Sunday, December 13, 2009

KHI QUAN CHỨC LÀM DOANH NHÂN

Khi quan chức làm doanh nhân
Nguyễn Quang A
Chủ Nhật, 13/12/2009, 08:32
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=180241&ChannelID=2
TP - Khoảng hai mươi năm trước, tôi biết có thứ trưởng làm tổng giám đốc DN nhà nước (thời đó người ta còn gọi là liên hiệp). Rồi theo tinh thần cải cách DNNN, xóa bộ chủ quản, v.v, nên không thấy quan to nào kiêm nhiệm vừa làm quan vừa làm doanh nhân nữa.
Người ta hô hào xoá bỏ chế độ bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước. Cứ tưởng tách bạch việc quan và việc dân đã là việc dứt khoát và mừng cho sự chuyển biến tư duy theo đà hội nhập.
Nào ngờ trong quá trình hội nhập sâu hơn, mà sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một dấu mốc, lại thấy ngày càng nhiều quan chức cấp cao đồng thời làm doanh nhân. Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và một loạt thứ trưởng làm thành viên hội đồng quản trị của công ty này và của các tập đoàn kinh tế nhà nước khác.
Việc
bổ nhiệm ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, làm Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cũng củng cố thêm cho xu hướng ngược này. Công cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tiến triển rất chậm. Có lẽ nên có những nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Thứ nhất, theo phân công lao động hiện đại, theo tinh thần của nhà nước pháp quyền (mà Việt Nam cũng nỗ lực theo đuổi như tinh thần của cải cách luật pháp và cải cách hành chính sâu rộng là minh chứng), có một nguyên tắc mà nước phát triển nào cũng tuân theo. Đấy là các cơ quan nhà nước và các quan chức nhà nước chỉ được làm những việc mà pháp luật xác định rõ ràng bằng văn bản; còn nhân dân, trong đó có doanh nghiệp và doanh nhân, được làm tất cả những thứ gì mà luật pháp không cấm.
Việc các quan chức đồng thời là doanh nhân mâu thuẫn với nguyên tắc này. Từ đó nảy sinh bao nhiêu căn bệnh như vừa đá bóng vừa thổi còi; nảy sinh xung đột lợi ích; làm cho sự minh bạch khó thực hiện, tạo cơ hội cho tham nhũng, v.v.

Thứ hai, nghề làm quan và nghề kinh doanh là hai nghề khác nhau. Nếu làm quan nhỏ, thì thực sự họ chỉ là viên chức hành chính hay nhà kỹ trị hoạt động trong bộ máy quan liêu. Họ làm công việc chuyên môn hẹp của mình và vị trí của họ ít khi phụ thuộc vào các chính trị gia. Họ cần các kỹ năng chính khác xa với các kỹ năng chính của một doanh nhân (tuy có một vài kỹ năng có thể là chung).
Hãy chỉ xét về sự sẵn sàng gánh chịu rủi ro. Doanh nhân mà không dám mạo hiểm, không sẵn sàng gánh chịu rủi ro, thì không còn là doanh nhân nữa. Đối với nhân viên của bộ máy hành chính hay nhà kỹ trị, gánh chịu rủi ro, mạo hiểm không phải là phẩm chất cần có. Còn có nhiều phẩm chất khác là khác, thậm chí xung khắc, đối với hai loại nghề này. Và như thế một người đồng thời làm hai nghề là không ổn (trừ thiên tài mà thiên tài thì hiếm lắm, vô cùng hiếm).
Nếu họ là quan to, các chính trị gia, thì hoạt động của họ là hoạt động chính trị. Họ cai trị, vạch ra chính sách, tạo môi trường. Họ có tinh thần gánh chịu rủi ro cao, nhưng là thứ rủi ro hoàn toàn khác với rủi ro kinh doanh. Và đồng thời làm hai nghề là một việc nên cấm nghiêm ngặt.
Chính vì thế, tôi từng đề nghị ai muốn làm nghị sĩ, quan to thì phải từ bỏ việc kinh doanh của mình khi đương nhiệm. Sự nhập nhằng sẽ là mảnh đất vô cùng màu mỡ cho lobby (vận động hành lang) không lành mạnh, cho tham nhũng, cho mua bán quyền lực, cho sự câu kết, đồng lõa giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, vô cùng tai hại cho đất nước.

Thứ ba, nhà nước không nên trực tiếp làm kinh doanh. Đây là vấn đề đã được bàn nhiều nhưng vẫn còn bất đồng ý kiến và cần bàn thấu đáo. Đừng biến doanh nghiệp thành công cụ của các nhà chính trị.
Quốc gia cần có các công cụ kinh tế, nhưng nhà nước không cần trực tiếp nắm các công cụ đó, điều khiển trực tiếp chúng. Điều tiết, điều khiển gián tiếp bằng các chính sách, bằng các công cụ thị trường hữu hiệu hơn nhiều.

Kinh nghiệm trì trệ, khủng hoảng của thời xã hội chủ nghĩa bao cấp vẫn còn đấy. Nhìn thế, thì thấy những bức xúc của dư luận mấy ngày qua về chuyện tiền lương và thu nhập của các quan chức hay cựu quan chức làm doanh nhân chỉ là chuyện nhỏ, là các hiện tượng bề nổi, không chính yếu của vấn đề, và chỉ là hệ quả tất yếu của sự nhập nhằng không nên có của việc quan làm doanh nhân.
Không thể cải cách các doanh nghiệp nhà nước một sớm một chiều và cũng không nên vội vã và hấp tấp. Nhưng đừng quay lại những cách làm cũ đã được minh chứng là dứt khoát thất bại.

Đã và đang hình thành một đội ngũ quản trị gia chuyên nghiệp ở Việt Nam. Họ là lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân thành đạt thực sự, là những người Việt Nam làm cán bộ quản lý cao cấp của các công ty nước ngoài và kể cả một vài lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Cần có chính sách nuôi dưỡng lực lượng này, vì thành công kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào họ. Cùng với các chuyên gia nước ngoài mà ta có thể thuê, họ tạo thành một thị trường các nhà quản trị cấp cao. Phải trả công cho họ xứng đáng.
Phải lấy, phải tuyển từ thị trường này những người xuất sắc, có các kỹ năng cần thiết, có tính sáng tạo, có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ và, quan trọng nhất, đã có thành tích được công nhận trên thương trường để làm lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước thay cho việc chọn các quan những người có khả năng làm doanh nghiệp lụn bại nhất.
Nguyễn Quang A


Lương, một vòng luẩn quẩn
Nguyễn Quang A
Lao Động Cuối tuần số 50 Ngày 13/12/2009 Cập nhật: 7:09 AM, 13/12/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Luong-mot-vong-luan-quan/200912/166657.laodong
(LĐCT) - Sau khi Kiểm toán nhà nước công bố báo cáo kiểm toán của mình, dư luận nóng lên với chuyện lương bổng. Lương của lãnh đạo công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC), một doanh nghiệp nhà nước 100%, cỡ 78 triệu đồng/tháng (trong khi lương của các tổng giám đốc các tập đoàn chỉ cỡ 6 triệu/tháng).
Lương của các lãnh đạo Jetstar Pacific, mà nhà nước còn chiếm 70% cổ phần, khoảng đến 5 tỉ đồng/năm trong khi công ty thua lỗ nặng. So với mức lương và thù lao hàng triệu USD/năm của mấy ông "tư bản kếch sù" của các công ty tư nhân lớn gần phá sản nhưng vẫn xài máy bay riêng đến cầu xin Chính phủ Mỹ cứu trợ hàng chục tỉ USD và đã gây một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, thì tình hình ở nước ta cũng khá giống Mỹ.

Giới chuyên môn và báo chí đã bàn nhiều về các vòng luẩn quẩn của chuyện Nhà nước ta làm kinh tế.
Việc của Nhà nước là quản lý, làm chính sách, tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy kinh doanh chứ không phải là đi trực tiếp làm kinh doanh.
Nhà nước có thể vẫn là chủ sở hữu của một số doanh nghiệp. Song phải tách vai trò ông chủ và việc trực tiếp làm. Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước được coi là công chức. Chính vì Nhà nước làm việc không phải của mình, vì sự nhập nhằng không tách bạch vai trò người chủ và người quản lý, nên. Nhà nước khiến các doanh nghiệp của mình hoạt động kém hiệu quả: sử dụng quá nhiều nguồn lực quốc gia, nhưng mang lại thành tích không tương xứng. Về vấn đề này đã được phân tích khá nhiều.

Dưới đây chỉ nêu một vòng luẩn quẩn nữa, vòng luẩn quẩn về lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, các lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn kinh tế nhà nước được coi là các công chức nhà nước, được lãnh đạo cấp cao bổ nhiệm. Lãnh đạo SCIC cũng thế. Họ là công chức nên lương phải theo quy định của Nhà nước: bằng mức lương cơ bản nhân với hệ số tương ứng (thí dụ, lương tổng giám đốc tập đoàn chỉ từ 8,5 đến 8,8 x 650.000 đồng, khoảng 6 triệu đồng/tháng).
Với mức lương quá "rẻ mạt" này (kể cả mức 78 triệu/tháng của SCIC) thì kiếm đâu ra các nhà quản trị chuyên nghiệp sẵn sàng làm tổng giám đốc ở các tập đoàn và công ty này? Thế mà vẫn có hàng triệu người mơ ước chức vụ đó. Vì sao?
Trong thị trường lao động, có một thị trường của các nhà quản trị doanh nghiệp. Trên thị trường này, ở Việt Nam hiện nay, với mức lương 6-10 triệu may ra kiếm được các ứng viên cho nhân viên cấp trung hay các chức trưởng phó phòng. Lương 78 triệu/tháng có lẽ cho mức phó tổng giám đốc. Lương tổng giám đốc các công ty lớn có thể từ 100 đến vài trăm triệu/tháng (thuê người nước ngoài có thể đến 5 tỉ đồng/năm như ở Jetstar Pacific) là bình thường.
Nếu muốn SCIC trở thành "một Temasek" của Việt Nam, thì chỉ riêng với mức lương như vậy ước mơ sẽ khó thành hiện thực. Cái vòng luẩn quẩn về lương chỉ có thể giải quyết khi Nhà nước tách bạch quyền sở hữu của mình với quyền quản lý doanh nghiệp. Các nhà quản trị có thành tích kém phải bị sa thải và việc bổ nhiệm chỉ dựa trên tài kinh doanh, thành tích kinh doanh, chứ không dựa vào tiêu chuẩn chính trị.

Thứ hai, với mức lương 6-10 triệu đồng thì các tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước nói chung sẽ sống bằng "bổng" là chính. Thu nhập của họ chắc cũng gấp 10-20 lần "lương chính thức", nếu không nói là hơn nhiều. Đấy là một trong vài lý do (mà quyền lực còn gây nghiện khủng khiếp) vì sao hàng triệu người (tuyệt đại bộ phận không là các nhà quản trị chuyên nghiệp và nếu có tuyển chọn cạnh tranh minh bạch thì trượt hết) lại ao ước các chức đó (kể cả phải "mua").
Đấy là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, cho "mua quan bán chức", cho "vận động chính sách" méo mó, cho sự cấu kết nảy sinh, vì ở đó quyền lực lớn và "tiền nhiều như quân Nguyên". Như thế, cái lỗi là ở tư duy sai, ở các quy định không sát thực tế là chính, tuy những con người cụ thể cũng có thể góp phần vào.
Nếu nhìn thế, thì có thể lương "cao", tuy vẫn ở mức thấp so với thị trường thật, ở SCIC có thể là một bước tiến, chứ đừng vội phàn nàn. Vấn đề là tính minh bạch và sự sòng phẳng. Tôi không bàn đến con người cụ thể. Nhà quản lý không làm được việc thì ông chủ (Nhà nước) phải sa thải và kiếm người khác trên cơ sở cạnh tranh, minh bạch. Lương cao thì phải đóng thuế thu nhập nhiều.
Những người tài hưởng lương cao một cách minh bạch như thế, bất luận họ làm ở doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, phải đáng được vinh danh chứ không đáng lên án. Ngược lại, phải lên án, thậm chí trừng trị những kẻ làm bậy, lạm quyền, tham nhũng, gây lãng phí thất thoát. Vấn đề chính là ông chủ hãy làm đúng việc của ông chủ, kể cả trong quy định lương cho các nhà quản trị doanh nghiệp cho phù hợp với thị trường.
Ông chủ Nhà nước cũng phải chấp nhận rủi ro kinh doanh như các ông chủ khác; không có chuyện doanh nghiệp chỉ có lãi liên tục mà cũng có thể phải chịu tổn thất do rủi ro kinh doanh (và khi đó đừng dùng quy định hình sự để xử lý).

Phá các vòng luẩn quẩn với các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng, trong đó có sự luẩn quẩn về lương: buộc chúng phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh thực sự, không tạo ra các môi trường riêng (luật riêng, nghị định riêng) cho chúng, đối xử với chúng cũng bình đẳng như các doanh nghiệp khác (về tín dụng khi Nhà nước mua sắm, về các chính sách), bắt chúng phải minh bạch (kể cả về thu nhập của các lãnh đạo), phải chịu kiểm toán độc lập, v.v..., (đấy là cách phá các vòng luẩn quẩn đó), thì chúng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Như thế cùng các doanh nghiệp khác các doanh nghiệp nhà nước sẽ trở thành các "công cụ kinh tế" thực sự mạnh của đất nước.
Nguyễn Quang A


No comments: