Thursday, July 23, 2009

NHỮNG MẨU CHUYỆN NGHE ĐƯỢC Ở "CỔNG THIÊN ĐƯỜNG"

Tuần kí số 13
NHỮNG MẨU CHUYỆN NGHE ĐƯỢC Ở "CỔNG THIÊN ĐƯỜNG"
Nhac si To Hai's Blog
Jul 21, '09 4:51 AM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/108
Chẳng biết khi bà Thiệu "sáng tác" ra cái bệnh viện "Vì dân" có thật để phục vụ nhân dân không chứ từ ngày "giải phóng miền Nam" bệnh viện này được đổi tên là Thống Nhất, chuyên phục vụ các quan mà hầu hết đều là các quan ..."sắp chết" . Vì ít nhất đã qua tuổi 60 mới đạt được mức lương chuyên viên để được đủ tiêu chuẩn chữa trị trong bệnh viện này. Năm 59 tuổi, tức là cách đây 23 năm, khi tớ về hưu cũng là lúc tớ cầm được cái thẻ bảo hiểm y tế của bệnh viện này. Một số văn nghệ sỹ ăn lương nhà nước cũng hân hạnh được chữa bệnh và chết ở đây Một số chưa được mức lương mà bệnh viện yêu cầu thì cười khểnh và đặt cho cái bệnh viện đó là bệnh viện "vì quan", là "cổng thiên đàng" . Và sau này, khi các bác sỹ tài danh đều vượt biên, về hưu, bỏ ra làm bệnh viện tư thì nó xuống cấp đến nỗi nó mang cái tên:"Cửa địa ngục-" nơi nhận một bịch thuốc nội gần giống nhau rồi..... về.... ! Của đáng tội. Tớ bảo đảm rằng nơi này là một nơi có y đức cao nhất nước . Hầu hết các "cháu bác sỹ" khó có thể hư được với mấy ông cán bộ già vì :
1) Mấy anh về hưu già hầu hết đều chẳng bao giờ chịu xì ra một cái phong bì nào
2) Cán bộ lương cao bằng lương bọn tớ bây giờ quá nhiều và tòan trẻ măng. Giám đốc giám điếc, giáo sư, giáo siết, tiến sỹ, tiến siết đều lúc nha lúc nhúc vào cái nơi tưởng rằng "ưu tiên này".
3) Số lượng người đến khám bệnh ngày càng nhiều. Trung bình mỗi "cháu bác sỹ" nếu khám tử tế như ở một bệnh viện tư thì chắc chắn không thể nào đủ thời gian dù chỉ dành cho mỗi cụ bệnh nhân 10 phút

Năm vừa qua là năm tồi tệ nhất của tớ vì phải bước chân tới cửa thiên đàng tới năm bảy lần trong đó có hai lần qua hẳn cửa nằm ở các khoa... chờ chết. Ấy vậy mà, cho tới hôm nay (21/7/2009). Tớ lại vừa rút lui khỏi cổng thiên đàng...một lần nữa nhưng trong lòng thấy lóe lên chút niềm vui. Số là:
Mỗi lần nhập viện, dù hôn mê phải thở oxy, phải tiếp nước hoặc lấy thuốc về nhà đều có dịp trực tiếp với những quan điểm của những người chẳng còn khát vọng, hòai bão gì nên hầu hết đều nói thẳng nói thật. Té ra SỰ THẬT viết hoa ở nơi bệnh viện Thống nhất này ngày càng đựoc tô thêm rõ nét.

Ngày 17 vừa qua, huyết áp tớ lên 153, đầu đau như búa bổ, không ăn uống được bất cứ thứ gì. Sau mấy lần cự tuyệt đi bệnh viện, bị áp lực của vợ con, bạn bè tớ đành chịu cưỡng chế lên taxi đến cổng thiên đàng Thống Nhất.....
Mới có 8h mà các cụ bệnh nhân đã đông như một góc chợ Bến Thành. Sau khi lấy được số ở phòng chờ thứ nhất. Gọi số xong, trình thẻ bảo hiểm y tế và sổ y bạ, khai bệnh xong thì được hướng dẫn đến phòng chờ số 2. Xếp sổ y bạ xong thì chờ bác sỹ gọi vào khám . Trở ra phòng chờ để lấy kết luận của bác sỹ sẽ phải đi mấy phòng chờ nữa nếu cần (thử máu, siêu âm, đo điện tâm đồ, chiếu X quang,... nghĩa là 7,8 phòng chờ). Sau hai phút sờ sờ nắn nắn của bác sỹ và kết thúc ở phòng chờ phát thuốc thì tổng số thời gian chờ có người nói rằng gấp 100 lần thời gian khám bệnh.
Cái sự chờ này đối với mấy ông già tuy có mệt thật nhưng chính lại là nơi mà dù chẳng quen nhau cũng có dịp để thổ lộ nỗi lòng, phát huy tự do tư tưởng, thậm chí chửi đổng vài câu cho đỡ bức xúc cái tâm hồn. Lần này cũng vậy, kiếm mãi mới ra một chỗ ngồi bên cạnh một cặp vợ chồng già mà tớ chẳng hề quen thuộc. Hai ông bà chia nhau một tờ báo, ngồi đọc để giết thì giờ, đang có vẻ chăm chú nghiên cứu tình hình đất nước. Bỗng ông chồng buông thõng một câu :
- Thế là lại chìm xuồng
Bà vợ:
-Chìm cái xuồng nào?
- Cái xuồng PMU18 chứ gì nữa. Đây này! Cái thằng Dũng con chết mẹ nó trong nhà giam rồi. Lấy ai mà xử tội bây giờ khi thằng Dũng bố đã được phục hồi Đảng tịch ra khỏi tù và "phản công " lại tất cả những ai ghép tội hắn. Đưa đến cả một ông tướng công an và 2 nhà báo ra tòa thay hắn ta.
- Lại có chuyện diệt khẩu đây rồi !
Tớ ngứa miệng bèn đế vào một câu vu vơ:
- Cứ ai thấy nhà thằng này có tang lễ, đưa ma đàng hoàng thì tôi mới tin là báo nói thiệt, Trắng, đen, sống, chết, công, tội thời này tôi chả tin những gì báo đưa tin cả.
Ong gia vừa buông hai tiếng "Đúng thế" thi...lạnh lùng tiếng loa phát ra "134 đến cửa 2" Thế là như trúng số, ông vội vã gấp báo lập cập đứng lên :"Có tôi" ....Và câu chuyện thời cuộc bị cắt ngang khi bà dìu ông đến cửa số 2 trình diện! Tớ đang tiếc ngẩn tiếc ngơ vì ít khi gặp được các loại xưa nay hiếm này thì.... hai ông cụ khác đã tiếp thu ngay hai chiếc ghế trống , tướng tá có vẻ nhà binh về vườn, mỗi ông cũng cầm theo một tờ báo.
Hình như hai cụ đang gay gắt tranh luận sẵn từ trước nên vừa ngồi xuống là đã tiếp tục nhập đề.
Cụ A: Lần này ta đã lên tiếng kiên quyết ra phết rồi còn gì nữa. Định liều mạng đánh nhau với NÓ à?
Cụ B: Phải kiện chúng nó ra tòa án quốc tế chứ! Biển trời của mình mà nó bắt người của mình lại còn đòi nộp tiền phạt mới nhục chứ
Cụ A: Trước sau rồi cũng phải nộp, chỉ có điều dân nộp hay nhà nước nộp mà thôi
Cụ B: Cống nộp đã bao đời rồi nhưng chưa bao giờ thấy khốn nạn như ngày nay

Giữa lúc đó một cụ được gọi tên vào khám bệnh. Cụ đứng dậy, miệng lẩm bẩm: "ĐM nó! Lúc này mà ông còn ở quân đội, ông chẳng chịu đâu!"
Tớ nhân thể kích cầu một câu: Thế hai bác cũng ở quân đội về cả hả.
Được dịp cụ còn lại vội vàng giải bầy tâm sự: "Lão ta và tôi đều cùng sư đòan 325, đi B, đánh Đông dẹp Bắc, huân chương đầy ngực, vậy mà nay , trước cảnh tổ quốc bị bọn bành trướng nó gặm nhấm dần mà chẳng làm gì được. Gặp nhau trước cổng thiên đường, chạm tới các vấn đề thời sự chỉ thấy buồn thúi ruột. Khí thế "bộ đội cụ Hồ"ngày xưa giờ còn đâu nữa!"
Tớ vội tranh thủ hâm lại khí thế cho các cụ bằng một câu "kích cầu" nữa: "Ít nhất thì các cụ cũng còn biết tức giận và buồn bực trước hiện tượng cay đắng của đất nước hôm nay, tôi cũng như các cụ, là dân lính cụ Hồ xưa đều thấy uất hận mà đành chịu. Chẳng hiểu mấy trăm ông tướng và hàng vạn quân họ nghĩ gì nhỉ?"...
Chưa kịp nói tiếp thì cụ cựu sư trưởng phát ra một câu mà nghe xong tớ thật bất ngờ : "Nghĩ với chẳng ngợi gì, lính tráng thời nay,!chiến tranh không nổ ra với bất cứ ai là yên chí với con đường tiến thân vùn vụt. Lính 18 tháng trở về, quan cứ 3 năm lên một bậc. Tướng nhiều như lợn con. Họ chỉ mong đường lối ngoại giao mềm "dẻo" là bảo tòan được tính mạng. Với họ, tất cả đã có người nghĩ hộ rồi. Họ đâu có phải nhiều băn khoăn thắc mắc như lớp "cựu chiế n binh" như chúng mình!.."

Giữa lúc ấy, bà xã tớ nhận được giấy đưa tớ đi xét nghiệm máu,.Vừa tới nơi chờ gọi tên thì chạm trán ngay một cuộc đối đầu khá gay cấn giữa một cặp vợ chồng, bà vợ thì cứ chạy theo van lơn:
- "Thôi mà! Ông cố chờ thêm dăm bảy phút nữa. Cứ sùng sục lên như thế thì có lợi gì".
Ông chồng :
- " Khám bệnh khám biếc cái con mẹ gì mà chờ cả tiếng chẳng đến lượt, thôi thôi đi về".
Tớ định thần nhìn lại thì té ra vợ chồng một nhà văn tuy không nổi tiếng lắm nhưng cũng có dăm bảy bài báo, vài ba chuyện ngắn được đăng trên các báo của nhà nước. mà khi còn làm việc cho nhà nước tớ đã quen sơ sơ. Thấy vợ chồng tớ, 2 ông bà bỗng dịu hẳn xuống và cả bốn đều ngồi xuống một chiếc ghế đá. ....rồi "Bộc lộ tư tưởng", cùng nhau để giết thời giờ,.
Ông chồng:
- "Lên mạng dạo này thấy ông viết lách mạnh quá đấy. Lại nghe có hồi kí hồi kiếc gì nữa, có bản nào cho tôi xin một bản".
Tớ hơi...sợ tí chút vì thấy ông ta cứ bô lô ba la như chỗ không người vội giải thích:
- " Đâu có! đâu có Tôi nào nhìn thấy mặt mũi nó như thế nào đâu. Vả lại có gửi cho tôi, tôi cũng chẳng dám nhận . Cái tội "làm ra,tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước " đang sắp sửa chụp lên đầu tôi rồi đấy! Ông nói nhỏ cho tí chút!”
Nào ngờ ông ta lại lên giọng, to hơn:
- "Sợ cái đéch gì cơ chứ! Ai thèm bỏ tù cái thằng già 83 vừa chống gậy vừa vin vai vợ mới bước nổi đến cái "cổng địa ngục "này !
Bà vợ:
- "Khổ thân ông ấy, về hưu 2 năm nay , bỏ chức tổng giám đốc trở thành "tổng nhàn rỗi" nên ông ấy chỉ suốt ngày cắm cúi với cái computer tưởng sẽ giải trí được lúc cuối đời. Ai ngờ càng mê lên mạng thì lắm lúc ông ấy suýt mất mạng. Có những chuyện ông ấy đọc xong một tin gì đó thì bỗng dưng nổi khùng lên rồi tăng xông lên vùn vụt. Thần kinh đang có vấn đề...chẳng biết cãi nhau với ai,nổi khùng với ai ,ông ấy chỉ biết cãi nhau với.....cái Tivi. Có lần vừa nghe một cái tin ông không vừa ý ,ông tắt máy cái phụt rồi bỏ đi , kèm theo những câu chửi rủa mà chẳng ai nghe cả.. ngòai tôi!" cả.
- Sống cứ như bà mà cũng đòi viết văn viết báo!
- Biết lắm chỉ khổ, tôi chẳng cần biết ai là chủ tịch nước, ai là thủ tướng. Thằng nào cũng giống thằng nào thôi! Biết chỉ thêm đau đầu, không làm được, không viết được như ông Nguyễn Khải, chẳng cần phải đi tìm cái tôi nó mất hay nó còn bao giờ,? ở đâu.? Ấy vậy mà, tôi vẫn cứ viết được.
- Đấy ông Tô Hải xem, nhà văn mà ăn nói như thế đấy! "Đi tìm cái tôi đã mất" của Nguyễn Khải hay như thế mà bà ấy lại nói rằng viết để làm gì trong khi sống thì chẳng dám viết. Nói như bà thì đúng là không còn tư cách gì để cầm bút nữa. Thôi tôi đếch khám bệnh khám biếc gì nữa
Và cứ thế ông vùng vằng đi về chẳng cần thèm chào hỏi gì hai vợ chồng tớ nữa
Bà xã tớ hỏi nữ nhà văn (xin phép cho tớ được giấu tên): Chạy theo ông ấy đi, giữ ông ấy lại.
Nhưng muộn quá mất rồi, ông thì hầm hầm ra đi không quay đầu trở lại, bà thì :"mặc kệ ông ấy,! cho ông ấy đi xe ôm về. "Lần sau, tôi chả dại gì mà đưa ông ấy đi khám bệnh nữa"

Thế đấy, chỉ ở cái cổng thiên đường này mà tớ đã thấy được cái "quan trí " của dân tộc ta nó bi-đát- đờ- xút đến chừng nào. Tuy nhiên, tớ cũng thấy được le lói những niềm vui vì chính ở cái nơi mà hầu hết những con người đã không còn nhiều hòai bão, nhiều manh mún, mưu ma chước quỷ , kiếm chác, tranh giành những con người đã qua nhiều phen đấu tranh giữa cái sống và cái chết, và khi cổng thiên đường đã sẵn sàng chào đón các cụ U70, U80, U90 ra đi trong trật tự khỏi kẹt xe, ket lô cốt bằng những con số điểm danh, bằng những phòng chờ khá tươm tất thì chính là lúc những lời ăn tiếng nói thiệt thà nhất, thậm chí bất cần đời được phát ngôn thỏai mái chẳng sợ ai ghép vào các tội "mất lập trường", "bị bọn xấu kích động"hoặc "âm mưu lật đổ chính phủ" nữa

Ai không tin cứ đến bệnh viện Vì dân (tức Thống Nhất- tức Cổng thiên đường), giả vờ là bệnh nhân ngồi ở mấy phòng chờ thì khắc biết. Tớ không hề phịa./.



No comments: