Monday, September 4, 2023

VIỆT NAM TĂNG SỐ NGÀY CƯ TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHƯNG THẾ ĐÃ ĐỦ CHƯA? (Tidoo Nguyễn / BBC News Tiếng Việt)

 



 

 

Việt Nam tăng số ngày cư trú cho người nước ngoài nhưng thế đã đủ chưa?    

Tidoo Nguyễn

Gửi tới BBC News tiếng Việt từ Sài Gòn

4 tháng 9 2023, 16:06 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn0z301d7q7o

 

Việt Nam muốn thu hút du khách quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại cho mục đích phát triển nền kinh tế thì việc nâng thời hạn lưu trú vừa qua chỉ mới là bước đầu.

 

Tôi xin nhắc lại một số văn bản. Ngày 14/8/2023, chính quyền Việt Nam đã sửa đổi Luật “Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014” thông qua hai nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

 

Nghị quyết thứ nhất mang số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử (e -Visa) cho người ngoại quốc vào Việt Nam với thời hạn tối đa là 90 ngày, thay cho thời hạn trước đó là 30 ngày.

 

Nghị quyết thứ hai mang số 128/NQ-CP sửa đổi nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 tăng số ngày miễn thị thực (từ 15 ngày lên 45 ngày) cho du khách mang quốc tịch từ 13 quốc gia: Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Belarus, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a7a0/live/13b22b20-4b04-11ee-b002-0924518f9cfc.jpg

Sau đại dịch, khoảng sân trước Bưu điện Thành phố có từ thời Pháp, nơi có nhiều du khách quốc tế lui tới, trở thành nơi giới thiệu sản phẩm, bán hàng rong và chơi nhạc kiếm tiền của dân Sài Gòn

 

 

Nâng thời hạn lưu trú vẫn chưa đủ

 

Một đất nước muốn thu hút du khách quốc tế thì ngoài cảnh quan đẹp còn phải có chất lượng phục vụ tốt, môi trường sạch sẽ, an ninh, tạo được niềm vui cho họ. Chỉ nâng thời hạn lưu trú cho du khách quốc tế mà không nâng cao chất lượng điểm đến thì khó tăng du khách hoặc giữ chân họ, hoặc mời họ trở lại.

 

Du lịch Việt Nam hiện vẫn còn chú trọng đến các điểm gợi nhớ cuộc nội chiến hơn 20 năm của hai miền Nam-Bắc và cuộc chiến đánh đuổi người Mỹ. Gần như du khách tới Sài Gòn là hướng dẫn viên đưa đến “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” rồi đến “Địa đạo Củ Chi”, hay dạo quanh Sài Gòn để xem triển lãm ảnh kháng chiến và khẩu hiệu bít kín các bức tường nằm ở góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi.

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/eac1/live/d643e860-4afd-11ee-86b9-9fe7e305d2f4.jpg

 

Chưa hết, với các du khách quốc tế có ý thức bảo vệ môi trường rất cao, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp trong khung cảnh đầy rác dưới chân không phải là trải nghiệm hay. Hiện nay, không chỉ ở Phú Quốc mà tình trạng rác khắp chốn đang có ở vịnh Hạ Long nổi tiếng, các đô thị và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hồi đầu tháng 8/2023 ở Phú Quốc có phong trào dọn rác, không biết sạch được mấy hôm, chứ hiện tại du khách quốc tế đi tour trên biển vẫn còn thấy ống hút, chai nhựa nổi lềnh bềnh.

 

Còn giao thông phục vụ cho du khách thì sao? Các tuyến đường xe bus đang hoạt động hiện không hiệu quả. Ông James, sống và làm việc tại Sài Gòn 10 năm, phàn nàn về tuyến xe bus từ chung cư Masteri (Thảo Điền) đi Mũi Né, Phan Thiết. Xe bus đón ông ở Masteri, chạy qua chung cư Sala (Thủ Thiêm) đón khách tiếp, rồi lại chạy ngược ngang qua chung cư Masteri để ra Mũi Né, mất hai tiếng đồng hồ mà ông James vẫn ở điểm xuất phát là Masteri, dù đang ngồi trên xe bus.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2ad5/live/fec81c60-4afe-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2023, Sài Gòn đón 18 triệu lượt khách thì chỉ có 11% là du khách quốc tế, tỷ lệ khách lưu trú qua đêm chỉ đạt 19%

 

Còn nữa, vé chuyến bay nội địa khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội của hãng hàng không VietJet tương đương giá vé chuyến bay quốc tế khứ hồi tới Đài Loan, Hàn Quốc. Vậy thì người ta bay qua Đài Loan hay Hàn Quốc chơi cho sướng, tội gì phải bay ra Hà Nội?

 

Du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam hồi đầu năm chỉ 871.000 người, đến tháng 7/2023 chỉ nhỉnh hơn một chút là 1.039.000 người, theo số liệu của chính phủ. Gộp chung bảy tháng năm 2023, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chỉ có 6.600.000 người, trong khi anh bạn láng giềng Thái Lan chỉ tính đến tháng 6/2023, đã đón gần 11.400.000 người.

 

 

Người nước ngoài làm việc ở VN khổ vì giấy tờ ra sao?

 

Vấn đề visa không chỉ liên quan đến du khách mà còn có tác động trực tiếp tới người lao động ngoại quốc hiện vẫn đang mắc kẹt với hàng đống giấy tờ Việt Nam khác, theo tìm hiểu của người viết bài.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội VN, tính đến tháng 6/2023, có 121.288 lao động ngoại quốc đang làm việc trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Trong đó chỉ có 9.339 người (chiếm 7,7%) được miễn giấy phép lao động.

 

Giấy này do Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành) cấp, với thời hạn tối đa chỉ hai năm, theo điều khoản 155 trong Bộ Luật Lao Động của năm 2019. Còn tại điều 19 Nghị định 152/2020/NĐ-CP qui định Giấy phép lao động chỉ được gia hạn một lần duy nhất, cũng với thời hạn tối đa chỉ hai năm.

 

Mỗi lần đi xin cấp mới hay gia hạn Giấy phép lao động là mỗi lần người lao động ngoại quốc chán ngán vì thủ tục quá rườm rà. Bộ hồ sơ xin cấp mới hay gia hạn Giấy phép lao động gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau tùy theo từng trường hợp.

 

Bộ hồ sơ xin cấp mới, bao gồm tám loại giấy tờ khác nhau, riêng loại giấy được gọi là “Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc” lại được chia ra thành tám trường hợp khác nhau, phải nộp cụ thể loại giấy tờ gì theo từng trường hợp. Chưa hết, trong bộ hồ sơ còn thòng thêm loại giấy mơ hồ là “các giấy tờ liên quan đến người lao động ngoại quốc”.

 

Bộ hồ sơ xin gia hạn Giấy phép lao động cũng gồm tám loại giấy tờ.

 

Riêng đối với những người được miễn giấy phép lao động cũng phải đi xin cấp Giấy phép miễn giấy phép lao động. Bộ hồ sơ đi xin cấp thể loại giấy tờ này bị đòi năm loại giấy tờ khác nhau.

 

Cho dù được miễn hay không miễn Giấy phép lao động thì người lao động ngoại quốc cũng phải đi xin cấp mới/gia hạn hoặc xin cấp Giấy phép miễn giấy phép lao động! Nghĩa là phải “xin” mới “cho”.

 

Bộ hồ sơ cho cả ba trường hợp này luôn có một số loại giấy tờ phải nộp bản gốc, hoặc bản sao có chứng thực. Công đoạn chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng việt để chứng thực rõ mất công sức và thời gian.

 

Như vậy, có thể nói là Giấy phép lao động hay Giấy phép miễn giấy phép lao động mới là “chiếc đũa thần” để xin visa lao động cho người lao động ngoại quốc. Vì chỉ khi có loại giấy phép này thì người lao động ngoại quốc mới xin được visa dài hạn trên 90 ngày trở lên, để khỏi thấp thỏm đi gia hạn visa, khỏi sợ bị phạt tiền (tối đa 25 triệu đồng, khoảng USD1.000) và bị trục xuất.

 

Ngoài ra, khi không có Giấy phép lao động/Giấy phép miễn giấy phép lao động thì người ngoại quốc sẽ không xin được thẻ tạm trú, vì trong bộ hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú đòi phải có giấy này. Không có visa lao động hay visa lao động hết hạn thì người ngoại quốc sẽ không mở được tài khoản ở các ngân hàng tại Việt Nam!

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c62e/live/3f83c420-4aff-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg

Nhà hát Lớn Sài Gòn, một kiến trúc từ thời Pháp, là một trong những nơi mà du khách quốc tế thường ghé đến chụp hình

 

Một mẹo mà người ngoại quốc nào khi đến Việt Nam làm việc cũng phải biết là khi visa lao động hết hạn mà chưa gia hạn kịp Giấy phép lao động, họ phải đi sang nước thứ ba gần nhất là Cambodia vào buổi sáng và trở lại Việt Nam vào buổi chiều, để có visa mới theo dạng du lịch, trước đây là 30 ngày, còn bây giờ là 90 ngày, nhằm có thêm thời gian gia hạn Giấy phép lao động.

 

Tuy nhiên, “chiếc đũa thần” đôi khi còn phải thua cách tính của chính quyền Việt Nam. Ông David, một người ngoại quốc làm việc tại Sài Gòn gần sáu năm, chia sẻ với tôi rằng mỗi lần ông đi công tác ra khỏi Việt Nam thì ông rất hồi hộp. Bởi vì trước khi lên phi cơ trở về Việt Nam, ông lại bị các hãng hàng không kiểm tra coi có mang đủ loại giấy tờ mới phát sinh mà chính quyền Việt Nam đòi hay không.

 

Lý do mà các hãng hàng không phải thực hiện việc kiểm tra trước như vậy là vì họ phải chịu chi phí đưa hành khách quay ngược lại nơi xuất phát, nếu vị khách đó không vào được Việt Nam vì thiếu loại giấy tờ phía Hải quan Việt Nam đòi.

 

Nhìn vào mớ giấy tờ bị đòi trong bộ hồ sơ xin cấp mới hay gia hạn Giấy phép lao động thì người Việt còn thấy mệt và bối rối, huống hồ chi là người ngoại quốc?

 

Tóm lại, Việt Nam muốn thu hút du khách quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại thì phải tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động ngoại quốc ở Việt Nam; bảo vệ cảnh quan tự nhiên, tạo môi trường sạch sẽ; xây dựng mạng lưới giao thông công cộng hợp lý; tính toán lại giá vé bay nội địa; và tuyệt đối cấm các điểm tham quan và buôn bán áp dụng cơ chế hai giá, tính giá cao hơn cho người ngoại quốc.

 

Thêm vào đó, ngành du lịch cũng cần phát triển thêm điểm đến văn hóa, giảm bớt việc khai thác quá khứ qua các bảo tàng chứng tích chiến tranh, di tích thời chiến.

 

Bài thể hiện quan điểm riêng của Tidoo Nguyễn, hiện sống tại Sài Gòn, VN.

 

-------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

 Du lịch Việt Nam: 'Visa không phải là cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề'

17 tháng 8 năm 2023

.

Việt Nam 'đội sổ' về nhà vệ sinh công cộng cho dân và du khách

9 tháng 2 năm 2023

.

Vịnh Hạ Long ngập trong rác, chính quyền ở đâu?

20 tháng 4 năm 2023

 

 



No comments: