Wednesday, July 29, 2009

BIỂN ĐÔNG LÀ VẤN ĐỀ TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM


“Biển Ðông là vấn đề tương lai của Việt Nam”
Ðinh Quang Anh Thái

Tuesday, July 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=98776&z=1
Lời tòa soạn: Trong hai ngày 24 và 25 Tháng Bẩy vừa qua, ngay tại Sài Gòn, câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình và nhà xuất bản Trí Thức đã tổ chức cuộc tọa đàm nói về vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại biển Ðông. Ðinh Quang Anh Thái (ÐQAT) của nhật báo Người Việt đã điện thoại về Sài Gòn và được nói chuyện với Linh Mục Nguyễn Thái Hợp (Dòng Ða Minh), một trong những người thuộc ban tổ chức cuộc tọa đàm. Sau đây là cuộc phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Thái Hợp.

***

ÐQAT: Xin linh mục cho biết cuộc tọa đàm đã được tổ chức như thế nào?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Cuộc tọa đàm do câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức. Câu lạc bô quy tụ một số trí thức Công Giáo trực thuộc Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Cuộc tọa đàm này khá nhạy cảm, bàn về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển, nên đã được “xã hội dân sự” nói đến rất nhiều.
ÐQAT: Có tôn giáo nào khác, ngoài Công Giáo, tham dự tọa đàm không, thưa linh mục?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Cuộc tọa đàm mang tính học thuật nên quy tụ hầu hết là các học giả và các nhà nghiên cứu chứ không mang tính liên tôn hay tôn giáo.
ÐQAT: Lý do nào lần này câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình lại chọn thảo luận một đề tài mà linh mục nói là “nhạy cảm”?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Hiện nay, bên Trung Quốc người ta đã có nhiều cuộc tọa đàm nói về vấn đề biển Ðông, trong khi tại Việt Nam thì Tháng Ba, 2009, chúng ta mới có một cuộc hội nghị đầu tiên nói về biển Ðông; nhưng hội nghị này lại do một cơ quan của nhà nước tổ chức và chỉ giới hạn một số nhỏ chuyên viên và hầu như xã hội dân sự không biết gì về hội nghị này. Lần này, câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình cùng một số nhóm như nhà xuất bản Trí Thức và tạp chí Xưa và Nay đứng ra tổ chức thảo luận. Cuộc tọa đàm mang tính học thuật và nhằm phổ biến cho mọi người quan tâm đến vận mạng của dân tộc về vấn đề biển Ðông, vì đây là vấn đề lớn trong tương lai của Việt Nam.
ÐQAT: Thưa linh mục, biển Ðông là vấn đề rất nhạy cảm, nếu không muốn nói là cấm kỵ đối với nhà nước. Một số người chỉ vì nêu chủ quyền của Việt Nam trên biển Ðông mà đã bị đàn áp, bắt giam như Luật Sư Lê Công Ðịnh, anh Nguyễn Tấn Trung, vân vân; câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình có gặp phản ứng nào của nhà nước?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Anh em chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy một số đối tác của chúng tôi thoạt đầu nhận lời tham gia tổ chức, nhưng cuối cùng đã rút lui, chẳng hạn tạp chí Xưa và Nay - một tạp chí chuyên về sử học - và một số tham luận viên. Những tham luận viên này đã bị một số áp lực nên viện lý do này lý do kia để rút lui. Ngày cuối cùng của cuộc tọa đàm, tức hôm Thứ Bẩy, một người khác lại rút lui.
ÐQAT: Chúng tôi nghe nói vào giờ chót, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không xuất hiện?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Ðúng như vậy. Trong bài khai mạc cuộc tòa đàm, tôi có nêu lên những khó khăn của ban tổ chức.
ÐQAT: Dư luận trong nước có biết nhiều về cuộc tọa đàm này không, thưa ông?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Qua mạng điện toán và qua thông tin, xã hội dân sự biết khá nhiều về cuộc tọa đàm. Chính vì dư luận biết nhiều quá nên ban tổ chức đã bị nhiều áp lực và cảm thấy lo lắng hơn.
ÐQAT: Có áp lực nào đến trực tiếp từ phía an ninh?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Có chứ. Ðiều này cũng dễ hiểu vì đề tài thảo luận là vấn đề nhạy cảm đối với nhà nước. Và cũng dễ hiểu vì Việt Nam là nước nhỏ, Trung Quốc là nước lớn, nên nhà nước Việt Nam sợ áp lực của Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi chỉ giới thiệu cuộc thảo luận trong phạm vi học thuật nhằm cung cấp các bằng chứng lịch sử rằng biển Ðông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
ÐQAT: Thông điệp chính mà người tham dự tọa đàm muốn gửi cho xã hội dân sự và nhà cầm quyền là gì, thưa linh mục?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Cuộc tọa đàm đã đưa ra 5 kết luận như sau:
1. Các sử liệu và bản đồ đã có từ thời Chúa Nguyễn cho thấy chủ quyền Việt Nam tại biển Ðông, đặc biệt là tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi Trung Quốc chỉ mới nói về Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1909. Trước đó, tài liệu và bản đồ của Trung Quốc cũng công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam và nói rõ ranh giới của Trung Quốc là đến đảo Hải Nam.
2. “Vùng Lưỡi Bò” do Trung Quốc vạch ra trên bản đồ là không thể chấp nhận được, vì không kiểm chứng được bằng lịch sử và trái luật quốc tế.
3. Ðánh động dư luận của xã hội dân sự về vấn đề lớn lao và quan trọng đến tương lai của đất nước. Ðây là lúc người Việt Nam trong và ngoài nước cần phải đoàn kết để có một tiếng nói chung về vấn đề chủ quyền Việt Nam trên biển Ðông.
4. Tiếng nói của Việt Nam về biển Ðông phải mang tầm vóc quốc tế, phải được đưa ra trước các diễn đàn trên thế giới. Thế hệ trẻ trong và ngoài nước cần nghiên cứu sâu hơn về phương diện Công pháp Quốc tế, đặc biệt giới trẻ cần nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa và phổ biến những nghiên cứu đó bằng tiếng nước ngoài. Chúng ta hiện quá chậm trong việc nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Trung Quốc đã đi trước chúng ta nhiều chục năm.
5. Cần tạo sự đồng thuận với các nhà nghiên cứu Việt Nam ở hải ngoại, là những người có điều kiện dễ dàng và có nhiều nguồn tài liệu, để cùng nhau làm việc cho dân tộc.
ÐQAT: Trung Quốc hiện đang có mặt trên cao nguyên để khai thác bauxite. Có người nói rằng, “không lo sợ công an Việt Nam bằng công an Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam.” Xin thỉnh ý linh mục về mối quan ngại này?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Tin tức tôi biết được nói rằng, vùng có người Trung Quốc, họ tổ chức như là đất của họ. Và có người nói đùa với tôi, rằng tất cả những con đường và bảng chỉ dẫn trong khu vực đó đều viết bằng chữ Tầu, ngoại trừ dòng chữ viết bằng tiếng Việt là chữ “Cấm vào.”
ÐQAT: Báo chí của nhà nước có loan tin về cuộc tọa đàm không và phản ứng của nhà nước ra sao, thưa linh mục?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Hình như báo chí nhà nước không được phép loan tin. Còn phản ứng của nhà nước thì Ban Tôn Giáo thành phố Sài Gòn có mời tôi lên nói chuyện. Họ tiếp đãi cũng rất phải phép và sau đó họ có đến gặp tôi để lấy những bài tham luận được phát biểu trong cuộc tọa đàm.
ÐQAT: Xin linh mục cho biết về nhà xuất bản Trí Thức?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Nhà xuất bản Trí Thức sinh hoạt khá độc lập và được Quỹ Phan Chu Trinh tài trợ một số tiền để dịch sang tiếng Việt các tác phẩm lớn của một số tác giả ngoại quốc. Quỹ Phan Chu Trinh do cháu gái của nhà cách mạng Phan Chu Trinh là bà Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch. Bà Bình là cựu bộ trưởng ngoại giao của “Mặt Trận Giải Phóng” (sic) ngày xưa. Còn nhà xuất bản Trí Thức do Tiến Sĩ Chu Hảo - cựu thứ trưởng Bộ Công Nghệ Thông Tin - và nhà văn Nguyên Ngọc chủ trương.
ÐQAT: Bà Bình là chủ tịch Quỹ Phan Chu Trinh, tổ chức tài trợ cho nhà xuất bản Trí Thức. Hẳn bà Bình phải ủng hộ cuộc tọa đàm, thưa linh mục?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi không thể trả lời câu hỏi này được.
ÐQAT: Thưa linh mục, còn điều gì chúng tôi thiếu sót chưa kịp hỏi linh mục về cuộc tọa đàm?
Linh Mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi nghĩ là vấn đề biển Ðông trước sau cũng sẽ phải đưa ra các cuộc thảo luận của Liên Hiệp Quốc. Ðưa ra trước Hội Ðồng Bảo An thì khó vì luôn luôn bị một số quốc gia thành viên phủ quyết, cho nên anh em chúng tôi đang suy nghĩ, có lẽ nên đưa ra đại hội đồng, và như thế thì phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Nhưng những hồ sơ đã được chuẩn bị và nhân sự làm việc này thì hiện nay còn quá mỏng, quá yếu, quá ít. Chúng ta còn có thể nêu vấn đề lên các tòa án quốc tế, vì bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại biển Ðông quá rõ ràng.
Tôi nghĩ rằng, các nhà học giả Việt Nam tại hải ngoại, hãy vì tiền đồ đất nước, nghiên cứu nhiều hơn và nói cho thế giới biết vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại biển Ðông.
ÐQAT: Cám ơn linh mục đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.


Các tham luận trong Tọa Đàm Khoa Học Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam
(Tất cả đều là bản gốc)
[1]
Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây - LM Thiện Cầm.
[2]
Nỗi niềm Biển Đông - Nguyên Ngọc
[3]
Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa - Đinh Kim Phúc
[4]
Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó - TS. Phan Đăng Thanh
[5]
Thủy quân nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa theo phương cách Phương Tây - TS Nguyễn Nhã
[6]
Vai trò của Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn đồi với Hoàng Sa và Trường Sa -Nguyễn Q. Thắng
[7]
Giới thiệu một số bản đồ cổ thêm lục địa và hải đảo Việt Nam - Nguyễn Đình Đầu

No comments: