Saturday, December 12, 2009

PHÒNG NGỪA DỊCH CÚM BẰNG VITAMIN D

Phòng ngừa dịch cúm bằng “kháng sinh trời cho”
TS Nguyễn Văn Tuấn
Thursday, December 10, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/12/phong-ngua-dich-cum-bang-khang-sinh.html
Khi nói đến phòng chống dịch cúm, chúng ta nghĩ ngay đến vaccine và vệ sinh cá nhân, nhưng rất ít ai nghĩ đến một phương tiện phòng bệnh có sẵn mà lại rẻ tiền: vitamin D. Viamin D có thể ví von là một loại kháng sinh trời cho. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy thiếu vitamin D là một yếu tố nguy cơ cảm cúm, và bổ sung vitamin D có lẽ là một trong những liệu pháp đơn giản phòng chống bệnh cúm.

Từ những bằng chứng thực tế
Một số bằng chứng từ những quan sát thực tế gần đây cho chúng ta thấy vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh cúm, thậm chí giảm hệ quả của đại dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành trên thế giới.
Trong đợt đại dịch toàn cầu xảy ra vào năm 1918-1919, có hơn 3% dân số thế giới (khoảng 50 triệu người) tử vong. Khi phân tích tỉ lệ tử vong trong đại dịch này ở các thành phố trên nước Mĩ, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những thành phố ở vĩ độ càng cao có tỉ lệ tử vong càng cao (Biểu đồ 1). Chúng ta biết rằng những vùng ở vĩ độ cao ít ánh nắng mặt trời và cư dân thường thiếu vitamin D (xem biểu đồ).
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjAzazKzhKrifRM0Mf8Ez73O5ukCng_rItLmyUW1ThW1JN9yLDQumzlXwWUChcP4ITOR06EXdk1RqZPUPxco8p4vBDxVi8wteUZU0caW385v1PjNnyynZoeNDu9vQKrdVMEvaRzeYPOkqcg/s400/vitd+and+h1n1.jpg
Trong đợt đại dịch A/H1N1 năm nay, các đối tượng có nguy cơ cao là phụ nữ mang thai, những người béo phì, bệnh nhân tiểu đường, và trẻ em với các bệnh thần kinh. Tất cả các đối tượng trên đây có một mẫu số chung: thiếu vitamin D. Thật vậy, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy các đối tượng béo phì và tiểu đường hay phụ nữ đang mang thai thường là những người thiếu vitamin D trong cơ thể.
Ở các nước ôn đới, làn sóng bệnh cúm dao động theo mùa, thường cao nhất vào mùa đông và thấp nhất vào mùa hè. Chúng ta biết rằng nồng độ vitamin D trong máu thường giảm thấp vào mùa đông và tăng vào mùa hè nếu có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mới đây nhất, phân tích trên 19000 đối tượng trong công trình NHANES III (Mĩ), các nhà nghiên cứu Mĩ phát hiện rằng những người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm tăng 30% đến 50% so với người đủ vitamin D.

Đến cơ chế
Từ các quan sát trên, các nhà khoa học đi đến giả thuyết rằng thiếu vitamin D là một yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến các bệnh cảm cúm, kể cả cúm A/H1N1. Giả thuyết về mối liên quan giữa vitamin D và bệnh nhiễm có cơ sở khoa học vững vàng. Vitamin D, trái lại với cách hiểu phổ thông, không phải là một sinh tố bình thường mà là một kích thích tố (hormone) có chức năng cổ điển là điều phối sự hấp thu của calcium và duy trì sức khỏe của xương. Nhưng vài khám phá trong vòng 20 năm qua cho thấy rõ ràng rằng vitamin D không chỉ ảnh hưởng đến xương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hệ thống miễn dịch. Và, những khám phá này đã dẫn đến một cuộc "cách mạng" về hiểu biết vitamin D.
Nói ngắn gọn, khi da chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, một lượng tiền-hormone có tên là cholecalciferol được sản xuất dưới da, và cholecalciferol sẽ trải qua 2 giai đoạn chuyển hóa. Giai đoạn thứ nhất, cholecalciferol chuyển hóa thành vitamin D trong gan (thường viết tắt là 25D). Trong giai đoạn hai, 25D được vận chuyển đến thận và chuyển hóa thành 25-hydroxyvitamin D (thường viết tắt là 1,25D).a1
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta chống lại sự “xâm lăng” của các vi sinh vật (như virus, vi trùng) bằng cách kích hoạt 2 cơ chế phòng vệ: nội hệ miễn dịch (innate immunity) và ngoại hệ miễn dịch (adaptive immunity). Nội hệ miễn dịch, như tên gọi hàm ý, có sẵn trong các tế bào da, ruột, phổi, đại thực bào (macrophage) và bạch cầu trung tính (neutrophils). Đây là hệ thống phòng vệ cơ bản nhất và hữu hiệu nhất mà cơ thể chúng ta có sẵn để đương đầu với sự xâm nhập của các vi sinh vật. Nội hệ miễn dịch có chức năng sản xuất ra những peptide kháng sinh có khả năng tiêu diệt virút và các vi sinh vật có hại đến cơ thể. Một trong những peptide đó là cathelicidin.
Vitamin D kiểm soát cả hai nội hệ và ngoại hệ miễn dịch. Khi các vi sinh vật xâm nhập vào ruột, chúng sẽ kích hoạt sự chuyển hóa từ 25D sang 1,25D. Trong đại thực bào, 1,25D gia tăng sản xuất cathelicidin và ức chế các cytokines viêm. Các protein kháng sinh lập tức “bao vây” và tiêu diệt các virus cúm. Nói tóm lại, chức năng sinh học của vitamin D là tăng cường khả năng kháng sinh của cơ thể và giảm thiểu viêm. Do đó, có người ví von rằng vitamin D là một loại thuốc kháng sinh trời cho.

Hiệu quả của bổ sung vitamin D
Một giả thuyết chỉ đứng vững khi được kiểm định bằng thử nghiệm lâm sàng thực tế. Trong vòng 5 năm qua đã có một số công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của vitamin D đến các bệnh nhiễm, kể cả cảm cúm. Trong một nghiên cứu về hiệu quả của vitamin D phòng chống mất xương, các nhà nghiên cứu chia 208 bệnh nhân thành 2 nhóm: nhóm 1 được cho uống vitamin D 800-2000 IU/ngày và nhóm 2 là giả dược. Tỉ lệ cảm cúm trong nhóm uống vitamin giảm 70% so với nhóm giả dược.
Hai nghiên cứu can thiệp với vitamin D liều lượng 600-700 IU/ngày chiết xuất từ dầu của gan cá tuyết cũng ghi nhận vitamin D có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm và nhiễm trùng hệ thống hô hấp đến 40%. Công trình nghiên cứu RECORD với 5292 đối tượng (2649 được cho uống vitamin D và 2643 giả dược). Sau trung bình 18 tháng theo dõi, nhóm uống vitamin D có tần số mắc bệnh cảm cúm thấp hơn nhóm giả dược khoảng 10%.

Và tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam
Ở nước ta, dù là nằm trong vùng nhiệt đới, nhưng tình trạng thiếu vitamin D khá phổ biến. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Bs Hồ Phạm Thục Lan thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có đến 45% nữ và 20% nam cư dân Thành phố Hồ Chí Minh thiếu vitamin D. Tỉ lệ thiếu vitamin D đặc biệt cao ở nhóm tuổi dưới 30 và trên 60. Có lẽ nhóm dưới 30 thiếu vitamin D là do thói quen che mặt và đeo khẩu trang, và nhóm trên 60 là do thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cả hai hành vi đều dễ dẫn đến thiếu vitamin D trong máu.
Hiện nay, trận đại dịch A/H1N1 đang hoành hành khắp thế giới và gây cho khá nhiều ca tử vong. Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 10.000 ca bệnh cúm A/H1N1, và 25 người tử vong. Chưa có một nghiên cứu nào về tình trạng vitamin D ở những bệnh nhân cúm A/H1N1 ở nước ta, nhưng ở các nước như Úc và Mĩ, có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân này thường thiếu vitamin D. Hiện nay, Bộ Y tế Canada đang xem xét và nghiên cứu vitamin D như là một biện pháp bổ sung trong việc phòng chống cúm.
Vaccine luôn là "vũ khí" hàng đầu trong việc phòng chống cúm trong mùa đại dịch. Nhưng hiệu quả của vaccine không mấy cao. Nghiên cứu ở Anh cho thấy vaccine chỉ giảm khoảng 27% các ca bệnh nhập viện. Trong bối cảnh đó, duy trì một nồng độ vitamin D đầy đủ có thể là một liệu pháp an toàn và có thể giúp phòng chống cảm cúm trong mùa đại dịch.
NVT



No comments: