Xây hồ Ka Pét tiềm ẩn nguy cơ xung đột sắc tộc
RFA
2023.09.20
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ
chỉ đạo các bộ liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận sớm hoàn
thành dự án hồ Ka Pét để phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội địa phương mặc dù dự án đang gặp phải sự phản đối mạnh
mẽ từ người dân, nhất là cộng đồng sắc tộc Chăm.
Trong bài viết sau đây, ông Phạm Khanh, một người sắc tộc Chăm, hiện
đang ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận và cũng là nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hoá
Chăm, cho RFA biết về những xung đột, bất cập nếu tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển
khai dự án trên.
Thánh địa Mỹ Sơn, di tích lịch sử của
người Chăm ở Quảng Nam. Ảnh: AFP (Photo:
RFA)
Nguy cơ nhấn chìm khu Thánh Tích
“Đụng vào cái gì thì được chứ đụng vào
vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh thì ngàn đời sau người ta vẫn nhớ và nó dẫn
đến nguy cơ xung đột sắc tộc thì làm sao. Chúng ta có thể có rất nhiều giải
pháp để làm cái hồ đó, nhưng nếu đụng vào vấn đề xung đột sắc tộc thì không giải
quyết được, khó lắm chứ không phải dễ đâu. Cho nên bây giờ vẫn còn kịp.”
Ông Phạm Khanh, một người sắc tộc Chăm, hiện đang ở Hàm Thuận Bắc, Bình
Thuận lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc ngữa người Kinh và Chăm nếu
các cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án hồ Ka Pét.
Là một người nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Chăm, ông Khanh cho biết trong
diện tích hơn 680 ha làm dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, có khoảng 162 ha rừng đặc dụng.
Nếu dự án vẫn thực hiện, theo ông Khanh, khoảng 10 ha khu Thánh tích của người
Chăm sẽ bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Ông nói tiếp:
“Đến khi mình tiếp cận báo cáo về tác
động môi trường và các tọa độ thì mình mới biết là tổng thể của 10 ha của khu
thánh tích là nằm ngay trong lòng hồ, tức là bị nhấn chìm dưới khoảng bảy mét
nước và cộng đồng người Chăm mất hoàn toàn thu thánh tích này.
Cái đó cũng gây nhiều vấn đề khiến bọn
tôi rất là xúc động và bối rối là phải xử lý vấn đề như thế nào.”
Theo phong tục, cứ mỗi bảy năm, bất kể chiến tranh hay trong mọi hoàn cảnh
kinh tế nào, cộng đồng người Chăm vẫn sẽ hành hương về khu thánh tích này để thực
hiện các nghi lễ thờ tự. Lần hành hương gần nhất được ghi nhận là vào năm 2019.
Ông Khanh cho biết thêm:
“Nếu tương lai mà cái khu thánh tích
này bị nhấn chìm thì rõ ràng ba huyện của người Chăm hiện tại là Hàm Thuận Bắc,
Hàm Thuận Nam và Tánh Linh coi như không còn con đường để đi hành hương, tức
đây là mảnh đất cuối cùng, không có địa điểm để hành hương bởi vì bây giờ nếu
hành hương thì đến đâu.
Cả một cộng đồng ai cũng đang rất ngơ
ngác rằng bây giờ với một khu cực kỳ linh thiêng như thế, đã có lịch sử chiều
dài gần 300 năm của chúng tôi tự nhiên bị nhấn chìm như vậy mà chính quyền
không có một giải pháp cụ thể.”
Di tích vẫn còn, nhưng…không được thừa nhận
Người sắc tộc Chăm dâng lễ tại Thánh địa
Mỹ Sơn. Ảnh: AFP
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần đánh giá về các đối tượng
tự nhiên có thể bị tác động bởi dự án này, có ghi rằng “Trong
vùng ngập lòng hồ không có di tích văn hoá lịch sử, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ của
đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh.”
Trên thực tế, ông Khanh cho biết, dù chưa được Nhà nước chính thức công
nhận là di tích quốc gia, tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị văn hoá lịch sử
của quần thể thánh tích này. Bởi, theo ông, hiện vẫn còn rất nhiều di tích vẫn
hiện hữu, vẫn được cộng đồng người Chăm gìn giữ cẩn thận. Ông Khanh nêu cụ thể:
“Ví dụ như khu di tích trồng thuốc
Nam. Những cây thuốc đặc biệt của cộng đồng người Chăm ở khu đó bây giờ vẫn còn
và một ngôi mộ của ông quan chuyên về ngự y vẫn còn tồn tại ở chỗ đó.
Rồi có những địa danh như suối đá bàn
là nơi để luyện binh khí và khu dùng cho các binh sĩ, tướng tá đến ăn uống, nghỉ
ngơi…
Tức là di tích vẫn còn tồn tại ở đó chứ
không phải hoàn toàn chỉ là rừng mà không tồn tại bất cứ một thứ gì, di tích vẫn
còn rất cụ thể.”
Theo ông Khanh, ngay cả phần mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu, mà người
Kinh gọi tắt là “Mộ Cậu” hay “Mộ Cậu Hoa”, được xem như là trái tim hành hương
của cộng đồng người Chăm và Raglai ở ba huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam,
Tánh Linh cũng sẽ biến mất nếu Chính phủ tiếp tục dự án này.
Pô Cei Khar Mâh Bingu là một tướng tài trong triều đình của Chăm Pa
nhưng do bất đồng quan điểm nên ông mới lui về ở ẩn tại khu vực Nam Bình Thuận.
Ông là người đã có công khai khẩn đất hoang ở khu vực ba huyện Hàm Thuận Bắc,
Hàm Thuận Nam và Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Ông Khanh cho biết
như vậy và nói thêm rằng vì một số nguyên do như sợ khu mộ bị đột nhập hoặc bị
phá hoại nên cộng đồng Chăm chuyển xương cốt của “Cậu Hoa” đến một nơi khác để
bảo quản. Đến mỗi dịp hành hương lại đưa về khu mộ thật để làm nghi lễ:
“Khu mộ của Cậu vẫn nằm ở đó. Đặc biệt
nhất là khu mộ đó vẫn tồn tại, không phải là mộ gió hoặc tưởng tượng mà trong
ngôi mộ đó có xương cốt của ngài. Đặc biệt là đã gần 300 năm rồi mà xương cốt vẫn
còn tồn tại, tức là nó giống như một viên xá lợi vẫn còn tồn tại cho đến hiện
nay.
Và người Chăm ở tại Tánh Linh vẫn bảo
quản cái đó, mỗi khi hành hương thì đưa cái xương cốt của ngài về tới ngay khu
mộ đó.”
Ngoài ra, theo nghiên cứu của ông Khanh, Cậu Hoa còn là biểu tượng cho sự
giao hảo giữa hai dân tộc Việt - Chăm:
“Đây là biểu tượng cho mối quan hệ
giao hảo rất tốt. Người đó hồi xưa đã tạo điều kiện để hai dân tộc cùng tồn tại.
Bây giờ anh lớn mạnh rồi anh chôn luôn hệ thống di tích mà chỉ có mỗi một câu
nói rất là nhẹ nhàng rằng là mấy ông di dời di tích đi chỗ khác, tôi hỗ trợ cho
vài cái cây để che “Mộ Cậu”, thế là xong!”
Cần có giải pháp để đồng thuận lòng dân
Khu vực rừng bị phá để xây dựng hồ chứa
nước ở tỉnh Bình Thuận (hình chụp từ vệ tinh). Ảnh: Planet Labs
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được
Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 năm 2019, với tổng mức
đầu tư hơn 585 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư là cung cấp hơn 50 triệu mét khối nước tưới cho sản xuất
nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt cho người dân;
phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực
Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Là một người dân Bình Thuận, ông Khanh thấu hiểu nỗi vất vả vì thiếu nước,
Tuy nhiên, theo ông, liệu có nên đánh đổi hơn 160 ha rừng đặc dụng và cả một
khu đất thánh linh thiêng của người Chăm để lấy hơn 50 triệu mét khối nước hay
không; hay Chính phủ nên chậm lại, tìm các giải pháp khác thay thế tốt hơn. Ông
nêu ý kiến:
"Chủ trương của Nhà nước thì chắc
chắn là những người dân chúng tôi sẽ ủng hộ một cách nhiệt liệt. Tuy nhiên,
nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Chăm là vấn đề liên quan đến thánh
tích của chúng tôi thì chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng như Chính phủ và Quốc hội
cũng phải có cái nhìn lại về khu di tích này.
Không phải chỉ có cộng đồng người Chăm
của chúng tôi không đâu mà cái này nó ảnh hưởng tới cả bình ổn 300 năm nữa. Nó
cực kỳ quan trọng. Vì vậy, chúng ta có nên đánh đổi cái di tích để lấy 50 triệu
mét khối nước hay không.
Tôi là dân cho nên chúng tôi không hiểu
tầm chiến lược của các ông lớn. Nếu các ông nói rằng đổi được thì cứ đổi, nhưng
nếu đổi thì các ông phải tính được tác hại của nó như thế nào.”
Theo lời ông Khanh, cho đến nay, chính quyền tỉnh Bình Thuận chỉ một lần
duy nhất mời năm chức sắc thuộc cộng đồng người Chăm lên UBND tỉnh để thông báo
về việc sắp xếp di dời các di tích nằm trong khu vực thánh tích này, ngoài ra họ
không bàn thêm về phương án di dời cụ thể. Ông Khanh nói tiếp:
“Thực ra thì thảo luận cho đến nay kết
quả là một con số 0 to tướng. Bởi vì không thể nào chỉ có năm người đi họp như
vậy mà có thể quyết định được rằng có di dời hay không.
Cái quyết định di dời hay không là vấn
đề tâm tư nguyện vọng, ảnh hưởng đến cả một cộng đồng của chúng tôi. Ví dụ như
bây giờ di dời rồi lỡ gia đình tôi bị nạn hay có vấn đề gì đi nữa thì ai sẽ là
người chịu trách nhiệm cho dòng họ của tôi.”
Nếu Nhà nước nhất quyết thực hiện dự án này và buộc di dời các di tích,
theo ông Khanh Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể:
“Ví dụ nếu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Thuận cảm thấy phải làm hồ Ka Pét đó thì chúng tôi có đề nghị rất rõ ràng cụ thể
phải giải quyết triệt để vấn đề đồng thuận của cộng đồng người Chăm; bằng cách
phải đề nghị ban phong tục Hàm Thuận Bắc triệu tập các cuộc họp để lấy ý kiến của
người dân xem họ đồng ý di dời hay không”.
Điều thứ hai, ông Khanh đề nghị Chính phủ phải trả lại đúng diện tích
và hiện trạng của khu thánh tích bị nhấn chìm, ông nói tiếp:
“Ví dụ ở trong này là 10 ha thì phải
trả lại cho khu đó 10 ha và chúng ta sẽ di dời tất cả tất cả những di tích như
khu mộ…
Di tích cũ nằm trong rừng khi đã bị
chìm vào hồ nước rồi thì di tích mới thì phải khang trang và phải đáp ứng được
nhu cầu hành hương tâm linh của cộng đồng người Chăm.
Tôi nghĩ như thế thì người Chăm sẽ rất
là mang ơn Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận.”
-----------------------------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
Vụ Đắk Lắk: đưa tin kiểu truyền thông Nhà
nước sẽ khoét sâu hận thù trong dân
Chân dung những sắc tộc bị lãng quên
Lịch sử Champa là một phần của lịch sử Việt
nam
Hội Thảo: Hồi sinh Champa, từ quá khứ đến
tương lai
Người Thượng từ Tây Nguyên tiếp tục trốn
sang Campuchia
No comments:
Post a Comment