đề nóng hổi nói trên. Mất đi những điều này, chưa bao giờ báo chí Việt Nam làm tốt vai trò công cụ đến như vậy.

Báo chí là phương tiện khai sáng dân trí nhanh nhất nhưng cũng là công cụ ngu dân đắc lực nhất.
Người ta dễ dàng tìm ra hình ảnh các bạn trẻ ở Hà Nội ôm mặt nức nở khóc trước di ảnh của danh ca Michael Jackson trên các tờ báo tại Việt Nam.
Vậy mà, cũng tại Việt Nam, một hội thảo lớn về vấn đề Biển Đông và Hải đảo Việt Nam sắp diễn ra (ngày 24.7) tại Toà Tổng Giám mục TP.HCM (180 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) người ta chưa thấy có tờ báo lớn nào đưa tin.
Báo chí Việt Nam vẫn mơ hồ dùng từ “tàu lạ” khi nhiều lần ngư thuyền Việt Nam bị đâm chìm, ngư dân Việt Nam bị bắt đòi tiền chuộc… thế nhưng, cũng thật nhanh nhạy, báo Công An TP.HCM sẵn sàng đưa tin về một luật sư đi nhà nghỉ với tình nhân.

Vẫn biết sự tự do nói chung và tự do báo chí nói riêng là khái niệm đặc thù của mỗi quốc gia và không thể áp đặt để chung cho mọi nền báo chí. Tuy nhiên, nguyên tắc tôn trọng sự thật, công bằng với mọi sự kiện, bảo vệ quyền công dân… thì bất kỳ nền báo chí nào cũng phải có.

Vẫn biết “Dân chủ” là khái niệm mà mọi quốc gia, kể cả quốc gia vẫn tự hào về nền dân chủ cả mình là Hoa Kỳ, luôn tâm niệm vươn tới, hoàn thiện. Thế nhưng làm sao có được dân chủ khi dân trí chưa khai phóng? Và làm sao khai phóng dân trí khi nền báo chí của một quốc gia vẫn cứ mãi yên phận “công cụ”?

Đến đây lại nhớ đến lời của học giả Lương Khải Siêu với cụ Phan Bội Châu: “Quý quốc đừng lo không có ngày độc lập, chỉ sợ quốc dân không có tư cách độc lập”. Ngót một trăm năm sau, nếu cụ Phan sống lại, hẳn cụ cũng sẽ lại băn khoăn truớc “tư cách độc lập” của mỗi người dân Việt Nam hôm nay thể hiện qua nền báo chí nước nhà.

© 2009 Bảo Trung
© 2009 talawas blog



No comments: