Friday, September 22, 2023

VIỆT NAM TRƯỚC NGUY CƠ TRUNG QUỐC ĐE DỌA LẤY LẠI ĐÀI LOAN (Chu Khải Nguyên, RFA)

 



 

 

Việt Nam trước nguy cơ Trung Quốc đe doạ lấy lại Đài Loan

Bình luận của Chu Khải Nguyên
2023.09.22

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-face-china-s-threats-to-invade-taiwan-09222023135732.html

 

Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan?

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XX: "Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người Trung Quốc, một vấn đề phải được giải quyết bởi người Trung Quốc". Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành cao nhất và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực và chúng ta bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết. Điều này chỉ nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và số ít những phần tử ly khai tìm kiếm ‘Đài Loan độc lập' và các hoạt động ly khai của họ; tất nhiên là không nhằm vào đồng bào Đài Loan của chúng ta” (1).

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-face-china-s-threats-to-invade-taiwan-09222023135732.html/@@images/14d7faf5-9f10-438a-92b9-2c3e9e9c03c5.jpeg

Cuộc tập trận chống đổ bổ thường niên của quân đội Đài Loan mang tên Hán Quang ở TP Đài Bắc mới hôm 27/6/2023 (minh hoạ)  -  AFP

 

Một số nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được sự thống nhất này vào năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó, một quan chức Hải quân Mỹ đã cảnh báo rằng ông Tập Cận Bình có thể tìm cách chiếm lại Đài Loan vào năm 2027, nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) (2). Một quan chức Đài Loan gần đây cho biết Bắc Kinh có thể buộc Đài Loan chấp nhận các điều khoản bất lợi liên quan tới việc thống nhất vào đầu năm sau (3).

 

Tuy nhiên, cho tới nay, hầu hếu các nhà nghiên cứu tin rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ không xảy ra trong ít nhất hai năm nữa. Một mặt, Bắc Kinh đã thấy cái giá phải trả của Nga khi xâm lược Ukraine và bị phương Tây trừng phạt. Mặt khác, bản thân Bắc Kinh cũng đang có nhiều vấn đề nội bộ khi nền kinh tế đang có dấu hiệu khủng hoảng cũng như các cuộc thanh trừng nội bộ đang diễn ra khốc liệt, mà Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng biến mất một cách bí ẩn là ví dụ rõ nhất.

 

Nghị quyết 2758 và nguyên tắc “Một Trung Quốc”

 

Viễn cảnh về một cuộc chiến xâm lược Đài Loan chưa chắc đã xảy ra vào thời điểm này, tuy nhiên, người dân và chính phủ Đài Loan đang gặp một vấn đề rất nan giải, liên quan đến Nghị quyết 2758 của LHQ.

 

Ngày 25/10/1971, LHQ đã ra một Nghị quyết (4), theo đó, đã quy định về việc CHND Trung Hoa thay thế Cộng hoà Trung Hoa trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Dựa vào Nghị quyết này, Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch rầm rộ nhằm diễn giải lại Nghị quyết 2758 của Liên hợp quốc dựa trên Nguyên tắc “Một Trung Quốc” và truyền bá sai lầm rằng, thông qua nghị quyết này, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đi đến quyết định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

 

Trung Quốc đã sử dụng Nghị quyết này cùng với các thỏa thuận bình thường hóa song phương với các quốc gia thành viên khác của LHQ để diễn giải một cách sai lầm về Nguyên tắc “Một Trung Quốc” của họ là một chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi. Bắc Kinh cũng sử dụng áp lực kinh tế của mình lên nhiều quốc gia khác để đảm bảo rằng nhiều quốc gia ủng hộ quan điểm sẽ bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến sự tham gia của Đài Loan.

 

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm giảm vị thế của Đài Loan tại LHQ đã tăng mạnh vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 cùng thời điểm với quá trình dân chủ hóa của hòn đảo này. Kể từ đó, CHND Trung Hoa đã nỗ lực “quốc tế hóa” nguyên tắc “Một Trung Quốc” và kết hợp nó với Nghị quyết 2758 của Liên hợp quốc, một sự thay đổi rất lớn so với mục đích ban đầu của Nghị quyết này.

 

Và cũng đồng thời từ đó, không chỉ các quan chức Đài Loan, mà thậm chí cả người dân Đài Loan bình thường cũng không thể được phép ghé thăm trụ sở của LHQ tại New York, Mỹ.

Điều này xảy ra bởi vì Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc toàn cầu và có ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ trong hệ thống LHQ.

 

Đài Loan đang tích cực tìm cách cải thiện vị thế của mình, trong một lần trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu, đã tuyên bố rằng Đài Loan không loại trừ lựa chọn được các nước thứ ba công nhận kép, tức là thiết lập và duy trì đồng thời quan hệ ngoại giao với cả Trung Quốc và Đài Loan (5). Những thay đổi lớn trong chính trị quốc tế thời gian vừa qua đã cho thấy điều đáng lo ngại về sự vắng mặt của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế, cả về việc nước này bị loại trừ một cách có hệ thống khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế và quan hệ ngoại giao của nước này với các nước lớn.

 

 

Số phận Đài Loan và Việt Nam có liên hệ gì?

 

Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á nhưng bị nhiều người phương Tây coi là “sân sau” của Trung Quốc, vì cái bóng quá lớn của Bắc Kinh ở đây. Trong tất cả các sự kiện tổ chức tại Việt Nam vài năm trở lại đây, nếu xuất hiện cả đại diện Đài Loan thì không những đại diện của Trung Quốc không tham dự, phản đối mà còn lớn tiếng la lối, hăm doạ đại diện của Đài Loan và cả quốc gia chủ nhà. Phong cách ngoại giao côn đồ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là “Ngoại giao chiến lang”.

 

Đài Loan có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và cả chiến lược phát triển của Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-face-china-s-threats-to-invade-taiwan-09222023135732.html/000_hkg803181.jpg/@@images/7e69bad3-81b9-4651-9749-bc53e9034ede.jpeg

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. AFP

 

Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài từ đầu những năm 1990, Đài Loan là quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, thậm chí có thể coi là một trong các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam thuở đó. Một dấu ấn quan trọng của quá trình đầu tư đó, chính là khu Phú Mỹ Hưng sầm uất bậc nhất tại TPHCM hiện nay, mà vai trò chính là đến từ một công ty của Đảng Dân tiến - Đảng cầm quyền ở Đài Loan hiện nay (6).

 

Về mặt an ninh, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, điều này sẽ là nguy hiểm cho các quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, do Đài Loan hiện đang kiểm soát thực thể lớn nhất của Trường Sa là Ba Bình. Nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan thì khả năng Trung Quốc sẽ nhân cơ hội khi chiếm Ba Bình sẽ tấn công thêm một loạt các thực thể gần đó, nên cũng sẽ là mối đe doạ không nhỏ đối với Việt Nam.

 

Chưa kể, một nghiên cứu gần đây của Bộ phận phân tích thông tin EIU thuộc tập đoàn truyền thông The Economist của Anh đã đánh giá mức độ tổn thương của các nền kinh tế khác nhau ở châu Á trước một cuộc xung đột giả định ở Eo biển Đài Loan, trong đó cho rằng nhiều nền kinh tế ở châu Á, gồm cả Việt Nam, sẽ chịu tác động nghiêm trọng (7).

 

Về mặt chiến lược phát triển, Đài Loan hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chất bán đẫn và chip trên toàn cầu. Đài Loan sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới và hơn 90% chất bán dẫn tiên tiến nhất (8). Cho đến nay, những sản phẩm chip tiên tiến nhất chỉ được sản xuất ở Đài Loan.

 

Việt Nam gần đây thể hiện ý định trở thành một địa chỉ quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và chip trên thế giới dưới sự giúp đỡ của Mỹ. Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Biden mới đây, nhiều tập đoàn chất bán dẫn và chip của Mỹ đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và sản xuất tại đây.

 

Nếu Việt Nam thực sự muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chip và chất bán dẫn thì kinh nghiệm và năng lực sản xuất của Đài Loan là một bên hợp tác rất quan trọng đối với Việt Nam. Đài Loan là quốc gia châu Á có nhiều điểm tương đồng với văn hoá Việt Nam, đồng thời nhiều đoàng nghiệp Đài Loan đã có nhiều năm kinh nghiệm thành công đầu tư trong môi trường Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần hợp tác rất nhiều từ Đài Loan, đặc biệt trong sản xuất chip và chất bán dẫn.

 

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải ủng hộ Đài Loan trên trường quốc tế. Cho dù Chính phủ Việt Nam ngần ngại trước áp lực từ quốc gia láng giềng “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” thì nhân dân Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần ủng hộ đất nước, thể chế và con người Đài Loan. Không chỉ Việt Nam mà cộng đồng thế giới cần lên tiếng và ủng hộ Đài Loan. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của chúng ta.

_________

Tham khảo:

 

1. https://asia.nikkei.com/Politics/China-s-party-congress/Transcript-President-Xi-Jinping-s-report-to-China-s-2022-party-congress

 

2. https://www.theguardian.com/world/2023/feb/02/us-general-gut-feeling-war-china-sparks-alarm-predictions

 

3. https://focustaiwan.tw/politics/202309090005

 

4. https://documents-dds-ny.un.org/doc/RESOLUTION/GEN/NR0/327/74/PDF/NR032774.pdf?OpenElement

 

5. https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2023/03/28/2003796857

 

6. https://thesaigontimes.vn/kinh-nghiem-khai-thac-gia-tri-tu-dat-o-tphcm-phat-trien-khu-nam-sai-gon/

 

7. https://www.eiu.com/n/campaigns/asia-exposure-to-a-conflict-over-taiwan/

 

8. https://www.economist.com/special-report/2023/03/06/taiwans-dominance-of-the-chip-industry-makes-it-more-important#

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

--------------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Philippines “quay lại” với đồng minh Mỹ, Việt Nam vẫn “chần chờ”

 

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khi bà Pelosi thăm Châu Á

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phong toả Đài Loan?

 

Có một chuyện khác đáng nhục hơn

 

Cờ Đài Loan, quyền Việt Nam






No comments: