Wednesday, June 26, 2024

MANILA MUỐN ĐỐI THOẠI SAU VỤ ĐỤNG ĐỘ GIỮA HẢI CẢNH TRUNG QUỐC VÀ HẢI QUÂN PHILIPPINES Ở BIỂN ĐÔNG (Minh Anh / RFI)

 



Manila muốn đối thoại sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc và hải quân Philippines ở Biển Đông

Minh Anh  -   RFI

Đăng ngày: 25/06/2024 - 11:51Sửa đổi ngày: 25/06/2024 - 11:52

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240625-manila-mu%E1%BB%91n-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-sau-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%99-gi%E1%BB%AFa-h%E1%BA%A3i-c%E1%BA%A3nh-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-h%E1%BA%A3i-qu%C3%A2n-philippines-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, hôm nay, 25/06/2024, bày tỏ mong muốn đối thoại với Bắc Kinh sau vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 17/06, giữa hải cảnh Trung Quốc và thủy thủ Philippines ở Biển Đông.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8c8ae974-32d5-11ef-b8b6-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP24171530532747.webp

Các thiết bị thông tin và dẫn đường trên tàu Philippines bị hải cảnh Trung Quốc đập phá trong vụ đụng độ ngày 17/06/2024, ở gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông. Ảnh do quân đội Philippines công bố. AP

 

Trong phiên điều trần công khai ở Thượng Viện, ngoại trưởng Manalo giải thích Manila hy vọng tổ chức một cuộc họp song phương vào đầu tháng Bảy « để thảo luận cụ thể về những sự cố gần đây ». Ông tin vào « đối thoại và ngoại giao » để giải quyết những sự cố nghiêm trọng.

 

Tuy nhiên, theo AFP, ngoại trưởng Philippines khẳng định, Manila « không làm ngơ trước những sự cố đang xảy ra » và chỉ chấp nhận những giải pháp không gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông.

 

Lãnh đạo ngoại giao Philippines cho biết thêm, hai nước đã thiết lập một nhóm làm việc trong tuần rồi.

 

Hôm thứ Hai, 17/6, các hình ảnh video do quân đội Philippines công bố cho thấy, nhiều binh sĩ Trung Quốc trang bị dao, gậy và rìu đã chặn một đoàn tầu tiếp tế dành cho các binh sĩ Philippines đồn trú trên một con tầu bị mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Philippines 200 km, và xa đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1000 km, nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

 

Hải cảnh Trung Quốc đã leo lên tàu Philippines, xô xát với thủy thủ đoàn. Trong vụ này, một thủy thủ Philippines đã bị thương, và hải cảnh Trung Quốc đã tịch thu, phá hủy trang thiết bị trên tầu Philippines.

 

Bắc Kinh đã có những phản ứng, cho rằng hải cảnh Trung Quốc đã hành xử một cách « chuyên nghiệp và có chừng mực », quy trách nhiệm sự việc cho Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., hôm Chủ Nhật, 23/6, khẳng định Philippines không để « bị hăm dọa » sau sự cố này.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC - PHILIPPINES

Vụ đụng độ gần Bãi Cỏ Mây: Philippines tố cáo Trung Quốc ‘‘sử dụng vũ lực bất hợp pháp’’

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Đụng độ với Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây: Philippines tuyên bố chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Manila tố cáo tuần duyên Trung Quốc lần đầu tiên ‘‘khám xét’’ tàu Philippines

 





No comments: