Friday, July 24, 2009

INDONESIA GIỮA KHỦNG HOẢNG VÀ KHỦNG BỐ


Indonesia giữa Khủng hoảng và Khủng bố
Việt Long, phóng viên đài RFA
2009-07-22
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/Recovering-Indonesia-07222009170418.html
Mười năm sau vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á, Indonesia đã phục hồi về nhiều mặt, nhưng vừa tổ chức thành công các cuộc bầu cử tự do và dân chủ thì xứ này lại bị khủng bố tấn công hôm 17 vừa qua.
Qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích kinh nghiệm phục hồi đó ở giữa những thách đố mà xứ này đang gặp. Chương trình chuyên đề kỳ này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

Sự hình thành của Nam Dương
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, chương trình chuyên đề tuần này sẽ cùng tìm hiểu về tình hình Indonesia, một quốc gia rất lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Khi khủng hoảng tài chính rồi kinh tế lan rộng tại Đông Á hơn 10 năm về trước, thì Indonesia bị chấn động nặng khiến chế độ Suharto sụp đổ sau 32 năm cầm quyền tuyệt đối. Bây giờ, tình hình dường như đã khả quan hơn thì xứ này lại bị khủng bố tấn công ngay tại thủ đô. Vì vậy, xin đề nghị là ta hãy phân tích các bài toán của Indonesia để suy ngẫm về trường hợp của Việt Nam. Như thông lệ, xin ông trình bày trước tiên bối cảnh của vấn đề để thính giả theo dõi.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là một đề tài hứng thú và có ích cho Việt Nam nhưng tôi e rằng sẽ hơi dài nên xin cố gắng tập trung vào các vấn đề chính yếu mà Việt Nam nên chú ý.
- Khác với Việt Nam là quốc gia thành hình đã lâu và cho đến gần đây tinh thần dân tộc là một sức mạnh tinh thần, Indonesia - mà ngày xưa ta gọi là Nam Dương - là quốc gia mới thành hình sau khi kết hợp nhiều sắc tộc và vương quốc hay tiểu vương quốc. Chế độ thực dân Bồ Đào Nha rồi Hoà Lan đã thống hợp khu vực này vì mục tiêu kinh tế của họ. Khi Hoà Lan phải ra đi sau Thế chiến II thì Cộng hoà Indonesia mới ra đời. Tinh thần độc lập chống thực dân ngày xưa chuyển hóa dần thành tinh thần quốc gia để xây dựng một xứ sở thống nhất, với rất nhiều dị biệt và khó khăn mà bên ngoài chưa chắc đã hiểu hết được.

Từ độc tài độc đảng chuyển sang dân chủ
Việt Long: Những khó khăn ấy là gì? Xin ông trình bày cho đại lược về các bài toán của họ.
Nguyễn Xuân Nghĩa:

- Khó khăn đầu tiên là về địa dư hình thể, vì quốc gia này là một chuỗi dài của các quần đảo gồm hơn 17 ngàn đảo lớn nhỏ trải ngang năm ngàn cây số. Việc thống nhất để cai trị một xứ quần đảo như vậy thật không dễ. Thứ hai, ngoài dân Java chiếm đa số là 40% thì gần 240 triệu công dân Indonesia lại quy tụ nhiều sắc tộc, nói 300 ngôn ngữ địa phương và theo nhiều tôn giáo khác nhau. Trung Quốc và Việt Nam không gặp loại vấn đề ấy mà còn bị khủng hoảng thì ra càng nên tìm hiểu xem Indonesia giải quyết ra sao bài toán của họ.
- Sau khi giành lại độc lập, Chính quyền Indonesia đã muốn tập trung quyền lực để củng cố giềng mối quốc gia mà cuối cùng thì chỉ xây dựng nền độc tài và tham nhũng. Góp phần lập quốc sau Thế chiến, Tổng thống Sukarno dựa vào quân đội và đảng Cộng sản thân Trung Quốc. Dưới sự xúi giục của đảng này, có thể là từ Bắc Kinh ở đằng sau, ông Sukarno muốn triệt hạ một số tướng lãnh thì bị quân đội đảo chính ngược vào tháng Chín năm 1965. Nhân đó dân chúng đã nổi dậy tàn sát nhiều người gốc Hoa vì bàn tay Bắc Kinh trong đảng Cộng sản và vì Hoa kiều chiếm quá nhiều đặc quyền kinh tế. Đó là vụ chính biến Jakarta.
- Sau đấy, lãnh đạo quân đội là Tướng Suharto lên cầm quyền và lại tập trung quyền lực để cai trị suốt 32 năm ông gọi là "ổn định". Vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á bùng nổ vào năm 1997 khiến Suharto phải từ chức vào giữa năm 1998. Kể từ đó, Indonesia có 10 năm vượt qua khủng hoảng kinh tế và chính trị để thực sự xây dựng một chế độ dân chủ. Và phải nói là họ đã thành công.
Việt Long: Như ông vừa tóm lược thì có phải là hơn 30 năm độc tài của ông Suharto vẫn không ổn định được gì mà 10 năm đầy sóng gió vừa qua lại giúp Indonesia tiến ra dân chủ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và họ vượt qua sóng gió dù nội tình vẫn có nhiều nguy cơ sinh tử vì địa dư hình thể, lịch sử và văn hoá của họ.
- Hơn 10 năm về trước, lãnh đạo Hà Nội lo sợ khi thấy vụ khủng hoảng tại Indonesia. Họ lấy chuyện Indonesia để giải thích là dân chủ sẽ dẫn tới bạo loạn và phân hoá và từ đấy cứ lùi dần. Nhận thức sai lầm ấy dẫn tới việc đảng Cộng sản Việt Nam lùi dần vào quỹ đạo Bắc Kinh.
- Indonesia là một quần thể quy tụ nhiều sắc dân sống tản mác trên các đảo lớn nhỏ, nên khi chế độ Suharto bị đổ, một số khu vực có đòi quyền độc lập hay ít ra là tự trị và xung đột sắc tộc lẫn tôn giáo đã có xảy ra. Trong khi ấy, đảng Golka của ông Suharto và nhiều tướng lãnh thì bị mất uy tín và ảnh hưởng mà xứ sở chưa có giải pháp nào tạm gọi là ổn thỏa để thay thế. Vì vậy, trong năm năm đầu, xứ này đã có ba Tổng thống kế nhiệm nhau với quyền lực rất bấp bênh.
- Nhưng Indonesia đã cải tổ định chế và hai lần tu chỉnh lại Hiến pháp để từ năm 2004 là lần đầu tiên mà người dân trực tiếp bầu lên Tổng thống theo thể thức phổ thông. Tướng Susilo Bambang Yudhoyono đắc cử năm đó và lại vừa tái đắc cử vẻ vang sau cuộc bầu cử hôm mùng tám. Song song, Indonesia cũng cải cách cơ chế kinh tế sau khủng hoảng Đông Á và có nền móng vững hơn, với một dự trữ ngoại tệ nay đã lên đến 40 tỷ đô la. Thật ra, kết quả bầu cử vừa rồi đã có thể được thấy ngay từ tháng Tư.

Cuộc khủng hỏang kinh tế
Việt Long: Tháng Tư vừa qua có biến chuyển gì mà báo trước được việc đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Về đại thể thì sau một giai đoạn độc đảng quá lâu với sự thống trị của đảng Golka, Indonesia đã tu chính hiến pháp và cải tổ cơ chế chính trị khiến các đảng phái được xuất hiện, tranh cử và trưởng thành qua đấu tranh chính trị trước sự phê phán của người dân là chuyện chưa thể có tại Việt Nam.
- Lý do là mùng chín Tháng Tư vừa qua, Indonesia tổ chức tổng tuyển cử để 170 triệu cử tri đi bầu hai viện Quốc hội và các chức vụ dân cử cấp tỉnh và thành. Hôm đó, họ bầu lên 560 dân biểu của Hạ viện, là Hội đồng Đại biểu Nhân dân, và 128 đại diện tại Thượng viện, là Hội đồng Đại biểu Địa phương, cùng 2.000 chức vụ cấp tỉnh và gần 16 ngàn đại diện cấp thành phố. Cuộc bầu cử lớn lao này tiến hành trong ổn định đến nỗi không ai nói tới. Nhưng giới kinh tế lẫn đầu tư quốc tế đều chú ý đến sự kiện đó nếu so với hoàn cảnh độc tài hay hỗn loạn của nhiều xứ khác.
- Trong số gần 40 đảng lớn nhỏ ra tranh cử hồi Tháng Tư, có bảy đảng là đủ túc số đưa người vào Quốc hội. Kết quả cho thấy đảng Dân chủ rất non trẻ của Tổng thống Yudhoyono đã chiếm tỷ lệ khả quan là cỡ 20% số ghế, khả dĩ liên minh cùng các đảng khác đi vận động cho ông Yudhoyono. Ngoài ra, kinh tế cũng là yếu tố giúp chính quyền đương nhiệm thắng cử.
Việt Long: Từ Tháng Tư cho đến Tháng Bảy, kinh tế thế giới vẫn còn khốn đốn vì khủng hoảng, nếu vậy thì tại sao kinh tế lại là một yếu tố thành công cho chính quyền đương nhiệm?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng thì ai cũng rõ. Vậy mà ông Yudhoyono lại ra tái tranh cử với khẩu hiệu là "Tiếp tục đi tới" vì những gì đã thi hành trước đó, đây cũng là một bài học đáng chú ý cho Việt Nam.
- Ta biết là suy thoái toàn cầu đánh sụt xuất khẩu của nhiều xứ, vì vậy xuất khẩu của Indonesia quy ra toàn năm bị giảm hơn 36% và đồng bạc mất giá hơn 21%. Đà tăng trưởng sản xuất cũng thế, đã sụt từ 6,5% vào năm ngoái xuống 4,5% cho năm nay. Nhưng, trong bối cảnh chung như vậy, kinh tế Indonesia vẫn không bị hiệu ứng nặng vì số cầu rất lớn của thị trường nội địa vẫn là sức kéo đáng kể. Nôm na là ít bị lệ thuộc vào xuất nhập cảng như đa số các nước khác.
- Sau cùng, y như Việt Nam, năm ngoái Indonesia cũng bị lạm phát mạnh vì thương phẩm tăng giá toàn cầu. Bây giờ áp lực vật giá ấy giảm vì suy thoái nên dân chúng thấy bớt khổ hơn trước và có thể tín nhiệm Chính quyền. Nhờ đó là Tổng thống đương nhiệm đã có thể đạt hơn 62% số phiếu, tức là có đa số quá bán để khỏi phải bầu lại vào vòng hai. Kết luận ở đây là thành quả cải cách vĩ mô khiến kinh tế ít lệ thuộc vào thị trường quốc tế nên bị hiệu ứng nhẹ hơn và quyết tâm giải trừ lạm phát cũng giúp cho dân nghèo bớt khổ và lãnh đạo lại được dân tín nhiệm.

Cuộc khủng hỏang chính trị
Việt Long: Bây giờ, ta bước qua chuyện khủng bố khi thủ đô Jakarta bị đánh bom hôm Thứ Sáu vừa qua. Liệu nạn khủng bố có gây ảnh hưởng bất lợi cho sự ổn định và phát triển của xứ này không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì mình không có thời giờ phân tích hết nên tôi xin được tóm lược:
- Indonesia là quốc gia có đông dân Hồi giáo nhất thế giới vì gần 90% dân số theo đạo Hồi. Nhưng Hồi giáo xứ này ôn hoà và chấp nhận sống chung với các tôn giáo khác như Tin Lành, Công giáo, Ấn giáo hay Phật giáo. Chỉ có một thành phần nhỏ là cực đoan quá khích, trong đó có lực lượng Jemaah Islamiyah là cuồng tín hơn cả, đã hợp tác với tổ chức Al-Qaeda để tiến hành khủng bố từ một chục năm trở lại đây.
Điển hình là các vụ đánh bom tại trung tâm du lịch Bali và thủ đô Jakarta vào các năm 2002, 2003 và 2005. Nhóm Jemaah Islamiyah cũng muốn bành trướng hoạt động qua các lân bang như Philippines, Malaysia hay Thái Lan. Vì vậy, đây là một vấn đề quốc tế mà các lân bang, kể cả Úc Đại Lợi, đều quan tâm và hợp tác để gỉải trừ như chúng ta sẽ thấy trong hội nghị mở rộng của khối ASEAN tại Phuket tuần này.
- Thật ra, lực lượng khủng bố Jemaah Islamiya đang phân hoá bên trong và cũng bị cô lập dần ngay trong cộng đồng Hồi giáo và chỉ có thể tấn công lẻ tẻ. Ổn định chính trị và sự sa sút của các đảng phái Hồi giáo cực đoan có thể giải thích được hiện tượng ấy. Việc hai khách sạn năm sao của Mỹ tại thủ đô Jakarta bị bom cho thấy là một tổ đặc công vẫn còn hoạt động và nhắm vào các mục tiêu dân sự và quốc tế - tức là dễ tấn công và khó bảo vệ - để làm nản lòng giới đầu tư. Dù sao, vụ đó cũng không làm giới đầu tư hốt hoảng mà rút khỏi thị trường Indonesia như quân khủng bố trông đợi, nếu không có hàng loạt những đợt tấn công khác, là điều không dễ thi hành sau những cải cách vừa qua.
Việt Long: Cuối cùng, đề nghị ông đưa ra một tổng kết về kinh nghiệm của Indonesia.
Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Nếu có kết luận cho gọn thì khủng hoảng kinh tế có thể được khắc phục sau năm năm và khủng hoảng chính trị dễ kéo dài hơn nếu không có cơ chế thay thế. Nhưng dài lắm thì 10 năm là có kết quả như ta đã thấy tại Đông Âu hay Indonesia, với điều kiện là phải cho người dân được tự do góp ý và tham gia việc cải tổ định chế và luật pháp.
- Nhờ kết quả cải tổ ấy, chứ không chỉ vì tài năng của Tổng thống Yudhoyono, mà Indonesia đã vượt qua khủng hoảng kinh tế rồi chính trị. Nỗ lực đó cũng cải thiện mức sống cho đa số nên giải pháp bạo động hay khủng bố mất dần sức cám dỗ. Nếu có so sánh bài toán và giải đáp của Indonesia với những gì Trung Quốc hay Việt Nam đang áp dụng thì ta có kết luận tích cực hơn về sức mạnh của dân chủ. Khi đàn áp dân thiểu số hoặc cầm tù những người tranh đấu cho dân chủ thì các chế độ này đang gieo mầm loạn dưới vẻ ổn định giả tạo. Và sẽ lãnh họa bất ngờ.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: