Sunday, December 13, 2009

AN HOÀ TỰ : MỘT THÁNH TÍCH PGHH SẮP BỊ PHÁ HUỶ

AN HÒA TỰ: Một Thánh Tích Sắp Bị PHÁ HỦY
12/12/2009

Trong suốt tiến trình lịch-sử cận đại của đất nước ta kể từ khi Đảng Cộng-Sản Việt-Nam (CSVN) thôn tính phần đất tự-do Miền Nam, thì chiến-lược cố hữu của chúng đối với tất cả đảng phái và tôn giáo trong nước là tiêu-diệt dần dần để được độc-tôn thống-trị. Phật-Giáo Hòa-Hảo cũng không thoát khỏi mục tiêu đó của chúng. Hơn nữa, Phật-Giáo Hòa-Hảo (PGHH) là một tôn giáo phát sinh từ đất nước Việt-Nam với những nét đặc thù của dân-tộc.
Do thực hành giáo thuyết HỌC PHẬT TU NHÂN của Đấng Tôn-Sư, người tín đồ PGHH luôn luôn xả-thân tranh-đấu cho độc-lập, tự-do và dân-chủ, nên Phật-Giáo Hòa-Hảo là đối-tượng thù-nghịch mà Cộng-Sản phải triệt-hạ cho bằng được. Sau khi chiếm được Miền Nam, Bộ Chính-Trị Trung-Ương Đảng CSVN ngầm ra chỉ thị tận diệt PGHH trong vòng 15 năm. Nhưng đến nay, đã gần 35 năm, PGHH vẫn tồn-tại, nghĩa là chúng đã hoàn-toàn thất-bại!
Tuy nhiên, thua keo nầy chúng bày keo khác. Để duy trì sự tồn tại của chế độ độc tài, CSVN đã không ngại dùng mọi biện-pháp để nắm cho bằng được các tôn-giáo và đảng phái vì đó là nhu-cầu chiến-lược hàng đầu trong chánh-sách Tôn Giáo Vận của chúng. Vì vậy, CSVN liên-tục tìm cách xâm-nhập bằng mọi hình-thức vào các tôn-giáo để chia-rẻ, khống-chế, vuốt-ve bằng những đặc-ân, đặc-quyền, đặc-lợi. Sách lược nầy càng ngày càng trở nên tinh-vi hơn bao giờ hết. Vì chiến-lược đó mà Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH “Quốc doanh” trong nước được dàn dựng lên bởi CS vào ngày 25 tháng 6 năm 1999, dùng người cùng tôn-giáo đánh phá tôn giáo, hoặc gây hiềm khích giữa các tôn-giáo trong từng giai đoạn.
Trụ sở của Ban Trị-Sự Giáo-Hội PGHH quốc doanh được đặt tại chùa An Hòa Tự kể từ dạo đó. Trước ngày 30-4-1975, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH (nguyên thủy) đặt trụ sở tại một ngôi biệt thự khang trang tại sân vận động làng Hòa-Hảo (gần trường Tiểu Học Hòa-Hảo). Ngôi biệt thự nầy đã bị CS tịch thu làm trụ sở huyện Phú Tân. Ngoài ra, các thánh tích của PGHH bao gồm Thư Viện PGHH, An Hòa Tự, và Tổ Đình PGHH cũng nằm trong danh-sách bị tiêu-diệt của Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH quốc doanh.
Năm 2006, họ đã san bằng Thư Viện PGHH với lý do là cấu trúc bị “xuống cấp”.
Gần đây, nhiều tín đồ PGHH ở Miền Tây báo động rằng Ban Trị Sự Trung Ương PGHH “quốc doanh” sắp đập phá chùa An Hòa Tự hiện tại cũng với lý do là cấu trúc chùa bị “xuống cấp” và việc cần phải xây cất lại một ngôi chùa khang-trang, lớn hơn tại một địa điểm mới.

Tất cả tín đồ PGHH trong cũng như ngoài nước, khi nghe đến tin nầy không khỏi bàng hoàng, xúc động, và phẩn nộ vì một di sản văn hoá dân tộc, một thánh tích của tôn giáo đang sắp sửa bị hủy diệt. Nhưng tại sao CSVN lại làm như vậy? Như đã nói trên, đó là chính sách tiêu diệt tôn-giáo của chúng, họ muốn xóa bỏ đi những dấu ấn, những thành tựu của PGHH, xóa bỏ niềm tin của người tín đồ PGHH, làm cho tín đồ PGHH không còn nơi nào khác để nương tựa ngoại trừ đảng và nhà nước CSVN, và nếu họ làm được như vậy, thì việc tiêu hủy PGHH chỉ còn là vấn-đề thời gian. Để hiểu tại sao ngôi An Hòa Tự được coi là một di sản văn hóa dân tộc, và là thánh tích của tín đồ PGHH, chúng ta hãy lật lại trang sử hình thành ngôi chùa nầy.
Từ chợ Đình ở Thánh Địa Hòa-Hảo, nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo đản sanh và khai đạo, nay là chợ huyện Phú-Tân, theo hương lộ Phú Mỹ - Tân Hòa khoảng một cây số, nhìn về phía tay phải, khách sẽ thấy một ngôi chùa khá đồ sộ bao bọc chung quanh sân với nhiều cây cổ thụ. Hai cổng gạch Đông Môn và Tây Môn nhô lên cao, trông rất hùng-vĩ. Cổng Đông Môn có đôi liễn như sau:
“Thành tín chơn như tầm diệu quả,
Nhập môn thiền niệm diệt mê tân.”
Nghĩa là:
Đem lòng thành tín cầu quả diệu,
Vào cửa niệm lành dẹp bến mê.

Ở cổng Tây Môn cũng có đôi liễn như sau:
“Phật Giáo từ bi hành chánh đạo,
Pháp môn nguyện lực thoát mê đồ.”
Nghĩa là:
Phật dạy làm lành nêu chánh đạo,
Đường chơn noi dấu thoát cơn mê.

Nhìn lên tòa chính cao trổi, khách thấy hàng chữ to nét nêu bật danh hiệu chùa AN HÒA TỰ. Nhìn lên nóc giữa chùa, khách nhận ra bốn chữ viết tắt PGHH rất lớn để biểu hiện là chùa của Phật-Giáo Hòa-Hảo (PGHH).
Theo bô lão địa phương kể lại thì căn nguyên An Hòa Tự được khai cơ từ giữa thế-kỷ 19, thời Đức Phật-Thầy Tây-An (1) du hóa đến miền châu thổ sông Cửu-Long. Khi Ngài dừng chân tại Cù-lao Kết (2), ngài có thu nhận một đệ tử tên là Phạm Văn Phước (3), một cư sĩ có gia cư ở thôn Mỹ-Lương (4) gần giáp ranh thôn Mỹ-Hóa (4). Rồi nhân một buổi đẹp trời, Đức Phật-Thầy dẫn người đệ tử thân tín kia rẽ sậy vạch lau men theo lối mòn cách bờ sông Vàm Nao (5) không xa để làm một công việc vô cùng quan-trọng cho thế-hệ mai sau, đó là cấm mốc kỷ-niệm. Trước nhứt cho nền chùa Thầy ngày nay, kế đến là Đình làng Hòa-Hảo, thứ ba là nền chùa Cây Xanh HƯNG HÒA TỰ thuộc xã Hưng-Nhơn (nay là xã Phú Hưng), và thứ tư là nền chùa AN THẠNH thuộc xã Phú-An.
Mấy điểm trên đây, bây giờ đều là đình, chùa nằm trong địa hạt của huyện Phú-Tân, Tỉnh An-Giang ngày nay.

Kính vâng tôn ý Phật-Thầy, tới đâu người đệ tử của Ngài cũng trồng cây tới đó, ấy là những chòm dầu, chòm sao, sến để đánh dấu về lâu dài. Trong dịp nầy, Đức Phật-Thầy còn dạy người đệ-tử thân-tín vừa kết nạp lập nên một ngôi chùa lợp tranh, bên trong chỉ thờ bức “Trần Điều” (6) để làm nơi quy ngưỡng Phật Trời. Ngài cũng đã ban danh hiệu chùa là AN HÒA TỰ (vào khoảng năm 1854). Ngài còn tiên tri miền cuối cùng Cù-lao Kết tương-lai sẽ có xuất hiện mối đạo kế thừa sự nghiệp Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài khai hóa.
Hành trang Đức Phật-Thầy Tây-An trong chuyến du phương nầy là để mở rộng ảnh-hưởng của Giáo Lý Tứ-Ân (Bửu Sơn Kỳ Hương). Cũng như trước đó không lâu, chính Ngài cũng đã thực hiện ở Núi Két (Anh Vũ Sơn), hay ở Láng-Linh (huyện Châu-Phú, tỉnh An-Giang ngày nay) qua việc thâu nhận đệ tử, lập trại ruộng, đình, chùa để gieo sâu niềm tin-tưởng trong dân gian. Chính Đức Phật-Thầy Tây-An đã cùng đệ tử thành lập ngôi An Hòa Tự từ đạo đó. Đây quả là một sự sắp đặt an bày cho tương-lai diệu viễn: Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương giữa thế kỷ 19 là tiền thân của Phật-Giáo Hòa-Hảo giữa thế kỷ 20. Thật là vi-diệu, chỉ có những bậc siêu phàm như Đức Phật-Thầy Tây-An, hay Đức Thầy Huỳnh Giáo-Chủ mới thi thiết nỗi viễn đồ kế-vãng khai-lai siêu việt như thế. Tháng 10 năm Canh Tý (1900), Cụ Phước mất, chùa An Hòa Tự bị bỏ trống. Đến năm Tân Sửu (1901), có Ông Thủ Thìn, quê quán từ Mặc Cần Dưng lên cất lại ngôi chùa bằng cột gỗ lợp lá, rộng rãi hơn chùa cũ và thờ phượng trang nghiêm, nên dân làng lại tấp nập đến lễ bái. Tháng 8 năm Đinh Mão (1927), Ông Thủ Thìn mất, Ông Yết Ma Lê Minh Thường cũng ở Mặc Cần Dưng lên thay thế.
Đầu năm Ất Hợi (1935), chùa bắt đầu bị hư dột, nên hương chức hội tề trong làng lo quyên góp để cất lại ngôi chùa tại vị trí cũ. Năm Bính Tý (1936), hương chức làng Hòa-Hảo tiến hành đại trùng tu ngôi An Hòa Tự. Tường vôi mái ngói được thay cho mái tranh vách đất trước kia. Cụ Hương-Chủ Dương Lai Bửu (7) đứng ra đốc suất công tác nầy. Khi đang xây chùa thì Ông Yết Ma Thường mất, tuy nhiên, công tác trùng tu vẫn tiếp tục. Kỳ trùng tu nầy có sự đổi hướng đáng kể: Nguyên thủy, Đức Phật-Thầy Tây-An xác định vị trí và phác-họa sơ đồ cất chùa theo mô hình chữ Sơn (8), chánh điện ở chồm về phía trước, hậu đường, Đông lan, và Tây lan thì lui về phía sau và hai bên, hướng cửa chùa trông ra đình làng Hòa-Hảo. Trong dịp tái-thiết nầy, hương chức làng Hòa-Hảo cho xoay mặt tiền chùa hướng ra đường làng, nghĩa là quay một góc 90 độ cho cả ngôi chùa trên cùng vị trí cũ. Ngoài ra, Cụ Dương Lai Bửu còn cho thỉnh thợ tạo tượng Phật để tôn vị như các chùa Phật Giáo. Công việc đại trùng tu nầy hoàn thành cuối năm 1936. Yết Ma Kiển lên thay thế việc trụ trì từ đó.

Sau khi Đức Huỳnh Giáo-Chủ khai sáng đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo năm 1939, nhiều vị trong Ban Quản-Trị chùa lần lượt quy-y với Đức Thầy. Do đó, hương chức hội tề làng Hòa-Hảo làm văn tự hiến chùa nầy cho đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo.
Mùa hè năm Ất Dậu (1945), trong bước châu du khuyến nông qua 107 nơi, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có về làng Hòa-Hảo. Chiều ngày 29 tháng 5 âm lịch (ngày 8-7- 1945 dương lịch), Ngài cung thỉnh lư hương từ ngôi Tổ Đình PGHH (Kim Sơn Tự) cùng với phái đoàn mặc khăn đóng áo dài gồm các Ông Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Chí Diệp và đông đảo tín đồ đi bộ đến An Hòa Tự, và an vị lư hương ở ngôi chánh điện.
Trước chức sắc trong làng và đông đảo tín-đồ, Đức Thầy có tuyên bố: “Thầy ra giáo đạo độ dân, chỉ ngôi An Hòa Tự nầy là chùa căn-bổn”. Nơi chánh điện, Ngài vẫn cho giữ y phần tượng cốt vì theo lời Ngài: “Đây là điều-kiện các Sư mà chúng ta có thể sùng ngưỡng đặng, duy không tạo tác thêm nữa”. Hậu điện, gian giữa vẫn tôn trí Trần Điều theo truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, nơi đây đặt bàn thờ Phật-Thầy Tây-An. Nơi phía trước được treo một bức hoành phi với bốn chữ Nho to tướng: “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Đây là nét đặc trưng trong nghi thức thờ phượng, được xem là truyền thống bất di dịch của tự viện PGHH. Ngoài ra, Ngài cũng không cho đặt thùng nhận tiền để bá tánh hỉ cúng. Ngài dạy rằng: “Khi trong nhà Chùa cần tu-bổ thì lên bảng cho bá-tánh hay. Ai đem của tiền đến làm xong công-tác tu-bổ thì dẹp bảng ngay!”. Từ đó trở đi, tín đồ PGHH thường gọi An Hòa Tự là chùa Thầy, dân trong vùng thường đến lễ bái tấp nập tại chùa nầy vào các ngày 14, 15, 29, 30 âm lich mỗi tháng.

Người tín đồ xem đây là bước kế thừa mang tính thiêng-liêng do ơn Trên sắp định, ứng hợp cơ duyên giữa hai thế hệ nối tiếp nhau: Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật-Giáo Hòa-Hảo.
Năm Nhâm Thìn (1952), Đức Ông Cả Từ Hòa Hảo (9) đứng ra trùng tu một lần nữa. Chi phí lần này là do thầy Nhì Trực, một thầy thuốc Bắc ở Long-Xuyên phát tâm cúng hiến tất cả chi phí, Ông Hương Sư Vàng làm đốc công kiêm thủ quỹ, Ông Lương Thanh Liêm làm thư ký.
Mùa hè năm Mậu Tuất (1958), nhà chùa được dịp tu bổ bằng việc lót gạch bông toàn khu chánh điện và hậu đường, thay cho nền cũ chỉ tráng bằng xi măng láng.
Năm Kỷ Hợi (1959) và Canh Tý (1960) liên tiếp, hai dãy Đông lan và Tây lan được xây-dựng kiên cố bằng xi măng cốt sắt thay cho sườn gỗ đã hư cũ. Tất cả các công trình tu bổ nầy đều do sự chỉ đạo của Đức Ông.
Năm Nhâm Tý (1972) và Giáp Dần (1974), nhà chùa có dịp mở rộng hậu đường, tu bổ nhà trú, tráng xi-măng láng mặt rộng sân chùa. Công tác nầy do quý ông Thủ Bổn Hồ Nam Kinh, Kiểm Soát Trần Phú Nhẹ thay mặt Ban Quản Trị An Hòa Tự đốc công thực hiện.

Trải qua những ngày gió táp mưa sa, ngôi An Hòa Tự vẫn bền gan cùng tuế nguyệt, vẫn trường đại huy hoàng theo năm tháng. Rồi một biến cố lịch sử vô cùng trọng đại cho đất nước, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 dương lịch, chính quyền Cộng-Sản Hà-Nội đã cưỡng chiếm phần đất tự do còn lại của đất nước Việt-Nam, các tôn giáo dần dần bị đặt dưới sự kiểm soát của Ủy-Ban Tôn Giáo của Đảng Cộng-Sản và chính quyền Cộng-Sản. Trong đó, PGHH là bị kiểm soát nặng nề hơn cả, các cơ sở sinh hoạt Đạo dần dần bị tịch thu, quản lý như chùa, Tổ Đình PGHH, hội quán, đọc giảng đường, thư viện, trường học, bệnh viện, viện nuôi trẻ mồ côi, phòng thuốc nam, các cơ sở từ thiện, ... ngôi An Hòa Tự cũng không thoát khỏi sự quản lý của Ủy Ban Tôn Giáo.
Ngày 25 tháng 6 năm 1999, Đảng CS và chính quyền cho dàn dựng lên Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo (quốc doanh) do Ông Nguyễn Văn Tôn (tức Mười Tôn) làm Hội Trưởng, là một đảng viên có hơn 50 tuổi đảng và là một thành viên trong Ủy Ban Tôn Giáo và Mặt Trận Tổ Quốc do Đảng CSVN dựng lên. Ngoài ra, các thành viên quan trọng khác trong Ban Trị Sự Trung Ương PGHH “Quốc doanh” cũng là đảng viên mới được thu nhận qua sự dụ dỗ, mua chuộc từ con em của tín đồ ở địa phương sau ngày 30-4-1975. Trụ sở của Ban Trị Sự Trung Ương PGHH “Quốc doanh” lại được đặt tại ngôi An Hòa Tự, trong khi trụ sở của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH (trước 30-4-1975) bị trưng thu làm trụ sở huyện Phú Tân ngày nay.
Năm Tân Tỵ (2001), ngôi An Hòa Tự đã được trùng tu một lần nữa bởi Ban Trị Sự PGHH “Quốc doanh” bằng việc sửa lại nền móng, lót mới gạch bông và xây thêm các phòng ốc chung quanh chùa cho Ban Trị Sự làm việc.

Theo như sự nhận định của các tín đồ thường tới lễ bái tại ngôi An Hòa Tự, về mặt kiến trúc thì ngôi chùa nầy rất khang trang và kiên cố, chắc chắn sẽ tồn tại ít nhứt một trăm năm nữa mới có thể bị xuống cấp. Điều đó cho thấy lý do cấu trúc “xuống cấp” của ngôi An Hòa Tự mà Ban Trị Sự PGHH “Quốc doanh” đưa ra là không đúng. Mục đích của CSVN là muốn phá hủy dần thánh tích của tôn giáo PGHH. Bằng chứng là Thư Viện PGHH, một thánh tích của Đạo tại Chợ Đình cũng đã bị phá hủy năm 2006.
Sự phá bỏ thánh tích tôn giáo sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, vì An Hòa Tự PGHH là một thánh tích có những nét đặc thù không thể thay thế, nó cũng chính là một trong những di sản lịch sử văn hóa của dân tộc cần phải được duy trì, trân trọng gìn giữ và bảo tồn nguyên trạng. Chúng ta biết rằng một khi di sản văn-hóa và lịch-sử dân-tộc bị hủy diệt thì con cháu chúng ta biết tựa vào đâu để hiểu được quá-khứ, làm điểm tựa để thể hiện Tình Tự Dân-Tộc và Hài Hòa trong cuộc sống hiện-tại, để bảo-tồn dòng Sinh Mệnh Dân-Tộc và xây-dựng đất nước trong tương-lai. Có những di-tích lịch-sử đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm đã bị thời gian tàn phá, soi mòn, mất đi hình trạng ban đầu của nó, nhưng người ta vẫn cố gắng tối đa để tái tạo lại nguyên trạng trên vị trí cũ.

Thánh Tích tôn giáo PGHH là một trong những di sản Lịch sử và Văn hóa của đất nước, là kho báu của dân tộc, là những bảo vật vô giá, là Kim-Chỉ-Nam cho thế hệ đi sau. Đánh mất đi Thánh Tích tôn giáo, di sản Văn Hóa Dân Tộc là mất gốc. Một nền Văn Hóa mất gốc chỉ sản sinh ra những kẻ phản bội, dối trá, nô lệ, hận thù, bất nghĩa, bất tín, bất nhân, và kẻ đó sẽ làm bất cứ điều gì kể cả việc BÁN NƯỚC để bảo vệ quyền lợi, địa vị của cá nhân và phe phái. BÁN NƯỚC là một đại trọng tội đối với Tiền Nhân đã có công dựng nước và giữ nước, là một đại trọng tội mà toàn dân không tha thứ.

Cao-Đài giáo có Tòa Thánh Tây-Ninh, Phật Giáo có chùa Vĩnh-Nghiêm, Xá Lợi ở Sài-Gòn, Công giáo có Thánh Đường Sài Gòn, ... và Phật-Giáo Hòa-Hảo thì có An Hòa Tự, Tổ Đình PGHH. Đây là những thánh tích của mỗi tôn giáo, những di-sản Văn-Hóa và Lịch-Sử Dân-Tộc. Vì vậy, dứt khoát chúng ta không thể di dời, xóa bỏ Thánh Tích An Hòa Tự PGHH. Nếu các người có chủ trương cần có một cấu trúc mới thì cứ xây cất một công trình hiện đại hơn ở một vị trí khác.

Tóm lại, qua tiến trình hình thành ngôi An Hòa Tự PGHH, và với những lý do mà chúng tôi nêu trên, An Hòa Tự là một Thánh Tích có tính cách đặc thù của tôn giáo PGHH, không thể di dời, thay đổi hay xóa bỏ từng phần hoặc toàn bộ. Nhiệm vụ của mỗi người tín đồ PGHH chúng ta hiện nay dù ở nơi chân trời gốc biển nào, cũng đều hướng về Thánh Địa Hòa-Hảo để cùng nhau yểm-trợ tinh-thần và vật-chất cho đồng đạo trong nước, và cũng để cùng nhau trong ngoài đoàn kết, giữ gìn, bảo quản và duy trì nguyên trạng Thánh Tích An Hòa Tự.

Đồng thời, bằng cách viết thơ hay e-mail gởi đến Ban Trị-Sự Trung-Ương Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo (10) “Quốc doanh” để bày tỏ nguyện vọng của mình, làm cho những kẻ Vô Thần không thể xóa bỏ được niềm tin tôn giáo của toàn thể đồng đạo chúng ta.

Chúng tôi cũng xin kêu gọi các Đoàn thể yêu chuộng Nhân Quyền, Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo, Quý vị Lãnh Đạo tinh thần các Tôn Giáo bạn, Các Chính Đảng, Chính Khách và đồng bào yêu chuộng tự-do với tình tự Văn-Hóa Dân-tộc, vui lòng cùng nhau lên tiếng và viết thư trực tiếp phản đối Ban Trị-Sự Trung-Ương Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo (10) “Quốc doanh”, kêu gọi họ hãy ngưng ngay quyết định phá hủy Thánh Tích An Hòa Tự PGHH.
Thành kính tri ơn chư quý vị, quý đồng-bào và đồng-đạo.

Toronto, ngày 10-12-2009
Ban Trị-Sự Phật-Giáo Hòa-Hảo
Toronto và Các Vùng Phụ Cận

Chú Thích:
(1) Đức Phật-Thầy Tây-An, tục danh Đoàn Minh Huyên, Giáo-Chủ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, còn gọi là Đoàn Phật Sư. Danh tôn nầy được thấy ở bài vị thờ Ngài tại Tòng-Sơn Cổ Tự, xã Mỹ-An-Hưng, huyện Thạnh-Hưng, tỉnh Đồng-Tháp ngày nay.
(2) Cù lao Kết: Người xưa quen gọi phần đất phù-sa nằm phía trên Cù-lao Ông Chưởng, thuộc huyện Chợ Mới, giữa hai sông Tiền và Hậu, gồm ba huyện An-Phú, Tân-Châu và Phú-Tân ngày nay.
(3) Phạm Văn Phước (1817 – 1900): Ông còn có tên Phạm Miên, làm chức Hương Bái, nên thường được gọi là Cụ Chánh Bái Phước, Cụ gốc người Cao Bằng, vào Nam lập nghiệp, có thiện duyên được Đức Phật-Thầy Tây-An thu nhận vào hàng đệ tử thân tín. Mộ Ông còn thấy ở làng Hòa-Hảo. Hậu viện An Hòa Tự còn thờ Ông, gọi là Ông Ba Chánh Bái.
(4) Mỹ-Lương và Mỹ-Hóa là hai thôn có từ cựu trào, nằm kề ranh nhau ở về phía trên sông Vàm-Nao. Dưới thời Pháp thuộc, hai thôn nầy hòa nhập thành làng (xã) Hòa-Hảo. Khi CSVN thôn tính Miền Nam, xã Hòa-Hảo bị chia ra làm hai xã: Phú-Mỹ và Tân-Hòa. Vì vậy, địa danh Hòa-Hảo đã bị xóa mất tên trên bản đồ.
(5) Vàm Nao: Xa xưa có tên là Hồi Oa, Thuận Vàm, nhánh sông nối liền Tiền giang và Hậu giang, vàm trên là chỗ ngã ba Đình Hòa-Hảo, vàm dưới là chỗ chợ Mỹ Hội Đông, dài khoảng 6000 thước. Nay vẫn còn gọi là sông Vàm Nao
(6) Trần Điều hay Trần Đỏ: Do di tích Phật-Thầy Tây-An, vị Giáo Tổ phái Bửu Sơn Kỳ Hương khai sáng vào khoảng tháng 4 năm Tân Hợi (1851). Đức Huỳnh Giáo-Chủ khai đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo ngày 18 tháng 5 năm Kỹ Mão (1939), buổi đầu, Ngài dạy tín đồ thờ Trần Đỏ theo biểu hiệu của Phật-Thầy Tây-An, tượng trưng cho tinh thần vô thượng của nhà Phật. Sau vì có kẻ lợi dụng hình thức nầy nên Ngài cho đổi thành Trần Dà như ta thấy ngày nay.
(7) Cụ Dương Lai Bửu: Còn được gọi là Ông Hương Chủ Bó, một nhà phú hào ở làng Hòa-Hảo (thôn Mỹ-Hóa), từng giữ chức vụ Hương Thân, rồi Hương Chủ trong Ban Hội Tề. Người có công trùng tu đình, chùa trong làng Hòa-Hảo. Hiện bài vị thờ Cụ vẫn còn tôn trí ở bàn kế nghiệp Hậu viện An Hòa Tự.
(8) Chữ Sơn: Theo di ngôn của Phật-Thầy Tây-An, bài thơ khoán thủ sau đây vẫn còn được truyền tụng trong giới tín đồ BSKH và PGHH:
Chữ Bửu là hiệu Phật Vương.
Chữ Sơn là hiệu Phật Thầy.
Chữ Kỳ là hiệu Bổn Sư.
Chữ Hương là hiệu Phật Trùm.
(9) Đức Ông Cả Từ Huỳnh Công Bộ (1888 – 1961): Hương Cả làng Hòa-Hảo, thân sinh Đức Huỳnh Phú Sổ, một bậc hiền nhơn, đức độ, có uy tín lớn đối với nhân dân vùng Hòa-Hảo, Hưng Nhơn, Phú An (gọi chung là Thánh Địa Hòa-Hảo). Người có công mở mang Thánh Địa Hòa-Hảo, cụ thể như lo đào kinh, xây dựng bịnh xá, trường học, ... Nhân dân trong Thánh Địa còn mãi mãi nhớ ơn Ngài.

(10) Địa-chỉ liên-lạc với Ban Trị-Sự Trung-Ương Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo (quốc doanh) như sau:
Ban Trị-Sự Trung-Ương Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo
Thị Trấn Phú Mỹ, Huyện Phú Tân, Tỉnh An Giang, Việt-Nam.
Địa chỉ E-mail:
hoasen@yahoo.com.vn


No comments: