Wednesday, November 5, 2014

Củng cố chế độ Dân Chủ (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, November 04, 2014 7:07:53 PM

Ngày hôm qua dân Mỹ đã bầu lại Hạ Viện và một phần ba các nghị sĩ Thượng Viện. Cuộc bỏ phiếu sẽ thay đổi đời sống chính trị, các chương trình kinh tế, xã hội ảnh hưởng tới 300 triệu dân trong ít nhất hai năm tới. Nhưng, trừ các ứng cử viên và các người hoạt động chính trị tích cực, 99% người dân nước Mỹ vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày, không thay đổi. Ngày mai, mọi người đã quên hết những cuộc tranh cãi trong mùa tranh cử. Ðếm phiếu xong, hai người hàng xóm cắm biển trước cửa nhà ủng hộ hai ứng cử viên đối lập sẽ nhổ lên, bỏ vô thùng rác. Gặp nhau họ vẫn chào hỏi như mọi ngày, cuối tuần vẫn có thể cùng đi coi đá banh hay mời nhau ăn tiệm.

Thái độ thản nhiên sau một cuộc bầu cử, cứ vài năm lại diễn ra một lần, cho thấy người dân đã quen với nếp sống dân chủ. Nó khác hẳn với tập quán ở các nước độc tài. Dân chủ chỉ là những “luật chơi” cố gắng đạt tiêu chuẩn công bằng, bình đẳng, cho mọi người được tham gia vào quyết định chọn người cai trị. Những luật chơi này cũng giống các luật chơi đá banh hay đấu vật. Mọi người tham dự cuộc chơi phải tuân theo luật, sau đó ai thắng, ai thua khôn cũng trở về nhà, chuẩn bị trận đấu sắp tới. Tinh thần này được thể hiện ở các nước đã thiết lập chế độ dân chủ lâu đời. Như ở nước Mỹ đã hơn 200 năm, ở Ấn Ðộ hơn 60 năm. Nhưng một nước nhỏ bé ở Bắc Phi, mới lật đổ chế độ độc tài ba năm nay, cũng thể hiện tinh thần dân chủ rất đáng ngưỡng mộ.

Năm 2011, Mùa Xuân Á Rập bắt đầu ở nước Tunisie trước khi lan qua các nước Bắc Phi và Trung Ðông, dân chúng nổi lên lật đổ các chế độ độc tài. Sau ba năm, tại nhiều quốc gia chế độ dân chủ vẫn chưa bền, khiến nhiều người thất vọng. Tại Ai Cập một chính phủ do dân bàu lên bị lật đổ. Quân đội sửa Hiến Pháp, tổ chức bàu cử lại; nhưng hàng ngàn người đã cầm súng nổi loạn. Tại các nước Libya, Yemen và Syria thì sau khi dân nổi dậy là nội chiến.

Dân Tunisie chứng tỏ ngọn lửa hy vọng của Mùa Xuân Á Rập vẫn còn cháy đỏ. Quốc gia nhỏ bé này vừa tiến thêm một bước củng cố thể chế dân chủ còn đang phôi thai; sau ba năm dò dẫm thiết lập các định chế mới. Họ mới đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội, một tuần trước dân Mỹ.

Ðây là lần thứ hai dân Tunisie dùng lá phiếu tự do, sau khi lật đổ chế độ độc tài. Họ bầu một đảng mới lên thành lập chính phủ. Việc chọn lựa không dễ dàng vì có đến hàng trăm đảng chính trị tranh cử, trong đó có hai đảng lớn. Ðảng Hồi Giáo Ennahda cầm quyền thua, chỉ giữ được 69 ghế trong số 217 dân biểu trong Quốc Hội sắp họp. Ðảng đối lập Nidaa Tunis (còn viết là Nidaa Tounes) được nhiều phiếu nhất, 85 ghế. Các tỷ số này khác hẳn thời độc tài đảng trị, nhà độc tài Ben Ali lúc nào cũng thắng với tỷ số 99.9%! Người dân ngu nhất cũng thấy chế độ độc tài chuyên chế bao giờ cũng bắt con người sống giả dối, hành động gian trá.

Trong ba năm qua dân Tunisie đã chứng tỏ họ đủ dũng cảm và có khả năng sống tự do, dân chủ. Nói theo lối Phan Châu Trinh, đó là dân khí và dân trí đã cao. Năm 2011, họ nổi lên lật đổ chế độ độc tài, không cần bạo động. Ðược tự do, các đảng phái chính trị bột phát, nhưng các nhà chính trị biết phải hợp tác với nhau mới xây dựng được các định chế dân chủ. Năm nay dân Tunisie thay đảng cầm quyền, hoàn toàn chỉ dùng lá phiếu. Các nhà quan sát ngoại quốc đều tỏ ý thánh phục người dân cũng như cho các nhà chính trị xứ Tunisie.

Có lẽ vì người dân Tunisie trưởng thành cho nên các nhà chính trị cũng phải hành xử với tư cách xứng đáng. Cũng có thể nói nói ngược lại, nhờ các chính trị gia làm gương cho nên dân chúng biết sống trong tinh thần dân chủ.

Trước năm 2011 Ðảng Hồi Giáo Ennahda bị cấm hoạt động. Họ thắng cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến cuối năm 2011, với chủ trương đề cao đạo Hồi, đưa “Thánh Luật” (Sharia) vào làm luật pháp của quốc gia. Trong hai năm, dân chúng thấy chính phủ Ennahda không giải quyết được các khó khăn chung: Kinh tế trì trệ; nhiều người thất nghiệp hơn; giầu nghèo thêm chênh lệch; xã hội lại bất an vì các nhóm quá khích mới nổ dậy. Nhiều người bắt đầu chán, thấy có lẽ sống trong chế độ độc tài như trước lại tốt hơn.

Ðảng Ennahda đã tự ý rút lui; mời các đảng khác tham gia trong một chính phủ lâm thời, chờ quốc hội soạn thảo bản Hiến Pháp mới. Công cuộc lập hiến định làm trong một năm nhưng đã kéo dài hơn hai năm, vì một vấn đề gây mâu thuẫn mạnh nhất là: Có xác định Hồi Giáo là quốc giáo và Thánh Luật Sharia là luật pháp quốc gia hay không? Sau cùng khuynh hướng tách tôn giáo ra khỏi chính trị đã thắng thế. Tháng Giêng năm 2014, Quốc Hội biểu quyết một bản Hiến Pháp dung hòa. Ðảng Ennahda nhượng bộ, Tunisie là một quốc gia Hồi Giáo nhưng không áp đặt Thánh Luật Hồi Giáo Sharia trên tất cả mọi công dân nữa.

Hiến Pháp mới của Tunisie là bản Hiến Pháp dân chủ tự do nhất trong vùng. Bản Hiến Pháp là kết quả của nỗ lực thỏa hiệp giữa các khuynh hướng chính trị và đảng phái đối nghịch, một điều ít thấy trong các nước Hồi Giáo. Trong hai năm, các đảng phái tranh luận trong Quốc Hội, các công dân tự lập những tổ chức tư bàn luận công khai, được thông tin đầy đủ trên báo trên đài. Có thể nói cuộc thảo luận về hiến pháp được toàn dân tham dự và theo dõi. Các tổ chức phụ nữ đòi được bình quyền. Giới trí thức đại học đòi tinh thần tự do trong giáo dục. Quốc Hội lập hiến làm việc 14 giờ mỗi ngày để thông qua từng điểm. Sau cùng, bản Hiến Pháp được 200 phiếu chấp thuận, chỉ có 12 phiếu chống và bốn phiếu trắng. Hiện tượng này đáng ngạc nhiên tại một nước có hàng trăm đảng chính trị trong số 11 triệu dân! Tinh thần hợp tác, xây dựng này khác hẳn bên Ai Cập. Ở đó, một đảng Hồi Giáo lên cầm quyền sau cuộc cách mạng đã dùng đa số trong Quốc Hội thông qua một hiến pháp thiên lệch, đề cao phe đảng, lấn áp các nhóm thiểu số, dân chúng biểu tình phản đối nên cuối cùng bị đảo chính.

Hiến Pháp Tunisie tôn trọng quyền làm người và các quyền tự do căn bản, và công nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trong các định chế chính trị, một điều lần đầu tiên được ghi vào Hiến Pháp của một quốc gia Á Rập. Khi điều số 45 nói về quyền phụ nữ được thông qua, cả Quốc Hội đã đứng lên vỗ tay.
Dân Tunisie có thể hãnh diện đã thay đổi chính quyền một cách hòa bình; mặc dù hai đảng có chủ trương đối nghịch rõ ràng. Trong một quốc gia với hơn 90% theo đạo Hồi mà Ðảng Hồi Giáo thất cử, đảng chủ trương tách tôn giáo ra ngoài chính trị thắng, sắp lên nắm quyền. Các đảng chính trị tuân theo “luật chơi dân chủ.” Ðảng Ennahda chấp nhận mình thua, khi không còn được đa số dân tín nhiệm. Ông Beji Caid Essebsi, 87 tuổi, đã từng cộng tác với chế độ độc tài cũ, và mới thành lập Ðảng Nidaa Tunis trong năm 2012 để quy tụ những người không đồng ý với chính phủ Ennahda. Tunisie khác hẳn Libya, ở đó đảng Hồi Giáo thua phiếu đã tổ chức đảo chánh, xóa bỏ kết quả bầu cử. Thế là một nước có hai chính phủ, hai bên đang đánh nhau không biết bao giờ mới yên.

Các nhà lãnh đạo đảng Ennahda đã giải thích tại sao họ thua phiếu: Ðảng đầu tiên lên cầm quyền sau các cuộc cách mạng rất dễ làm dân chúng thất vọng. Vì sau một cuộc cách mạng, người ta nuôi kỳ vọng rất cao mà đất nước lại rất nhiều khó khăn mới; không chính quyền nào có thể đáp ứng đầy đủ những ước mong của dân chúng. Trong khi đó, các định chế dân chủ mới thành lập, guồng máy mới chưa thể nào làm việc hữu hiệu như mọi người mong muốn. Vì thế, sau các cuộc cách mạng, đảng chính trị lên nắm quyền đầu tên rất dễ làm cho dân thất vọng. Trước khi kết quả được công bố ở Tunisie, ông Rachid Ghannouchi, lãnh tụ đảng Ennahda đã điện thoại chúc mừng ông Beji Caid Essebsi. Ông Ghannouchi còn kêu gọi các đảng viên tới trụ sở tại thủ đô Tunis “ăn mừng chiến thắng của thể chế dân chủ.” Ông nói: “Cả thế giới Hồi Giáo đang ước mong được sống như người Tunisie chúng ta, vì chúng ta đang được sống tự do.”

Tờ báo tiếng Pháp ở thủ đô, La Presse de Tunisie ca ngợi đảng Hồi Giáo Ennahda có tinh thần thượng võ, “chơi thẳng thắn” (fair play). Dân Tunisie chứng tỏ rằng tất cả các dân tộc đều có thể dấn bước trên đường. Một nhà bình luận trên nhật báo Daily Star ở Lebanon, Rami G. Khouri viết: “Trong lịch sử dân Á Rập chưa bao giờ thấy cảnh dân một nước công khai tranh luận để cùng soạn ra một bản hiến pháp rồi áp dụng ngay. Quốc gia nhỏ bé này đang dẫn đường cho các nước Á Rập khác trên con đường chuyển hóa sang chế độ dân chủ.” Không biết bao giờ dân Việt Nam được người nước ngoài kính trọng như vậy.

Chúng ta có thể so sánh Tunisie với Việt Nam.

Cả hai nước đều bị Pháp chiếm làm thuộc địa vào thế kỷ 19. Cả hai từng tranh đấu giành độc lập sau Ðại Chiến Thứ Hai. Sau khi độc lập cả hai nước đều sống dưới ách độc tài. Tại Tunisie, lãnh tụ Habib Bourguiba nắm quyền trong 30 năm; khi quá già lão mới từ chức, năm 1987. Zine al-Abidine Ben Ali lên vẫn đàn áp những người có ý kiến đối lập, kinh tế trì trệ, xã hội vẫn bất công. Năm 2011, dân Tunisie nổi dậy khai mạc Mùa Xuân Á Rập, và năm nay họ đã đặt nền móng cho một thể chế dân chủ tự do vững vàng.

Dân trí và dân khí người Tunisie không cao hơn so với Việt Nam; mà trên nhiều mặt có thể nói còn kém dân mình. Tunisie là một nước nhỏ, 11 triệu dân. Lợi tức bình quân hơn 4,000 đô la một năm cao hơn Việt Nam, cũng chỉ bằng dân Trung Quốc. Trình độ học thức của dân Tunisie không hơn dân Việt. Tunisie chỉ có 75% người dân biết chữ, mà số đàn bà biết chữ còn thấp hơn nữa (65%). Tại Việt Nam 94% dân chúng và 92% phụ nữ biết đọc biết viết, chứng tỏ dân trí người Việt không thua. Nhìn suốt lịch sử thì chí khí của dân tộc Việt mạnh hơn nhiều. Ða số dân Tunisie bây giờ (hơn 95%) thuộc sắc dân Berber. Giống dân này bị người Á Rập đánh và đô hộ từ thế kỷ thứ bảy, họ từng nổi lên tranh đấu giành quyền tự chủ; nhưng sau cùng họ bị đồng hóa hoàn toàn; nói tiếng Á Rập và theo đạo Hồi. Dân Việt Nam quật cường hơn. Bị người Hán xâm lược để đồng hóa nhưng dân Việt vẫn giữ được tiếng nói, giành lại độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc.

Ngày nay thì người Việt Nam phải noi theo tấm gương của dân Tunisie để học hỏi trên đường dân chủ hóa. Lịch sử cho thấy việc lật đổ một chế độ độc tài không khó; việc xây dựng và củng cố chế độ dân chủ mới là thử thách chứng tỏ một dân tộc đã “thành người lớn” hay chưa. Cuộc tranh đấu xóa bỏ độc tài ở Tunisie đã được cả thế giới ca ngợi. Nhưng công trình xây dựng thể chế dân chủ tại Tunisie trong ba năm qua còn đáng kính phục hơn nữa.


------------------------------






No comments: