Thursday, December 17, 2009

KÝ ỨC SƠ SÀI (KỲ 1 & 2)

KÝ ỨC SƠ SÀI
Nguyễn Khiêm
http://daohieu.com/website/?pg=vn&id=730

Hôm nay ngày 11.6.2009 chúng tôi khởi đăng hồi ký "KÝ ỨC SƠ SÀI" của một nhà giáo bình thường, từng dạy học trong một xã hội không bình thường suốt hai chế độ trước và sau 1975.

*

KÝ ỨC SƠ SÀI kỳ 1 và 2
30/06/2009
http://daohieu.wordpress.com/category/giao-d%e1%bb%a5c-ky-%e1%bb%a9c-s%c6%a1sai-1-2/

KỲ MỘT

Làng Non tiên, quê tôi, nằm ven con sông con chảy ra sông Vu gia tạo thành ngã ba sông, có đò ba bến nơi làng Hà tân - quê hương của danh hề Hoài Linh. Toàn vùng nằm trong một thung lũng phía tây huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng nam (Nơi diễn ra hai trận đánh đẫm máu, trận Thường đức và trận đồi 1062 vào những năm cuối cuộc nội chiến.). Dòng sông trong veo trườn ngoằn ngoèo dưới chân núi, ngồi trên đò ngang có thể nhìn thấy con tôm bơi lửng lờ trong lòng cát trắng. Cho đến đầu thế kỷ trước, làng tôi hình như vẫn là làng giàu nhất xứ, nhờ thiên nhiên ưu đãi: Một con suối nhỏ chảy hiền hòa quanh năm ngang qua cánh đồng đủ cung cấp nước cho cư dân gieo cấy hai mùa trong khi các làng khác phải đợi mưa cho một mùa lúa duy nhất trong năm. Cách nay ngót trăm năm mà dân cư đã dựng được mấy chục ngôi nhà rường lợp ngói, vách tường. Trước năm 40, ông tôi đã sắm được xe đạp, súng săn hai nòng. Từ xa xưa, tổ tiên tôi đã “qui hoạch” một ngọn đồi trồng gỗ sao để dựng đình chùa, một triền núi trồng mít lấy gỗ tạc tượng Phật, mấy gò hoang rộng rãi trồng xoài hầu con cháu chia nhau ăn. Hằng năm, mỗi nhà đấu giá một cây lúc trái còn xanh, sở hữu cây đó cho đến hết mùa. Đó là giống xoài cơm nhỏ quả, chín cây, thơm nức và ngọt lịm. Những đồi xoài chín vàng đung đưa trong mưa giông tháng ba vẫn chập chờn theo tôi vào giấc ngủ mãi đến tuổi già và con suối róc rách ven bờ tre vẫn chảy mãi trong hồn tôi tận những ngày xế bóng. Tất cả đình chùa đồ sộ và đẹp thần tiên ven sườn núi đã bị Việt Minh đốt phá trong tháng tám 1945, có lẽ cốt xóa dấu tích phong kiến hơn là tiêu thổ kháng chiến như họ vẫn thường bảo. Rồi lần cuối, một buổi chiều 1965, máy bay Mỹ hủy diệt ngôi làng bằng 50 quả bom 500 cân Anh. Thuốc khai quang cũng quét sạch mấy đồi xoài, không một cây sống sót. Nay thỉnh thoảng tôi vẫn về lại thăm mồ mả tổ tiên. Về lại để thấy rong chìm, thấy đá nổi và không thể tin làng quê như một chốn địa đàng ấy đã từng có tại đây chỉ mấy mươi năm trước. Ngày đó, tôi học Tiểu học cách nhà chừng ba cây số, đi bộ trên bờ ruộng, vượt mấy cây cầu khỉ, ngang qua gò gỗ sao vắng tanh rờn rợn, nghe con công “tố hộ” trong lũng xa. Mấy học trò lớn chuyên dọa cọp, nhác ma, chiều đi học về chạy rớt dép, mực đổ tèm lem khắp mình mẫy. Kỷ niệm “sâu sắc” nhất, năm lớp ba, tôi bị ông thầy, vốn người trong xã, xô mạnh, trán va vào bảng đen đau điếng chỉ vì tôi viết THÌ MÀ LÀ hơi nhiều trong bài văn miêu tả. (ông thầy, nếu còn sống đến nay, chắc ông đề nghị xử bắn hầu hết các biên tập viên đài truyền hình Vờ Tờ Vờ, họ nói một câu với hàng chục tiếng THÌ MÀ LÀ, nghe “bức xúc” tệ). Về mấy nhân vật trong làng, tôi không quên được ông bác họ. Mọi người cứ nhắc mấy chuyện về ông sau 1975. Hồi đó công an thôn, cũng là con cháu trong làng, phát cho mỗi nhà mấy câu khẩu hiệu để dán lên vách. Bác tôi chừa lại, không treo lên câu “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, bị hạch hỏi lý do, bác nói bác đã nghĩ kỹ, bác thấy sự nghiệp của bác tệ quá, chỉ có mỗi tấm phên rách, Bác Hồ sống ở đây chi cho cực khổ, Bác nên đi chỗ nhà giàu “sống mãi” khỏe hơn. Môt lần ra thăm đồng, lúa vừa trỗ bông, gió bấc bỗng tràn về, nhìn bông lúa xác xơ, bác lẩm bẩm: “gió kiểu này thì rồi ra chỉ còn Bác Hồ sống mãi thôi, ai cũng chết tiệt hết.” Coi bộ bác tôi “tâm đắc” câu sống mãi… đó dữ. Lại một đêm hội họp, học tập gì đó tại trụ sở thôn, về khuya ai cũng mỏi mệt, ngủ gà ngủ gật mà viên cán bộ xã lại cao hứng chỉ ra nguồn gốc tổ tiên loài người là khỉ, bác giơ tay xin phát biểu ý kiến: “Dạ , tôi thấy tổ tiên loài người là con khỉ hay con chi cũng được, xin cho chúng tôi về ngủ, mai đi mần sớm”. Nghe nói, nhưng không chắc, ông là tác giả câu nhận xét về “lưu thông phân phối”: Có cứt chi mà phân, có phân cũng như…cứt.

Năm 1956, vào học lớp Đệ thất tại trường Trần Quí Cáp, chúng tôi phải lội bộ rục giò 25 cây số từ quê nhà tới Ái Nghĩa mới có xe đò đi Hội An để qua một kỳ thi concours tương đối khó vào lớp Đệ thất. Từ đây bắt đầu bảy năm trung học ăn nhờ ở chực với nhiều nỗi đắng cay. Nghề nông không còn khá nữa, tiền khó kiếm, má tôi vất vả lắm mới chu cấp đủ cho tôi ăn học. Càng điêu đứng hơn khi mùa đông năm đó ba tôi qua đời vì bạo bệnh. Ông chỉ mới 37 tuổi. Tháng ngày tiếp sau, tôi chẳng thiết học hành, không nguôi đau đớn tiếc thương ba. Ba tôi đang làm công chức cho Pháp, chef gare Trà kiệu, Kỳ lam, năm 1945 bỏ về theo kháng chiến. Phải chi ông bớt yêu nước một chút hẳn cuộc đời chúng tôi đã khác. Thị xã Hội an ngày ấy trong trí nhớ tôi với những cống nước thải lộ thiên bốc mùi tanh nồng dưới nắng hè gay gắt, những ngày mùa đông mưa dầm áo quần phong phanh đi học ngang qua ruộng rau muống gió thổi lồng lộng lạnh thấu xương, mặt mày tái mét. Hội an với những ngôi nhà cũ kỹ mái ngói rêu phong, thấp lè tè, rệu rã như muốn đổ nhào trong cơn lụt sóng vỗ bập bềnh, nước ngập gần tới nóc phố dọc sông Hoài. Hội an với cách phát âm rặt địa phương, “mắm” thành “múm”, “xuân” thành “xưng”, “cá lác” là “cá lóc”, lạ nhất là “phim” thành “phin” ( Tối nay rạp Hòa bình chiếu phin(!) “Cầu sông Kwai”). Hội an với món cao lầu đặc trưng nấu bằng thịt heo xa-xíu, ăn với cọng bánh giòn giòn cán từ bột mì ngâm nước tro nước vôi gì đó. Nghe nói phải dùng nước giếng Bá lễ mới được. (chắc là huyền thoại dành cho một món ăn đơn giản). Các bạn tôi, nhất là Mạc Phi Hoàng, con trai nhà buôn Phi yến nổi tiếng, hễ có tiền là đi ăn cao lầu, ăn hai ba bát. Như Lâm Ngữ Đường có nói văn hóa là những món ăn mẹ ta cho ta ăn từ ngày bé dại. Hội an ngày đó thu mình trong chiến tranh, buôn bán sơ sài, dân cư nghèo khó, hầu hết không có tiền sửa nhà. Đó là một bất hạnh đầy may mắn, nhờ thế nên tới thời CS cai trị, thị xã trở thành khu du lịch phố cổ nổi tiếng khắp thế giới. Đúng là thánh cho ăn lộc. Nếu không còn mấy ngôi nhà cổ và giả cổ, thành phố sẽ sống bằng gì? Những năm đầu trung học, hễ có dịp là tôi đạp xe về quê, được nghỉ lễ vài ngày, tôi tự cho phép mình nghỉ thêm vài bữa nữa. Tôi hay bị phạt cấm túc vì trốn học. Mặc kệ, miễn được về quê tắm sông câu cá, lên đồi Sơn điều hái sim (Ôi, “ngọn Sơn điều đen nhánh một mùa sim” (thơ của ông chú tôi), vào suối nằm trên tảng đá dưới vòm cây râm mát nghe chim hót vang lừng trong hẻm núi là tôi quên hết mấy giờ cấm túc. Gần như lần nào trên đường về tôi cũng ghé vào quán chỗ Cầu chìm ăn bát mỳ Quảng nhưn thịt gà. Ngôi quán nhỏ lợp tranh dựa lưng vào núi, phía trước che rợp một giàn thiên lý thơm lừng. Mỗi lần nhớ tới, không hiểu sao tôi liên tưởng tới câu lục bát của Tô Thùy Yên:
Xót thay hoa đợi trên giàn
Quán xanh còn mở cho chàng về qua.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nay tôi đi ngang đó, quán xưa đâu còn dấu tích.

Năm 1963, tôi phải ra Huế thi tú tài 2, ban văn chương C. Lên đến đỉnh đèo Hải vân phải dừng lại đợi xe cộ bên kia đèo lên hết rồi mới được đổ dốc. Chúng tôi ngồi ăn bánh bèo, chè đậu ván nước, không thấy ngon vì mãi lo chuyện thi cử.Thi xong trở về quê rong chơi, đợi đài phát thanh Huế báo kết quả. Không lo nhiều vì nghĩ mình sẽ đậu. Sau đó tôi vào Sài gòn ghi danh đại học văn khoa với học bổng đủ sống của Hội Thánh Tin Lành Aliance. Tôi chịu ơn hội thánh. Mỗi lần nghĩ tới chuyện này tôi lại buồn buồn, ái ngại nữa, vì nay tôi không còn đi nhà thờ.Tôi không mấy thích nhà thờ, mặc dù thâm tâm vẫn còn tin có Chúa. Nhờ hát thánh ca từ bé, nhạc của Bach, Mendelssohn, Handel… Tôi quen với các giai điệu nhạc cổ điển tây phương đến nỗi riết rồi không muốn nghe nhạc nào khác, mặc dù tôi mù tịt nhạc lý… Không biết tôi vốn có máu vong bản hay sao, mỗi khi nghe mấy nhạc sĩ VN dựa vào làn điệu dân ca này nọ để viết ca khúc, tôi chán ngán quá lắm. Khi tôi vào đến Sài gòn thì cuộc lật đổ chính quyền Ngô đình Diệm đã xong, chỉ còn vết tích bom đạn trên đường Thống nhất, dinh Gia long… Hai năm sau, thấy học Văn khoa phiêu quá, tôi nộp đơn thi vào Đại học Sư phạm, ban Việt - Hán, một phần cũng lo trốn lính. Thi xong, thấy bài vở hơi bê bối, nghĩ mình không đậu, tôi bỏ lên Đà lạt chơi. Tôi sững sờ nhận thấy Đà lạt thông xanh, hồ trong vắt, dân chúng hiền hòa, thiên nhiên đẹp như trong chiêm bao, theo tôi, không có cây gì trên đời đẹp bằng cây thông Đà lạt. Việt nam, ở một khía cạnh nào đó hẳn phải biết ơn nước Pháp, họ khai hóa ta thật sự. Cứ nhìn đất nước từ ngày gọi là độc lập thì thấy ngay. (phải chi độc lập…trễ hơn chút!). Về Sài gòn, tôi chạy đến trường xem kết quả, thấy thông báo viết bằng phấn cho riêng tôi: N.A.K liên lạc gấp với văn phòng trường để thi vấn đáp. Tôi hết hồn, vào ngay văn phòng, bị thầy nào mắng, tôi không còn nhớ “Anh đi đâu giờ này mới tới? Anh thi cử kiểu gì vậy? Có muốn học không? Tôi ngồi đợi một lúc thì thầy Lê Hữu Mục đến. Dĩ nhiên tôi chỉ biết tên thầy sau này lúc thầy dạy chúng tôi chữ Nôm. Thầy hỏi tôi mấy câu, hơi qua loa, tôi nhớ một câu: “Theo anh, bầu cử hay bàu cử đúng?” Tôi nói “bầu”, thầy nói “sai” nhưng tôi cũng đậu. Bao nhiêu năm học, thú thật, tôi không có thiện cảm với thầy, tôi bực bội vì thầy dạy chúng tôi học chữ Nôm bằng cách chép tự điển Génibrel rồi học thuộc lòng. Về sau, hoàn cảnh buộc phải học thêm Anh ngữ, tôi mới thấy thầy đúng. Học thuộc lòng là “the best way”, tiếng Anh còn vậy, huống gì chữ Nôm.Tôi còn viết bài trong tờ nội san Việt - Hán có ý chê thầy. Tôi sai trái quá chừng, ước chi thầy còn sống để tôi được thốt lời xin lỗi . Tôi còn chưa quên có lần thầy nói với lớp tôi lời phê phán của thầy Trần Văn Tấn (tiến sĩ toán ở Pháp, Khoa trưởng Đại Học Sư Phạm, người Bến Tre) như sau: “Người Bắc mấy anh nói quá nhiều mà làm thì chẳng bao nhiêu, coi bộ, cái được nhứt của mấy anh là đem theo…phở vào Nam thôi.” Thầy Mục nói thêm: “Cũng đúng chứ, nói nhiều làm ít cũng chướng”. Về thầy Tấn, thầy là Khoa trưởng, tôi chỉ là sinh viên quèn, chưa bao giờ gặp trực tiếp thầy. Mãi tới sau này, dưới thời cách mạng cai trị, đám sinh viên sư phạm cũ gọi tới gặp thầy bàn tính giúp thầy (mà họ bắt chước ngôn ngữ mới gọi là “hỗ trợ” ) về chuyện thầy ra ứng cử quốc hội gì đó. Tôi không hiểu thầy ra ứng cử dưới áp lực nào hay tự thầy nghĩ có thể đóng góp chút gì cho giáo dục nước nhà. Dù với mục đích gì, tôi thấy chuyện thầy ra cũng thật đáng tiếc. Thầy có vẻ sợ rớt nữa mới lạ chứ (ngày xưa thi Tiến sĩ toán bên Pháp không biết thầy có sợ rớt như vậy không) . May sao kỳ đó thầy “đậu”. Từ đó là xong, biệt vô âm tín. Không hề nghe thầy nói gì, không thấy hình ảnh thầy trên TV. Nghĩ cũng buồn. Học cổ văn Tàu với thầy Giản Chi, nay không còn nhớ Đào hoa nguyên ký nội dung ra sao nữa. Học chữ Hán với thầy Lưu Khôn, nay chỉ còn nhớ cách giải nghĩa đơn giản dễ hiểu của thầy như độc lập là đứng một mình, tiến bộ, tiến là lên phía trước, bộ là bước, du kích là vừa đánh vừa…chạy, kích thích là đánh và đâm, thích khách là thằng cha chuyên đi đâm người ta, cảm là dám, tử là chết, cảm tử là dám chết, đầu là bỏ, đầu phiếu là bỏ phiếu vào thùng, đầu tư là bỏ tiền của vào… Thầy Khôn, ai nói chi thầy cũng “dạ”, sinh viên hỏi gì thầy nghe không rõ, thầy hỏi lại “dạ chi?”. Ngại quá. Thầy Trần Trọng San hay ngượng, mỗi lần ngượng thì đỏ mặt tía tai (Không biết thầy có họ hàng chi với ông Trần T Đ Đ…, tác giả một quyển sách đồ sộ với tư liệu sai be bét, nhận định hàm hồ và đầy bạo lực về văn học miền Nam mà Nguyễn Thế Cường đọc xong phát hoảng, bảo “vô liêm sỉ viết bằng chữ vàng” !). Tôi nhớ ngày đi quân sự học đường về, mấy tay giỏi chữ Hán đọc cho thầy nghe bài “Bành Tổ Tòng Quân ký” cả lớp cùng góp ý viết để chọc ghẹo Lê Ngọc Thơ vì cái vẻ già nua của anh, dù anh không lớn tuổi hơn ai; thầy cười ha hà, mặt đỏ rần, thầy khen không ngớt, bảo hài hước lắm, các anh giỏi lắm. Mấy tay mang tiếng giỏi Hán văn trong lớp phải chịu trách nhiệm việc quên tác phầm sáng giá nhất của lớp này (nói theo kiểu Nguyễn Thế Cường thì “lấy quyền gì mà quên”) . Thầy Phạm Văn Diêu dạy Việt văn. Hai tác phẩm biên khảo của thầy (Văn Học Việt Nam và Việt Nam Văn Học Giảng Bình), nhất là cuốn sau, không kém gì cuốn của Hà Như Chi lại ít được biết tới trong khi sách của H.N.Chi nổi như cồn. Cả lớp cứ cười nhóm từ trên đầu môi của thầy mỗi lúc giảng văn: tươi tắn như rau vườn mới hái. Thầy hay mang theo bia lon trong cặp, nghỉ giữa giờ hay lôi ra mở lộp bộp để giải khát. Mập mạp, mặt thường đỏ gay, giải khát toàn bia, tôi nghĩ thầy dám bị tension lắm. Và quả vậy, thầy mất vì tai biến mạch máu não sau 1975, nhà thầy cách nhà tôi có cây cầu ngắn, tôi không hay biết để tiễn đưa lần cuối, nay muốn thắp nén nhang tưởng niệm thầy cũng không còn được nữa, nhà thầy dọn đi đâu mất (không biết tủ sách đồ sộ, toàn sách quí của thầy có còn tại VN không). Những ngày gian khó sau 1975, thầy hay đạp xe đến nhà tôi chơi, thầy trở nên dễ thương hẳn. Thầy đọc cho tôi nghe mấy bài Đường luật thầy mới viết, thấm đẫm nỗi đau đời trong cuộc biển dâu. Có năm tới Tết, thầy đạp xe tới cho tôi hai ký thịt heo, trong khi tiêu chuẩn của tôi ở trường chì được một ký. Thấy vợ con tôi ngủ nheo nhóc dưới nền gạch, thầy ái ngại bảo: “Hay là tôi cho anh mượn ít cây đi vượt biên, qua tới đi làm trả lại tôi, không sao đâu”. Tôi thực sự cảm động và bất ngờ được thầy tin và thương đến vậy. Tôi nói: “Tạ ơn thầy, cho em tính lại”. Nói vậy chứ tôi biết mình không làm vì bản tính sợ chịu ơn, lại nhát gan, ngại sóng gió và làm mồi cho cá. Về thầy Giản Chi, tôi chưa quên một kỷ niệm vui. Khoảng thời gian trước ngày thầy qua đời đâu vài ba năm, anh Huỳnh Quang Vinh lớp Việt Hán đàn anh gọi đến rủ tôi đi thăm thầy, bữa đó có mấy chị lớp anh, cả Lê Trung Hoa nữa. Chúng tôi gởi xe, lên lầu ba chúng cư đường Hoàng Diệu, quận Tư. Thần sắc thầy tươi tắn, giọng nói vẫn rất khỏe nhưng thính giác thì đã kém nhiều, phải nói lớn thầy mới nghe. Thầy hỏi tên từng người, tới lượt tôi, tôi phải lôi tên mấy người giỏi chữ Hán năm đó như Lê văn Bảy, Lâm Hữu Tài, Quách Thị Trang…ra thì thầy mới ờ ..ờ...ra vẻ nhớ. Thầy hỏi tôi nay sống ra sao, tôi có thưa rằng theo như ông Nguyễn Hiến Lê bảo, người ta, đời sống vật chất nên dưới trung bình, đời sống tinh thần nên trên trung bình. Phần đầu thì tôi không lo, vì tôi dưới trung bình chắc cú, còn phần tinh thần thì tôi không chắc. Nghe vậy thầy mỉm cười vô cùng khả ái. Nhắc tới ông Nguyễn Hiến Lê, ai đó trong nhóm có bảo ông đã được đặt tên đường, thầy bảo cũng phải, xứng đáng lắm. (đến nay tôi cũng không biết đường đó ở đâu). Mấy chị mời thầy dùng bánh mì thứ mềm mềm, tôi ngạc nhiên thấy thầy ăn được, thế thì ông cụ còn khỏe lắm. Chúng tôi làm thơ trêu để thầy vui, mỗi người làm một câu, sửa đi sửa lại một chút, tôi nhớ như sau:
Ô hay trăm tuổi vẫn còn…ngon
Giọng nói sang sảng, cười vẫn giòn
Quế Sơn bảy chục răng đà rụng
Giản Chi trăm tuổi răng cứ còn

Lúc đầu là “vẫn còn” tôi nói bị lặp quá, nên đổi “cứ còn” đỡ hơn. Nghe vậy thầy nói : “Thầy cho con một khuyên đỏ chữ “cứ” đấy nhé.”
Vui nhất là giờ Anh văn thực hành, học với thầy Trí, người Khánh Hòa (tôi không nhớ tên đầy đù của thầy). Học nhẹ nhàng, dạy thì tếu, chuyên kể chuyện khôi hài bằng…tiếng Việt. Một chuyện thầy kể: Tay kép hát nọ đóng vai vua trong một tuồng cổ, buổi tối trước khi lên sân khấu, y làm sơ ly chè đậu đỏ bánh lọt, lúc sau, bụng bắt đầu sôi ục ục…Đang hò hét ba quân, bỗng tình thế nguy ngập, vua chạy lại ghế đặt đít xuống rồi ra lệnh nhanh gọn: “Quân bay! Khiêng trẩm vô buồng!”. Tôi cũng kể với thầy một chuyện ở quê tôi mà thầy cho là hay nhất thế giới: Một ông nọ say rượu, đi xiêu vẹo ngoài đường, té chổng gọng vào bụi tre gai, miệng lè nhè “Đ M, Tổ cha bay, tre mà trồng giữa đường”. (tôi mới thêm chữ ĐM vào cho đúng…nguyên văn chứ hồi đó tôi đâu dám nói chữ này với thầy).

(còn tiếp)



KÝ ỨC SƠ SÀI
Nguyễn Khiêm

http://daohieu.com/website/?pg=vn&id=754

KỲ HAI


Suốt khóa học, chúng tôi thực tập tại các trường trung học Sài gòn, nhiều nhất tại trường kiểu mẫu Thủ đức. Nếu tôi nhớ không lầm thì mỗi người dạy đâu chưa tới mươi lần. Chúng tôi không đến nỗi tuân thủ năm bước lên lớp nghiêm nhặt như thời sau này, bài soạn, tức giáo án, không cần phải đưa thầy “duyệt”. Giáo án, chao ôi, tôi khiếp nó quá (nội từ giáo án thôi đã thấy nghiêm trọng rồi, nói bài soạn bộ chưa đủ nghĩa sao? Cũng như em chọn “phương án” nào thay vì câu trả lời nào, chắc nói phương án nghe oai hơn, hay chữ hơn) . Năm 1980, tôi về dạy tại một trường trung học chuyên nghiệp, tôi mất “lao động tiên tiến”, chết lên chết xuống vì nó, ông tổ trưởng ngữ văn người bắc, hình như là bộ đội chuyển ngành, luôn tổ chức thi “giáo án tốt”, soạn năm bảy trang với đủ thứ câu hỏi, ghi rõ cả câu trả lời của học sinh (dự kiến!) mũi tên chỉ qua chỉ lại, dạy theo đó phải mất ít ra gấp đôi số giờ qui định, tôi thắc mắc thì ông bảo thi soạn giáo án tốt là một hoạt động khác, không phải để áp dụng 100% khi dạy. Tôi ngờ chuyện này là sáng kiến riêng của ông tổ trưởng chứ làm gì mà thi đua kiểu kỳ cục, cốt hành hạ giáo viên chứ ích gì đâu, nhất là nội dung những giáo án đó được chép từ sách hướng dẫn giảng dạy, có ai dám dạy cái gì khác. Quả thật, khác nhau lắm. Ngày trước, trong thời gian thực tập, chúng tôi cũng chỉ cần viết một plan détaillé cho riêng mình, nhiều khi soạn một đường vào lớp dạy một nẻo theo ý tưởng mới nảy sinh. Xong đâu đó, giáo sư hướng dẫn mới chỉ ra những điểm hay dở, một cách nhẹ nhàng. Cho nên được đi thực tập, ai cũng vui vẻ, hào hứng. Sách giáo khoa thì có cả mấy chục tác giả, chẳng phải pháp lệnh pháp liếc gì cả, ai muốn dùng sách của ai tùy ý, chẳng qua đó chỉ là những độc bản mà thôi. Một hôm, tôi dạy bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại trường nữ trung học Lê Văn Duyệt Gia định (Một mai, một cuốc, một cần câu…), tôi có nói với học sinh sự tiến triển của câu thơ Nôm, về hình thức, từ Trê cóc, Lục súc tranh công…đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là cả một bước tiến dài. Câu thơ chữ Nôm đã nhẹ nhàng, trong sáng lắm, so với ngày nay cũng không khác bao nhiêu. Cuối giờ, để “củng cố” bài dạy, tôi hỏi ý kiến, một nữ sinh nói rằng cô thấy thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều chỗ tứ thơ dễ dãi, lời hơi ngô nghê. Tôi nói phải trả những bài thơ đó vào thời điểm sáng tác cách nay đã năm sáu thế kỷ để đánh giá, đừng so sánh với thơ bây giờ theo từng lời từng ý. Tôi nghĩ bụng chắc cô này con nhà nòi văn chương thơ phú đây. Cao hứng và coi bộ dư giờ, tôi liền đọc cho cả lớp nghe mấy câu thơ của một tác giả trẻ vừa đăng báo Văn của Trần Phong Giao.
(ỨNG CHIẾN, đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm của Chinh Yên)

Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
Tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ
Huống hồ trên dưới mấy trăm năm

Hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
Máng đầu giường chạm gió kêu khan

Hiền sĩ có cây già tựa gối
Có chim ngàn ở ẩn chia vui
Tôi có gì đâu ngoài nón trận
Tránh đạn bom nhờ chút hên xui

Hiền sĩ nhẹ tênh đường danh lợi
Tôi ngược xuôi mòn nẻo phù sinh
Đôi khi cũng muốn như người trước
Xem đời như một giấc mơ tan

Tôi nói đoạn thơ đó chỉ có “chốn ba quân” có vẻ cổ, ngoài ra làm sao bắt người xưa nói theo kiểu như “ngắm nghía đỡ buồn”, “nhờ chút hên xui”, “mòn nẻo phù sinh”….Cả lớp cười nhưng tôi không kịp thấy thầy Lưu Khôn phản ứng ra sao, tôi hơi lo vì mình “liên hệ” hơi xa. Nhưng lúc lên xe trở về, thầy nói “Anh dạy được”. Một chuyện về sách vở, giảng dạy, tôi chưa quên. Cùng thời điểm này, tôi được dạy giờ tại trường trung học tư thục Thánh Mẫu, Gia định của linh mục Nẫm, (tôi quên họ của cha). Chỉ là sinh viên, tôi được xếp dạy lớp Đê thất, Đệ lục. Một hôm, tôi chép lên bảng bài văn xuôi mình được học từ năm lớp Đệ thất, nguyên văn… theo trí nhớ như sau:

NHÀNH LÚA MỚI
Tôi tới một miền quê kề bên trận địa vào một buổi chiều hoe nắng.
Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông dân cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm, không thấy một bóng người, khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau, tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng ban mai, đố ai biết có gì đổi khác? Nhìn vào thôn xóm, vẫn không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm nhưng dải đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ đến bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên dải đồng rộng mênh mông.Trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát, trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên khắp đô thành và làng mạc, thì ở đây, người nông dân Việt nam vẫn thản nhiên gieo nguồn sống.
Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trỗi dậy, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc.

Vô Danh

Lúc đó cha Nẫm đi ngoài hành lang, cha nhìn bảng đen, dừng lại đọc chừng mấy giây rồi đi về văn phòng. Giờ ra chơi, cha ghé phòng giáo sư ngồi nói chuyện với vài vị khác (hồi đó gọi thầy dạy bật trung học là giáo sư trung học), làm như luôn tiện, cha tế nhị hỏi tôi bài dạy đó ở đâu, sao lại tác giả Vô Danh. Tôi trả lời bài đó tôi được học từ nhỏ, có trong sách giáo khoa, còn Vô Danh, theo ý tôi, chắc là người sao lục tránh nêu tên tác giả miền bắc chăng, có lẽ bài hay nên họ cứ trích cho học. Cha hiệu trưởng gật đầu, không nói gì thêm. Tôi nghĩ mình cũng đa sự, dạy bài đó làm gì để cha bận tâm, có khi năm tới không được mời dạy tiếp. Thế nhưng không, trước hè, cha giao cho tôi thời khóa biểu lớp cao hơn và nhiều giờ hơn. Tôi dạy ở đó cho tới lúc ra trường sư phạm, phải rời Sài gòn về dạy trường trung học Nguyễn Trung Trực Rạch giá. Tôi vào từ giả linh mục Nẫm, dẫn Đào Hiếu theo giới thiệu để anh thế chỗ. Hình như Đào Hiếu cũng không dạy được lâu, vì anh bị bắt trong vụ Huỳnh Tấn Mẫm chứ không phải tại nhà trường từ chối. Trở lại chuyện bài văn xuôi nói trên, vì giá trị nghệ thuật cao của nó, (lời văn bóng bẩy, từ láy gợi hình, câu suôn sẻ đầy nhạc điệu, ý hàm súc, tình yêu nước bày tỏ cách kín đáo nhưng thiết tha, đoạn kết so sánh tuyệt vời…) nên tôi nhớ nó suốt đời. Tâm hồn trẻ thơ thế hệ chúng tôi được dưỡng nuôi bằng những bài văn như vậy, văn xuôi của Xuân Diệu (Phấn thông vàng, Trường ca), của Đinh Gia Trinh (Hoa súng, Một cảnh chùa…), đoạn tả buổi sáng mùa xuân tràn nắng mới của Bùi Hiển trong cuốn Nằm vạ là một đoạn tuyệt bút. Không cần gì nội dung phài thiết thực, phải “gắn liền” với cái này cái nọ. Chỉ cần văn hay, lời đẹp để nuôi dưỡng mỹ cảm nơi trẻ thơ, rèn luyện trực giác nơi tâm hồn chúng. Cái hay, cái đẹp cũng chính là cái tốt và đạo đức đó thôi. Chúng tôi cũng đã học văn xuôi của nhiều tác giả khác phần lớn đều ở lại đất bắc, người ta không nề hà gì mà không sao lục cho học sinh học. Sau này, tôi có dịp hỏi mấy anh chị giáo viên người bắc dạy cùng trường về tác giả bài văn trên nhưng không ai biết. Càng ngạc nhiên hơn khi họ chưa hề đọc qua những bài chúng tôi đã học. Sách ngữ pháp thì đồ sộ mà dẫn chứng toàn danh ngôn của các lãnh tụ chính trị, còn văn thơ minh họa phần nhiều là dở,(ngoại trừ ông Cao Xuân Hạo, khi phải minh họa các qui tắc ngữ pháp, bao giờ ông cũng dẫn lời nói phổ biến nhất trong dân gian). Tôi có dịp hỏi học sinh chọn giỏi văn lớp 5 của thành phố thử cho biết bài thơ bài văn nào em thấy hay nhất và đã thuộc lòng, kết quả là không. Các em đã không nhớ bài nào trong sách giáo khoa. Buồn chưa! (trong khi phải học thuộc lòng các bài văn mẫu kinh hoàng soạn cẩu thả tràn ngập trong mấy quyển tập làm văn - có dịp tôi xin “khảo sát” vài bài để quí bạn đọc chơi). Một chuyện oái oăm dạy cho tôi bài học đích đáng về việc “tìm tòi” trong giảng dạy. Tôi vốn phụ trách phần giáo trình hướng dẫn giáo sinh dạy bài tác văn cho học sinh tiểu học. Dạy phần này đỡ lắm, khỏi giảng văn theo sách quá máy móc chặt chẽ, nhưng rồi cũng có chuyện. Một hôm, tôi đem bài văn xuôi trên ra minh họa về cách dàn ý bài văn theo trình tự thời gian, tôi đọc qua theo trí nhớ để dẫn chứng. Tôi tưởng vậy là ngon lành, ít nhất tiết dạy cũng “đạt yêu cầu”, nhưng không, người ta đem bài dạy ra mổ xẻ, hỏi tôi bài trích ở đâu, tác giả là ai (vô phước cho tôi, tác giả thì…vô danh, trích thì từ trí nhớ!) Nhờ nội dung “tích cực” của nó nên tôi được bỏ qua nhưng khuyến cáo không bao giờ được trích dẫn cái gì không minh bạch, không nguồn gốc, nhất là không được dạy cái gì ngoài sách giáo khoa. Người ta bảo thiếu gì bài trong sách hướng dẫn giảng dạy mà phải tìm ở đâu cho xa xôi để dẫn chứng(!). Tôi ngồi thẫn thờ nghe góp ý, buồn bã ngó ra ngoài tìm một chút thiên nhiên. Đầu mùa mưa Sài gòn, gió mang theo hơi nước thổi tung những trái dầu cánh mỏng bay lao xao, rộn rã như đám chuồn chuồn, bông điệp cánh vàng tàn úa rụng đầy một góc sân, nhìn lên nóc chuông nhà nguyện, thấy lũ dơi bắt đầu bay loạn trời chiều, tự nhiên nhớ tới cha Nẫm ngày trước, lòng bỗng rưng rưng. Chiều đó ra về, ghé bệnh viện nhi đồng (xưa là Grall) thăm con trai tôi đang bị bệnh phổi ngặt nghèo. Đứng dưới mái hiên bệnh viện, nhìn mưa rơi trắng xóa trên hàng cây cổ thụ. Mưa như xưa xối khôn cầm, réo um gió bạt nhòe câm bóng hình (Thanh Tâm Tuyền). Tôi cay đắng nhận ra mình yếu hèn cùng tận, khiếp sợ cuộc đời quá đáng, yếu đuối trong xử thế, bất lực trong mưu sinh, không dám bắt chước bạn bè ra chợ trời bán thuốc tây, làm kem đánh răng bạc hà, dầu gội đầu bồ kết (láo), bỏ mối café…

Nghĩ lại và so sánh, không thể không thừa nhận văn học, giáo dục ngày trước có cái gì phóng khoáng, thoải mái lắm. Hiệu trưởng chỉ là người phụ trách về hành chánh, không có quyền gì về chuyên môn, không bao giờ được can thiệp vào việc dạy của người khác, muốn vào lớp nói gì với học sinh phải xin phép người đang dạy, không được quyền “dự giờ” ai hết, quyền hành còn thua xa ông tổ trưởng chuyên môn thời nay. Trường đại hoc sư phạm chịu trách nhiệm hoàn toàn về năng lực người thầy. Họ đã cho thi tuyển (năm tôi thi, hình như gần ngàn thí sinh, lấy đậu 30), kiểm tra hằng năm, cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp. Tự tin vào chương trình, lịch trình đào tạo của mình, tin vào người thầy mình đã rèn luyện, không việc gì phải kiểm tra lại, cũng không nhờ ông nào bà nào ở trường phổ thông kiểm tra, kiểm soát hộ. Đó thiết thực là tôn trọng thầy. Người thầy hoàn toàn độc lập trong giảng dạy, không hề bị bất cứ thứ stress nào từ người quản lý. Học sinh đậu tú tài bao nhiêu, nhiều ít là do năm này năm khác, lớp giỏi lớp dở, thầy không bị qui trách, không nghe nói từ “thành tích” bao giờ. Dạy dở thì…trường tư không mời dạy, rán chịu. Chữ nghĩa cũng là thị trường tự do, không có định hướng gì hết. Không có chuyện ông thầy năm nào cũng chiến sĩ thi đua nhưng học sinh xầm xì thầy dạy chỉ đọc chép, buồn ngủ muốn chết. Không nói nhưng người ta làm, người ta hành xử cách nào để thầy được tôn trọng đúng mức. Không bao giờ có cái trò tổ chức dự giờ bất nhơn như sau này. Dự giờ là một trong những hoạt động tai hại chỉ tổ làm hạ giá tư cách giáo viên, theo suy nghĩ và quan sát chủ quan của tôi. Học sinh lớp một cũng dư nhận ra những chuẩn bị, sắp đặt thiếu ngay thật của thầy cô. Dần dần trẻ em từ lớp một tới học sinh cấp ba thấy chuyện đó tự nhiên như lửa thì phải nóng vậy thôi. Đoàn dự giờ vừa ra khỏi lớp, thầy trò nhìn nhau cười như đồng lõa, thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát nạn và đạt thắng lợi. Không gì tàn phá con người bằng quen thân với dối trá. Ai ơi, nỡ lòng nào “xây dựng cơ ngơi trên sự tàn phá con người”. Nói dự giờ để giúp nhau tiến bộ e chỉ là mục đích cao đẹp, chưa bao giờ đạt được, và không bao giờ đạt được. Nói dự giờ để đánh giá năng lực giáo viên e cũng lầm lẫn, đâu cần nhiêu khê như vậy mới biết khả năng thầy. Cứ hỏi học sinh thôi là đủ. Một vài em còn nói sai chứ bốn năm chục em thì không thể nghi ngờ. Tôi đã hơn một lần nghe ông tổ trưởng trường trung học chuyên nghiệp nói trên bảo, một tiết dạy, ông có thể đánh giá dạy tốt với đầy đủ dẫn chứng, và ngược lại, cũng tiết đó, ông đánh giá tiết dạy yếu cũng đầy đủ chứng cớ! Xét giáo án thầy, kiểm tra chuyên môn thầy, dự giờ thầy… dần dần tạo nên hình ảnh ông thầy thật thảm hại dưới mắt học sinh. Thảm hại không kém gì đói cơm rách áo. Triển lãm thời bao cấp, chế nhạo thời bao cấp, cười cợt thời bao cấp, bảo đó là những kinh nghiệm đắng cay, tiếc mãi cho một thời mù quáng, sao chưa một lần nhìn lại xem ích lợi tới đâu của việc dự giờ thường trực, tràn lan. Đọc báo thấy nói ông bộ trưởng, ông giám đốc không thể đến chỗ này chỗ kia vì đang bận dự giờ, tôi không khỏi nén một tiếng thở dài.


(còn tiếp)


No comments: