Vì
sao Hà Nội rất cần nâng cấp quan hệ với Mỹ?
07/09/2023
https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-ha-noi-rat-can-nang-cap-quan-he-voi-my-/7258114.html
Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ phục
vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động,
mối đe dọa chiến lược từ Trung Quốc và tình hình kinh tế hiện đang gặp nhiều
khó khăn, các chuyên gia nhận định với VOA.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d9c1-08db3df03792_w650_r1_s.jpg
Ngoại trưởng Mỹ
Anthony Blinken bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong chuyến
thăm Hà Nội hồi tháng Tư
Vào ngày 10/9 sắp tới, ông Joe Biden sẽ là vị tổng thống Mỹ thứ năm đến
thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Mặc dù
chỉ ở Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông Biden được cho là sẽ cùng
các lãnh đạo Việt Nam nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ mức đối tác toàn diện lên đối
tác chiến lược toàn diện.
Đây là bước nhảy vọt hai cấp, đưa Mỹ vào nhóm nhỏ vài nước có khuôn khổ quan hệ
ở mức độ cao nhất với đất nước từng là cựu thù của Washington – ngang bằng với
mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh và Moscow.
Ngoài Nga và Trung Quốc, Việt Nam hiện chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn
diện với Ấn Độ, Hàn Quốc và sắp sửa có thêm Úc, Singapore và Indonesia gia nhập
vào câu lạc bộ này.
‘Mong mỏi hết sức’
Việc nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất với Mỹ là ‘diễn biến hệ trọng’, ông
Greg Poling, giám đốc chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
Quốc tế (CSIS), nói với VOA.
“Nó cho thấy hai nước ngày càng sát cánh chiến lược với nhau,” ông lưu ý.
Về lý do Hà Nội phải tiến gần hơn đến Mỹ, ông Poling giải thích rằng do Hà Nội
‘xem Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược’ nên quan hệ gắn bó hơn với Mỹ và các
nước cùng chí hướng ‘là cần thiết để giữ tự chủ chiến lược’.
Tại một sự kiện tranh cử ở Freeport, bang Maine, hồi cuối tháng 7, ông Biden tiết
lộ ông ‘nhận được một cuộc gọi từ lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ rất mong gặp
ông và muốn đưa Mỹ lên thành một đối tác chủ chốt ngang hàng với Nga và Trung
Quốc’. Nguyên văn chữ ông Biden dùng là ‘desperately’, dịch thoát là ‘mong mỏi
đến tuyệt vọng’.
“Nó truyền đi thông điệp trong khắp bộ máy chính quyền Việt Nam rằng giới lãnh
đạo cấp cao xem mối quan hệ kinh tế, quân sự và giữa người dân hai nước chặt chẽ
hơn với Mỹ là ưu tiên hàng đầu,” ông Greg Poling nói.
Theo thông cáo báo chí phát đi từ Nhà Trắng, ông Biden và các lãnh đạo Việt Nam
sẽ ‘tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế tập trung vào công
nghệ lấy sáng tạo làm động lực và tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng
trong khu vực.
“Làm sâu sắc hơn thương mại, đầu tư với Mỹ giúp Việt Nam vượt qua những khó
khăn hiện nay,” Tiến sỹ Võ Trí Thành, cựu phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế
Trung ương, nói với VOA.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tốc độ tăng trưởng
còn 4.14% trong quý 2 năm nay, mức tăng trưởng quý 2 thấp nhất kể từ năm 2011
và thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6.5% do nhu cầu chậm lại trên
thị trường Mỹ và châu Âu, khiến cho hàng trăm ngàn công nhân thất nghiệp.
Tiến sỹ Thành lưu ý Mỹ là ‘đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt’ của Việt Nam.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Trung Quốc, và nhà đầu tư lớn thứ
tám của quốc gia đông nam Á này. Kim ngạch thương mại song phương đạt 139 tỷ đô
la trong năm 2022, theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ và Mỹ đã đăng ký số vốn đầu
tư 405 triệu đô la trong sáu tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu
tư Việt Nam.
“Thời điểm hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt cải cách và phát
triển. Nếu lúc trước Việt Nam dựa vào những nguồn lực sẵn có như lao động, tài
nguyên, đất đai, thì trong những năm gần đây Việt Nam đã đặt ra vấn đề phát triển
dựa vào năng suất, tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, vào công nghệ,”
ông Thành nói.
Ông nói thêm là Việt Nam đang chuyển tiếp sang nền kinh tế số và kinh tế
xanh cũng như muốn hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những chỗ
mà Washington có thể giúp Việt Nam.
Xây dựng chuỗi cung ứng có tính chống chịu cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất
chất bán dẫn là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden. Trong chuyến thăm
đến Việt Nam hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã xem Việt
Nam là đối tác quan trọng trong lĩnh vực này.
‘Điều phải làm’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo độc lập còn được biết đến là
blogger Ba Sàm, nói rằng theo tin tức rò rỉ từ hậu trường thì để đi đến quyết định
nâng cấp quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ‘đã tranh luận
rất nhiều’.
“Bộ Chính trị có sự đồng thuận rất là chắc chắn về nâng cấp quan hệ với Mỹ,
nhưng chỉ tranh cãi là nâng lên đến mức nào. Trong các cuộc họp, Bộ Chính trị
đã nâng lên đặt xuống hai phương án là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược
toàn diện,” ông nói và cho biết tin này rò rỉ ra trước khi ông Biden xác nhận
Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ nên ‘khả tín’.
Thông tin ban đầu cho biết Việt Nam muốn nâng một cấp lên thành đối tác chiến
lược nhưng gần đây Reuters cho biết Hà Nội sẽ nâng lên ‘đối tác chiến lược toàn
diện’.
“Cái áp lực của tình hình bên ngoài, của Trung Quốc, rồi cuộc chiến
Nga-Ukraine, tình hình kinh tế Việt Nam – có nhiều yếu bắt buộc người ta có thể
thay đổi và cân nhắc,” ông Vinh nói.
Theo lời ông thì lâu nay giới lãnh đạo Việt Nam ‘cứ trù trừ việc mở rộng quan hệ
với Mỹ’ vì sợ gây hấn với Trung Quốc ‘nhưng Trung Quốc có nới cái gì cho Việt
Nam đâu mà còn liên tục gây sức ép’.
“Nếu các lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận tình hình như thế và thấy lòng dân như thế
thì cần phải có quyết định dứt khoát,” ông khẳng định.
“Từ phương diện người quan sát, người dân và lợi ích quốc gia thì tôi thấy việc
nâng cấp quan hệ với Mỹ rất là cần, rất là đáng, không những nâng lên đối tác
chiến lược mà còn là đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam có thể thuận lợi
nhiều cái. Mỹ có thể giúp trong vấn đề vũ khí, vấn đề kinh tế, chuyển giao công
nghệ… rất nhiều thứ,” ông Vinh nói thêm.
Nga hiện là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam, nhưng với những
khó khăn của Nga do cuộc chiến ở Ukraine, blogger này cho rằng Việt Nam nên dần
giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga để tìm đến vũ khí của Mỹ.
“Việt Nam cần sớm chuyển hướng trong mối quan hệ với Nga, nhất là về vũ khí, nếu
chậm thay đổi thì sau này xảy ra chuyện thì sẽ rất khó,” ông lưu ý.
Nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng như với các đồng minh của Mỹ như Úc, Hàn,
Singapore là những tín hiệu cho thấy Việt Nam ‘có vẻ như đang xoay chiều về
phía phương Tây’. Ông ca ngợi đây là ‘điều đáng mừng’ và là ‘điểm cộng cho các
lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam’.
“Thay vì họ phải đối đầu trực diện, cứng rắn, lên gân với Trung Quốc thì giờ
đây họ đi theo ngả khác,” ông giải thích.
Cũng theo lời nhà báo độc lập này thì Hà Nội ‘không sợ phản ứng từ Bắc Kinh’.
“Họ thấy trước vấn đề này và họ đã chuẩn bị trước tất cả cho những khả năng này
từ lâu rồi. Có thể họ rất hiểu nội tình ban lãnh đạo Việt Nam và có thể họ
không mấy lo lắng với một số động thái của Việt Nam vừa rồi,” ông giải thích.
Ông đưa ra dẫn chứng là gần đây không thấy Trung Quốc có ‘sức ép gì tương xứng
với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ ngoài việc gây sự trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam’.
“Bắc Kinh rất tự tin rằng Hà Nội sẽ không rời xa quỹ đạo của họ để đi về phía
Washington,” ông khẳng định.
Chỉ vài ngày trước khi ông Biden đến Hà Nội, ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban liên
lạc đối ngoại trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến Hà Nội gặp Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng để khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng, hai
nước. Reuters cũng đưa tin rằng có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc
Thủ tướng Lý Cường sẽ gặp các lãnh đạo Việt Nam sau khi ông Biden thăm Hà Nội.
“Đối với Washington, Việt Nam là một đối tác kinh tế năng động trong khu vực và
là một nước không liên minh quan trọng ở bán cầu Nam – nơi diễn ra cuộc cạnh
tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc,” chuyên gia Greg Poling lưu ý.
No comments:
Post a Comment