Tuesday, July 28, 2009

VIỆT NAM ĐÃ HỨA HẸN ĐIỀU GÌ VỚI TRUNG QUỐC


Vấn đề Biển Đông: Việt Nam đã hứa hẹn điều gì với Trung Quốc? Hệ quả và trách nhiệm
Trương Nhân Tuấn
28/07/2009 12:52 chiều
http://www.talawas.org/?p=8161

Trong
bài phỏng vấn ông Dương Danh Dy của RFA «Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?», ký giả Mặc Lâm đặt câu hỏi, ông Dương Danh Dy trả lời, nội dung phần trả lời có vài điều đáng chú ý như sau:
Mặc Lâm: Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?
Ông Dương Danh Dy: Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.
Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.
Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy.
Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.

Như thế những hứa hẹn của Đảng CSVN về Biển Đông với Trung Quốc không còn là đồn đại hay nghi vấn. Ông Dy là viên chức cao cấp ngành ngoại giao của chế độ, theo giới thiệu của RFA, ông Dy là «một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc». Ông Dy có đầy đủ tư cách của nhân chứng. Lời nói của ông Dy khả tín: Đảng CSVN có một số điều hứa về Biển Đông với Trung Quốc.

Điều đáng tiếc, ký giả Mặc Lâm đã không hỏi tới để biết «các điều hứa» đó là các điều gì? Ông Dương Danh Dy đã nói rằng ông «biết rất rõ» các điều hứa đó. Biết rất rõ, nếu hỏi thì sẽ nói thôi!
Về những trường hợp mất đất trên đường biên giới, ông Dy cũng đã nói một cách rất rõ ràng: mất đất cho Trung Quốc là việc có thật. Ông có kể trường hợp ông là người đi giám sát một địa điểm trên biên giới và xác nhận có mất đất. Có thể ông Dương Danh Dy còn biết các địa điểm khác mà đất của Việt Nam bị mất cho Trung Quốc?
Cũng vậy, ký giả Mặc Lâm đã không hỏi tiếp ông Dy để biết vùng đất bị mất đó ở đâu? Mất chính xác là năm nào? Còn các vùng đất nào khác không? Nếu còn thì các vùng đó ở đâu?
Nói theo ngôn ngữ bình dân thì ông Dy đã «đưa banh» vào chân ký giả Mặc Lâm, nhưng ông này không «sút» vào lưới. Có lẽ do vấn đề kỹ thuật, phỏng vấn trên một «plan» có sẵn nên không đặt những câu hỏi ngoài lề. Những gút mắt về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam và Trung Quốc đã có thể bạch hóa nếu ký giả đặt thêm vài câu hỏi phụ.
Ký giả Mặc Lâm xem ra mắc nợ với độc giả RFA, mà tôi là một, một buổi phỏng vấn bổ túc ông Dương Danh Dy để khai thông các điều đáng lẽ ông Dy có thể nói. Xin cám ơn trước ký giả Mặc Lâm.
Một ý kiến của ông Dương Danh Dy có thể gây tranh luận trong giới học giả Việt Nam, về các lời hứa với Trung Quốc về Biển Đông, ông nói rằng: «Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi».
«Chuyện lịch sử» là chuyện thế nào? Phải chăng những người hứa hẹn đã không còn nữa?

Cá nhân tôi nghĩ rằng vấn đề không đơn giản như thế. Có nhiều việc cần phải soi sáng. Thí dụ: nội dung các hứa hẹn đó là thế nào? Hình thức ra sao (thỏa ước mật, công hàm xác nhận hay một hình thức giao kèo nào đó…) giữa lãnh đạo Đảng CSVN với lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc hay là giữa đại diện quốc gia với đại diện quốc gia? Tùy theo hình thức của các hứa hẹn mà hiệu lực của chúng có ràng buộc hay không.
Tôi không nghĩ về chuyện «kết tội ai» mà ông Dy đã nói ra. Không ai có thể lấy tư cách cá nhân để luận tội ai. Đây là lãnh vực của pháp lý và lịch sử. Điều quan trọng, theo tôi, là hiệu lực pháp lý của các «hứa hẹn» đó sẽ thể hiện như thế nào? Các hứa hẹn này có (còn) ràng buộc quốc gia Việt Nam hay không? Việc bạch hóa do đó trở thành việc cấp bách. Chúng ta phải biết rõ hình thức và nội dung của các hứa hẹn này thì mới có thể có một thái độ tương ứng.

Về trách nhiệm pháp lý, e là việc này chỉ xảy ra ở một đất nước có một nền pháp lý vững chắc. Hiện nay luật gia Cù Hà Huy Vũ đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không biết tòa án nào có thẩm quyền. Vấn đề «trách nhiệm pháp lý» do đó sẽ không có hy vọng gì được thiết lập trong tương lai gần.
Về trách nhiệm lịch sử của các «nhân vật lịch sử» là công việc của sử gia. Tôi không dám nhân danh «sử gia» để làm việc này. Ở đây chỉ xin đưa ra một vài dữ kiện liên quan và đưa ra kết luận chủ quan của mình. Mọi người đọc và tự có kết luận.

Theo các tài liệu do chính Đảng CSVN công bố, từ năm 1954, đã rất nhiều lần Trung Quốc lấn đất của Việt Nam. Nhà nước CSVN đã xuất bản cả cuốn sách để nói đến việc này, như cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do NXB Sự Thật in năm 1979. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe các lãnh đạo của Đảng CSVN lên tiếng bình luận về việc này. Chỉ đến năm 1979, tức lúc bắt đầu có xung đột với Trung Quốc, thì chúng ta mới thấy rải rác một số tài liệu xuất hiện, tố cáo Trung Quốc chiếm đất, chiếm đảo của Việt Nam, cuốn sách dẫn trên là một thí dụ. Nếu không có xung đột 1979, chắc chắn công chúng sẽ không bao giờ nghe nói đến việc việc mất đất.
Nhưng những phản đối của nhà nước CSVN từ 1979 đến nay cho thấy không có hiệu quả gì. Hiệp ước về biên giới trên đất liền ký năm 1999 là bằng chứng cụ thể.

Theo tài liệu đã dẫn trên, biên giới vùng Nam Quan đã thay đổi từ năm 1955. Cột mốc 18 xác định biên giới tại Nam Quan đã bị phía Trung Quốc «ủi nát» và lấn về Việt Nam trên 400 m. Ðoạn nối đường rầy cũng bị Trung Quốc lấn 300 m. Thác Bản Giốc, đất vùng Trình Tường thuộc Hải Ninh, Trà Lĩnh, Bảo Lạc thuộc Cao Bằng, đất xã Bảo Lâm thuộc Lạng Sơn, nhiều khu vực mỏ quan trọng trên vùng biên giới v.v… cũng bị bị mất từ thập niên 1950. Riêng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhà nước CSVN, qua Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958.

Những phản đối của nhà nước CSVN từ năm 1979 đã không thành công đòi lại lãnh thổ bị mất. Hiệp ước đã ký năm 1999 thực ra chỉ nhằm hợp thức hóa những vùng đất đã bị Trung Quốc chiếm. Các tuyên bố của quí ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng… trong thời gian qua cho ta thấy điều đó. Nam Quan, Bản Giốc v.v…
Phải chăng đây là hậu quả của các hứa hẹn, như ông Dương Danh Dy đã nói, ghi lại ở trên?

Những vùng đất chúng ta biết bị mất cho Trung Quốc có lẽ chỉ là phần nổi của một băng đảo. Khi các bản đồ của Hiệp ước 1999 được công bố, ta sẽ thấy có thêm bao nhiêu đất bị mất.

Về «trách nhiệm», ai là người có trách nhiệm trong việc để mất đất này?

Những vụ mất đất và có thể cả mất hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa cùng với vùng biển của chúng đã xảy ra dưới thời ông Hồ Chí Minh. Chắc chắn ông Hồ có tránh nhiệm phần lớn. Bây giờ ông Hồ đã mất. Trách nhiệm đó gọi là trách nhiệm lịch sử.

Về Biển Đông, ông Dương Danh Dy đã nói rất rõ: «Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.»
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một trong những điều hứa.

© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog


Phản hồi

Nguyễn Quang Duy nói:
28/07/2009 lúc 3:38 chiều
Kính hai ông Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy,
Tôi đã đọc bài phỏng vấn ông Dương Danh Dy của RFA và đã sử dụng cho một bài viết sắp tới nên rất cám ơn ông Trương Nhân Tuấn đã nêu lên những câu hỏi trong bài.
Vì ông Dương Danh Dy một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc (từ năm 1962). Các hồi ức của ông sẽ đóng góp rất nhiều cho việc viết lại lịch sử và là bài học cho các thế hệ đi sau.
Khi đọc bài phỏng vấn tôi tự liên tưởng đến một quan hệ gì đó giữa hai ông Dương Danh Dy và Dương Danh Huy. Nếu đúng như thế rất mong ông Dương Danh Huy giúp hay ông Dương Danh Dy trực tiếp và tiếp tục cung cấp những dữ kiện lịch sử. Hết sức cám ơn.
KínhNguyễn Quang Duy

-----------------------------------------------------

Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2009-07-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html
Mới đây, Trung Quốc đã mạnh mẽ chống lại việc Hà Nội đệ trình bản đăng ký thềm lục địa mở rộng tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 tháng 5 vừa qua và động thái này ngay sau đó đã bị Việt Nam phản bác.

Thủ tướng VN Nguyễn Tân Dũng gặp gỡ Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo hôm 17-4-2009, nhân chuyến sang Trung Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao. AFP PHOTO/Frederic J. Brown
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/about-china-increasing-regional-influence-and-invasion-of-Vietnam-TQuang-04232009145046.html/NguyenTanDung-WenJiabao-305.jpg

Hà Nội cũng vừa công khai đặt mua một số tàu ngầm tối tân của Nga với số tiền bằng phân nửa ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam.
Điều gì đang xảy ra giữa bang giao Trung -Việt khi chỉ cách đây ít lâu Việt Nam vẫn còn rất dè dặt khi nói đến vấn đề nhạy cảm này? Mặc Lâm phỏng vấn ông Dương Danh Dy một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc để biết thêm những kinh nghiệm mà nhà ngoại giao này có được.

Bối cảnh
Mặc Lâm: Thưa ông vào ngày 7 tháng 5 vừa qua Việt Nam đã đăng ký thềm lục địa mở rộng dù biết rằng Trung Quốc sẽ chống đối. Xin ông cho biết việc làm này có ý nghĩa như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Ông Dương Danh Dy: Ta báo trước cho Trung Quốc biết đấy. Tôi nói cho các anh biết là tôi sẽ đăng ký cái này dù các anh có phản đối. Tức là tôi qua đó để nói với anh rằng thái độ của chúng ta, những nhà lãnh đạo của chúng ta bây giờ cũng là cương quyết rồi. Chúng ta có thể nói là những vấn đề lớn, những vấn đề nguyên tắc là chúng ta không lùi.
Mặc Lâm: Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngoại giao ông đã tiếp cận khá nhiều với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về cách mà nước này đối phó với Việt Nam trong những năm qua?
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi, vấn đề của ta với Trung Quốc, ngoài những vấn đề bauxite ở trên lục địa thì bây giờ vấn đề Biển Đông nó nổi lên thành một vấn đề có thể nói là nhạy cảm, gay gắt và nó thể hiện rõ cái quan hệ hai nước ấm lạnh như thế nào là cũng qua đây nó thể hiện đấy.
Nhưng trong vấn đề này thì tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ta bây giờ không thể, nhưng mà muốn giải quyết vấn đề này (thì) không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc. Sức mạnh dân tộc đây tôi nói là cả trong và ngoài nước chứ không phải là chỉ có trong nước đâu.
Ngoài nước cũng là sức mạnh rất đáng kể mà trước đây tôi đã rất chú ý vấn đề này nhưng mà gần đây thì người trong nước mới chú ý đến họ.
Thế thì đấy là sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại. Sức mạnh của thời đại đây tức là cái công khai hoá, cái quốc tế hoá, cái đa phương hoá để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của những người đồng tình với chúng ta.
Mặc Lâm: Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?
Ông Dương Danh Dy: Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.
Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.
Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy.
Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.

Sức mạnh dân tộc
Mặc Lâm: Mới đây thì Việt Nam đã chính thức đặt hàng mua một số tiềm thủy đỉnh tối tân của Nga. Ông nhận định việc này ra sao?
Ông Dương Danh Dy: Phông phải bây giờ mới là lần đầu. Ta có tên lửa, ta có máy bay tầm xa, ta có tàu ngầm bỏ túi, trước những cái này rồi. Tôi nói thật báo chí Trung Quốc họ công khai rồi, các anh không có đọc nên không biết đó thôi.
Báo chí Trung Quốc đánh giá lực lượng mình, cho điểm rất kỹ : máy báy SU-30, SU-37 của Nga thế nào, tàu ngầm bỏ túi của Triều Tiên như thế nào, họ biết cả đấy. Tên lửa tầm gần, tầm trung của ta như thế nào, họ biết cả đấy chứ không phải không đâu.
Thế thì bây giờ cái chuyện chúng ta mua 6 tàu ngầm của Nga, như vậy đó là nằm trong kế hoạch. Chúng ta thì không chạy đua vũ trang nhưng mà chúng phải có cái bảo vệ mình. Anh không còn lùi được nữa.
Trên bộ xong rồi thì bây giờ trên biển đấy. Trên bộ thì họ còn cái bauxite, họ cắm cái dao găm vào đấy. Nhưng mà cái đó các anh bên ngoài theo dõi cũng thấy. Nhân dân mình cảnh giác, người già cảnh giác, trẻ cảnh giác, cũng là một mặt nhưng mà không đáng ngại, nhưng còn cái biển thì bây giờ cái vấn đề nó nóng bỏng rồi, không lui được nữa rồi, chỉ có cách bây giờ mình giải quyết như thế nào?
Theo tinh thần của cha ông mình, khôn ngoan khéo léo dựa vào sức mạnh của ta, sức mạnh trong nước, sức mạnh ngoài nước, sức mạnh của thế giới, sức mạnh của dư luận tiến bộ, vân vân.
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng động thái mua võ khí tối tân của Việt Nam có làm cho Trung Quốc đi đến những quyết định quân sự mà từ lâu họ vẫn âm thầm chờ đợi hay không?
Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng trong lúc này phía Trung Quốc họ chưa làm được cái gì lớn đâu. Cho đến tháng 10 sang năm Trung Quốc tổ chức triển lãm quốc tế ở Thượng Hải, cho nên trong giai đoạn này thì Trung Quốc chưa dám làm điều gì lớn ở Biển Đông đâu.
Nhưng mà sau thời điểm 2010 trở đi thì chưa biết họ làm cái gì đâu. Họ kinh khủng lắm chứ. Không phải là đùa với người láng giềng này được đâu.

Ứng phó với Bắc Kinh?
Mặc Lâm:
Trong khi làm việc với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về những chiến lược của họ đối với vấn đề biên giới hai nước? Đặc biệt là biên giới trên bộ?
Ông Dương Danh Dy: Trong cái chuyện Biển Đông bây giờ thì nó lại còn gay gắt hơn trên bộ bởi vì rõ ràng là trong cái chuyện này thì đây là một cuộc đối đầu không cân sức. Trung Quốc mạnh hơn ta rất nhiều. Thế thì mình bây giờ phải có biện pháp khôn ngoan làm thế nào để mình giữ vững được. Chúng ta cũng phải xem lại, xem mình như trước đây chủ trương công khai như vậy đã đúng chưa?
Theo tôi nghĩ bây giờ đương giai đoạn nung nấu. Vấn đề này hiện nay đã trở thành vấn đề thời sự trong nước. Bây giờ ở trong nước tôi biết là ta tìm được quả ấn chứng tỏ rằng ngày xưa đất của chúng ta ở gần Bằng Tường, cách biên giới bây giờ khoảng hai chục cây số, tức là các cụ nhà mình cũng mất đất cho Trung Quốc, cho nên những người bên ngoài cứ bảo rằng chúng tôi là hèn, chúng tôi bán nước, chúng tôi không có cái chuyện đó đâu.
Chúng tôi đấu với họ (Trung Quốc) cũng căng lắm chứ, nhưng mà trong cái tương quan lực lượng, nhất là biên giới trên bộ, anh nào yếu hơn, anh nào khôn hơn, lọc lõi hơn, mình thì yếu hơn lại có những lúc dại khờ, có những lúc cả tin, tất nhiên cái chuyện thua thiệt là cái điều khó tránh khỏi. Khó chứ không phải dễ tránh nổi lịch sử đâu!
Mặc Lâm: Và cuối cùng xin ông một kết luận về những điều mà ông cho là quan trọng nhất để người Việt chúng ta dè chừng và đối phó với họ?
Ông Dương Danh Dy: Tôi làm việc với Trung Quốc suốt từ năm 1962 đến năm nay về hưu rồi nhưng mà vẫn cứ tiếp xúc với những người làm với Trung Quốc là cái anh láng giềng nó to, nó khoẻ, nó lại tham, nó lại xấu tính.
Mệt lắm. Lúc hữu nghị mình tưởng nó hữu nghị nó giúp mình hết sức, nhưng mà nó cũng luôn luôn tìm cách nó thọc gậy. Tất nhiên là những cái giúp đỡ của họ với mình thì mình không bao giờ quên. Nó to lớn lắm! Nhưng mà ngay trong những lúc họ giúp đỡ mình to lớn nhất họ vẫn có ý đồ. Có, mà lúc đầu mình không để ý.
Cho nên trong cái buổi phát biểu gần đây tôi có nói như thế này: "Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang cái lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những cái nhược điểm đó".
Mặc Lâm: Thưa, một lần nữa xin cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn rất đặc biệt này.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: