Thursday, July 23, 2009

TÔN GIÁO ĐÓNG VAI TRÒ TÍCH CỰC TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Nhà văn Trần Công Sung: ‘Tôn giáo sẽ đóng một vai trò tích cực để xây dựng lại đất nước Việt Nam đang bị băng hoại.’
Đinh Quang ANh Thài/Người Việt
Wednesday, July 22, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=98456&z=196
LTS: Ông Trần Công Sung bút hiệu là Từ Thức, hiện sống tại Paris. Hai giờ trưa ngày Thứ Bảy, 25 Tháng Bảy này tại hội trường Nhật Báo Người Việt, ông sẽ nói chuyện về đề tài “Vai trò tôn giáo trong việc chuyển hóa xã hội Việt Nam”. Nhân dịp này, ông dành cho Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.

Nhà văn Trần Công Sung. (Hình: Ðinh Quát/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98456-medium_Tran%20cong%20Sung.JPG


ÐQAThái: Ngày Thứ Bảy, 25 Tháng Bảy này ông dự trù sẽ nói gì với cử tọa tham dự buổi hội thảo tại hội trường Nhật Báo Người Việt?
Ông Trần Công Sung: Hiện nay, Việt Nam là một đất nước đang băng hoại. Băng hoại về xã hội, băng hoại về kinh tế, băng hoại về con người. Muốn xây dựng lại Việt Nam phải có con người tốt. Trong quá trình đào tạo lại con người tốt cho Việt Nam, tôn giáo sẽ đóng một vai trò tích cực.
ÐQAThái: Ông có nghĩ tôn giáo là vai trò duy nhất trong công cuộc phục hồi Việt Nam khỏi tình trạng băng hoại hiện nay?
Ông Trần Công Sung: Không. Ðể khôi phục Việt Nam cần nhiều yếu tố khác. Các nhà nghiên cứu xã hội đều kết luận rằng tôn giáo đóng một vai trò quyết định trong việc xây dựng con người của mỗi một quốc gia và từ đó xây dựng quốc gia đó.
ÐQAThái: Ông có thể cho một thí dụ cụ thể?
Ông Trần Công Sung: Nước Mỹ chẳng hạn. Nền giáo dục Tin Lành đã tạo nên cá tính của người Mỹ và từ đó tạo nên nước Mỹ. Tỷ phú Bill Gate là một điển hình. Khi ông ấy thành công rồi, ông bỏ ra hầu hết tài sản của mình để làm việc nghĩa. Tại sao những người khác không làm như vậy? Nếu là một ông tỷ phú người Ả Rập chẳng hạn, ông ta sẽ bỏ tiền xây một lâu đài với phòng tắm nạm bằng kim cương. Trong truyền thống giáo dục của Tin Lành, một người nhận được nhiều từ xã hội thì sẽ tìm cách đóng góp trả lại cho xã hội; và một cá nhân thuộc thành phần của xã hội, chứ không chỉ thuộc gia đình của mình và thuộc cá nhân của mình. Truyền thống này đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân Mỹ.
ÐQAThái: Nói như thế, chẳng lẽ Phật Giáo và Hồi Giáo không có những truyền thống tương tự như Tin Lành, thưa ông?
Ông Trần Công Sung: Phật Giáo và Hồi Giáo có cách đóng góp khác cho xã hội. Phật Giáo chủ trương từ bi. Riêng Hồi Giáo, chúng ta cần một buổi nói chuyện khác thì mới đào sâu được vào câu hỏi anh nêu ra.
ÐQAThái: Xã hội Việt Nam hiện nay, một số người cho rằng đã có cởi mở trong sinh hoạt tôn giáo, biểu hiện là chùa chiền, nhà thờ đông đảo thiện nam tín nữ tín đồ; nhưng cũng nhiều người nhận định rằng không có tự do sinh hoạt tôn giáo. Xin nghe ý kiến của ông?
Ông Trần Công Sung: Việt Nam hiện nay có tự do tôn giáo nhưng chỉ là hình thức thôi vì tất cả mọi hoạt động tôn giáo đều bị nhà nước kiểm soát, tôn giáo muốn làm gì cũng đều phải có sự chấp thuận của nhà nước, cho nên đó không thể gọi là tự do thực sự.
ÐQAThái: Có mặt tiêu cực nào của tôn giáo đối với một xã hội, thí dụ một dân tộc chỉ theo thuần một tôn giáo, ngộ nhỡ giới lãnh đạo tôn giáo đưa ra những chỉ hướng sai lầm thì liệu dân tộc đó, đất nước đó bị chệch hướng?
Ông Trần Công Sung: Trong tình huống đó, chệch hướng chắc chắn sẽ xảy ra. Vì tôn giáo cũng có nhiều khía cạnh tiêu cực. Thứ nhất là chiến tranh. Lịch sử cho thấy đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc chiến giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Thứ hai là mê tín dị đoan. Thứ ba là thái độ quá khích. Tại Việt Nam còn kinh khủng hơn nữa vì tình trạng chia rẽ. Sự chia rẽ tự các tôn giáo với nhau cũng đã xảy ra, trong khi nhà cầm quyền tìm đủ mọi cách để các tôn giáo đánh nhau, bởi vì giới cầm quyền nghĩ rằng nếu Việt Nam có một lực lượng nào có sức mạnh thì chỉ tôn giáo mới có lực lượng thôi. Thành ra mục tiêu của nhà cầm quyền là phải khích bác các tôn giáo đánh nhau. Còn nhiều khía cạnh tế nhị khác, thí dụ như vấn đề ngừa thai đối với Tòa Thánh La Mã, thí dụ việc chống đối Thuyết Tiến Hóa ỏ Hoa kỳ.
ÐQAThái: So sánh giữa khía cạnh tích và tiêu cực của tôn giáo tác động vào xã hội thì cán cân ngả về phía nào?
Ông Trần Công Sung: Ngả về phía nào là tùy con người. Một dân tộc thông minh tìm thấy cái hay của mỗi tôn giáo và tìm cách phát triển cái hay đó thì tôn giáo đóng vai trò rất tích cực cho xã hội, bởi vì con người không thể sống mà không có tôn giáo. Tôn giáo dẫn đường cho chúng ta đi. Còn nếu một dân tộc không tìm thấy cái hay của tôn giáo, chỉ thấy cái mê tín dị đoan thôi thì dân tộc đó đi chệch hướng. Một điều chắc chắn, trong thế kỷ vừa qua, tất cả các chủ nghĩa đều thi nhau thất bại, chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Tư Bản, chủ nghĩa Na Zi, chủ nghĩa Phát Xít. Và mỗi lần một chủ nghĩa thất bại, người ta lại quay về với tôn giáo, vì đời sống tâm linh là một nhu cầu, như người Pháp nói; người ta không chỉ sống bằng bánh mì.
ÐQAThái: Theo ông thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã học được bài học lịch sử vì chia rẽ tôn giáo chưa, để từ đó tôn giáo đóng vai trò tích cực trong việc chuyển hóa Việt Nam thành một xã hội dân chủ?
Ông Trần Công Sung: Trong nước thì chưa. Trái lại là đàng khác, chỉ vì nhà cầm quyền tìm đủ mọi cách để tôn giáo không đóng được vai trò đó. Họ không từ bỏ thủ đoạn nào chỉ để đập vỡ vai trò của tôn giáo. Bởi vì đối với Cộng Sản, tôn giáo là hiểm họa đối với chế độ. Còn tại hải ngoại, tôn giáo đã có nhiều đóng góp nhưng cũng có nhiều chia rẽ. Thứ nhất, chia rẽ vì có người đứng đàng sau phá. Thứ hai, chia rẽ vì ngộ nhận. Thành ra, vấn đề là phải hiểu nhau, và đề tài này tôi sẽ trình bày trong buổi sinh hoạt ngày Thứ Bảy, 25 Tháng Bảy này tại hội trường báo Người Việt.
ÐQAThái: Ông có thể hé cho biết chút nội dung mà ông sẽ trình bày?
Ông Trần Công Sung: Vấn đề Khổng Giáo chẳng hạn. Khổng Giáo đóng vai trò rất tích cực trong xã hội Việt Nam, đã tạo nên khuôn mẫu của gia đình Việt Nam, tinh thần hiếu đễ của Việt Nam, tinh thần cần mẫn của người Việt Nam. Nhưng mặt khác, Khổng Giáo cũng có mặt tiêu cực là tinh thần thiếu tự do dân chủ. Vì Khổng Giáo tạo nên một xã hội quá chặt chẽ, nên Trung Cộng và các chế độ độc tài hiện đang muốn phát triển Khổng Giáo để củng cố quyền lực của họ giống như Khổng Giáo giúp củng cố quyền lực cho các triều đại phong kiến tại Trung Hoa. Ðó là một chiến lược của các chế độ độc tài.
ÐQAThái: Tại Âu Châu, dường như ảnh hưởng của tôn giáo ngày càng lu mờ, điều này có đúng không ạ?
Ông Trần Công Sung: Quả thật vai trò tôn giáo tại Âu Châu đang bị lu mờ. Thống kê cho thấy tại Pháp chỉ có 10% dân chúng còn đi nhà thờ một tháng một lần. Con số này tại Anh Quốc là 12% và tại Ðức là 16%. Nhưng chúng ta phải nhớ là tất cả xã hội Âu Châu đều sống theo văn minh Thiên Chúa Giáo, tức là tôn trọng tự do dân chủ, tôn trọng quyền làm người. Ðó là tất cả tinh túy của Thiên Chúa Giáo. Tại các nước Bắc âu, số người Tin Lành đi nhà thờ cũng ít nhưng chúng ta thấy ngay đó là những đất nước thấm đậm tinh thần Tin Lành thể hiện rất rõ ràng qua tính tự trị, tinh thần học hỏi và tôn trọng độc lập.
ÐQAThái: Có một hiện tượng là số trí thức Tây phương ngày theo Phật Giáo càng nhiều, ông có lý giải được không?
Ông Trần Công Sung: Phật Giáo hợp với trí thức vì đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Thứ nhất là nhu cầu giải thích các niềm tin. Các tôn giáo khác không có giải thích, nghĩa là tin hay không tin mà thôi. Thứ hai là thái độ bao dung của Phật Giáo. Vì Phật Giáo không tìm cách lôi kéo người khác về phía mình. Khi có người hỏi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, rằng có nên theo Phật Giáo không, thì câu trả lời của ngài là không, và ngài khuyên rằng cứ giữ tôn giáo của mình và nên tìm hiểu Phật Giáo là đủ rồi. Thứ ba là thực tiễn. Phật Giáo khuyên những điều rất thực tiễn như tập thiền chẳng hạn, sẽ giúp cho đời sống hàng ngày của con người. Thứ tư là quan niệm vô thường của Phật Giáo, không có gì hoàn toàn, không có gì vĩnh cửu. Quan niệm này thích hợp với xã hội hiện nay khi sự thay đổi xảy ra hàng ngày và mau lẹ. Và điều nữa là sự liên đới. Phật Giáo nói rằng tất cả mọi diễn biến của thiên nhiên, của thế giới đều dính đến nhau, không ai có thể sống một mình trong vũ trụ được. Bằng chứng là nếu chúng ta đi xe hơi thả khói ở một nơi này thì tác động của nó sẽ gây nạn lụt ở một xứ khác.
ÐQAThái: Có người cho rằng Phật Giáo không phải là một tôn giáo mà chỉ là “một cách sống thôi” (The Way of Life), ông nghĩ sao?
Ông Trần Công Sung: Ðó là định nghĩa của Tây phương: Tôn giáo phải có một ông thánh, một ông Thượng Ðế, phải có kinh thánh, phải có một hàng ngũ tu sĩ, phải có tín đồ. Ðông phương không định nghĩa như vậy. Ðông phương định nghĩa tôn giáo là một con đường đi. Chúng ta không nhất thiết phải theo định nghĩa của Tây phương.
ÐQAThái: Có điều gì ông muốn nói thêm về buổi nói chuyện ngày Thứ Bảy, 25 Tháng Bảy này tại báo Người Việt?
Ông Trần Công Sung: Tôi ước muốn nói rằng, dù tin hay không tin, dù có tín ngưỡng hay không, chúng ta cần ý thức rằng tôn giáo ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến đời sống của người Việt Nam. Sau này, xã hội Việt Nam tốt hay xấu, tôn giáo chắc chắn sẽ đóng một vài trò quan trọng. Xã hội Việt Nam sau này phải là một xã hội dân chủ, nhưng dân chủ không đủ, vì muốn dân chủ vững mạnh phải có người tốt, và muốn có người tốt thì người Việt Nam phải cải thiện vì đã bị băng hoại quá nhiều rồi. Và muốn cải thiện thì vai trò tôn giáo rất quan trọng.
ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

No comments: