Tuesday, June 25, 2024

VIỆT NAM VÀ CUỘC ĐUA VÀO VỊ TRÍ THẨM PHÁN TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa tạp chí)

 



Việt Nam và cuộc đua vào vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển

Nguyễn Quốc Tấn Trung  |  Luật Khoa tạp chí

JUNE 25 202410:30 AM 

https://www.luatkhoa.com/2024/06/viet-nam-va-cuoc-dua-vao-vi-tri-tham-phan-toa-an-quoc-te-ve-luat-bien/

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/International-Tribunal-for-the-Law-of-the-Sea-.jpg

Nguồn: Website của Tòa án Quốc tế về Luật Biển.

 

Vào ngày 14/6/2024, chính phủ Việt Nam chính thức công bố việc họ đề cử Giáo sư Nguyễn Thị Lan Anh, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho vị trí thẩm phán thuộc Tòa án Luật biển về Quốc tế, nhiệm kỳ 2026 - 2035. [1] Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ứng cử cho vị trí này, qua đó cho thấy chính phủ Việt Nam đã phần nào có bước chuẩn bị về mặt vận động và tự tin về uy tín của Giáo sư Nguyễn Thị Lan Anh đối với cộng đồng học giả quốc tế.

 

Tuy nhiên, có lẽ quy trình, cơ chế bầu chọn, tình hình cơ cấu hiện tại, mục tiêu và vai trò của Tòa án Quốc tế về Luật biển, v.v còn là những vấn đề lạ lẫm với độc giả trong nước. Do đó, với bài viết này, tác giả cố gắng tổng hợp các thông tin liên quan nội dung nêu trên một cách cơ bản nhất, đồng thời đưa ra một số quan sát, bình luận nếu có.

 

 

Vị trí thể chế của Tòa án Quốc tế về Luật biển 

 

Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea - ITLOS - “Tòa ITLOS”) là cơ quan tài phán chính thức, thường trực, được hình thành bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS - “Công ước UNCLOS”).

 

Nói cách khác, cũng giống như hầu hết các cơ quan tài phán quốc tế khác, với trường hợp ngoại lệ duy nhất là Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice), thì Tòa ITLOS không thể được xem là một cơ quan tài phán phổ quát, hay “tòa án thế giới”.

 

Thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh và số lượng thành viên chấp nhận vai trò của ITLOS giới hạn trong các quy định cũng như số lượng thành viên của UNCLOS. Tuy nhiên, cũng đã có tới 169 vùng lãnh thổ, quốc gia tham gia UNCLOS (trên tổng số 193 quốc gia), tức tầm bao phủ của ITLOS cũng rất rộng. 

 

Về tính chuyên biệt/chuyên môn, có thể nói Tòa ITLOS là cơ quan tài phán trọng yếu về các vấn đề luật biển. Tuy nhiên, cần lưu ý là Tòa án Công lý Quốc tế cũng có thể xét xử các tranh chấp biển nếu họ được chọn hay có thẩm quyền cụ thể.

 

Trong trường hợp của vụ tranh chấp giữa Phillippines và Trung Quốc, [2] Công ước UNCLOS cũng tạo điều kiện cho việc thành lập một tòa trọng tài độc lập (trong cơ chế của tòa trọng tài thường trực) để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia theo Phụ lục VII.

 

Làm rõ các thông tin có phần hơi chồng chéo, phức tạp này ở đây để độc giả hiểu rằng Tòa ITLOS không phải là cơ quan tài phán quốc tế duy nhất cho các vấn đề biển. Và không phải vụ tranh chấp biển nào cũng sẽ qua tay Tòa ITLOS.

 

 

Thành viên và quy trình

 

Tòa ITLOS có 21 thành viên độc lập và trước hết là được đề cử bởi chính phủ của quốc gia họ. Để được chọn, những cá nhân này cần: (1) được trên 2/3 số quốc gia thành viên của Công ước UNCLOS hiện diện và bỏ phiếu, cũng như (2) có số phiếu cao hơn các ứng cử viên còn lại.

 

Cần lưu ý rằng một quốc gia không thể có hai đại diện trong Tòa ITLOS. Quy trình bỏ phiếu là kín và trong mỗi đợt bầu cử, Tòa ITLOS sẽ chỉ “thay máu” 1/3 thẩm phán của mình (tức mỗi đợt bầu cử sẽ chọn ra bảy người).

 

Một lưu ý chính trị quan trọng khác là trong giai đoạn có tư cách thẩm phán của Tòa ITLOS, người này không thể thực hiện bất kỳ chức năng, thẩm quyền chính trị hay hành chính nào. Họ cũng không có quyền liên kết, hỗ trợ pháp lý, hay có dính dáng tài chính với bất kỳ hoạt động khai thác khoáng sản biển và đáy biển.

 

 

Nguyên tắc bình đẳng địa lý

 

Lý do quan trọng khiến Tòa ITLOS được xem là một định chế đa phương, công bình nằm ở cơ chế phân bổ thẩm phán bình đẳng theo địa lý của mình. 

 

Tại Điều 3 của Phục lục VI, Công ước UNCLOS, mỗi nhóm địa lý được kiến lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ có ít nhất ba ghế trong Tòa ITLOS. Theo đó, chúng ta có năm nhóm:

 

·        Châu Phi

·        Châu Á - Thái Bình Dương

·        Đông Âu

·        Châu Mỹ Latin và vùng Caribbea

·        Tây Âu và các quốc gia khác

 

Như vậy, mỗi vùng sẽ có ít nhất ba ghế trong Tòa ITLOS. Và như bạn đọc có thể đoán, ứng cử viên từ Việt Nam sẽ phải so kè với các ứng viên từ châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải với các khu vực địa lý khác như châu Phi hay Tây Âu. 

 

Cho đến thời điểm hiện tại (năm 2024), ITLOS có đại diện áp đảo đến từ các quốc gia đang phát triển với cấu trúc như sau: [4] 

 

·        Châu Phi: 5 thẩm phán

·        Châu Á - Thái Bình Dương: 5 thẩm phán 

·        Đông Âu: 3 thẩm phán

·        Châu Mỹ Latin và vùng Caribbea: 4 thẩm phán

·        Tây Âu và các quốc gia khác: 4 thẩm phán 

 

 

Đã có thẩm phán ASEAN nào vào Tòa án Quốc tế về Luật biển chưa? Việt Nam sẽ phải tranh cử với ai?

 

Cho đến hiện nay, các thẩm phán đại diện cho châu Á - Thái Bình Dương thường đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo thống kê chính thức trên trang điện tử của Tòa ITLOS, [5] đã có bốn thẩm phán Trung Quốc, ba thẩm phán Nhật Bản, và ba thẩm phán Hàn Quốc từng phục vụ trong tòa này.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có một đại diện đến từ Đông Nam Á từ năm 2017, là thẩm phán Kriangsak Kittichaisaree của Thái Lan. [6] Vị thẩm phán này sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2026. Đây có thể là chiếc ghế “tiền lệ ASEAN” mà Việt Nam kỳ vọng có được. Nếu thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai của Đông Nam Á có thẩm phán phục vụ tại Tòa ITLOS. 

 

Việt Nam công bố khá sớm quyết định ứng cử của mình và hiện nay vẫn chưa có đầy đủ danh sách các ứng cử viên có thể đến từ châu Á - Thái Bình Dương. Thẩm phán Trung Quốc Jielong Duan vẫn còn nhiệm kỳ đến năm 2029, nên Việt Nam sẽ không phải tranh cử trực tiếp với người Trung Quốc.

 

------------

Chú thích

 

 [1] en.baochinhphu.vn, ‘Viet Nam announces first candidate for Int’l Tribunal for the Law of the Sea’ (en.baochinhphu.vn, 14 June 2024) <https://en.baochinhphu.vn/viet-nam-announces-first-candidate-for-intl-tribunal-for-the-law-of-the-sea-111240614210642283.htm> accessed 21 June 2024.

 

[2] South China Sea Arbitration, Philippines v China, Award, PCA Case No 2013-19, ICGJ 495 (PCA 2016), 12th July 2016, Permanent Court of Arbitration [PCA] https://pca-cpa.org/en/cases/7/

 

[3] ‘Regional Groups of Member States | Department for General Assembly and Conference Management’ <https://www.un.org/dgacm/en/content/regional-groups> accessed 21 June 2024.

 

[4] Xem thêm: https://www.itlos.org/en/main/the-tribunal/members/

 

[5] Xem thêm: https://www.itlos.org/en/main/the-tribunal/members-of-the-tribunal-since-1996/

 





No comments: