Saturday, December 12, 2009

MỘT BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CẦN CHO CUỘC ĐẤU TRANH NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Một bước phát triển mới cần cho cuộc tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam
Việt Long, phóng viên đài RFA
2009-12-12
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-tran-thanh-hiep-about-the-situation-of-the-struggle-for-human-rights-in-vietnam-qa-vlong-12122009141041.html
Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2009, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris đã cùng với Việt Long của Đài RFA trao đổi nhận định tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hịên.

Yểm trợ quốc tế gia tăng

Việt Long: Nhân ngày quốc tế nhân quyền 10-12, trong buổi lễ của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền năm 2009 cho hai nhân vật tranh đấu ở trong nước là mục sư Nguyễn Công Chính và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, đã có nhiều nghị sĩ, dân biểu Mỹ lên tiếng mạnh mẽ đòi dân quyền và tự do dân chủ cho người dân Việt Nam. Là người đã từ nhiều năm nay lên tiếng đòi nhân quyền cho Việt Nam, luật sư có ý kiến gì về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam hiện nay?
LS Trần Thanh Hiệp: Nếu lấy năm 1980 làm dấu mốc khởi đầu của cuộc tranh đấu của cá nhân tôi trên trường quốc tế cho nhân quyền ở Việt Nam thì tính ra tôi đã liên tục theo đuổi mục tiêu này được 29 năm rồi. Kiểm điểm lại. tôi thấy trên con đường dài tôi đã đi qua và sẽ còn đi tới nữa, có một điều khiến tôi rất phấn khởi. Đó là sự ủng hộ bằng lời nói cũng như bằng việc làm mà quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Trước đây tôi chỉ có rất ít cơ hội để lưu ý dư luận thế giới về tình trạng đàn áp thô bạo nhân quyền ở trong nước. Nhưng bây giờ thì đã có rất nhiều dịp để vận động thế giới tiếp tay với chúng ta chặn đứng cuộc đàn áp ấy. Tuy vậy, đồng thời tôi vẫn cảm thấy lo ngại vì nếu yểm trợ quốc tế gia tăng mà đàn áp không chấm dứt thì ắt hẳn là đàn áp đã gia tăng, nghĩa là hai thứ này lại biến đổi theo tỷ lệ thuận.

Phương thức đấu tranh mới


Việt Long: Có phải như vậy là cuộc tranh đấu cho nhân quyền đã lâm vào tình trạng sa lầy như LS đã dự phòng cách nay mấy năm không?
LS Trần Thanh Hiệp: Không. Theo tôi chưa phải là sa lầy. Vì nếu đàn áp gia tăng thì chống đàn áp cũng đã không dẫm chân tại chỗ hay bị đẩy lui. Trái lại, hàng ngũ tranh đấu ngày một đông và một rộng, hầu như tất cả mọi tầng lớp, mọi tuổi tác trong xã hội đều có mặt trên trận tuyến tranh thủ nhân quyền. Điều bất hạnh là đất nước đã bị đặt dưới quyền sinh sát của một bộ máy cầm quyền quyết tâm chà đạp lên nhân quyền không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào miễn là giữ được quyền lực. Đó chính là đầu mối của tất cả những khó khăn của hy vọng giành toàn thắng cho nhân quyền.

Việt Long: Những khó khăn đó có thể kể ra như chính quyền vừa quyết định truy tố nhóm tranh đấu cho dân chủ với khung hình phạt lên đến tử hình, và cũng mới dùng những kẻ hung bạo buộc sư viện chủ chùa Phước Huệ phải ký giấy cho các tăng sinh Làng Mai phải rời chùa, trở về địa phương. Tình hình đó phải chăng là đã sa lầy, làm sao có thể nói là chưa xảy đến, thưa LS?
LS Trần Thanh Hiệp: Không hẳn đã như thế. Sự khám phá mới nhất của tôi là không thể hoàn toàn trông đợi vào quốc tế để dứt điểm với độc tài độc đảng chuyên chế. Chính người Việt Nam phải có được một nỗ lực mới có khả năng vô hiệu hóa chính sách đàn áp nhân quyền có hệ thống, lắm mưu lược hiện nay của nhà cầm quyền Hà Nội. Muốn thế cần bố trí lại cuộc đấu tranh chống đàn áp theo chiều hướng mới và về cả hai mặt cùng một lúc.

Việt Long: Đó là chiều hướng nào và mặt nào, thưa LS?
LS Trần Thanh Hiệp: Trước thực trạng lực lượng so sánh không cân xứng, ưu thế nghiêng về phía cầm quyền đàn áp hiện nay ở trong nước, cần phải tái phối trí hàng ngũ các thành phần nhân dân cũng như các tổ chức tranh đấu nhân quyền về cả hai mặt quốc tế và Việt Nam và theo hướng tập trung. Tức là để đối phó với cuộc leo thang đàn áp, phải đưa cuộc tranh đấu nhân quyền lên một bước phát triển mới. Trên trường quốc tế, đương nhiên là vẫn phải tranh thủ thêm nguồn trợ lực bên ngoải này, nhưng không nên chỉ ở vị thế thụ động ngồi đợi sự can thiệp quốc tế như trước nữa. Mà phải có được một đội ngũ chuyên gia về nhân quyền trực tiếp tham gia, chứ không đứng bên lề mà kêu cứu, sinh hoạt quốc tế bảo vệ và tiến thăng nhân quyền. Đó là bài học mà cuộc kiểm điểm định kỳ công khai của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc hồi giữa năm nay tại Genève đã mang lại. Đã không có tiếng nói đủ mạnh, đủ trọng lượng của phía nạn nhân đàn áp trước diễn đàn quốc tế để trực diện đối đầu với phía cầm quyền đàn áp, thì phía tranh đấu chỉ có mặt hùng hậu như gió ở ngoại vi, nhưng đã vắng mặt trong trận địa và trực tiếp đối chất với chế độ để vạch trần trước dư luận quốc tề về tội ác đàn áp nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.

Đòi lại Quyền dân tộc tự quyết

Việt Long: Còn về trong nước thì luật sư có ý kiến thế nào?
LS Trần Thanh Hiệp: Cho đến nay vì cấp bách phải kịp thời đối phó với đủ mọi hành vi xâm phạm nhân quyền của nhà cầm quyền tại chức nên mạnh ai nấy làm và đã nhắm vào nhiều mục tiêu rời rạc, tản mạn từ tôn giáo qua văn hóa, pháp lý, kinh tế đến lao động v.v…Thật ra trên nguyên tắc, có thể đưa yêu sách về 26 nhân quyền nếu muốn. Nhưng lực lượng tranh đấu rất yếu nên không tạo đủ áp lực đặt phía đàn áp vào thế bị động phải nhượng bộ, Cho nên đã đến lúc nên tập trung tất cả các yêu sách này để họp thành một yêu sách mũi nhọn chọc thẳng vào chiến truyến phòng thủ của phía đàn áp. Yêu sách này mang tính cơ bản về nhân quyền đó là yêu sách đòi trả lại cho nhân dân quyền dân tộc tự quyết mà nhà cầm quyền cộng sản đã sang đoạt từ hơn nửa thế kỷ nay.

Việt Long: Xin lưu ý luật sư rằng tranh đấu nhân quyền không thể đồng hóa với tranh đấu chính trị. Cuộc đối kháng theo ý kiến của ông như vậy là ra ngoài lĩnh vực nhân quyền, nhà cầm quyền khi trấn áp sẽ không bị ràng buộc gì với những cam kết quốc tế về nhân quyền nữa. Quyền dân tộc tự quyết là một quyền có màu sắc chính trị rõ rệt.
LS Trần Thanh Hiệp: Nhưng đồng thời theo tôi quyền dân tộc tự quyết cũng lại là một nhân quyền đứng vào loại hàng đầu của các nhân quyền. Tôi khẳng định như vậy là vì đặc tính nhân quyền cơ bản này đã được dự liệu bởi rất nhiều văn bản vừa chính trị, vừa pháp lý quốc tế cũng như quốc nội. Như Hiến chương Cựu Kim Sơn của LHQ, Tuyên ngôn thế giới 1948 vê nhân quyền, hai Công ước quốc tế về nhân quyền 1966, Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, Hiến pháp 1992 với sửa đổi và bổ sung đương hành ở Việt Nam. Một khi đòi được quyền dân tộc tự quyết thì người dân Việt Nam sẽ đương nhiên có đủ mọi thứ nhân quyền. Và nhất là nhà cầm quyền Hà Nội không có lý do gì để trì hoãn không trả lại cho nhân dân và các thế lực quốc tế cũng không thể coi nhẹ như đã coi các nhân quyền khác.

Việt Long: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: