Saturday, December 12, 2009

COPENHAGEN 2009 : TƯƠNG LAI NÀO CHO NHỮNG QUỐC GIA CHẬM TIẾN ?

Copenhagen 2009 : Tương lai nào cho những quốc gia chậm tiến ?
Nguyễn Minh
Đăng ngày 12/12/2009 lúc 00:07:12 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4410

Cứu nguy trái đất
Một thực tại mà cả thế giới cùng nhìn nhận là trái đất đang lâm nguy. Từ vài chục năm trở lại đây, hiện tượng thay đổi khí hậu đã làm biến thể thiên nhiên và đe doạ đời sống con người, buộc những người có trách nhiệm phải suy nghĩ về tương lai của hành tinh nơi mình đang sống. Tác dụng xấu của những biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người và mọi quốc gia trên trái đất, nhưng chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là những quốc gia kém phát triển và nghèo khó.
Hình ảnh những đồng ruộng nứt nẻ vì hạn hán tại châu Phi (Kenya) và Nam Á (Ấn Độ), biển Aral tại Trung Á bị khô cạn, 80% băng tuyết vĩnh cửu trên các đỉnh Kilimanjaro (5.900 m) tại Tanzania và Himalaya (8.000 m) bị tan chảy, những tảng băng hai vùng Bắc Cực và Nam Cực sụt lở ngay giữa mùa đông, tốc độ ngập lụt sau mỗi cơn bão gây thiệt hại về nhân mạng, tài sản và mùa màng ngày càng gia tăng, mực nước biển dâng khiến ruộng đồng nhiễm mặn gây đói khát tại các quốc gia Nam Á, dịch bệnh và di dân... xuất hiện dồn dập trên các màn ảnh báo chí không cho phép những quốc gia công nghiệp phát triển tiếp tục thờ ơ. Phải cứu nguy trái đất !
Nguyên do của những tai hoạ vừa kể trên, một phần do khí thải carbon dioxyd (CO2) thoát ra từ thiên nhiên (núi lửa), nhưng phần lớn do con người gây ra: những lò nhiệt điện, nhà máy lọc dầu, hoá chất, phân hoá học, khói xe, nạn cháy rừng... Chúng có tác dụng gây hiệu ứng nhà kính hun nóng trái đất và làm tan những tảng băng tại hai cực khiến mực nước biển tăng lên. Nếu không ai làm một cố gắng nào để hạn chế, khí hậu của trái đất sẽ tăng từ 1,5 đến 6°C vào năm 2100, nhiều vùng rừng núi sẽ trở thành ô trọc vì thiếu nước, nhiều cánh đồng dọc vùng duyên hải sẽ bị nước biển tràn ngập gây ra nạn đói và loạn lạc trên toàn cầu. Trách nhiệm này thuộc về loài người.
Từ hơn 50 năm qua, những nhà thám hiểm và nghiên cứu cứu môi trường đã không ngừng lên tiếng cảnh giác dư luận các quốc gia phát triển về nguy cơ huỷ hoại trái đất từ những chất thải do con người gây ra. Sách báo, phim ảnh và phóng sự về sự huỷ hoại môi trường xuất hiện khắp nơi, nhưng đó chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc vì giới chính trị chưa quan tâm tới. Chỉ gần đây, từ đầu thập niên 1980 đến nay, những đảng phái bảo vệ môi trường mới ra đời và đưa ra những chương trình bảo vệ môi sinh, nhưng sinh hoạt các đảng phái này phần lớn là để chỉ trích các chính quyền cánh hữu và chống xây dựng những lò phát điện nguyên tử hơn là bảo vệ môi sinh. Bên cạnh đó là những hiệp hội nông dân, nhưng những tổ chức này cũng chỉ tranh đấu cho những quyền lợi riêng tư chứ không để bảo vệ môi sinh, như chống toàn cầu hoá, chống tự do lưu thông hàng hoá, chống canh tác thực vật OGM... Những hội đoàn khác, như Greenpeace, đã làm mọi cách gây tiếng vang cho mình nhiều hơn là để bảo vệ môi sinh và môi trường, mặc dù những hành động của họ là đúng.
Nhưng trái đất đang lâm nguy, nếu không có một cố gắng qui mô nào sự sống trên hành tinh sẽ bị biến mất. Ý thức được sự cấp bách trên, từ 1992, Liên Hiệp Quốc đã đỡ đầu một hội nghị qui tụ 166 quốc gia, tổ chức tại Rio de Janerio (Bzazil) để ký một Công ước khung về biến đổi khí hậu nhằm tìm những biện pháp cứu chữa. Năm 1997, một hội nghị thượng đỉnh khác được tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản), qui tụ 173 quốc gia, cho ra đời một nghị định thư, gọi là Kyoto Protocol, yêu cầu 38 quốc gia phát triển nhất phải cắt giảm khí thải CO2, ít nhất 20% vào năm 2012. Năm nay, một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch), qui tụ 193 quốc gia, sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kêu gọi những quốc gia phát triển giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt lần này ba quốc gia thải nhiều carbon dioxyd nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ đều đến tham dự, tất cả đều hứa sẽ giảm lượng CO2 rất đáng kể trong những năm tới.
Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị về khí hậu, ngày 7-12-2009, bà Connie Hedegaard, bộ trưởng môi trường Đan Mạch và là chủ tịch hội nghị khí hậu, nói "nếu các chính phủ không thể ký kết một thoả thuận về cắt giảm khí thải tại Copenhagen, thế giới sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tốt hơn để chống biến đổi khí hậu".
Loài người đang đứng trước một hiểm hoạ nguy khốn, nếu không đoàn kết để có một hành động quả quyết, biến đổi khí hậu sẽ huỷ hoại trái đất. Nhiều con số đã được đưa ra: nếu không cắt giảm khí thải CO2, mỗi năm không những hàng trăm ngàn người bị chết vì lũ lụt, hàng trăm triệu người khác phải di dời nơi cư trú, mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến mùa màng và an ninh gây ra bởi nạn di dân.
Ý thức được những hiểm hoạ trên, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần này kéo dài trong hai tuần, từ ngày 7 đến 18-12-2009, để những nhân vật có trách nhiệm của 193 quốc gia bàn thảo rốt ráo mọi chi tiết nhằm đạt tới một thoả thuận chung về cắt giảm khí thải và phương cách giúp đỡ các quốc gia nghèo khó sử dụng công nghệ sạch. Trước sự việc quan trọng này, hơn 34.000 người, gồm đại diện và chuyên viên, đăng ký tham gia các cuộc đàm phán và khoảng 3.500 ký giả tới đây để tường thuật về diễn tiến của hội nghị.
Theo dự trù, bốn đề tài lớn sẽ lần lược được đề cập tới những cuộc đàm phán là tương lai nào cho Nghị định thư Kyoto 1997 (hết hạn vào năm 2012), tỉ lệ giảm chất thải CO2 của mỗi quốc gia, giúp đỡ những quốc gia nạn nhân như thế nào và làm sao hạn chế nạn cháy rừng.
Trong thực tế, những cuộc đàm phán trong hội nghị này tập trung nhiều vào những vấn đề kinh tế hơn là môi trường: cắt giảm khí thải ảnh hưởng như thế nào trên sản xuất công nghiệp, dựa trên tỉ lệ nào để qui định số tiền chi ra để cắt giảm khí thải, dựa trên tiêu chuẩn nào và đóng góp bao nhiêu để giúp các quốc gia nghèo chống biến đổi khí hậu, trật tự kinh tế thế giới mới sẽ như thế nào sau khi thoả thuận về chống biến đổi khí hậu sẽ được ban hành, v.v.

Những ẩn ý của hội nghị thượng đỉnh Copenhagen
Trong số 193 quốc gia tham dự hội nghị, hơn 4/5 đến Copenhagen để đòi được giúp đỡ. Những quốc gia này có lý do chính đáng để xin được giúp đỡ bì họ là nạn nhân trực tiếp của hiệu ứng nhà kính hun nóng trái đất. Theo báo cáo thường niên của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) năm 2008, các quốc gia công nghiệp hoá là tác nhân của 80% lượng khí thải CO2 nhưng chỉ gánh chịu tối đa 20% hậu quả của tình trạng hun nóng trái đất, trong khi những quốc gia kém phát triển chỉ là tác nhân của 2% lượng khí thải CO2 nhưng phải gánh chịu đến 80% hậu quả, đời sống của hàng trăm triệu người trên trái đất đang bị đe doạ. Bất công này phải được gàn gắn.
Rất đúng, nhưng hàn gắn như thế nào? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Trong suốt năm 2009, nhiều hội nghị chuyên ngành về tài chánh và môi trường đã được được tổ chức tại nơi trên khắp nơi trên thế giới để bàn thảo về những thoả thuận khung sẽ được ký kết bởi các cấp lãnh đạo quốc gia trong hội nghị thượng đỉnh này.
Theo dõi kỹ, người ta sẽ rất kinh ngạc trước những đòi hỏi đôi khi rất quá đáng của những quốc gia đang phát triển. Số tiền được nhiều người nhắc tới là 100 tỉ USD, tương đương với 0,01% thuế lợi tức thu vào hàng năm, mà các quốc gia kém phát triển yêu cầu các quốc gia phát triển giao cho Quỹ khí hậu thế giới của Liên Hiệp Quốc để tài trợ cho quốc gia kém phát triển. Thực tế đã không giản dị như vậy.
Theo Nghị định thư Kyoto 1997, 38 quốc gia giàu có cam kết chi ra hơn 18 tỉ USD để tài trợ những quốc gia kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Hơn 10 năm đã trôi qua, những nước nghèo đã nhận được chưa đến 10% nguồn tiền đã hứa. Vấn đề là ai chi tiền và chi theo tỉ lệ nào. Từ trước đến nay, phần lớn số tiền dành cho chiến dịch phòng chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia nghèo khó được trích từ nguồn viện trợ dành cho phát triển, gọi là ODA (Official Development Assistance), tự nó đã không nhiều. Thật ra đây chỉ là sự chuyển giao từ quỹ này sang quỹ khác. Thêm vào đó, quốc gia nhận viện trợ không thể muốn làm gì thì làm vì số tiền này được qui ra thành sản phẩm mà quốc gia cấp viện trợ muốn đem tới, bất chấp có thích hợp với nhu cầu của quốc gia nhận viện trợ hay không. Đây cũng là một hình thức giải quyết nạn tồn kho tại những quốc gia phát triển.
Trong thực tế, khả năng đóng góp của các quốc gia giàu có vào chương trình chống biến đổi khí hậu là bao nhiêu? Đa số các quốc gia giàu có sẽ đưa ra những con số rất cao, hàng chục tỉ, có khi đến hàng trăm tỉ USD, những lời hứa thường rất khác xa sự thật. Theo các chuyên gia, con số này ở vào khoảng từ 100 đến 150 triệu USD là tối đa, đây là một số tiền rất lớn. Vấn đề là đào đâu ra số tiền này, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và tài chánh toàn cầu hiện nay. Quốc gia phát triển nào cũng nợ ngập đầu, tổng số nợ quốc gia đôi khi gần bằng mức GDP. Hơn nữa dân chúng tại các quốc gia giàu có cũng không muốn chính phủ của họ lấy tiền thuế của họ nuôi những nhà độc tài, vì đa số dân chúng các quốc gia nghèo khó, nạn nhân của hiệu ứng nhà kính, sống dưới những chế độ độc tài.
Một câu hỏi khác là tại sao những quốc gia giàu có lại muốn giúp đỡ những quốc gia nhèo khó hàn gắn những đổ vỡ do biến đổi khí hậu gây ra? Từ trước đến nay, có quốc gia giàu có nào quan tâm đến những thiệt hại về nhân mạng, tài nguyên và môi trường tại những quốc gia thuộc thế giới thứ ba đâu? Lần này thì khác, dư luận tại những quốc gia phát triển ý thức rằng nếu không bảo vệ trái đất, tương lai của họ cũng bị lâm nguy chứ không riêng gì tương lai của những quốc gia nghèo khó. Tại những quốc gia phát triển, những khu rừng già nguyên thuỷ không còn, nếu không ngăn chặn nạn phá rừng tại những quốc gia đang phát triển thì buồng phổi của trái đất và cũng là của chính họ sẽ bị tiêu tan. Nếu không giúp đỡ các quốc gia nghèo khó tự túc về lương thực, nghĩa là phải giúp họ bảo vệ đất đai trồng trọt, hình ảnh những người thiếu đói sẽ không làm vui bữa cơm gia đình. Lý do của sự giúp đờ là ở chỗ đó.
Một lý do rất quan trọng mà ít ai nghĩ tới, Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen lần này đánh đấu sự ra đời của cuộc cách mạng khoa học thứ tư, đó là cuộc cách mạng môi trường. Sự phát minh ra máy hơi nước trong thế kỷ 19 là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đầu tiên đã làm thay đổi hẳn qui trình sản xuất và tạo ra phồn vinh. Đầu thế kỷ 20, một cuộc cách mạng khoa học thứ hai ra đời, đó là sự phát minh ra máy điện thay máy hơi nước và chế biến dầu thô thành nhiên liệu phục vụ công nghiệp như sản xuất xe hơi, xe lửa, máy bay và tàu thuyền. Trong thập niên 1970, cuộc cách mạng khoa học thứ ba là sự phát minh máy vi tính đã thay đổi hẳn lối sống và cách suy nghĩ của con người. Giờ đây, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, cách mạng môi trường làm thay đổi hẳn mọi quan hệ giữa con người với thiên nhiên, sử dụng nguồn năng lượng sạch có sẵn trong thiên nhiên và có thể tái tạo lại dễ dàng (mặt trời và gió) để tồn tại với thời gian.
Cũng nên biết, tất cả những cuộc cách mạng này đều xuất phát từ những quốc gia phát triển giàu có. Với những phát minh mới, những quốc gia phát triển và giàu có tiếp tục lãnh đạo thế giới theo ý họ muốn. Để thanh toán những kỹ thuật lỗi thời, các quốc gia phát triển đã làm vừa lòng mọi người bằng một công hai việc: chuyển giao tất cả công nghiệp và kỹ thuật gây ô nhiễm cho các quốc gia đang phát triển và nhận lại những thành phẩm tiêu dùng giá rẻ.
Từ hơn 20 năm qua, các quốc gia phát triển đã chuyển giao kỹ thuật cao cấp sang những quốc gia đang phát triển như công nghệ sản xuất xe hơi, đóng tàu thuyền, luyện kim, hoá học, dụng cụ điện tử thế hệ một, tức những cơ phận cơ bản, kể cả những loại vũ khí chính qui như xe tăng, tàu chiến cở nhỏ, máy bay chiến đấu... Bù lại, họ tập trung nghiên cứu và sản xuất "những sản phẩm sạch" như rô bô, hàng hoá điều khiển bởi vệ tinh, xe chạy bằng điện, gaz, năng lượng mặt trời hay nhiên liệu thực vật, thức ăn không hoá chất, những phương tiện vận chuyển và di chuyển sạch và tiết kiệm nhiên liệu và những loại vũ khí chính xác. Cuộc cách mạng môi trường là ở chỗ đó.

Nạn nhân của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thứ tư
Nhờ tiếp thu những kỹ thuật sản xuất của cuộc cách mạng thứ hai và thứ ba, Trung Quốc đã là xưởng sản xuất hàng hoá rẻ tiền cho cả thế giới và trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự mới. Chỉ trong 20 năm, từ một quốc gia nghèo và kém phát triển, Trung Quốc đã ngang nhiên bước lên hàng những quốc gia giàu có. Nhưng cái giá phải trả cho huỷ hoại môi trường quá cao. Hàng năm, Trung Quốc đã phải chi ra 4% GDP để bù đắp hay sửa chữa những thiệt hại dân sản xuất gây ra cho môi trường. Các cấp lãnh đạo Trung Quốc biết rõ những tai hại này nhưng không thể làm gì khác hơn. Hiện nay cách giải quyết vấn đề của họ rập khuôn phương Tây, nghĩa là đưa khâu khai thác và chế biến đầy ô nhiễm sang các quốc gia kém phát triển khác tại châu Phi hay Châu Á, như khai thác quặng mỏ dùng nhiều hoá chất độc (đồng, bauxite, mercure...), sau đó chuyển thành phẩm về Trung Quốc để chế biến lại và xuất khẩu sang những quốc gia đó.
Ấn Độ cũng thế, đón nhận những vật liệu phế thải từ các quốc gia phát triển vào lãnh thổ của mình để khai thác kim loại, những trung tâm cắt tàu lấy sắt dọc các vùng bờ biển, gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật. Vụ nổ nhà máy hoá học tại Bhopal năm 1984 là một ví dụ khác. Cách chống ô nhiễm của Ấn Độ giống như Trung Quốc, đưa khâu khai thác độc hại sang những quốc gia nghèo kém hơn rồi nhập về thành phẩm để chế biến lại và tái xuất khẩu.
Những nạn nhân chịu thiệt thòi nhất trong cuộc cách mạng thứ tư này là những quốc gia nghèo khó tại châu Phi và Nam Á. Vì không thể sinh sống hoà bình với nhau, những bộ tộc kình chống lẫn nhau để giành quyền lãnh đạo, để mặc cho nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, do cần tiền để mua vũ khí và phát triển hạ tầng cơ sở, nhiều quốc gia châu Phi giao cho Trung Quốc trực tiếp khai thác tài nguyên khoáng sản của mình để được giúp đỡ tài chánh giữ vững ngôi vị lãnh đạo. Nhờ những giúp đỡ này, quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi da đen rất là thắm thiết. Những cuộc khuấy động tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen của những nhóm châu Phi da đen có sự giật dây của Trung Quốc. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là một mặt Trung Quốc muốn được nhìn nhận là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng lãnh đạo thế giới thứ ba, mặt khác lại muốn được nhìn nhận như một quốc gia nghèo khó đang phát triển để nhận viện trợ và được giúp đõ kỹ thuật miễn phí chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và khí thải do chính mình gây ra.

Còn Việt Nam thì sao? Theo ước tính của Chương trình phát triển (UNDP) của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tác hại bởi biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng lên một mét, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, 7% sản lượng nông nghiệp và 10 % GDP. Nếu nước biển dâng lên từ 3 đến 5 mét, một nửa đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị biến mất. Chính vì thế các cấp lãnh đạo Việt Nam nên lợi dụng diễn tiến của cuộc cách mạng mới này để yêu cầu những quốc gia phát triển giàu có giúp phát triển công nghiệp sạch, tôn trọng môi trường. Đừng nên quá trông chờ vào những số tiền viện trợ chống biến đổi khí hậu, vì không có.

Nguyễn Minh
(Tokyo)
© Thông Luận 2009




No comments: