Saturday, December 12, 2009

HOA KỲ LÂM NGUY VÌ NỢ NẦN CHỒNG CHẤT

Hoa Kỳ, Một Đế Quốc Lâm Nguy Vì Nợ Nần Chồng Chất, và Khiếm Hụt Ngân Sách.
Bài phân tích của NIALL FERGUSON
trong Newsweek ngày 7/12/09


Nguyễn Minh Tâm phỏng dịch
Thứ Bảy, ngày 12 tháng 12 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20091212_01.htm
Hoa Kỳ một đế quốc hùng mạnh nhất hoàn vũ đã chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, thoát cơn hiểm nghèo trong vụ tấn công 9/11. Nhưng sự suy yếu về kinh tế của Hoa Kỳ rồi đây sẽ khiến cho vị thế siêu cường của Hoa Kỳ bị lâm nguy.

Ngày xưa các đế quốc bị suy thoái vì thiếu nợ nhiều qúa. Các đế quốc phải cắt giảm kinh phí về lục quân, hải quân, và không quân. Từ đó, đế quốc bị mất vị trí lãnh đạo đối với các nước khác trên thế giới. Giáo sư sử học Naill Ferguson của trường đại học Havard viết tác phẩm: “The Ascent of Money” viết về tình trạng lâm nguy của Hoa Kỳ vì thiếu hụt ngân sách,và mang nợ nhiều qúa. Theo ông 42% dân chúng Mỹ tin rằng việc cắt giảm mức khiếm hụt ngân sách xuống một nửa là việc làm tối quan trọng, chính phủ cần phải làm ngay, nếu không sẽ làm suy yếu sức mạnh của Hoa Kỳ.

HÃY TẠM GỌI ĐÓ LÀ SỰ PHÓNG CHIẾU HÌNH HOC của cơn khủng hoảng tài chánh. Nếu bạn bay ngang qua Đại Tây Dương vào một ngày đẹp trời trong sáng, nhìn qua cửa sổ máy bay, bạn sẽ thấy dưới đất hình dáng của ba nước: kích thước nhỏ xíu là nước Iceland, nước cỡ trung là Anh quốc. Cả hai nước này không đáng kể so với kích thước lớn lao của Hoa Kỳ. Nhưng trong mỗi nước, cơn khủng hoảng tài chánh vừa qua đều có những nét giống nhau: các ngân hàng đồng loạt lâm vào tình trạng khủng hoảng, theo sau là khủng hoảng ngân sách, để rồi chính phủ phải đứng ra can thiệp, tiếp cứu hệ thống tài chánh tư nhân.

Kích thước mỗi nước giữ vai trò khá quan trọng. Ví dụ: với nước nhỏ, sự thất thoát, thua lỗ về tài chánh rất lớn tính theo tổng sản lượng quốc gia. Nước lớn như Hoa Kỳ, mức thất thoát so với tổng sản lượng quốc gia không nhiều lắm. Nhưng nếu hệ thống tài chánh của nước lớn như Hoa Kỳ mà bị sụp đổ, hậu qủa của nó sẽ hết sức to lớn.

Theo các chuyên gia về kinh tế, nếu Hoa Kỳ không khắc phục được cuộc khủng hoảng tài chánh, điều này có thể sẽ xảy ra, cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu có thể thay đổi hẳn đi. Nói cách khác, Hoa Kỳ sẽ không còn giữ vị trí đứng đầu thế giới được nữa. Các chuyên gia về quân sự đang bàn tán về quyết định gởi thêm 40,000 lính Mỹ sang Afghanistan là một quyết định sinh tử của Hoa Kỳ. Thực tế cho thấy, tổng thống Obama đang phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều về quyết định tăng quân vì vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng thiếu hụt ngân sách. Tình trạng thiếu hụt ngân sách trường kỳ sẽ làm phương hại đến tình hình an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Bạn có thể gọi Hoa Kỳ bằng danh xưng gì cũng được – siêu cường, đế quốc, hay lãnh tụ của hoàn vũ- nhưng rõ ràng là khả năng quản lý ngân sách, tài chánh của Hoa Kỳ có liên hệ chặt chẽ với vị thế siêu cường về quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới. Chúng ta hãy thử phân tích vấn đề này xem sao.

Những người theo trường phái kinh tế tư bản của John Maynard Keynes lý luận rằng hãy cứ để ngân sách liên bang khiếm hụt khoảng khoảng một phần ba là tốt, bởi vì làm như thế chúng ta tránh được tình trạng suy thoái kinh tế, gọi là Depression 2.0. Nếu nói như vậy thì kế hoạch kích thích kinh tế mới đây của chính phủ liên bang không đem lại kết quả cấp số nhân như mong đợi.

Nhìn vào tình hình tín dụng, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Mức phát tiển của nền kinh tế Hoa Kỳ ở qúi ba hẳn là sẽ thấp lắm nếu như không có ngân khoản kích thích nền kinh tế được đưa vào. Giai đoạn từ quí hai đến qúi ba, mức tăng về sản lượng nội điạ thực ra là xuất phát từ tiền kích thích kinh tế của chính phủ. Đặc biệt chương trình Cash for Clunkers, cho không dân chúng tiền để đổi xe xuống xăng lấy xe mới ít tốn xăng, và chương trình trợ giúp tín dụng cho người mua nhà lần đầu đã giúp để đạt tỉ lệ phát triển khiêm tốn đó. Tuy nhiên, chúng phải nhớ rằng nền kinh tế còn lâu mới đạt đến mức phục hồi để tự nó phát triển. Sang đến qúi ba, con số mới đầu đưa ra là mức phát triển đạt được 3.5%, sau đó, tu chính lại, chỉ còn ở mức 2.8%. Kể ra điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Chúng ta hãy nhớ biện pháp kích thích kinh tế chỉ đem lại sự thay đổi về việc cấp tín dụng trong khu vực công. Vì chính phủ liên bang vốn đã bị khiếm hụt ngân sách, chính phủ cấp tiểu bang đã gián tiếp tăng thuế bằng những biện pháp cắt giảm chi tiêu, vì vậy, kết quả cụ thể của kế hoạch kích thích kinh tế chỉ tương đương với 4% Tổng Sản Lượng (GDP), chứ không phải 11.2% của GDP như báo chí đã nêu lên.

Trong lúc đó, hãy nghiên cứu hiệu quả của kế hoạch kế hoạch kích thích kinh tế kể trên. Năm 2009, theo sự ước tính của CBO, tức Văn Phòng Quốc Hội Nghiên Cứu Ngân Sách, mức khiếm hụt được ước tính là $1.4 trillion đô la - tức khoảng 11.2% GDP. Đây là con số ngân sách khiếm hụt lớn nhất trong vòng 60 năm nay, sấp xỉ mức khiếm ngạch của năm 1942. Như vậy tức là chúng ta tiêu xài trong hoàn cảnh ngân sách như thời thế chiến, trong lúc chúng ta không có chiến tranh. Vâng, chúng tôi biết nước Mỹ đang phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở Iraq và A Phú Hãn. Nhưng hai cuộc chiến tranh này không có tầm mức quan trọng như hồi thế chiến, và ảnh hưởng của nó đối với tình hình ngân sách tương đối rất nhỏ. Hồi tháng Hai năm 2008, Kinh tế gia Joseph Stiglitz ở đại học Columbia ước tính cuộc chiến hiện nay tốn khoảng $3.2 trillion đô la, tức là chỉ bằng 1.8% GDP thôi.

Con số khiếm ngạch $1.4 trillion mới chỉ là con số khởi đầu. Theo dự phóng của CBO số khiếm ngạch sẽ giảm xuống từ 11.2% của GDP xuống còn khoảng 9.6% vào nắm 2010, còn xuống 6.1% vào năm 2011, và hạ xuống còn 3.7% vào năm 2012. Sau đó, khiếm ngạch sẽ đuợc duy trì ở mức 3%. Nhưng trong khi đó tính bằng đô la, tổng số nợ sẽ tăng từ $5.8 trillion vào năm 2008, lên đến $14.3 trillion vào năm 2019, tức là từ 41% lên đến 68% GDP.

Tóm lại, không có cách gì để ngăn cản tình trạng vay tiền bừa bãi, vô giới hạn. Thực vậy, trừ phi chúng ta chịu cắt bỏ bớt những phúc lợi có tính chất luật định, gọi là entitlement, hay phải tăng thuế, bằng không, chúng ta sẽ không thể nào có tình trạng thăng bằng ngân sách được. Giả dụ tôi còn sống thêm được 30 năm nữa, và sẽ theo vết chân của ông nội tôi là ra đi vào tuổi 75. Như vậy vào năm 2039, cứ theo ước tính dự phóng của CBO, tổng số nợ của chính phủ liên bang sẽ tương đương với 91% của GDP. Đối với những kinh tế gia thuộc phe ưa thích khiếm hụt ngân sách như ông Paul Krugman thì dù cho có khiếm hụt lớn cách mấy đi nữa cũng chẳng sao.Năm 1945, mức khiếm hụt ngân sách bằng 113% GDP.

Hãy gác sang một bên sự khác nhau khổng lồ giữa hoàn cảnh Hoa Kỳ hồi năm 1945 với năm 2039. Hãy nhìn đến dự phóng của CBO về tình trạng ngân sách khiếm hụt của Hoa Kỳ. Đến năm 2039, nước Mỹ sẽ mắc nợ bằng 215% GDP. Vâng, số nợ gần gấp đôi Tổng Sản Lượng hàng năm của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Dự phóng về bất cứ điều gì không phải chỉ là sự tiên đoán tương lai. Mọi thứ đều còn dựa trên sự ước đoán về con số sinh, số tử của dân số. Chi phí về Medicare, Bảo Hiểm Y tế cho người già và người tàn tật, cũng như nhiều khỏan khác là những biến số rất quan trọng. Cơ quan CBO dự phóng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển ở mức 2.3% trong vòng 30 năm sắp tới. Dự phóng này cho thấy hậu quả đáng sợ của tình trạng khiếm hụt ngân sách liên bang về lâu dài. Số chi cứ tiếp tục nhiều hơn số thu cho ngân sách. Hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng khi chúng ta dự phóng những gì sẽ xảy ra. Trước hết là tình trạng khiếm hụt ngân sách không giảm đi, cứ tăng mãi, cho đến khi nó nổ tung.

Còn một cách khác để tính hậu qủa của tình trạng khiếm hụt là hãy xem mức chi tiêu dành cho Social Security và Medicare tăng. Con số ước lượng mới nhất sẽ vào khoảng $104 trillion, tức là 10 lần số nợ của ngân sách liên bang hiện nay.

Những kinh tế gia thuộc trường phái của Keynes nói rằng như thế cũng chẳng sao. Họ cho rằng chúng ta có thể khứng chịu nổi số nợ khoảng $1 trillion mỗi năm trong ngân sách chính phủ. Họ còn kể ra trường hợp của nước Nhật trong trong hai “thập niên bị đánh mất” vừa qua. Trong đó, nước Nhật phải gánh chịu một số nợ bằng 200% của GDP, khiến cho nền kinh tế của nước này bị nằm ở mức phát triển là zero trong gần hai mươi năm.

Tiếc thay, không thể đem lý luận này sang áp dụng cho hoàn cảnh nước Mỹ được. Trong qúi hai của năm 2009, chính phủ Mỹ bán ra Công Khố Phiếu ở mức độ rất lớn. Người mua công khố phiếu không phải là các công ty tài chánh như các Qũi đầu tư Mutual Fund, hay các Qũi Hưu Bổng, và công ty bảo hiểm. Người mua công khố ohiếu chính là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang và chính phủ ngoại quốc, khoảng $380 tỉ đô la công khố phiếu.

Dĩ nhiên người bạn Trung quốc của Hoa kỳ có thể sẽ đứng ra tiếp cứu bằng cách mua thêm Công Khố Phiếu Hoa Kỳ. Hiện nay, Trung quốc đã là nước nắm giữ rất nhiều dự trữ quốc tế bằng đồng đôla Mỹ. Họ đang có khoảng 13% tổng số công khố phiếu của chính phủ Hoa Kỳ. Cao điểm của việc Trung quốc mua công khố phiếu Mỹ là năm 2007, khi đó, Trung quốc mua hết 75% số công khố phiếu do chính phủ Mỹ bán ra.

Nhưng ở đời này không có gì là miễn phí cả. Trên lãnh vực tài chánh quốc tế, giáo sư Fred Bergstern của Học Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế Peterson nói rằng nếu cái đà bán công khố phiếu của Hoa Kỳ như hiện nay còn tiếp tục, chẳng mấy chốc mức khiếm ngạch trong cán cân chi phó của Hoa Kỳ sẽ lên đến 15% của GDP vào năm 2030, và số nợ ròng của Mỹ đối với thế giới sẽ vào khoảng 140 % của GDP. Trong hoàn cảnh như thế, mỗi năm Hoa Kỳ sẽ phải trả khoảng 7% của GDP cho ngoại quốc để phục vụ cho khoản nợ của mình.

Liêu chừng hoàn cảnh trên sẽ xảy ra không? Tôi nghi lắm. Một mặt, người bạn Trung Quốc gần đây vẫn cứ than thở rằng họ giữ qúa nhiều công không phiếu bằng đô la Mỹ. Mặt khác, Hoa Kỳ lại có vị trí hết sức may mắn, cứ việc đi vay nợ bằng tiền của nước mình, hễ có gì, chỉ việc bảo Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang in thêm tiền là xong.

Bây giờ, có người nói rằng nhiều chính trị gia bị lôi cuốn vào việc giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách một cách vô trách nhiệm, bằng cách cứ in thêm tiền, vừa để trả nợ, vừa để làm khỏan nợ giảm gía trị vì lạm phát. Khi đó, lãi suất sẽ tăng cấp kỳ.

Hồi tháng Ba năm 2003, kinh tế gia Paul Krugman, một người theo trường phái kinh tế tư bản của Keynes viết rằng “tình trạng khiếm hụt ngân sách đã cứu chúng ta.”.

Lịch sử chứng minh cho thấy khủng hoảng tài chánh trầm trọng thường đi tiếp theo những vụ khủng hoảng về ngân sách. Hai kinh tế gia Carmen Reihartt và Kenneth Rogoff viết cuốn sách “This Time Is Different” viết rằng “Nợ của chính phủ tăng lên 86% trong ba năm, kế đến xảy ra vụ khủng hoảng trong ngành ngân hàng.”. Khi nợ nần chồng chất cao quá, nổ tung, một trong hai trường hợp có thể xảy ra. Hoặc là qụỵt nợ, không trả, nhất là khi khoản nợ đó vay bằng tiền nước ngoài. Hoặc là dùng hình thức lạm phát để hoán cải nợ, tống cổ chủ nợ đi chỗ khác. Lịch sử về sự sụp đổ của nhiều đế quốc Âu Châu cho thấy khi nợ nần chồng chất, nổ lớn, cả hai trường hợp trên đều xảy ra. Hàng loạt những vụ quỵt nợ, cũng như lạm phát, đã xảy ra song hành ở Âu Châu. Đó là những dấu hiệu báo trước sự suy tàn của một đế quốc.

Đối với trường hợp của Hoa Kỳ, có lẽ qụyt nợ sẽ không xảy ra, bởi vì Hoa Kỳ vay nợ bằng chính đồng đô la Mỹ. Điều quan trọng là khi nào chúng ta sắp sửa thấy Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang “in thêm tiền”, đó là xảo thuật để hoán cải nợ. Ngân hàng này sẽ in tiền đô la xanh mới để bán công khố phiếu mới, sau đó là hàng loạt những vụ tăng giá cả, và nợ nần giảm sút. Đây chính là hoàn cảnh làm cho rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới lo ngại. Hèn chi họ xoay qua đem tiền đi mua vàng để dành.

Cho đến lúc tôi viết bài báo này, viễn tượng lạm phát vẫn còn xa vời lắm. Với tình trạng thất nghiệp ở Hoa Kỳ trên 10%, nghiệp đoàn lao động còn yếu lắm, không dám mở miệng đòi tăng công xá, và còn rất nhiều tiềm năng sản xuất chưa được tận dụng trên toàn thế giới. Nên chi vẫn chưa xảy ra tình trạng “stagflation” của thời thập niên 1970's. Đó là tình trạng vừa có kinh tế trì trệ, vừa có nạn lạm phát. (tỉ lệ phát triển chậm, và vật gía tăng cao). Dân chúng cũng tin rằng sẽ chưa có nạn lạm phát trong tương lai gần.

Chính vì những lý do trên, sẽ xảy ra trường hợp sau đây- còn đáng sợ hơn cả trường hợp lạm phát nữa. Chúng ta sẽ thấy lãi suất thực sự sẽ tăng, đó là mức lãi suất niêm yết, trừ bớt đi tỉ lệ lạm phát. Nhiều kinh tế gia, có cả ông Peter Orszag, đang làm Tổng Giám Đốc Ngân Sách hiện nay, đã nghiên cứu rất nhiều về trường hợp này thấy rằng khi có mức gia tăng đáng kể trong tỉ lệ nợ so với GDP, sẽ làm cho lãi suất thực sự tăng theo. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho biết hễ tỉ lệ nợ của chính phủ Hoa Kỳ đối với GDP tăng 20 điểm, sẽ làm cho lãi suất thực sự tăng từ 0.2 đến 1.2.

Nhiều kinh tế gia theo trường phái Keynes phủ nhận sự kiện đau lòng kể trên. Nhưng lịch sử chứng minh cho thấy lập luận của những kinh tế gia này là sai. Hồi thập niên 1930, ở Pháp lãi suất thực sự vẫn tăng, trong lúc có hiện tượng giảm phát (deflation). Gần đây nhất là hoàn cảnh ở Nhật Bản. Mới tuần trước, ông Bộ Trưởng Tài Chánh mới Hirohisa Fuji tỏ ý lo ngại rất nhiều khi công khố phiếu của chính phủ tăng mức lợi nhuận, trong lúc đó chính phủ thú nhận là ở Nhật có hiện tượng giảm phát sau ba năm giá cả tăng đôi chút.

Cơ quan CBO của Quốc Hội dự phóng rằng chính phủ liên bang sẽ phải trả tiền lãi nợ vay chiếm khoảng 8% hay 9% lợi tức thu về thuế vào năm 2009, và sẽ lên đến 17% lợi tức vào năm 2019. Chẳng mấy chốc sẽ tăng lên đến 20% lợi tức quốc gia. Chính ở điểm này, lịch sử cho thấy khi nào quốc gia phải chi tiêu một phần năm lợi tức để trả nợ, khi đó sẽ có vấn đề. Quốc gia sẽ lâm vào tình trạng lúng túng vì nợ nần. Uy tín đi vay nợ tuột giảm. Các nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi khả năng trả nợ của quốc gia thiếu nợ qúa nhiều. Vì thế, họ sẽ tăng lãi suất cho vay. Điều này, lại càng khiến cho quốc gia lâm vào tình thế khó khăn hơn.

Mắc nợ quá nhiều gây tai họa nặng nề cho một siêu cường nhiều hơn là cho một quốc gia hải đảo nhỏ bé trong Đại Tây Dương. Khi cần phải trả nợ, quốc gia phải cắt xén phần khác trong ngân sách để mà trả nợ. Bao giờ cũng thế, ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm. Cũng theo cơ quan CBO, hình như việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở Hoa Kỳ đã nhen nhúm thành hình từ lâu. Với kế hoạch hiện nay do Ngũ Giác Đài đề nghị, kinh phí về quốc phòng đã giảm từ 4% của GDP xuống 3.2% vào năm 2015, và sẽ chỉ còn khoảng 2.6% của GDP vào năm 2028.

Về lâu về dài, theo sự ước tính của riêng tôi, thời kỳ dứt điểm sẽ vào khoảng năm 2039. Đó là năm mà chi tiêu về chăm sóc y tế, sức khoẻ tăng từ 16% của GDP lên đến 33% của GDP. Tất cả những chi tiêu khác cho Social Security, cho Y Tế công cộng, cho tiền lãi vay nợ sẽ bị giảm sụt từ 12% xuống còn 8.4% của GDP.

Đó chính là lý do vì sao đế quốc bị suy tàn. Nó khởi đầu bằng tình trạng vỡ nợ, vay nợ nhiều quá. Nó kết thúc ở tình trạng phải cắt giảm tài nguyên vật lực dành cho Lục Quân, Hải Quân, và Không Quân. Chính vì vậy, cử tri ngày nay lo ngại rất nhiều cho tình trạng nợ nần của chính phủ. Phải chăng nước Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng vì vay nợ nhiều quá. Theo phúc trình mới đây của tổ chức Rasmussen, 42% dân chúng Mỹ nói rằng việc cắt giảm mức khiếm hụt về ngân sách xuống còn một nửa là mối ưu tiên hàng đầu, cử tri Mỹ muốn chính phủ phải làm cho được.Chỉ có 24% coi vấn đề cải tổ y tế là quan trọng. Nhưng cắt giảm mức khiếm hụt ngân sách một nửa mới chỉ là bước đầu. Trong năm hay mười năm nữa, chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách phục hồi cho được tình hình ngân sách liên bang, không còn khiếm hụt, vay nợ để chi tiêu. Bằng không, Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu với một nguy cơ thực sự. Nguy cơ đó là nợ nần sẽ làm suy yếu sức mạnh của nước Mỹ.

Bằng chứng trong lịch sử cho thấy khá rõ rang điều này. Đế quốc Tây Ban Nha đã quỵt nợ khoảng 14 lần trong thời gian từ 1557 đến 1696, và chứng kiến hiện tượng lạm phát vì cố công đi chinh phục Tân Thế Giới để lấy vàng, bạc. Nước Pháp thời kỳ tiền cách mạng, nhà vua phải dùng 62% lợi tức của hoàng gia để trả tiền lãi vì thiếu nợ năm 1788. Đế quốc Ottoman cũng suy sụp trong hoàn cảnh vỡ nợ. Tiền lãi phải trả cho nợ vay tăng từ 15% lên đến 50% ngân sách quốc gia trong thời gian từ 1860 đến 1875. Và chúng ta cũng đừng quên đế quốc nói tiếng Anh cũng cũng bị phá sản vì dùng hết 44% ngân sách cho việc trả tiền lãi nợ vay. Vì thế, đế quốc Anh không thể địch lại được một nước Đức mới phục hồi, đang ra sức tái võ trang cấp kỳ.

Chúng ta có thể gọi diễn tiến kể trên là phép toán định mệnh đưa đến sự suy tàn của một đế quốc. Hãy tỉnh lại ngay đi. Đế Quốc Mỹ sẽ là đế quốc kế tiếp bị suy tàn nếu chnúg ta không áp dụng những cải cách sâu xa trong kế hoạch thi hành ngân sách quốc gia..

Bài phân tích của NIALL FERGUSON
trong Newsweek ngày 7/12/09
Nguyễn Minh Tâm phỏng dịch.



No comments: