Tuesday, December 15, 2009

ÔNG TRIẾT SANG VATICAN LÀM GÌ ?

Ông Triết sang Vatican làm gì?
An Dân
Tuesday, 15 December 2009 00:54
http://nuvuongcongly.net/index.php?option=com_content&view=article&id=366:ong-triet-sang-vatican-lam-gi&catid=60:muc-vu&Itemid=184
Những ngày qua, tin Chủ tich nước Nguyễn Minh Triết gặp Giáo hoàng Benedict 16 tràn ngập các trang mạng – lề phải cũng như lề trái.
Nhiều phân tích và những hy vọng được đưa ra. Người ta chờ đợi cuộc gặp sẽ tạo đà cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao bước thêm một bước tiến mới.
Nhiều người cho rằng, sau những đụng độ gần đây liên quan tới tài sản đất đai của Giáo hội, việc Nguyễn Minh Triết gặp Đức Giáo hoàng cho thấy “quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước đang ấm dần”.
Người lạc quan thì đang nóng lòng chờ đợi những bước đi ngoại giao tiếp theo của cả hai bên và hy vọng việc thiết lập ngoại giao sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần.
Thật ra, nếu tinh ý, người ta sẽ thấy câu nói của Nguyễn Minh Triết trước khi tới Vatican rằng: “Chuyến đi có mục đích xây dựng và thiết lập mối bang giao”, chỉ là câu nói chiếu lệ, lừa phỉnh những ai nhẹ dạ cả tin.

Vậy, ông Triết sang Vatican làm gì?

Ai cũng biết việc ông Triết thăm Vatican và gặp Giáo hoàng không phải là cuộc gặp gỡ chính thức mà chỉ là nhân tiện chuyến công du các nước Châu âu, thăm Ý, ông ghé thăm Giáo Hoàng.
Theo thông tin lề phải cuộc gặp diễn ra dự trù kéo dài 20 phút (không chính thức mà) nhưng đã kéo dài tới 40 phút. Chắc chắn, với thời lượng 40 phút đồng hồ thì không đủ cho các nghi thức tiếp đón, chào hỏi, tặng quà và những nghi lễ cần thiết cho những cuộc tiếp kiến xã giao.

Thật ra, muốn biết Nguyễn Minh Triết làm gì khi sang Vatican thì phải biết nội dung cuộc trao đổi của ông với Hồng y Quốc Vụ khanh Tòa thánh – Hồng y Tarcisio Bertone, diễn ra ngay sau đó, chứ không phải là cuộc gặp với Giáo hoàng.
Báo chí
lề phải cho biết: “Trong cuộc gặp Hồng y Tarcisio Bertone Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn Hồng y sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể cho Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện tốt các Huấn dụ và Sứ điệp của Giáo hoàng, tin tưởng rằng với thiện chí và quyết tâm của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của hai bên.”

Như vậy, đã rõ, Nguyễn Minh Triết được đảng và Nhà nước Việt Nam cử sang Vatican như đã từng cử Nguyễn Tấn Dũng sang Vatican vào năm 2007, với cùng một mục đích là “nhờ Tòa thánh đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Giáo hội Việt Nam thực hiện tốt các Huấn dụ và sứ điệp của Giáo Hoàng”.

Thực tế, Nguyễn Tấn Dũng đã thành công trong chuyến đi năm 2007. Sau cuộc gặp Giáo hoàng và Hồng y Bertone, một lá thư do chính Hồng y Bertone soạn thảo đã được gửi tới Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, và ngay sau đó, phong trào cầu nguyện cho công lý vừa mới manh nha tạm thời ngưng lại.

Trong tình cảnh phong trào cầu nguyện cho công lý – hòa bình bùng phát trở lại và có nguy cơ lan rộng, với mục tiêu duy trì quyền lực và ổn định xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tìm mọi cách để làm giảm nhiệt, từ việc dùng truyền thông trích lại, cắt xén các lời huấn dụ của Giáo hoàng với các Giám mục Việt Nam tham dự kỳ Ad Limina để huấn dụ lại các Giám mục, cho tới việc cử ông
Đặng Khánh Thoại , đại sứ Việt Nam tại Roma tới gặp vị đại diện Tòa thánh và để chắc ăn, nhân chuyến thăm các nước Châu Âu, Nguyễn Minh Triết trở thành người lãnh trách nhiệm “xin tòa thánh can thiệp” và “mong muốn Tòa thánh tiếp tục đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Giáo hội Việt Nam.”

Có thể nói rằng đây mới là mục tiêu chính yếu mà chính quyền Hà Nội đưa ra cho chuyến thăm Vatican và gặp gỡ Giáo hoàng của Nguyễn Minh Triết.

Do đó, nếu không tỉnh táo, Vatican sẽ rơi vào bẫy của Hà Nội. Chính quyền Hà Nội thừa hiểu tiếng nói của Vatican có trọng lượng thế nào đối với Giáo hội Việt Nam và khi có những bản chỉ dẫn cụ thể trong tay, Hà Nội sẽ có cớ để tấn công Giáo hội và có thêm phương tiện để dẹp yên phong trào cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Trong hoàn cảnh cụ thể hiện thời, với mục tiêu ổn định chính trị và giữ vững quyền lực, với sức ép và đòi hỏi từ phía Trung Quốc, thì hy vọng việc Việt Nam sẽ sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican là một điều không tưởng. Về điều này, có thể Vatican mong, nhưng Việt Nam không muốn. Điều mà Hà Nội chờ đợi sau chuyến viếng thăm Giáo hoàng của Nguyễn Minh Triết thì không phải là để thiết lập quan hệ ngoại giao mà là một hướng dẫn cụ thể của Tòa thánh cho Giáo hội Việt Nam giống như lá thư của Hồng y Tarcisio Bertone trong vụ Tòa Khâm sứ vừa qua.

Cần nhớ rằng Hà Nội đã thành công một lần với Nguyễn Tấn Dũng và họ đang hy vọng và chờ mong lần này với sự xuất hiện của Nguyễn Minh Triết tại Vatican sẽ giúp cho Hà Nội có thêm những phương thuốc giải gỡ những khó khăn liên quan tới tài sản và đất đai tôn giáo.

15/12/2009
An Dân





No comments: