Thursday, December 17, 2009

KÝ ỨC SƠ SÀI (KỲ 3 & 4)

KÝ ỨC SƠ SÀI (KỲ 3&4)
Nguyễn Khiêm
http://daohieu.com/website/?pg=vn&id=776

KỲ BA

Thời gian học văn khoa nhàn nhã tôi lang thang tìm chỗ dạy. Sài gòn đầu những năm 60 còn là một rừng cây êm ả. Những buổi trưa tan trường Đức Tin số 6 Mạc Đỉnh Chi, đi dưới tàng cây dầu nghe tiếng cu gáy râm ran tưởng như tiếng chim gáy chốn quê nhà ngày cũ. Đường Phùng Khắc Khoan kế bên với hai hàng me tơ lá già xanh sẫm, lá non màu đọt chuối chen nhau từng mảng, lâu lâu mới có chiếc taxi hai màu xanh trắng chạy qua, con đường lại trở về tĩnh lặng , gần như không một bóng người. Con chim sâu màu vàng nghệ treo ngược đung đưa dưới cành lá thanh mảnh tìm mồi, thỉnh thoảng buông tiếng hót dài vi…i…xào…ào…nghe ra một điệu buồn kêu than vì cuộc mưu sinh vất vả.
Ôi, những hàng me Sài gòn của ông Bình Nguyên Lộc:
“Me đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh mơn mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như hòn non bộ dày sương dạn gió. Tàng me không thưa, không xơ rơ như tàng sầu riêng, không dày mịt như măng cụt. Vốn nó đã đẹp ngoài thiên nhiên rồi mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn thì nó lại càng đẹp hơn biết bao! Ôi, những hàng me Chợ cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng. Những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa. Những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá me nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàng xanh sậm quyến luyến tiêng dương cầm của ai từ của sổ vọng ra.”

Hình như tôi có đọc đâu đó sau này, nhà văn SN chê cây me, cho là thứ cây thô lậu, tầm thường; trong khi ông Bình Nguyên Lộc đồng ý: ”Me, cái tên nghe thô lỗ, cộc cằn, chẳng chút cao nhã như thanh tùng, anh đào” nhưng “chưa chắc thanh tùng, anh đào đẹp bằng me, nhất là me Sài gòn.” Dường như cái gì ông BNL khen thì ông SN chê. Người ta, vốn rộng lượng với thiên hạ nhưng có lúc cũng hẹp với đồng nghiệp. Tôi có “chủ quan” nghĩ bậy, xin hương hồn người đã khuất lượng thứ.

Văn xuôi Việt Nam, những đoạn hay tả cây cối, hoa lá có thể trích giảng cho học sinh tiểu học và cấp 2 xem ra hiếm hoi. Đoạn tả hoa súng của Đinh Gia Trinh thâm trầm sắc màu đạo đức, lời văn bóng bẩy nhưng diễn đạt cầu kỳ, đoạn tả hoa phượng của Xuân Diệu trong tập Trường Ca lời văn lộng lẫy, âm điệu nhịp nhàng nhưng ý tưởng kém phần cụ thể; riêng đoạn này xuất sắc vì văn phong giản dị, từ láy gợi hình, phép nhân hóa sử dụng tài tình, tự nhiên. (Đọc mà nhớ Sài gòn ngày cây cối chưa bị tàn sát hàng loạt, nhớ xe mỳ tàu Chợ cũ thơm lừng dứới bóng me mát rượi).

Yêu thích giá trị nghệ thuật của nó, may mắn sao tôi gặp được người quen đang tham dự vào việc soạn sách giáo khoa cải cách, tôi nói với anh nên đề nghị cho trích giảng bài đó. Gặp lại, anh nói: “Xong rồi, sẽ có bài Những hàng me Sài gòn”của BNL”. Tôi mừng. Chẳng dây dưa gì bài này bài nọ trong sách giáo khoa (mà hạng như tôi ai cho mình dây dưa vào? vớ vẩn!) nhưng nghe thế tự nhiên tôi cũng mừng. Sách phát hành, mở ra xem, thấy chỉ có một đoạn ngắn ba bốn câu, đề bài là ”Những hàng me” cụt ngũn. Trời đất, “Những hàng me” thì khác xa “Những hàng me Sài gòn” chứ? À ra vậy. Người ta …né chữ Sài gòn, ghét chữ Sài gòn vì chữ này gợi tới… ngụy quyền Sài gòn, văn học đồi trụy Sài gòn chăng? Hèn gì mấy năm trước, nghe ông tường thuật đá banh cứ nói dội Cảng thành phố Hồ Chí Minh một cách dài dòng thay vì chỉ nói Cảng Sài gòn cho lẹ. Ông ta không biết Cảng Sài gòn là tên riêng, Cảng Sài gòn của thành phố Hồ Chí Minh, (nếu muốn nói đủ). Tò mò, tôi lật ra xem mấy cuốn Tiếng Việt của bậc Tiểu học thử “cải cách” tới đâu so với sách cũ. Trước hết và dễ thấy hơn hết là những cái bìa sách rất khác, khổ in khác, sắp xếp các chủ đề, chủ điểm cũng khác; giấy tốt hơn và giá …mắc hơn. Sách bỏ đi khái niệm từ ngữ, ngữ pháp, thay vào đó là luyện từ và câu, chắc là tránh tên gọi môn học gây cảm giác nặng nề. Văn thơ được sao lục giảng dạy hầu hết lấy lại từ sách cũ. Tât nhiên cũng có bài mới nhưng đặc điểm chung là chia đều mỗi người một hoặc hai bài. Hình như được trích in vào sách giáo khoa là một vinh dự lớn, một quyền lợi hay chứng thực cho giá trị tác phẩm của tác giả đó chăng? Có lần tôi nói chuyện này với Đào Hiếu, Đào quân cười bảo thì cũng như phân phối cho công nhân viên theo tiêu chuẩn nửa ký thịt, mười ba ký gạo.

Xem thử một bài học thuộc lòng trong sách Tiếng Việt lớp BA:
Rừng cây trong nắng.
Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời như những cây nến khổng lồ. Từ trong biền lá xanh rờn, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời. Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm.
ĐG

Đoạn văn trên đây nhiều khuyết điểm quá. Trước nhất là ý. Nói ánh nắng mặt trời là thừa. Nắng mà không từ mặt trời thì là gì? Nói rừng khô rất dễ hiểu lầm rừng cây khô, có lẽ nói khô ráo sẽ ổn hơn. Mà rừng khô thì có gì uy nghi tráng lệ? Tưởng thành quách lầu đài thì mới tráng lệ uy nghi chứ? Tác giả so sánh thân cây tràm như những cây nến khổng lồ e không thích đáng. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng Xuân Diệu trong Phấn Thông Vàng chăng? (Chín mười cây cau song song vụt lên giữ ánh sáng trên đầu như những cây nến khổng lồ), nhưng có “giữ ánh sáng trên đầu” thì mới so sánh được với cây nến khổng lồ, còn ở đây, cây tràm với tán lá xanh rì làm sao so sánh như vậy cho được? Rồi cách dụng ngữ nữa. Đoạn văn chỉ có bốn câu ngắn mà lặp đủ bốn lần từ TRỜI, câu nào cũng có trời, hai lần lên trời, hai lần mặt trời, đọc nghe vụng về, chướng tai…quá trời! Lỗi không ở nhà văn, nhà văn dù giỏi cũng có lúc sơ sót vì nhiều lý do. Lỗi thuộc người trích tuyển không cẩn trọng, không biết chỗ dở chỗ hay. Nghe nói việc đổi sách giáo khoa được tổ chức khoa học, ban bệ đàng hoàng lắm và tiền cũng nhiều lắm. Còn nhiều điều trong sách có thể nói tới, nhưng thôi, không phải chỗ. Buồn một nỗi nghe đồn sắp đổi đợt mới, tất nhiên là tiền của dân. Chữ nghĩa, giáo dục xứ này coi bộ ngày càng mắc tợn.

(còn tiếp)


KÝ ỨC SƠ SÀI
Nguyễn Khiêm

http://daohieu.com/website/?pg=vn&id=785

KỲ BỐN
20/07/2009
http://daohieu.wordpress.com/category/giao-d%e1%bb%a5c-ky-%e1%bb%a9c-s%c6%a1-sai-04/

Ngôi trường Đức Tin nói trên do hội thánh Tin Lành sở hữu, khuôn viên rất rộng nhưng cơ sở đó mới chỉ là hai dãy phòng học nấp dưới bóng cây dầu, lớp Đệ tứ là cao nhất.Tôi thấy hội thánh Tin Lành vốn nghèo, muốn xây nhà thờ thì quyên góp dâng hiến lâu dài, khó khăn, dường như không có chuyện “Mỹ tới đâu thì lo xây nhà thờ trước rồi đem xe bọc thép và máy bay ném bom đến sau.” Đạo Tin Lành có vẻ bị mang tiếng oan vì đa phần giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam truyền giáo là người Mỹ. Xây trường học có vẻ còn khó khăn hơn, họ không chủ trương kinh doanh trường tư như Công Giáo hoặc kinh doanh bệnh viện tư như hệ phái Cơ Đốc. Do vậy kế hoạch xây trường cứ nằm hoài trên giấy cho tới lúc bị CM tịch thu. Trên khuôn viên đó còn có nhà thờ Tin Lành Pháp nhìn ra đại lộ Thống Nhất. Ngôi nhà thờ này nhỏ nhắn nhưng kiến trúc rất Tây, đẹp một cách đơn giản, đầy thần sắc .

Sau 1975 bị dùng làm hộp đêm hay dancing gì đó, còn trường Đức Tin thì bị đập phá để xây một rạp hát “hoành tráng” . Lịch sử, ngoài chuyện “lên cơn dữ bất thường” (TTY) còn biết mỉa mai nữa, mỉa mai tới bến! Lúc này, tôi còn được giới thiệu dạy tiếng Việt cho Hội Ngữ Học (Summer linguistics institute) ỏ số 5 đường Sương Nguyệt Ánh. Họ thuê ngôi biệt thự nhỏ làm trụ sở, ở xúm xít mỗi gia đình một phòng. Họ có vẻ nghèo. Báo chí sau 75 ám chỉ phần lớn họ là CIA.Tôi hoang mang. Có dịp gần gũi, thấy họ sống rất đạo đức, ăn uống đạm bạc. Tôi được mời ăn cơm mấy lần, thấy họ chia nhau một đĩa cá thu chiên, một thố xúp đậu trắng lỏng như canh của VN, một tô khoai tây nghiền, hũ beurre đậu phộng, một đĩa lớn đu đủ xanh luộc trộn sauce mayonnaise, một đĩa bánh thuẫn có bán nhiều ở Sài gòn, có khi thứ bánh mì mềm, họ không thích bánh mì kiểu Pháp.

Tôi còn nhớ tên mấy người như ông bà Haupper, Ông bà Grekinson, ông Grekinson cao dong dỏng và thư sinh như Anthony Perkins, thổi sáo miệng tài tình, bắt chước tiếng chim hót líu lo nghe mê tơi, miệng ông có duyên như miệng Steve Mc Queen. Mới đây, tôi nghe ai đó nói có một giáo sư ngữ học Mỹ được mời thỉnh giảng ở Đại học Hà nội tên Grekinson, không biết có phải ông này không. Học với tôi lâu nhất là ông Fippinger, từ lúc ông mới qua VN đến khi ông nói được tiếng Việt, gần hai năm, nếu tôi nhớ đúng. Ông nói trôi chảy về câu kéo thôi chứ ngữ điệu (intonation) và nhất là thanh điệu (ton) chưa đạt. Về thanh điệu, nói như cụ Nguyễn Hiến Lê, chắc ông phải ăn hết mấy chục thùng nước mắm rồi mới nói đúng, rõ là ông không còn dịp ăn được nhiều nước mắm nữa. Ông phát âm khó khăn những câu đại loại như: “Chị Phụng bị bịnh nặng quá”, các thanh nặng thành huyền, thanh sắc thành ngang -không dấu- nghe rất tức cười, câu này nữa:” Hồi này chúng tôi bận, ăn uống qua loa cực khổ lắm” thành ra “ hồi này chúng tôi bẩn, ăn uống qua loa cức khô lắm”. Ông hay lộn phụ âm đầu nữa, ví dụ thung lũng ra lung thũng, dùng sai động từ một cách …sáng tạo như con muỗi ngồi trên mặt anh kìa, than chín hồng rồi, bắt nồi lên, gió thổi nón chạy trên bãi cỏ, tôi có thể rô ti cà phê…Một người nào đó trong nhóm này hỏi tôi: “Vì sao người Việt mấy anh gặp nhau không bắt tay nhau mà tự bắt tay mình?” Tôi ngạc nhiên:”Hồi nào?” “Thì tự bắt hai bàn tay lại, rung rung trước ngực chứ còn gì?” Tôi bật cười nhận ra đúng. Kỳ chưa, chuyện mình làm hằng ngày mà vẫn không thấy, người ngoài lại thấy với nhận xét hài hước, bình thường ta vốn quan sát kém vậy sao?
Tôi nhớ mãi những buổi sáng kê ghế dưới bóng cây dầu học tiếng Việt với ông Fippinger. Đường Sương Nguyệt Ánh ngày đó đẹp và tĩnh lặng nhất Sài gòn. Đứng ở đầu này ngó mông cuối phố thấy như một đường hầm cây xanh hun hút. Hai hàng thân dầu dày khít mọc song song như hai bức tường xám dựng đứng và cao vút trên kia, vòm mái xanh bằng lá đan nhau dày mịt. Có lẽ đã hình thành từ lâu lắm nên lòng đường không mấy rộng rãi. Cứ nhìn những gốc cây to tới mấy người ôm ta cũng cảm nhận được đâu đây hồn xưa của phố cũ. Lề đường không được bằng phẳng vì bị mấy chiếc rễ cây vạm vỡ núng lên nhấp nhô. Tàng dầu không tỏa rộng nhưng nhờ trồng khít nhau nên bóng mát vẫn che rợp.

Từ ngoài đại lộ nắng chói quẹo vào, ai cũng nhận ra làn không khí mát mẻ khác thường chan hòa khắp nơi và nắng ở đây chỉ còn là những sợi tơ vàng mỏng manh chiếu những đóm loang lổ trên mặt nhựa bóng loáng. Đầu mùa hè, những cánh dầu màu nâu quay tít trong gió, xoay tròn tưng bừng một điệu luân vũ thật lâu trên không sau lúc lìa cành. Chúng len qua cửa sổ, rơi bất ngờ trên bàn học như nhắc nhở sự có măt kỳ diệu của thiên nhiên giữa chốn đô thành san sát cửa nhà, tấp nập xe cộ. Nhà trên phố lúc đó còn giữ nguyên vẻ xưa, kiểu biệt thự cũ thời Pháp, trước cổng che rợp lùm dây leo hoa tím hay giàn bông giấy ngũ sắc lộng lẫy xiêu xiêu trong gió. Đường Sương Nguyệt Ánh may mắn nay vẫn còn đủ hai hàng cây nhưng cảnh sắc khác xưa nhiều lắm. Nhà cửa đồ sộ, tráng lệ nhưng toàn xi măng khô nóng lạc lõng vô duyên, ô tô đậu chen chúc chẳng còn một khoảng không để thở, người đi bộ tràn xuống lòng đường, thật khó khăn mỗi khi muốn băng ngang qua lộ. Còn ở đâu miền xanh bóng cây, để ta đến đó ngồi trưa nay, dường như hơi mát trong vòm lá, có chất men làm ta thoảng say (Tô Thùy Yên).

Nhà văn Võ Phiến có nói đâu đó rằng mỗi thành phố có một thứ cây tiêu biểu lưu lại nơi du khách nhiều kỷ niệm hơn các cây khác, Sài gòn với cây dầu.Chắc kể được cây me nữa. Đà lạt đặc sắc thông xanh nay cũng chỉ còn là thành phố xi măng cốt thép, thật không thể tin nổi. Cậu tôi cứ nhắc chuyện ngày còn Pháp cai trị, đốn một cây thông nhỏ về làm cây Noel bị phạt vi cảnh đến một tháng lương công chức. Cũng không thể tin nổi! Nhắc tới cây cối trồng trên phố, vẫn chưa quên hàng phượng rực rỡ trong nắng hè trên bờ sông Hàn Đà nẵng bị thuốc khai quang hủy hoại trong chiến tranh, nay chẳng thấy trồng lại. Phượng mà trồng ờ Sài gòn là tội nghiệp nhất. Ngay bên kia đường chỗ Hội Ngữ Học ngày trước, ai đó trồng cây phượng xen giữa hai gốc dầu, cây phương tội nghiệp sinh ra không đúng thổ ngơi, lớn không nổi, lại bị bóng dầu che kín, cành nhánh cứ tán ngang ẻo lả, rủ xuống la đà, chưa bao giờ nở được cánh hoa đỏ báo hiệu mùa hè. Hội an cũ cũng nhan nhản phượng hồng, mấy năm sau bắt chước Hà nội trồng nguyên một con đường hoa sữa dày mịt, mùa hoa nở, tưởng thơm tho nhưng nhiều quá hóa ra thối hoắc, phải vội vàng chặt bỏ. Lại liên tưởng tới xóm quê cuối những năm 50 đầy thanh bình, nề nếp. Từ làng đi khoảng một cây số là đến bìa rừng với ba ngọn đồi chắn ngang gọi là núi cấm, tức cấm chặt cây. Ai chặt phá sẽ bị phạt giam, tịch thu dao rựa (vì dân nghèo không có tiền), lệnh cấm rất nghiêm, hiếm có ai vi phạm. Rừng xanh ngút ngàn, chim muông đông đủ, khe suối dồi dào, dòng chảy hiền hòa hiếm khi nổi giận, không nghe từ “lũ quét” bao giờ. Con suối chảy ra núi cấm đó dạy cho chúng tôi lòng yêu quí thiên nhiên, chứng kiến bao nỗi hân hoan hạnh phúc của một thời tuổi thơ diễm ảo mà đám con cháu của chúng tôi ngày nay không bao giờ biết tới. Lũ chúng tôi, năm bảy đứa thiếu nhi, mỗi đứa một mo cơm, nhà ai có mắm cái cá cơm ngon thì đem theo một ve nhỏ, không cần mang theo thức ăn, sẽ câu cá, bắt ếch đá dưới khe nướng rồi dằm mắm làm thức ăn, nói ếch đá vì phải lật mấy hòn đá lên, chúng mất nơi ẩn nấp dù có nhảy nhanh và xa tới đâu cũng vẫn bị tóm, thịt chúng dai và ngọt như đường. Chúng tôi câu theo dòng suối, càng lúc càng đi sâu vào rừng, có đoạn phải trèo lên khỏi vực sâu khó khăn mới đi tiếp được. Con suối đó tổ tiên chúng tôi đặt tên Khe Gành, nhiều nhất là giống cá xanh thân ánh bạc, không lớn lắm, chỉ bằng chừng hai ngón tay nhưng khôn và… láu cá vô cùng. Đừng hòng câu được hai con trong cùng một vũng nước. Bất ngờ thả câu xuống sẽ mau chóng giật được con đầu tiên ham ăn và không bao giờ lừa được con kế tiếp mặc dù chắc chúng cũng đói bụng và thèm của lạ như con đã dính câu. Hình như chúng có tổ chức chỉ đạo đầy kinh nghiệm nên chỉ thiệt hại chút ít lúc ban đầu. Muốn kiếm thêm cá bảo đảm bữa trưa thì phải đi tiếp, ẩn nấp cẩn thận, thình lình quăng câu xuống, có thể bắt được một con và không có con thứ hai, đừng nấn ná mất công, phải đi chỗ khác. Điều lạ là vượt qua bao nhiêu vực sâu, trèo lên gần tới đỉnh vẫn có cá bơi loạn xị trong lòng suối, không biết lũ cá lên tới thượng nguồn bằng cách nào và lên cao thế làm gì cho vất vả. Dòng suối hoang sơ, lâu lâu mới có bọn nhỏ chúng tôi câu cầu vui, không hiểu sao bọn cá nhỏ thông minh, kinh nghiêm và hiểu đời tới vậy. Mặt trời trên đỉnh đầu, chúng tôi dừng nghỉ bên tảng đá, nhóm bếp nướng các thứ, những bữa cơm đạm bạc dưới bóng râm trong tiếng nước chảy róc rách vì sao cứ đeo đuổi cả đời ta? Những cánh hoa rừng tinh khiết đung đưa thơm lừng bên suối với lũ bướm nhởn nhơ chấp chới trong nắng lóa cứ đọng hoài trong ký ức, bọn nhỏ chúng tôi nói là bông chùm gởi, đâu biết đó là những thứ lan rừng thanh quí mà ông Nhất Linh săn tìm vất vả vả đặt tên chữ Hán cầu kỳ ở suối Đa mê. Hôm tôi về thăm, mấy hòn núi cấm như mái đầu ghẻ chốc, cây cối trơ trụi, chỉ còn là những đồi cỏ tranh day buồn trong gió đìu hiu. Đất xám bày ra lồ lộ khắp núi đồi quanh thung lũng. Dòng suối vẫn còn chảy nhưng chỉ là một mương nước nhỏ, đá cuội bị lũ dữ cuốn trôi, lùa từ sườn đồi lấp đầy mấy thửa ruộng ven rừng, không còn canh tác được. Mỗi năm đá sỏi càng lấn tới phủ lấp ruộng cày. Núi, quả thật không còn phải núi nữa. Không có đạn bom của thực dân đế quốc nào có thể tàn phá quê hương bằng tự dân ta trong thời gọi là độc lập. Độc lập thì hả hê nhưng nó lại mang theo kè kè bao nhiêu cái độc khác coi bộ cũng…độc địa bội phần. Ta không đủ trình độ cai trị dân chứ chẳng lẽ ta ác với dân, với thiên nhiên, núi rừng châu báu hơn kẻ ngoại nhân sao? Mấy năm trước tình cờ xem phim, Charton Heston trong vai một nhà ngoại giao Anh đầy lòng nhân ái bị giết tàn bạo ở Afghanistan. Anh quốc lìa bỏ, trả độc lập cho họ tự cai trị. Từ đó thôi thì đói kém tứ bề, loạn lạc khắp chốn, luật pháp bị chà đạp, văn minh thì được bảo là đồi trụy, bạo lực lên ngôi bền vững, dân chúng mặt mày hớt hơ hớt hãi âu lo thường trực. Mãi cho tới giờ này, hơn nửa thế kỷ sau, không những vẫn thế mà còn tệ hơn. Xứ đó nghe nói cũng có tới mấy ngàn năm “văn hiến” chứ đâu có tào lao mới vài trăm năm lập quốc như Hoa kỳ.

(còn tiếp)


No comments: