Friday, July 24, 2009

MỎ BÔ-XÍT ĐANG GÂY BỨC XÚC TẠI VIỆT NAM


La Croix
Tại Việt Nam, mỏ bô-xít đang gây bức xúc
Au Vietnam, une mine de bauxite draine toutes les colères
Dorian MALOVIC
http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=2385408&rubId=4077

Tuyết Đan phỏng dịch
Cập nhật ngày: 24/07/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8763

Bao nhiêu phản đối đang chồng chất chống lại chế độ cộng sản vì các dự án khai thác quặng mỏ ký kết với Trung Quốc.
Cuộc chống đối đã trở thành toàn diện.Từ nhiều tháng nay, các nhà trí thức, các khoa học gia, các quân nhân và cả những vị tu sĩ lãnh đạo Công Giáo đã tố cáo "sự vô trách nhiệm của chế độ" trong một loạt những dự án đại công trình khai thác quặng bô-xít trên vùng Cao nguyên Miền Trung. Nếu lý do bảo vệ môi sinh được nêu lên hàng đầu thì "sự chiếm cứ của Bắc Kinh trên nóc Đông Dương" mới là nguyên nhân sâu xa của sự bức xúc.
Người cuối cùng đã xông lên hàng đầu là tướng Võ nguyên Giáp, 98 tuổi, từng được coi là anh hùng cách mạng và quân sự bậc nhất của đất nước, là đồng chí hiện còn sống của Hồ Chí minh, cha đẻ của chế độ. Với "sự ảnh hưởng trên mặt quốc gia và môi trường sinh thái, (...) lãnh đạo đã vấp phạm sai lầm rất lớn", người thắng trận Điện Biên Phủ đã viết tại một trong 3 bức thư gửi cho những quan chức lãnh đạo đảng cộng sản.

Một trong những nước sản xuất chính trên thế giới
Quyền khai thác mỏ bô-xít, quặng mỏ để chế tạo nhôm, đã được ký kết vào năm 2007 với đại công ty Trung Quốc Chinalco. Mỏ này có thể sản xuất hơn 1,2 triệu tấn nhôm mỗi năm và sẽ khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất nhôm chính trên thế giới. Chỉ có điều là việc khai thác lộ thiên và việc chế biến quặng mỏ sẽ gây ra những tổn hại to lớn về môi trường sinh thái, đã bị Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn tố giác hồi tháng 5 vừa qua.
"Môi trường tự nhiên là một quà tặng của Tạo Hóa mà tất cả chúng ta phải chia xẻ, nhưng nhất là chúng ta phải bảo quản cho các thế hệ mai sau, vị Hồng Y đã nhấn mạnh trong một bức Thư Mục Vụ. Bảo vệ môi trường là bổn phận của người kitô hữu". Theo nhân vật rất khả kính này, "các kỹ nghệ gia chỉ nhìn thấy lợi ích của một thiểu số và những chính sách này chỉ mang đến sự hỗn loạn".

Một Đợt Bắt Bớ
Nếu Đức Hồng Y Mẫn tránh không đưa ra những luận cứ mang tính quốc gia để giữ vai trò "lương tâm đạo lý", có các linh mục ở Hà Nội đã bị bắt vì đã lấy thái độ phản đối mạnh mẽ, bị chế độ cho là "điên khùng" và "ngu dốt". Cùng một phương thức đó, nhiều luật gia, —mà người nổi tiếng nhất là Lê Công Định, vẫn còn bị giam giữ—, đã bị tố cáo là có âm mưu "lật đổ chế độ" bằng cách đặt lại vấn đề các dự án quặng mỏ của chính phủ. Hồi đầu tháng 7, một blogger, kỹ sư điện toán được đào tạo tại Pháp, Nguyễn Tiến Trung, và cựu trung tá Trần Anh Kim, cũng đã bị bắt.
Đối mặt với một chế độ luôn duy trì một màn hỏa mù về những quyết định chính trị và kinh tế, và một nỗi bức xúc ngày càng lớn mạnh của nhân dân trước những quan chức tham nhũng, xã hội dân sự chỉ có thể phản kháng với những phương tiện hạn chế. Chưa phải là muốn lật đổ chế độ, những nhà đối kháng này chỉ mong trước hết là tố giác một sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trên nền kinh tế Việt Nam và mở cửa cho một thế hệ những quan chức bớt tham nhũng hơn. Trước những phản đối này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ thị một cuộc nghiên cứu môi trường trong dự án quặng mỏ.

No comments: