Wednesday, July 29, 2009

GIÁO XỨ TAM TOÀ - TINH THẦN TỬ ĐẠO CỦA TỔ TIÊN NHƯ MỜI GỌI


Giáo xứ Tam Toà –tinh thần tử đạo của tổ tiên như mời gọi
Nguyễn Đức Cung
Đăng ngày 29/07/2009 lúc 18:29:34 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3986
Trong tuần tam nhật tại Đại chủng viện Phú Xuân, Huế năm 1900, cảm khái cao độ vì những hy sinh tuyệt vời của các thánh tử đạo Việt Nam, linh mục Gioan Baotixita Bùi Quang Lợi đã viết một đôi câu đối như sau:
Minh Mệnh ngự đề văn khổ khắc,
Lê-Ô châu điểm bút tiêu dao.

Có nghĩa là:
Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo, gây đau khổ, chết chóc; Giáo Hoàng Lê-Ô phong các vị tử đạo lên hàng chân phước, hiển vinh.
Chúng tôi tạm dịch ra bằng thơ:
Minh Mạng chiếu truyền tin thảm khốc,
Lê-Ô bút chỉ áng tiêu dao.


Biến cố ngày 20-7-2009 đối với giáo xứ Tam Toà khi hàng trăm công an của chế độ bạo tàn CS ào tới hành hung, đánh đập và bắt đi 20 giáo dân trong số những người tới nền nhà thờ đổ nát dựng lều để làm nơi phụng tự đã gây xúc động khắp nơi. Có những trẻ em, phụ nữ bị công an lôi xềnh xệch đi như lôi một con chó, tuột cả quần áo ngoài đường mà chúng không màng giữ gìn một chút nhân phẩm cho người dân trong một xã hội được bạo quyền rêu rao là “văn minh lịch sự”. Biến cố đó không chỉ là màn mở đầu của một tiến trình viết lên trang sử đức tin mới mà còn là một hồi chuông vang vọng khắp nơi thúc giục, kêu gọi người Công Giáo Việt Nam nói chung và giáo xứ Tam Toà nói riêng dũng cảm noi gương các thánh tử đạo Việt Nam hiên ngang trong đức tin, dũng cảm trong hành động và bền đỗ trong nguyện cầu để minh chứng cho Sự thật và Công lý như tổ tiên chúng ta đã từng biểu lộ trong nhiều thế kỷ trước đây.

1.- Từ tấm gương trong sáng của một mục tử nhân lành…
Đối với giáo xứ Tam Toà, các địa danh Kẻ Sen, Kẻ Bàng hay ngày nay gọi tắt là Sen Bàng là như anh em ruột thịt trong một gia đình. Ngày nay các địa danh đó gắn liền với một danh xưng, hơn nữa một thắng cảnh có tầm vóc quốc tế là Phong Nha do nhu cầu thưởng ngoạn và du lịch của người dân trong nước và thế giới, nhưng trước đây hàng thế kỷ nơi đây là căn cứ địa bảo vệ đức tin của người dân Công Giáo, có xứ đạo, có dòng nữ tu và tiểu chủng viện và vốn là chốn thâm sơn cùng cốc mà cũng là nhiệm sở đầu tiên của một linh mục, sau này được Giáo hội Rôma phong lên hàng hiển thánh vì phúc tử đạo của người, đó là linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1861). Linh mục Đoạn Trinh Hoan là cha sở xứ đạo Sáo Bùn, tiền thân của giáo xứ Tam Toà, và về sau bị bắt tại đây, đã trở thành một chứng nhân đức tin được giáo xứ Tam Toà kính nhớ như là một bậc tổ tiên của giáo xứ.
Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan xuất thân trong một gia đình có nhiều người làm linh mục, bị đày đoạ, bắt bớ, cầm tù, chết trong ngục hay chết vì đạo. Cha của ngài là Batôlômêô Đoạn Trinh Sương, mẹ là Isave Diệm sinh hai con là Đoạn Trinh Cung và Đoạn Trinh Hoan.
Ông Đoạn Trinh Cung chết rũ tù dưới thời bắt đạo của Tây Sơn. Các con của ông là Đoạn Trinh Cách bị lưu đày, và một người con khác là linh mục Đoạn Trinh Khoan (1829-1885) bị quân Văn Thân thiêu sát tại nhà thờ Dương Lộc, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 8-9-1885.
Thuở ấu thời, Đoạn Trinh Hoan học La-tinh với cậu ruột là cha Kiết, sau được cha này bảo trợ vào học Tiểu chủng viện An Ninh năm 1802 (?). Niên đại này có lẽ không đúng lắm vì lúc đó Đoạn Trinh Hoan mới có 4 tuổi. Khoảng năm 1816, Đoạn Trinh Hoan được Đức Cha Labartette gửi qua học chủng viện Pénang, rồi về nước năm 1824. Thầy Hoan giúp chủng viện An Ninh rồi khi thừa sai Jaccard (tên VN là Phan) đưa chủng viện vào Dương Sơn, thầy Hoan cũng theo vào và từ đó làm thư ký cho Đức Cha Taberd. Năm 1836, Đức Cha Stéphane Cuénot (tên VN là Thể) truyền chức linh mục cho thầy Hoan tại nhà thờ Gò Thị (Bình Định) và phái tân linh mục ra coi hai xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng từ năm 1836 đến 1838.
Từ năm 1838 đến 1842, ngài coi xứ Bái Trời thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, vào coi sóc một vài xứ đạo ở Huế rồi lại ra Sen Bàng lần thứ hai trong bốn năm.
Năm 1850, giáo phân Bắc Đàng Trong (tức giáo phận Huế ngày nay) được thành lập và Đức Cha Sohier (tên VN là Bình) bổ nhiệm linh mục Đoạn Trinh Hoan làm cha sở họ Sáo Bùn (Tam Toà, Đồng Hới) khoảng cuối năm 1851, đồng thời phụ trách hai tu viện Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Hương và Dòng Mến Thánh Giá Kẻ Bàng.
Tư liệu của giáo phận Huế cho biết linh mục Đoạn Trinh Hoan là người có công trong việc đào tạo nên một số linh mục trẻ tuổi, xuất sắc như linh mục Đoạn Trinh Khoan (con ông anh ngài), linh mục Trần Phi Long, linh mục Inhaxiô Lê Văn Huấn, thầy Sáu Cang v.v… Các Giám Mục Cuénot, Pellerin, Sohier rất tín nhiệm cha Hoan trong công tác giáo dục, mục vụ, đào tạo thế hệ linh mục trẻ và nhiệt liệt khen ngợi ngài.
Lúc bấy giờ, làn sóng khủng bố người Công Giáo dâng cao với chính sách “phân tháp” ác nghiệt đang bổ xuống đầu giáo dân. Theo chính sách này, các gia đình công giáo bị tách ra khỏi xứ đạo, buộc sống chung với các gia đình ngoại giáo, con cái không được ở chung với cha mẹ Công Giáo để không học đạo được. Ruộng đất, vườn tược, trâu bò, nông cu, của chìm nổi của người Công Giáo bị buộc giao cho bọn lý trưởng, chức dịch hay người ngoại giáo quản lý, thủ đắc. Các linh mục không có nhà thờ để làm lễ, giáo dân không có nơi phượng tự để đọc kinh, dự lễ và nguyện ngắm. Giáo dân bị gọi tên một cách khinh bỉ là “dữu dân” (dữu là tên một thứ cỏ dại). Cảnh tình khốn nạn đó không kêu thấu vào đâu được.
Vào đầu năm 1861, cha Hoan đến xứ đạo Sáo Bùn (Tam Toà) cho giáo dân xưng tội để chuẩn bị mừng lễ Ba Vua (tức Lễ Hiển Linh). Nơi đây cha được ông Trùm xứ Matthêô Nguyễn Văn Phượng lo nơi trú ẩn chu đáo. Lúc bấy giờ có hai người ngoài Công Giáo thuộc hai làng Đức Phổ và Hữu Cai (còn gọi là Hồ Cai) rình rập theo dõi và đi tố giác với quan. Quan quân tại tỉnh lị đóng ở Đồng Hới chuẩn bị kéo đến Sáo Bùn. Có ba giáo dân Sáo Bùn thấy vậy bèn cấp báo vì biết có thể người ta chuẩn bị đến bắt cha Hoan trong khi đó các vị trong Ban chức việc bán tín bán nghi nên không chịu dẫn cha Hoan đi trốn ngay. Khi quan quân kéo đến Sáo Bùn, cha Hoan chạy ra bờ sông, xuống được một chiếc thuyền chèo ra xa. Không tìm thấy dấu tích vị linh mục, quan quân dập tắt hết đuốc đèn kéo ra bờ sông phục kích. Cha Hoan thấy bốn bề yên tĩnh bèn lên bờ tìm một bụi kín để núp nhưng bị lính phát hiện, báo động và ngài buộc phải lên tiếng xưng mình là đạo trưởng. Lính bắt ngài dẫn về Đồng Hới lúc đó đã quá nửa đêm ngày mồng 2 rạng mồng 3-1-1861.
Sáng ngày 3-1-1861, quan quân lùng bắt được ông Trùm Hạt Nguyễn Văn Phượng.
Nghe tin cha Hoan bị bắt, Đức Cha Sohier (tên VN là Bình) lúc đó đang ẩn trốn ở Sen Bàng, xuất 15 nén bạc cộng thêm một số tiền của một vài giáo hữu giàu có ở đây đem vào Đồng Hới để tính chuộc cha Hoan ra nhưng các quan ở Đồng Hới không dám thả ngài vì chức vị ngài là đạo trưởng vốn là đối tượng chủ yếu trong các cuộc bách hại, ruồng bố của triều đình.
Trong tù, linh mục Đoạn Trinh Hoan bị tra tấn nhiều lần nhưng ngài không chịu xuất giáo, và vẫn hiên ngang làm công tác mục vụ như giải tội cho các tù nhân, ủi an khuyên bảo họ.
Ngày 25-5-1861, vua Tự Đức đã duyệt phê bản án và gửi ra Đồng Hới.
Ngày 26-5-1861, linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và Trùm Hạt Matthêô Nguyễn Văn Phượng bị chém tại pháp trường Đồng Hới sau khi xin quan cho khỏi trói vào cọc, và quỳ thẳng, vươn cổ cho lý hình chém.
Thi hài của hai vị tử đạo đã được giáo dân Sáo Bùn (Tam Toà) đưa về an táng tại giáo xứ Mỹ Hương, và sau khi vua Tự Đức tha đạo, hài cốt các ngài được cải táng và cung nghinh về Đại chủng viện Phú Xuân (Huế).
Ngày 2-5-1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn linh mục Đoạn Trinh Hoan lên hàng Chân phúc.
Ngày 19-6-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh cha Hoan lên bậc Hiển thánh.
Rõ ràng thánh linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan đã để lại một tấm gương mục tử tận tuỵ trong công tác mục vụ đối với người giáo dân, trung thành với Giáo Hội trong cơn gian nguy thử thách, đổ hết máu đào để chứng minh lòng tận trung với Thiên Chúa, xứng đáng là đấng chăn chiên tốt lành mà tiền nhân của giáo xứ Tam Toà được hưởng ơn đức của ngài, thật đúng như cha thánh Gioan-Maria Vianê đã nói: “Linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức”. Giáo dân Tam Toà đang hướng về ánh sáng trước mặt.

2.- Đến sự hiến thân vì lý tưởng của một vị Trùm Hạt tận tuỵ
Một tấm gương sáng khác nổi bật giữa tập thể giáo dân Sáo Bùn trong hậu bán thế kỷ 19 là Trùm Hạt Quảng Bình Matthêô Nguyễn Văn Phượng (tức Đắc, 1801-1861).
Sáng sớm ngày 26-5-1861, tại một địa điểm không xa giáo xứ Sáo Bùn nay đã trở thành pháp trường, khi hai người con trai và chị Thủ, con gái ông chạy ra khóc tiễn biệt cha, Trùm Hạt Quảng Bình Matthêô Nguyễn Văn Phượng giữa hai hàng lính tráng gươm trần dẫn đi, đã ôn tồn và đầy yêu thương nói những lời trăn trối sau cùng với các con:
“Các con của cha, đừng khóc, đừng buồn làm chi. Cha đã gặp vận hội may mắn. Anh em chúng con hãy sống hoà thuận yêu thương đùm bọc nhau”.
Matthêô Nguyễn Văn Phượng sinh khoảng năm 1801, tại làng Kẻ Lái (Tên chữ là Lý Nhơn), tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ ông là Đội trưởng Nguyễn Văn Bường trước kia đặt tên cho con là Đắc, tên trong sổ bộ là Kế. Người trong xứ gọi ông là Phượng tức là gọi theo tên con gái đầu lòng của ông.
Mồ côi cha mẹ từ thuở thiếu niên, cậu Nguyễn Văn Đắc ở giúp linh mục Vincentê Nguyễn Thế Điểm ở giáo xứ Đan-Sa thuộc bờ bắc sông Gianh được 7 năm. Lớn lên ông Đắc kết hôn với cô Anê Vôn, con gái ông Đội Nghiêm, giáo dân xứ Sáo Bùn (Tam Toà) nên chuyển vào sống thường trú tại làng Sáo Bùn là quê vợ và hành nghề thầy thuốc rồi chuyển qua buôn bán, lâu dần thành khá giả. Ông Nguyễn Văn Đắc có 8 người con, cô đầu tên Phượng, chồng chết, về ở với ông bà Đắc, cô con gái thứ là Thủ đi tu Dòng Mến Thánh Giá ở Sáo Bùn. Vợ ông, bà Anê Vôn, từ trần lúc 50 tuổi. Con cháu, hậu duệ của ông Nguyễn Văn Phượng sau này sinh sản thật đông đúc và sống hầu hết tại làng Đồng Mỹ (giáo xứ Tam Toà), làng Đồng Dương (giáo xứ Sáo Cát), thị xã Đồng Hới tại Quảng Bình. Một người cháu nội của ông Nguyễn Văn Phượng sau đi tu làm linh mục lấy tên Nguyễn Văn Phượng (1895-1988) mang cả họ tên này để kính nhớ đến tổ tiên mình.
Khi làm Giám Mục của giáo phận Bắc Đàng Trong, Đức Cha Pellerin đã chia giáo phận ra làm 3 giáo hạt: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Đức Cha đã đặt ông Matthêô Nguyễn Văn Phượng làm Trùm hạt Quảng Bình. Để làm tôn vinh vai trò quan trọng của các vị Trùm hạt, trong dịp lễ tấn phong Giám mục phó Sohier tại nhà thờ Di Loan đêm 17-8-1851, Đức Cha đã cho mời các ông Trùm hạt Quảng Bình Nguyễn Văn Phượng dẫn đầu đoàn chức việc các họ đạo tỉnh Quảng Bình cùng với ông Trùm hạt Quảng Trị Lê Thiện Thìn và Trùm hạt Thừa Thiên Hồ Đình Hy cùng các phái đoàn về Di Loan tham dự đại lễ.
Ông Matthêô Nguyễn Văn Phượng vốn người đạo đức, nhiệt thành trong các công tác mục vụ, làm Trùm hạt và kiêm luôn Thầy giảng trong cơ cấu “Thầy giảng bậc nhì” (thầy giảng lựa chọn trong các giáo dân có gia đình nhưng đạo đức, có trình độ trí thức, nhiệt thành trong công tác phúc âm) và Trùm họ Sáo Bùn. Ông lại là người tận tuỵ với công việc mặc dù hoàn cảnh cấm đạo thời Tự Đức thật là gắt gao, vẫn luôn luôn nêu cao quyết tâm lo cho giáo dân và giáo phận.
Để chuẩn bị mừng lễ Hiển Linh (lễ Ba Vua), ông Nguyễn Văn Phượng đã rước cha Đoạn Trinh Hoan về giáo xứ Sáo Bùn để thăm giáo dân, viếng kẻ liệt, giải tội và dâng thánh lễ… Cha Hoan ẩn trú trong nhà ông Phượng nhưng bị hai người không Công Giáo ở làng Đức Phổ (tổng Thuận Lý, phủ Quảng Ninh) và làng Hữu Cai (cũng gọi là Hồ Cai (tổng Thuận Lý) rình mò, phát hiện và đi báo cáo với quan. Quân lính phục kích bắt được cha Hoan ở bờ sông đêm mồng 2 rạng mồng 3-1-1861. Sáng ngày mồng 3, quân lính kéo tới vây nhà ông Phượng, lục soát và thu được áo lễ, sách lễ, với nhiều đồ đạo. Ông Phượng bị bắt cùng với 8 người giao dân Sáo Bùn, giải về nhà lao Đồng Hới. Theo tài liệu của linh mục Nguyễn Văn Ngọc ở Huế, trong số 8 người bị bắt có 4 người bị án lưu đày ra miền Bắc đó là ông biên, ông Quế, thầy Huệ và bà Ban, còn 4 người kia đã vượt ngục bỏ trốn.
Trong nhà giam ông Phượng bị tra tấn nhiều lần để buộc xuất giáo nhưng ông khẳng khái từ chối. Nhờ con cái nut lout tiền bạc cho quân lính nên chúng đối xử với ông có phần tử tế hơn. Ông có đôi khi được liên lạc với các tù nhân Công Giáo trong nhà giam, được một linh mục cải trang đưa Mình Thánh Chúa vào cho ông chịu. Cũng nhờ tiền nut lout lính canh ngục, có lần ông được về thăm Sáo Bùn, an ủi con cái và giáo dân. Ông thường mang một bộ áo Đức Bà và trối khi ông chết nên liệm vào quan tài cho ông.
Sáng ngày 26-5-1861, pháp trường ở ngoại thành Đồng Hới một lần nữa thấm máu vị anh hùng tử đạo khi vị Trùm hạt Quảng Bình Matthêô Nguyễn Văn Phượng, 60 tuổi, thấy lý hình định cột ông vào cọc tre, đã xin họ khỏi phải cột làm gì vì ông sẽ quỳ thẳng vươn cổ lên cho đao phủ chém.
Giáo dân và thân nhân đã đưa thi hài ông về chôn cất tại giáo xứ Mỹ Hương. Sau lệnh tha đạo được công bố, thi hài được cải táng và đặt hài cốt trong hòm nhỏ sơn son thếp vàng. Trước đây tu viện Dòng Kín Kim Long giữ hòm xương thánh Matthêô Nguyễn Văn Phượng, sau đưa qua nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Tây Lộc, Thành Nội Huế cho đến ngày nay.
Ngày 2-5-1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong ông Trùm Hạt Quảng Bình Matthêô Nguyễn Văn Phượng lên hàng Chân Phúc.
Ngày 19-6-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.
Nhìn lại cuộc sống của thánh nhân, thánh Matthêô Nguyễn Văn Phượng đã tỏ rõ là một tấm gương tông đồ giáo dân nhiệt thành vì đức tin, bền đỗ trong hy vọng và tận tuỵ vì yêu mến. Với ba nhân đức đối thần đó, giáo xứ Sáo Bùn ngày xưa và giáo xứ Tam Toà hiện nay quyết sống xứng đáng là con cháu, hậu duệ của vị Trùm Hạt hiến dâng mạng sống mình để xây dựng Hội Thánh Chúa, coi thường mọi thử thách gian nguy đến từ những chính quyền bất xứng, lộng hành và tham ngược.

3.- Giáo xứ Tam Toà, khởi đầu bài học đấu tranh vì Công lý và Sự thật
Trong tác phẩm viết về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tên Man of the Century, The life and times of Pope John Paul II, Jonathan Kwitny cho biết vì không đến dự buổi lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nên Tổng Thống Pháp Valéry Giscard D’Estaing đã cử một vị đại diện của ông là André Frossard, một nhà báo Pháp rất ngoan đạo mà ông rất quen biết đến tham dự đại lễ đó. Cũng như hầu hết mọi người trong đám đông, Frossard như bị điện giật khi nghe câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Đừng sợ”. Frossard cho rằng những lời nói đó không chỉ nói cho người dân sống dưới chế độ cộng sản mà còn nói cho những người sợ chế độ cộng sản trên khắp hoàn vũ, và nhất là cho người Tây phương sợ hãi chế độ cộng sản.” Frossard cho hay đó không phải là lời nói của vị tân giáo hoàng người Ba Lan mà là tiếng nói của một người xứ Galilê tức muốn ám chỉ Đức Kitô Giêsu. (Trang 309)
Trước đây hai mươi thế kỷ, Đức Kitô đã nhiều lần gửi thông điệp “Đừng sợ” cho các tông đồ khi Người báo tin cho họ sẽ có nhiều kẻ mạo danh Người với nhiều giặc giã và tin đồn giặc giã (Mát-thêu 24: 4-6) hoặc khi Người đi trên mặt biển đến với họ mà họ tưởng là ma (Mác-cô 6: 45-51) hay cụ thể rõ ràng hơn khi Đức Kitô nói: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” (Lu-ca 12: 4-5)
Tháng Sáu năm 1979, sau khi được tôn phong lên ngôi vị kế tục Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã về thăm quê hương của Ngài và truyền cho dân chúng Ba Lan sứ điệp quan trọng đó bao gồm nhiều ý nghĩa “ Các con đừng sợ!” Tìm hiểu thâm sâu trong nội dung của câu nói, người dân Ba-Lan thấy rằng Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh lời dạy của Thánh Kinh: “Khởi điểm của sự khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa” (Initium sapientiae, timor Domini). Con người trước hết phải kính sợ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đấng cầm nắm mọi quyền năng sống và chết chứ không phải chính quyền của nhà nước phong kiến hay bạo quyền Cộng Sản.
Trong lịch sử bách hại đạo Công Giáo ở Việt Nam, vua Minh Mạng được các sử gia Tây phương coi như là một “Néron Việt Nam”vì những chính sách tàn ác của ông áp dụng trong việc tiêu diệt người Công Giáo trong suốt 20 năm ông cai trị. Minh Mạng từng được một vị quan trong triều khuyên là nên áp dụng phương pháp của Nhật Bản trong việc tiêu diệt đạo Công Giáo nhưng ông kiêu căng trả lời rằng: “Không cần thiết. Trẫm có phương pháp riêng của trẫm còn hay hơn của người Nhật nhiều.” (Phan Phát Huồn, History of the Catholic Church in Vietnam, Cứu Thế Tùng Thư, 2000, trang 348). Phương pháp của ông ta là gì nếu không ngoài ba việc đó là thứ nhất cấm ngặt các tàu buôn phương Tây đến Đại Nam vì là những phương tiện di chuyển của các giáo sĩ ngoại quốc đến truyền đạo tại nước ta, thứ hai là tập trung tất cả các giáo sĩ lại một nơi gọi là Cung quán (Palace hotel) cắt đặt người theo dõi từng li từng tí một, thứ ba là giết hại giáo dân. Minh Mạng cũng từng huênh hoang thề sẽ diệt tận gốc đạo Công Giáo nhưng thời gian không cho phép ông làm được những việc đó. Tuy vậy, các giáo sĩ vẫn tới được Đại Nam và chỉ có ba vị giáo sĩ là Giám Mục Lefèbvre (Phú Hoài Nhân) trong vai trò thông ngôn bậc nhất, linh mục Gagelin (cố Kính, Tây Hoài Hóa) và linh mục Odoric Ofm (Tây Hoài Anh) thông ngôn bậc bảy hiện diện tập trung tại một chỗ gọi là Cung quán để làm công tác thông ngôn cho triều đình mà thôi. Đại đa số giáo sĩ, thừa sai vẫn sống trong dân, được người dân bảo bọc, che chở để tiếp tục truyền bá một thứ đạo mà dưới con mắt của Minh Mạng là “đi ngược truyền thống luân lý Á đông, bại hoại nhân luân” (sic). Giáo dân Việt Nam không sợ chết, không xuất giáo dù phải chịu biết bao thảm cảnh, ngược đãi, bách hại. Minh Mạng té ngựa chết vào năm 1840 và đạo Công Giáo vẫn tiếp tục phát triển ở trên nước ta sau cái chết của Néron Việt Nam.
Chủ nghĩa cộng sản cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện đầu độc nhân dân”, nhưng ngày nay ai cũng thấy rằng chính chủ nghĩa cộng sản mới là thuốc phiện đã đầu độc gần một phần tư nhân loại trong thế kỷ trước và bây giờ mọi người đều đã tỉnh ngộ và đang cố gắng diệt trừ tận gốc cái chủ nghĩa phi nhân từng giết hại 100 triệu người vô tội trên hành tinh này.

Sau đây xin đọc một đoạn văn trích từ bài Quan điểm và cuộc sống của Nguyễn Hộ, một lãnh tụ trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cuối đời phản đối lại chế độ CS, nói về ý thức hệ cộng sản dẫn đến các cuộc đàn áp tôn giáo: “Với ý thức hệ Mác-xít: duy vật chống duy tâm, vô thần chống hữu thần, Đảng cộng sản Việt Nam đã thi hành chính sách khống chế, kềm kẹp thậm chí khủng bố đàn áp đẫm máu đối với các tôn giáo ở Việt Nam như: Cao Đài, Hoà Hảo, Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Phật Giáo… với lý do tôn giáo là”hữu thần chống vô thần, “chống cộng sản”, là những kẻ “phản động”, “làm tay sai cho đế quốc”. Bằng lực lượng võ trang nắm trong tay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành những cuộc tảo thanh Cao Đài, Hoà Hảo tức tấn công, giết hại hàng loạt tín đồ và hàng giáo phẩm của hai đạo này trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược (1945, 46, 47, 48, 49). Đối tượng tảo thanh lúc bấy giờ ở Miền Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh: Tây Ninh, Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), Thủ dầu một (Sông Bé), Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu), Chợ Lớn (Long An) là đồng bào tín đồ Cao Đài. Còn đối tượng tảo thanh ở Miền tây Nam bộ bao gồm các tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu (Minh Hải), Cần Thơ,… là đồng bào tín đồ Hoà Hảo.

Mặt trận liên quân B – mặt trận tảo thanh Cao Đài – ở Miền Đông Nam bộ được thành lập (1946) với các lực lượng võ trang bao gồm các chi đội: 12, 13, 15, 22, 6, bộ đội Hoàng Thọ… lấy toà thánh Tây Ninh – trung tâm đầu nảo của lực lượng Cao Đài – làm mục tiêu tấn công. Chiến trận diễn ra ác liệt năm này sang năm nọ giữa lực lượng võ trang nói trên của Đảng cộng sản Việt nam và lực lượng võ trang Cao Đài có sự yểm trợ của quân đội Pháp; đồng thời cũng diễn ra các cuộc “tảo thanh” tín đồ Cao Đài ở khắp các ấp, xã thuộc các tỉnh Miền Đông Nam Bộ như: Tây Ninh, Gia Định (TPHCM), Thủ Dâu Một (Sông Bé)…

Bằng cách tập hợp đồng bào đi phá hoại đường để bảo vệ vùng giải phóng thuộc Củ Chi – gọi là “khu 5” – Ban chỉ huy ra lịnh: ai có đạo đứng một bên, ai không có đạo đứng một bên; ai có đạo ở lại, ai không có đạo đi phá đường. Do vậy, hàng trăm người có đạo – toàn là tín đồ Cao Đài gồm nam, nữ, ông già, bà cả, thanh niên, trung niên – được điều động đến mé rừng rậm. Sau đó nhiều loạt súng liên thanh nổ liên tiếp với tiếng người kêu la gào thét kinh khủng. Thế là số phận bi thảm của đồng bào Cao Đài nói trên đã kết liễu. Thi hài của họ được vùi dập xuống các hầm đào sẵn ở rừng Làng và Sở cao su Me-sắc (thuộc xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi). Vào năm 1950, người ta đã phát hiện ở rừng Bời Lời (Trảng Bàng – Tây Ninh) có 5-7 hầm toàn sọ người. Hay như ở xã Vĩnh Lộc (thuộc Gò Vấp, Gia Định cũ), về sau này, hàng năm đều có ngày giỗ thống nhất – giỗ những đồng bào tín đồ Cao Đài trong xã, ấp bị giết hàng loạt cùng ngày bởi các cuộc tảo thanh tàn bạo nói trên của Đảng cộng sản Việt Nam.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và 20 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1955-1975) bao gồm cả thời kỳ đất nước chia cắt thành 2 miền: Nam, bắc (miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Nam thuộc địa của Mỹ), đồng bào tín đồ Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành ở miền bắc xã hội chủ nghĩa là đối tượng đàn áp quyết liệt của chính quyền cộng sản; đặc biệt lúc Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (tháng 07/1954) qui định chia cắt tạm thời đất nước thành hai miền, được ký kết thì lập tức có hai triệu đồng bào tín đồ Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành ồ ạt di cư vào Nam sinh sống và để thoát khỏi “tai hoạ cộng sản”. Do đó, đối với số đồng bào và hàng giáo phẩm của các tôn giáo nói trên còn ở lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt 20 năm (1955-1975) quả là rất nặng nề, không khác gì cuộc sống ở một trại giam lớn.
Phật giáo Việt Nam với truyền thống yêu nước là tôn giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống độc tài, tham nhũng, đòi dân chủ tự do và hoà bình (đặc biệt ở Miền Nam Việt Nam) trong suốt thời kỳ Đế quốc Mỹ và tay sai thống trị. Nhưng sau khi Miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Phật Giáo lại trở thành đối tượng kềm kẹp, khống chế, trấn áp của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều người thuộc hàng giáo phẩm và tín đồ Phật giáo bị qui chụp là “phản động”, “chống cách mạng” và bị bắt bớ, giam cầm, quản thúc chỉ vì họ muốn được tự do trong cuộc sống, tự do tín ngưỡng, hành đạo, tự do nói lên quan điểm tư tưởng riêng của mình.”
Độc ác, tàn bạo như Minh Mạng cũng chỉ ngồi trên ngai vàng được 20 năm. Cộng sản Việt Nam có giữ được quyền bính đời đời hay không?

Trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh lạnh trước đây, có thể nói không nơi nào mà hệ thống mật vụ được tổ chức đúng chuẩn mực và tinh vi như chế độ Stasi của Đông Đức. Ở đây cứ 50 người dân thì bị một tên mật vụ quản lý. Ngăn cách giữa thành phố Đông Bá Linh và Tây Bá Linh là một bức tường ô nhục xây cất từ ngày 13-8-1961 đến ngày bức tường bị phá đổ 09-11-1989 mà chỉ có vài chục người vượt qua được trong lúc có khoảng 190 người bị bắn chết khi toan vượt bức tường và khoảng 400 người bị bắn chết trong vòng đai biên giới. Có thể nói Đông Đức là một nhà tù khổng lồ. Erich Honecker, chủ tịch Đông Đức đã huênh hoang tuyên bố: “Cứ tình trạng như vầy thì tôi ngồi êm ru 50 năm hoặc cả trăm năm nữa.” Cuối cùng thì cũng không lâu sau đó vài tháng hắn phải cuốn gói trốn chui trốn nhủi trong một ngồi nhà tại Moscou, rồi sau đó lại tha phương cầu thực để rồi chết một cách nhục nhã ở Chilê ngày 29-5-1994.

Có thể rút ra một bài học khác về chế độ vương triều cộng sản ngắn ngủi của Rumania khi bạo chúa cộng sản Nicolae Ceausescu, con một nông dân, học hành chỉ đến hết bậc tiểu học nhưng lại có bằng cử nhân kinh tế để khoe mẽ với đời. Tổ chức mật vụ Securitate của Ceausescu rất độc ác với người dân trong nước. Hắn xây văn phòng làm việc cả 1000 phòng, riêng cho vợ hắn một toà nhà trên dưới 50 phòng. Hắn đưa anh em dòng họ vào các chức vụ béo bở trong chính quyền, cướp đất đai mầu mỡ của dân chúng. Khi thế lực hắn bắt đầu xuống dốc, hắn cầu khẩn Gorbachev cứu nhưng ông này bảo hắn “Hãy từ chức và cút đi”. Hắn sử dụng lực lượng mật vụ để duy trì ngai vàng nhưng quân đội đã chống lại hắn. Ngày 25-12-1989, quân đội bắt được hai vợ chồng hắn và xử bắn chiều hôm đó. Cả hai Honecker và Ceausescu đều là chủ tịch đảng cộng sản. Số phận bi đát của lịch sử đâu có chừa ra cho hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản việt nam ! (Vietcatholic, Thứ Tư 23-01-2008).

Nhìn lại, người giáo dân Việt Nam nói chung và giáo dân Tam Toà nói riêng đã có những trải nghiệm đau thương từ vụ đòi đất Toà Khâm Sứ đến các sự kiện liên quan tới giáo xứ Thái Hà để rút ra những nhận thức làm cẩm nang cho hành động của mình, bình tĩnh trước mọi động thái của bạo quyền.

Trước hết, đây không đơn thuần là những vụ đòi đất nhưng là tranh đấu cho công lý giữa bạo quyền và những tầng lớp bị áp bức. Cộng sản từng nói rằng ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Chính quyền Quảng Bình đã tự quyền sử dụng nhà thờ Tam Toà làm chứng tích lưu niệm tội ác “đế quốc Mỹ” mà không có ý kiến của giáo phận Huế (nay là thuộc giáo phận Vinh) chính là đoạt quyền sở hữu chủ, là tạo nên bất công thì bổn phận người giáo dân là phải đấu tranh diệt trừ bất công đó, lấy lại quyền sở hữu của mình.Đã qua rồi thời của cơ chế xin – cho áp dụng đối với tôn giáo, và như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã công khai nói trước mặt Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội ngày 20-9-2008 rằng: “Tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”. Vì vậy giáo dân Tam Toà với cương vị là một công dân phải tranh đấu để ánh sáng công lý soi chiếu trong đời sống xã hội, đẩy lùi bất công, áp bức đến từ bất cứ nơi nào nhất là từ phía bạo quyền.

Người Việt Nam có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Quan cộng sản, quan cách mạng cũng cần nhớ rằng các anh chỉ là nhất thời phất lên còn quần chúng, nhân dân mới là trường cửu, vạn đại. Hữu thế bất khả hưởng tận, bài học khôn ngoan ở trong cuộc đời là vậy nhưng thực tế cho thấy những điều trái cựa trong xã hội cộng sản được mô tả qua những lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Khải:
“Cái buồn cười là cái trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ nhất… Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa.”

Sự kiện người giáo dân Tam Toà bị hành hung bằng bạo lực, bị đánh đập, các phụ nữ, trẻ em bị công an và đám “quần chúng tự phát” Quảng Bình lôi đi xềnh xệch như lôi một con chó, đến nỗi tuột cả áo quần và mới đây hai linh mục là cha Nguyễn Đình Phú, quản xứ Dũ Lộc và cha Ngô Thế Bính, quản xứ Hà Lời bị bọn công an giả dạng du côn ở Quảng Bình đánh trọng thương (VietcatholicNews, ngày 28-7-2009) đúng như sự xác quyết của linh mục Vũ Khởi Phụng: “Xã hội hôm nay đã đánh mất tâm linh. Lại không còn công lý. Vì thế nhân phẩm con người không còn được tôn trọng, các quyền căn bản của con người không còn được duy trì và bảo đảm đúng nghĩa… Cầu nguyện cho xã hội chúng ta được đi vào thế giới của sự thật, thế giới của nhân phẩm. Hãy đặt niềm tin nơi Thiên Chúa để từ đấy thiết định niềm tin nơi con người… Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với tâm hồn nghèo khó, với tâm hồn hiền lành, với tâm hồn khát khao công bằng và chân lý. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với trái tim biết thương xót những con người nghèo hèn, bé mọn, chưa bao giờ được sống đích thực với nhân phẩm của mình.”

Người giáo dân Tam Toà thừa kế tinh thần tử đạo của các bậc tổ tiên, hãy dũng mãnh chuẩn bị bước vào thế trận đấu tranh mới. Cũng như Tự do và Dân chủ, Công lý và Sự thật không phải là thứ van xin mà được, nhưng phải đứng lên giành lấy từ tay loại bạo quyền bất xứng. Chắc chắn người dân giáo xứ Tam Toà không còn cô đơn như tổ tiên họ trước đây nhưng toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ sẽ hướng về giáo xứ Tam Toà để chờ đón một ngày mai xán lạn.

Xin nhớ lấy lời dạy trong thông điệp quý báu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Các con đừng sợ!”

Nguyễn Đức Cung
New Jersey 27-7-2009
© Thông Luận 2009


1 comment:

conganvietnam said...

Cai DCSVN du ma sao chung de ra cai dam CON DO nhieu the, DCSVN chung de ra toan dam du con du dang, toan dan VN dung nen dap tan che do khon nan, buon dan ban nuoc DCSVN