Về buổi gặp gỡ của Thủ
tướng Phạm Minh Chính với người Việt tại San Francisco
Joaquin Nguyễn Hòa
Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ San Jose, Hoa Kỳ
20 tháng 9 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66859654
Khách sạn Fairmont San Francisco, tọa lạc trên một
khu đồi sang trọng bậc nhất thành phố đắt đỏ hàng đầu của nước Mỹ, San
Francisco.
Chiều tối ngày 17/9/2023, không khí tại khách sạn hơi chộn rộn hơn mọi
khi, người ta thấy các nhân viên an ninh của khách sạn đi đi lại lại, rồi một số
người có vóc dáng Á châu, trên tai đeo thiết bị nghe không dây trông có vẻ bận
rộn và căng thẳng.
Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng tổ chức một cuộc
gặp gỡ với "cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ". Đây là điểm dừng
chân đầu tiên của phái đoàn chính phủ Việt Nam trong hành trình đến dự phiên thảo
luận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York.
https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/BEAD/production/_131131884_phaminhchinh0364.jpg
Thủ tướng Việt Nam,
ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng tổ chức một cuộc gặp gỡ với "cộng
đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ" ở San Francisco hôm 17/09
Tôi nhận được thư mời vài hôm trước, thư ghi là buổi gặp gỡ bắt đầu lúc
7 giờ tối, nhưng khách phải có mặt lúc 6 giờ để làm thủ tục. Tôi đến khách sạn
khi chưa đến 6 giờ, có một hàng người tay cầm cờ đỏ sao vàng trong sảnh khách sạn
để đợi đón thủ tướng.
Kiểm soát an ninh được các nhân viên an ninh người Việt thực hiện khá
thận trọng. Khách mời phải được kiểm tra bằng máy dò kim loại, máy ảnh được bảo
phải bật lên để kiểm tra,… Một việc khá thú vị là một nhân viên an ninh (tôi
đoán thế vì anh ta có đeo một máy nghe trên tai), kiểm soát rất kỹ các chai nước
uống bằng thủy tinh, vẫn còn hàn kín, để trên dãy bàn mà các viên chức Việt Nam
cùng thủ tướng sẽ ngồi. Anh ta cứ chuyển đổi những chai nước từ chỗ này sang chỗ
khác.
Buổi gặp gỡ bắt đầu trễ hơn dự định khoảng 30 phút, có lẽ lý do là vì
đoàn Việt Nam chỉ vừa đến sân bay San Francisco cách đó hai giờ, và khi họ đến
khách sạn thì các nhân viên tháp tùng thủ tướng phải bận triển khai công việc
an ninh (?!)
Kinh tế Việt
Nam sẽ 'bùng nổ' thế nào sau nâng cấp quan hệ với Mỹ?
Quan hệ Mỹ-Việt
nâng cấp và vị thế của TBT Nguyễn Phú Trọng
Bốn nhà hoạt
động VN tị nạn tại Mỹ, Đức sau thỏa thuận với chính quyền Biden
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3DE1/production/_131114851_whatsubject.jpg
Thủ tướng Việt Nam Phạm
Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ ở
Hà Nội hôm 11/9/2023
Có đến gần 200 người tham dự, ngồi chật hết gian phòng được thuê của
khách sạn.
Trong đoàn tùy tùng của thủ tướng, tôi nhận ra vài gương mặt quen thuộc
trên truyền thông VN: ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng
Ngoại giao, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Hồ
Đức Phớt Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Phát
biểu của người tới dự và vị khách quan trọng nhất
Thức ăn nhẹ được phục vụ trước khi cuộc gặp gỡ được ông tổng lãnh sự Việt
Nam tại San Francisco, Hoàng Anh Tuấn, khai mạc. Có năm vị được giới thiệu là
"đại diện kiều bào", đọc phát biểu của họ.
Người đầu tiên là một giáo sư tại một trường đại học gần Sacramento,
ông Phan Mẫn. Ông Phan Mẫn nói rằng ông rất vui khi thấy quan hệ Việt Mỹ được
chính thức nâng lên tới mức cao nhất vào ngày 10/9/2023, tại Hà Nội, khi Tổng
thống Hoa Kỳ Joe Biden được Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng
đón tiếp.
Ông Hùng Trần, một người làm việc trong ngành công nghệ cao tại vùng
Silicon Valley gần San Francisco, nói rằng ông và những người gốc Việt trong
lĩnh vực công nghệ sẵn sàng giúp đỡ đất nước. Theo ông sự phát triển của quan hệ
Việt Mỹ như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ cao phát triển tại Việt
Nam, nhưng ngành giáo dục hiện nay của Việt Nam có lẽ không đáp ứng được.
Người thứ ba "đại diện cộng đồng" là một nhà sư, Hòa thượng
Thích Đức Tuấn. Ông nói rằng sự phát triển của Phật giáo tại hải ngoại mà ông
đóng góp có thể góp phần vào việc hòa giải, làm dịu những nỗi đau mất mát của
chiến tranh.
Trên danh thiếp của nhà sư có ghi ông là Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt
Nam tại châu Mỹ, đồng thời ông cũng giữ một số trọng trách trong hàng giáo phẩm
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước. Điều thú vị là hòa thượng nói với
tôi rằng vừa qua ông cũng có đến dự khóa tu an cư kiết hạ tại chùa Bảo Phước tại
San Jose.
Đây là chương trình của hơn 70 ngôi chùa tại miền Bắc California tổ chức
luân phiên, mà chùa Bảo Phước lại thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, không được nhà nước Việt Nam công nhận, và ngược lại nhiều chùa chiền và
tăng sĩ tại hải ngoại cũng không công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước.
Đa số các chùa ở Mỹ cũng nói rằng họ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cô Diệu Liên, Chủ tịch "Hội Thanh niên sinh viên tại Mỹ", nêu
mong muốn rằng việc tổ chức cho sinh viên Việt Nam tại Mỹ cần làm một cách có hệ
thống hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao
VN, ông Bùi Thanh Sơn tại buổi lễ hôm 17/09
Người cuối cùng "đại diện cộng đồng" là bà Thủy Nguyễn, được
biết là có công đưa chương trình dạy tiếng Việt vào các trường công tại bang
Oregon. Bà thúc giục nhà nước Việt Nam ủng hộ nỗ lực dạy tiếng Việt tại Hoa Kỳ,
bà trích dẫn câu nói của ông Phạm Quỳnh, nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là
thượng thư triều Nguyễn thời Pháp thuộc: "Tiếng ta còn là nước ta
còn".
Thủ tướng Phạm Minh Chính có diễn từ đáp lời. Ông nói khoảng hơn 10
phút, diễn đạt rõ ràng, rành mạch, điều hiếm thấy ở các quan chức Việt Nam. Ông
nhấn mạnh những câu cuối mang tính khẩu hiệu trước khi có những tràng vỗ tay.
Rất rõ, ông là người rất thành thục trong việc đọc diễn văn như thế.
Ông Chính nói chuyện hầu như không cần nhìn giấy. Ông điểm lại lịch sử quan hệ
Việt - Mỹ, đi từ thù địch trong chiến tranh, đến hợp tác chiến lược toàn diện.
Ông đánh giá cao cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nhất là tại Mỹ, khen ngợi
sự thành công về mọi mặt của họ.
Trong diễn từ năm nay không thấy ông Chính nói rằng "thành công của
kiều bào là kết quả thành công của đường lối đối ngoại của đảng cộng sản Việt
Nam" như ông đã nói ở Washington D.C. vào năm 2022. Tôi còn nhớ câu nói
năm đó của ông làm dấy lên nhiều chỉ trích từ người Mỹ gốc Việt.
Điều đặc biệt là có đến hai lần, ông Chính nói rằng chuyến thăm của Tổng
thống Biden, được Tổng Bí thư Trọng đón vừa qua là sự công nhận của nước Mỹ đối
với chế độ chính trị Việt Nam, công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn chung, cử tọa của lần "gặp gỡ kiều bào" này, có vẻ đông
hơn những lần khác trong năm 2022.
Tuy nhiên tính chất của các "kiều bào" có vẻ cũng thế. Một số
khá đông là những người già cả, về hưu, đã ở Mỹ lâu năm, có người ở từ trước
năm 1975.
Trong số những người từ lớp trung niên trở xuống thì đại đa số là những
sinh viên du học sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, rồi ở lại
Mỹ, căn cứ vào ngữ điệu, cũng như từ ngữ mà họ dùng, chẳng hạn như bà Thủy Nguyễn,
ông Hùng Trần, cô Diệu Liên,…
Phạm
Quỳnh và tiếng Việt chung
Tôi không thấy lớp người Việt trẻ, nói thứ tiếng Việt lớn lên ở Mỹ mà
tôi gặp rất nhiều tại các khu người Việt cũng như trong xã hội Mỹ hiện nay.
Không thấy chính trị gia người Mỹ gốc Việt nào, từ những chức vụ dân cử nhỏ ở
các khu nhiều người gốc Việt Nam, cho đến các vị có vị trí trong dòng chính của
chính trị Hoa Kỳ.
Buổi gặp gỡ có một chương trình văn nghệ có tên là Một thoáng
quê hương, do một đoàn văn nghệ có tên là Đoàn nghệ thuật quốc gia, tháp
tùng cùng ông thủ tướng, biễu diễn. Sau đó là chụp ảnh lưu niệm, chứ không có
phần hỏi đáp như tôi mong đợi.
Tôi ra về sau khi chương trình văn nghệ bắt đầu một chút. Điều làm tôi
nhớ nhất về "buổi gặp gỡ" này là trích dẫn của bà Thuỷ Nguyễn, câu
nói của người sáng lập tạp chí Nam Phong thời Pháp thuộc, học giả Phạm Quỳnh:
"Tiếng ta còn là nước ta còn". Sau đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh
sự tại San Francisco, lặp lại một lần nữa.
Ông Phạm Quỳnh bị một nhóm người của Mặt trận Việt
Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bắt giết vào năm 1945.
Khi bà Thủy đề cập ông Phạm Quỳnh, mà bà gọi một cách kính trọng là Cụ,
tôi không thấy có phản ứng gì ở các vị bộ trưởng Việt Nam ngồi cách tôi một
hàng ghế.
Có thể họ không biết ông là ai?
Ông Hoàng Anh Tuấn có lặp lại lời bà Thủy, nhưng hơi vấp một chút, cái
vấp của một điều ít được nói ra, chứ không phải là của một sự cấm kỵ.
Cụ Phạm Quỳnh và câu nói độc nhất vô nhị của cụ có thể là chiếc cầu hàn
gắn các nhóm người Việt, cùng nói một thứ tiếng với nhau?
Cuộc "gặp gỡ kiều bào" lần sau tôi sẽ không phải viết trong dấu
ngoặc kép?
--------------
Bài
thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Joaquin Nguyễn Hoà, hiện sống ở San
Jose, California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment