Ý muốn bỏ Vành đai & Con đường, Trung Quốc nói sẽ để 'hai bên cùng
có lợi'
BBC News Tiếng Việt
5 tháng 9 2023, 19:47 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm5xljxxyklo
Quan chức cao cấp Trung Quốc tỏ ý lạc quan về kết
quả hợp tác với Italy trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Bất chấp sự hoài nghi từ Rome, Ngoại trưởng
Vương Nghị nói việc hợp tác này khiến cho các sản phẩm chất lượng cao của Ý đã
đến tay “hàng nghìn hộ gia đình” ở Trung Quốc.
“Tình hữu nghị ngàn năm được kế thừa từ Con đường
Tơ lụa cổ xưa vẫn bền vững,” ông Vương hôm thứ Hai nói với Phó Thủ tướng kiêm
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, người đang có chuyến thăm Trung Quốc.
“Trong 5 năm qua, tổng thương mại giữa Trung
Quốc và Ý đã tăng từ 50 tỷ USD lên gần 80 tỷ USD, và xuất khẩu của Ý sang Trung
Quốc đã tăng khoảng 30%," hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương trong bài
phát biểu tại cuộc họp, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm thứ Ba.
Năm 2019, Ý đã gây chấn động thế giới phương
Tây khi trở thành quốc gia phương Tây lớn đầu tiên tham gia Vành đai Con đường,
một sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu được mô phỏng theo
ý tưởng Con đường Tơ lụa thời cổ đại, vốn từng kết nối đế chế Trung Hoa với
phương Tây hàng nghìn năm trước.
Tại thời điểm đó, các nhà phân tích nói rằng với
việc tham gia sáng kiến này, Ý đang làm xói mòn khả năng của châu Âu trong việc
đứng lên đối đầu với Bắc Kinh.
Khi cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu
Mario Draghi lên nắm quyền tại Rome hồi 2021, ông đã đóng băng thỏa thuận này.
Quan
hệ đối tác chiến lược toàn cầu
Ý, cường quốc duy nhất trong khối G7 đã ký kể
từ khi sáng kiến này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây một
thập kỷ, nay tỏ ý muốn nghĩ lại về tư cách thành viên của mình trong Vành đai
Con đường.
Ông Tajani hôm thứ Bảy, trước khi lên đường
sang Trung Quốc nói rằng thương mại song phương không được cải thiện, và nhiều
đảng phái ở Ý đang phản đối việc Rome tham dự vào Vành đai Con đường.
“Con đường Tơ lụa không
mang lại kết quả như chúng tôi mong đợi,” ông Tajani nói. "Chúng tôi sẽ phải
đánh giá, quốc hội sẽ phải quyết định xem có tiếp tục tham gia hay không."
Rome có thời hạn đến tháng 12 để chính thức
rút khỏi hiệp định vốn sẽ hết hạn vào tháng 3/2024. Nếu không, hiệp định sẽ được
gia hạn thêm 5 năm nữa.
Bất kỳ sự đổ vỡ nào ở nơi từng là điểm cuối
cùng của Con đường Tơ lụa cổ xưa cũng sẽ tạo nên sự bẽ bàng ngoại giao đối với
Trung Quốc, quốc gia dự kiến sẽ đánh dấu những thành tựu của sáng kiến Vành đai
và Con đường tại một diễn đàn quốc tế ở Bắc Kinh vào tháng 10 tới.
Trung Quốc và Ý nên tuân thủ cách thức đúng đắn
để hòa hợp với nhau thông qua sự tôn trọng, cởi mở và hợp tác lẫn nhau, ông
Vương nói với ông Tajani.
Ông Vương nói rằng trước "tình hình mới
và cơ hội mới", Trung Quốc sẵn sàng thuận theo hướng cởi mở, đôi bên cùng
có lợi.
Tuy nhiên, vị khách từ Ý trong cuộc họp hôm
thứ Hai tại Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng "Mối quan hệ đối tác chiến lược
[giữa Trung Quốc và Italy] quan trọng hơn nhiều so với Con đường Tơ lụa".
Quan hệ "đối tác chiến lược toàn cầu"
giữa hai nước được thiết lập hồi 2004 bởi lãnh đạo hai nước khi đó là Thủ tướng
Silvio Berlusconi và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
·
No comments:
Post a Comment