Saturday, December 12, 2009

"HÔN NHÂN CẬN HUYẾT" TRONG CHÍNH TRỊ

Chuyện quan trường - "Hôn nhân cận huyết" và những nguy cơ
Hồ Bất Khuất
Đăng ngày: 10:35 11-12-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho/article?mid=2012

Từ một phiên chất vấn khó quên
Chuyện chạy chức, chạy quyền, hay nói chính xác là nạn mua quan, bán chức đã được dư luận râm ran bàn tán từ lâu. Tại kỳ hợp Quốc hội vừa qua, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn, chúng ta mới thấy tệ nạn này được các cơ quan quyền lực nhất của ta thừa nhận. Báo chí đã viết rất sôi nổi về vấn đề này. Ví dụ, trên Vietnamnet viết:
“... ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông bấm nút đầu tiên: "Hai năm trước tôi đã chất vấn về chạy chức, chạy quyền nhưng tình trạng trên chỉ tăng chứ không giảm. Có ý kiến nói đầu tư cho chạy chức là siêu lợi nhuận. Đại hội Đảng các cấp đang đến gần, xin hỏi Bộ trưởng suy nghĩ gì trước tình trạng trên và giải pháp nào để khắc phục?".
Thừa nhận hiện tượng này đang tồn tại nhưng Bộ trưởng Nội vụ cho hay chạy chức quyền khó ở chỗ "có ai báo với ai đâu mà biết".
Ông Cuông đề nghị Bộ trưởng Tuấn nói rõ chính kiến "có hay không" chuyện chạy chức và nếu có, thì trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?
"Hoàn toàn đồng ý với đại biểu", ông Trần Văn Tuấn đáp lời: "ĐB Cuông nói rất đúng ý của Ban chấp hành TƯ. Ban chấp hành TƯ khi nhận định về công tác cán bộ cũng đã nói tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu cực có xu hướng tăng"...”

Đây là phiên chất vấn ấn tượng nhất, nhiều người khen người hỏi thẳng thắn, quyết liệt. Tôi thấy hỏi như vậy vẫn chưa đủ “độ”. Không cần phải hỏi “có hay không chuyện chạy chức, chạy quyền”, vì hiện tượng này quá phổ biến rồi. Mà phải hỏi “Chức cao nhất mà người ta có thể mua bán là cấp nào?”
Nhưng kỳ họp Quốc hội kết thúc, mọi thứ lại rơi vào lặng im. Trong khi đó, bây giờ là lúc mà “thị trường chức quyền” mới bước vào giai đoạn sôi động (trước Đại hội Đảng mà). Ở đây, ngoài người bán, kẻ mua, còn có cả “cò” quyền lực nữa (họ thích được gọi là “người môi giới quyền lực”, nhưng đã có “cò” nhà đất, “cò” bến xe, “cò” bệnh viện... thì gọi họ là “cò” quyền lực là chính xác!). Thường họ là vợ con, bố mẹ, bạn bè của những nhân vật quyền thế.

... đến những điều mắt thấy, tai nghe
Chuyện mua quan, bán chức ở thời đại nào, ở dân tộc nào cũng có, chỉ có mức độ khác nhau. Nhưng khi mức độ đã trở nên đậm đặc, trắng trợn thì nguy cơ đối với xã hội lộ rõ. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng này đã trở nên phổ biến. Tôi xin kể hai chuyện.
Chuyện chính tôi chứng kiến: Một buổi sáng, một cô nhân viên đến cơ quan kể bô bô: “Hôm qua có người đến nhà em, bảo bọn em mang tiền đến chỗ nọ, chỗ kia, chồng em sẽ được lên giám đốc (hiện tại là đang phó)”. Vừa lúc đó, thủ trưởng cơ quan đi qua, dừng lại nghe rồi nói: “Làm gì có chuyện đó?”. Cô nhân viên vẫn vô tư: “Em làm sao bịa ra được?! Chuyện xẩy ra ở nhà em tối qua mà!”
Còn bạn tôi kể: Một người bạn của bạn tôi muốn được ngồi vào một chức vụ quan trọng và béo bở. Anh mang một phong bì có 50 000 (năm mươi ngàn) đô la Mỹ đến nhà một nhân vật có thế lực. Người đó bóc phong bì xem, hờ hững ném vào góc tủ rồi nói: “Chú xuất phát muộn, lại đi xe 50, phân khối bé như vậy làm sao mà tới đích?!”
Chỉ qua hai chuyện như vậy, chúng ta cũng hình dung được việc mua quan, bán chức hiện nay đã trở nên phổ biến như thế nào.

Chúng ta thờ ơ hay bất lực?
Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cũng như dư luận xã hội vẫn chưa thấy những ảnh hưởng rất xấu, rất nghiêm trọng của vấn đề mua quan, bán chức gây ra nên chưa nói, chưa làm quyết liệt để chấm dứt, hay ít ra cũng hạn chế vấn đề này.
Giải quyết tệ nạn này rất khó, nhưng lý do không phải như khi Bộ trưởng Tuấn nói, là vì người ta không báo nên không ngăn chặn được. Bọn buôn lậu, buôn ma túy có báo đâu, thế sao mỗi năm chúng ta bắt hàng ngàn vụ?! Khi ông Bộ trường Bộ Nội vụ nói khó ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền vì người ta không báo, nghe nó buồn cười. Có thể ông nói thật ý nghĩ của mình, nhưng không đúng với thực tế. Phải nói như thế này mới đúng: Không thể ngăn chặn được tệ nạn mua quan bán chức, vì những người tham gia vào việc này đều là những người có chức, có quyền, thậm chí là chức quyền rất lớn.
Dẫu khó là vậy, nhưng một khi chúng ta thấy điều này tạo nên những nguy cơ rất lớn, thì chúng ta sẽ phải tìm cách ngăn chặn.

Những nguy cơ rất lớn
Mua quan, bán chức cộng với tư tưởng cục bộ, địa phương, cánh hẩu, quan hệ anh em, cha con, bạn bè thân thiết trong quan trường tạo nên hiện tượng “hôn nhân cận huyết” trong chính trị. Kết hợp giữa những gì mắt thấy, mình nghe và báo chí viết, có thể nói rằng, trong công tác tổ chức cán bộ ở Việt Nam đang diễn ra hiện tượng “hôn nhân cận huyết” (một người bạn tôi nói, đây là cụm từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sử dụng).
Hôn nhân cận huyết - theo nghĩa thông thường là những người gần gũi về huyết thống lấy nhau, thành vợ chồng. Trong đời sống gia đình – xã hội, hôn nhân cận huyết dẫn tới nguy cơ thoái hóa giống nòi, vì thế các gia đình, các dòng họ tránh xa điều này. Pháp luật của hầu như tất cả các Nhà nước đều nghiêm cấm. Còn “hôn nhân cận huyết” trong đời sống chính trị cũng gây nên những nguy cơ tương tự, thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Nguy cơ đầu tiên: Kích thích tham nhũng - khi người ta bỏ tiền ra mua chức, mua quyền, thì đương nhiên người ta phải tìm cách lấy lại số tiền đó. Hơn nữa đây lại là “khoản đầu tư siêu lợi nhuận” nên họ phải kiếm nhiều tiền hơn. Không chống được việc mua quan, bán chức thì đừng hòng chống tham nhũng!
Nguy cơ thứ hai: Những người không có đức có tài, hay đức và tài chưa tương xứng mà lại nắm giữ những chức vụ quan trọng thì hậu quả sẽ khôn lường. Ít nhất nó kìm hãm sự phát triển, gây lãng phí của cải vật chất, làm mất lòng tin, gây chán ghét, khinh bỉ trong nhân dân.
Nguy cơ thứ ba: Vì thấy “chuyện mua quan, bán chức hèn hạ và bẩn thỉu nên một số người có đức có tài tránh xa quan trường. Dẫu ai đó vẫn cho rằng, trí thức của ta hơi hèn, nhưng có nhiều người vẫn khảng khái, hào sảng. Cách đây nhiều năm, khi thầy Văn Như Cương mới nổi lên như một nhà giáo dục có tư tưởng, có đức, có tài. Nhà báo hỏi: “Nếu bây giờ thầy được làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đầu tiên thầy làm là gì?”. Thầy Cương trả lời: “Việc đầu tiên tôi làm là xin từ chức”. Câu trả lời này cũng ngầm cho ta hiểu, khi quan trường đùng đục, nhờ nhờ, thớ lợ... những người liêm chính không muốn vào đó.
Khi một quốc gia mà những người giỏi, người ưu tú lại không nằm trong guồng máy quản lý, điều hành đất nước thì chí nguy! Điều này thực sự đe dọa an ninh quốc gia (chứ mấy anh chàng thích ăn trắng mặc trơn, thích vợ đẹp, con khôn, lại thích cả “tự do dân chủ” nữa, sức mấy mà gây nguy biến được!).

Một ví dụ quốc tế để tham khảo
Nước Nga là một ví dụ điển hình về việc họ lâm vào và thoát ra “hôn nhân cận huyết”. Sau khi Enxin lên cầm quyền, ông thiết lập ekip lãnh đạo toàn những người thân cận với ông, được gọi là nhóm Gia đình. Nước Nga chìm sâu vào khủng hoảng.
Những năm cuối cùng cầm quyền, vì tuổi tác, bệnh tật, những người xung quanh lại bất tài nên Enxin đã làm mất thanh thế của nước Nga. Ông loay hoay chọn người kế nhiệm, “thử nghiệm” nhiều người trong nhóm Gia đình ở chức Thủ tướng. Nhưng hiểu ra vấn đề, ông không chọn ai trong số họ. Cuối cùng ông chọn Putin – người trước đó vốn xa lạ với ông. Putin không nằm trong nhóm người “Gia đình”, nhưng lại được Enxin tin tưởng và trao quyền. Mới đây, con gái của Enxin (từng làm cố vấn cho bố, có văn phòng trong Kremli) cũng thừa nhận: Putin lên nắm quyền hoàn toàn dựa vào phẩm chất, năng lực của ông chứ không phải vì bất cứ mối quan hệ nào, hay là lời hứa bảo đảm cái gì. Có dư luận cho rằng Putin lên nắm quyền vì hứa không “động chạm” đến Enxin và gia đình ông. Con gái Enxin cũng nói rõ, nếu vì lý do này thì Enxin đã chọn cựu Thủ tướng Trernomurdin chứ không phải Putin.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, những năm cuối cầm quyền, Enxin làm nước Nga tổn hại rất nhiều; thậm chí, ông là người có tội với nhân dân, nhưng với việc chọn được người kế nhiệm là Putin, người Nga thể tất cho ông tất cả.
Dù khó khăn, nhưng chúng ta nên quyết tâm chống việc mua quan bán chức, đả phá “hôn nhân cận huyết” trong chính trị để tránh những nguy cơ cho đất nước.



No comments: