Sunday, December 13, 2009

LƯƠNG AI CAO NHẤT VIỆT NAM

Chuyện vỉa hè: Lương ai cao nhất Việt Nam?
Tư Ngộ/Người Việt
Friday, December 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105427&z=2
Cán bộ phường làm 334 năm, tổng bí thư “cày” gần 20 năm mới bằng lương 1 năm của sếp Jetstar

Ngày 7 Tháng Mười Hai 2009 vừa qua, báo Tiền Phong tỉ tê kể chuyện lương bổng của mấy sếp lớn của cái công ty viết tắt SCIC. Công ty này là công ty quản trị vốn nhà nước ở các tập đoàn kinh tế quốc doanh hay công ty liên doanh mà nhà nước nắm cổ phẩn áp đảo.
Nghĩa là, những ông này cũng là công chức, đảng viên của nhà nước và đảng CSVN, ăn lương của nhà nước.
Theo tờ Tiền Phong, ông Trần Văn Tá, năm 2007, tuy đã tới tuổi nghỉ hưu và rời khỏi chức phụ tá bộ trưởng tài chính, ông lại được ưu ái đẩy sang làm tổng giám đốc SCIC.
Ông phàn nàn “vẫn chưa được nghỉ mà phải tiếp tục trọng trách được giao là quản lý một doanh nghiệp với mô hình mới với nhiều khó khăn, phức tạp.”
Tưởng là ông bị ép, và ông vì yêu đảng yêu “trọng trách”, nhưng tờ Tiền Phong vạch ra cho thấy, lương của ông cao quá xá quà xa.
“Nhưng qua kết quả kiểm toán vừa qua, nhiều người té ngửa, bởi mức lương mà ông Tá được nhận tới 942 triệu đồng/năm, cao hơn 10 lần lương của tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn kinh tế (lương tổng giám đốc tập đoàn chỉ từ 8.5 đến 8.8 x 650,000 đồng, khoảng 6 triệu đồng/tháng).” Tiền Phong nói.
Vẫn theo tờ Tiền Phong, cái hội đồng quản trị của SCIC lại gồm các sếp lớn của Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương kiêm nhiệm. Các quan không phải làm 2 “dóp” chỉ lãnh một lương, mà ẵm hai lương. Lương phụ cao gấp nhiều lần lương chính.
Hội đồng Quản Trị SCIC gồm 7 thành viên do Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm chủ tịch HÐQT. Phó chủ tịch HÐQT kiêm tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá. Các ủy viên HÐQT kiêm nhiệm là Thứ Trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Hữu Hào, Thứ Trưởng Bộ KH&ÐT Cao Viết Sinh, Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà. Hai thành viên chuyên trách HÐQT là ông Hoàng Nguyên Học- phó tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- trưởng ban kiểm soát.
Tuy nhiên, chỉ thấy báo Tiền Phong khui lương ông Tá mà không động chạm gì tới lương kiêm nhiệm của ông Bộ Trưởng Ninh và mấy ông kia.
Tiền Phong viết: “Tổng giám đốc của các tập đoàn kinh tế do thủ tướng quyết định thành lập sẽ được hưởng hệ số lương 8.5-8.8 thay vì mức 8.2-8.5 như hiện nay. Chưa kể phụ cấp, với hệ số mới này, lương của các tổng giám đốc chưa tới 4 triệu đồng.”
Quỹ tiền lương của HÐQT và tổng giám đốc SCIC được Bộ LÐ-TB&XH duyệt là hơn 1.473 tỷ đồng, nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HÐQT chuyên trách và tổng giám đốc là trên 2.642 tỷ đồng, không tính các khoản thưởng và thu nhập khác, vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1.169 tỷ đồng.
Khi xây dựng kế hoạch trình Bộ LÐ-TB&XH, SCIC dự tính sẽ trả lương thành viên HÐQT và tổng giám đốc là 40 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế năm 2008, lương của thành viên chuyên trách HÐQT và tổng giám đốc SCIC là 78.5 triệu đồng/tháng (tương đương 942 triệu đồng năm), gấp 1.96 lần so với kế hoạch.
Bởi vậy, “Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc phân phối thu nhập tại SCIC còn bất cập, thu nhập của lãnh đạo cao hơn nhiều lần so với nhân viên, mặc dù lương của nhân viên tại đây cũng cao ngất ngưởng”.
Hiện nay, lương chính thức của chủ tịch nước và tổng bí thư đảng CSVN bằng nhau, hệ số cao nhất (13) nhân với lương căn bản 650,000 đồng/tháng. Tổng cộng, tổng bí thư cũng như chủ tịch nước chỉ lãnh 101 triệu 400 ngàn đồng/năm (khoảng $5,577 USD theo hối suất chính thức hiện nay 18,479 đồng/USD).
Lương ông Tá cũng cao hiếm có trong chế độ Hà Nội, nhưng cái ông sếp chúa của công ty hàng không Jetstar (liên doanh với ngoại quốc mà nhà nước nắm 70% cổ phần) còn lên hơn 2 tỉ đồng/năm, theo tờ Tiền Phong.
Nếu chỉ lấy chẵn 2 tỉ, lương xếp Jetstar phải hơn $108,225 USD/năm và lương TGÐ Trần Văn Tá phải hơn $51,000 USD/năm.
Tính ra lương ông Tá cao hơn lương Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh 13 lần. Nói khác, ông Mạnh phải “cày” 13 năm mới bằng một năm ông Tá “trọng trách”. Nếu so với TGÐ của Jetstar, ông Mạnh phải cày (mà phải bỏ cơm canh) gần 20 năm mới bằng.
Theo những lời kêu ca phàn nàn trên tờ báo của tỉnh Cần Thơ cách đây không lâu, cán bộ phường xã không có lương mà chỉ được hưởng phụ cấp 500,000 đồng/tháng hay 6 triệu đồng 1 năm. Ðổi thành đô la theo hối suất chính thức hiện nay, số lương này chỉ bằng $324 USD/năm.
So ra, cán bộ phường phải cong lưng cày (bỏ cơm canh) suốt 157 năm mới bằng lương xếp Tá. Còn nếu so với xếp Jetstar, chu choa, phải cày và nhịn suốt cơm canh tới 334 năm lận.
Nên nhớ, cán bộ phường xã, lãnh mỗi tháng 500,000 là không đủ sống, nhưng những người này vẫn được liệt vào hàng “trung lưu” theo tiêu chuẩn “diện nghèo” ở Việt Nam.
Tiêu chuẩn “nghèo” do chế độ Hà nội đặt ra hiện nay là kiếm được dưới 200,000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn, hay 260,000/tháng ở khu vực thành thị.
Ngày 2 Tháng Hai 2009, báo điện tử VietNamNet loan tin một phụ nữ ở tỉnh Quảng Nam đã tự tử cùng với con vì lương không đủ sống. Bản tin viết: “Vào khoảng 13 giờ chiều 1 Tháng Hai 2009, khi đi thăm hàng xóm trở về, bà Phan Thị Minh, trú tại thôn Ngọc Sơn xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam mở cửa nhà đã phát hiện cô con gái tên Lê Thị L. (32 tuổi) trong tình trạng nôn mửa và đứa con nhỏ của chị L. tên Q. nằm chết cứng trên giường. Sau khi phát hiện chị L. còn sống, người nhà đã gọi xe cấp cứu đưa chị vào cấp cứu tại khoa hồi sức bệnh viện đa khoa Quảng Nam.
Theo người nhà của chị L., trước đó, chị có biểu hiện buồn chán do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bản thân chị L. là công nhân may tại khu công nghiệp Ðiện Nam-Ðiện Ngọc, do lương trong những tháng cuối năm quá thấp (khoảng 700 nghìn đồng) không đủ để chi phí nuôi con nhỏ. Hoàn cảnh của chị rất khó khăn do chồng bỏ rơi trong lúc chị vừa mới sinh con nhỏ. Vì bế tắc trong cuộc sống, nên chị L. đã dùng thuốc sâu để hai mẹ con cùng uống tự tử.”
Lương của chị L. cao gấp 2.69 lần diện “nghèo”.
Báo Tuổi Trẻ trong bài “Lương lậu và muôn màu bổng lộc” ngày 22 Tháng Mười 2006 viết: “Theo các chuyên gia, thu nhập từ lương chỉ chiếm 30% cơ cấu thu nhập của công chức, tiền thưởng và phụ cấp chiếm 10%; 60% còn lại là các khoản thu nhập thêm ‘ngoài luồng’ (hợp pháp và bất hợp pháp)”.



No comments: